Cộng đồng Á châu mang ơn rất lớn người Da Đen đã lãnh đạo Phong trào Nhân quyền

0
228
Courtesy of Valeria Torres-Olivares ’22

Người Thông Dịch

Translated from The ‘Model Minorities’ owe a huge favor to the Civil Rights Movement

Alaina Joby, ngày 16 tháng 8 năm 2020

Mùa hè năm nay đã thấy rõ sự bùng nổ của một cuộc đối thoại vô cùng lớn về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong nhiều cộng đồng quốc nội, một vài người có vẻ như lần đầu mới khám phá ra vấn đề cũ rích này vậy. Khi tôi trò chuyện với các thành viên trong gia đình và bạn bè về những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Da Đen, tôi nhận ra rằng một vài gia đình đơn giản là không muốn quan tâm đến sự kỳ thị mà họ phải đối mặt.

Thay vì giải quyết những vấn đề lo ngại đã được làm rõ một cách minh bạch trong mùa hè này, một vài người quen của tôi đã viện cớ là tự thân người Da Đen đã có quá nhiều vấn đề, dựa trên những ngộ nhận và hình mẫu rập khuôn về người Da Đen. Một lời chỉ trích cụ thể mà tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần chính là câu hỏi, “Tại sao họ không chăm chỉ làm việc như chúng ta và tạo tiếng tốt cho mình, thay vì cứ phàn nàn mọi lúc mọi nơi?”

Tôi đã nhận thấy rằng đa phần những người đưa ra cái cớ này, trong đó có những người nhập cư, thuộc các nhóm gọi là “thiểu số gương mẫu.” Sự ngộ nhận về thiểu số gương mẫu dựa trên niềm tin rằng những người gốc Á là những thiên tài trong việc học, những người nỗ lực làm việc chăm chỉ không ngừng đã thành công và đạt được “Giấc mơ Mỹ.”

Thuật ngữ “thiểu số gương mẫu” lần đầu được sử dụng vào những năm 1960 từ ông William Petersen như là một cách để ám chỉ những người gốc gác từ Trung Quốc và Nhật Bản và từ đó đã được áp dụng cho những người gốc Á khác, nhất là những người nhập cư. Những người thuộc các nhóm này được kỳ vọng có sự nghiệp vẻ vang, và con cái của họ được trông mong có thành tích xuất sắc trong học tập và theo học các trường đại học danh tiếng. Họ được xem như là những công dân gương mẫu, luôn tuân thủ luật pháp, đặt ra một hình mẫu lý tưởng cho các nhóm thiểu số khác noi theo.

Lúc đầu nghe thì quan niệm này có vẻ là một phần trong sự củng cố tích cực – suy cho cùng, mọi người có thể “cải thiện” bản thân bằng cách noi theo các tấm gương tốt. Tuy nhiên, sự ngộ nhận này được xây dựng dựa trên hình mẫu rập khuôn, chẳng hạn như giả định là tất cả các trẻ em người Châu Á giỏi môn toán, và ngầm tiêu cực ám chỉ các nhóm thiểu số khác bằng việc tô vẽ những chuyện như là “lười biếng” hay là “không sáng dạ.” Thường thì, điều đó tạo ra những rào cản giữa cộng đồng người Mỹ gốc Á và các cộng đồng thiểu số khác, ngăn cản cộng đồng chúng ta ghi nhận những khó khăn thử thách của họ.

Thực ra không cần nhiều thời gian để thấy rõ liên kết giữa sự ngộ nhận về “thiểu số gương mẫu” và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trên nước Mỹ. Sự ngộ nhận này tước bỏ mọi nguồn gốc văn hoá và các dân tộc thiểu số khác, giới hạn họ với những hình mẫu rập khuôn thấp kém và châm ngòi ngọn lửa kỳ thị chủng tộc xấu xa. Điều đó không những khiến những người Châu Á trở thành mục tiêu của sự kỳ thị, mà nó còn khuyến khích họ trở nên kỳ thị hoặc coi thường các nhóm thiểu số khác.

Hơn thế nữa, định kiến đó còn che đậy những ảnh hưởng của sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong cộng đồng của người Da Đen ở Hoa Kỳ, đổ dồn những khuyết điểm cá nhân vào các cuộc đấu tranh của họ, thay vì đổ lỗi cho cái hệ thống xã hội đã ngăn chặn họ vượt qua những khó khăn này.

Thay vì giữ gìn địa vị “gương mẫu” và nghĩ rằng chúng ta hơn hẳn các nhóm thiểu số khác, những người Mỹ gốc Á cần phải gia nhập các nhóm này để nỗ lực đòi quyền bình đẳng, nhất là khi các nỗ lực của cộng đồng của người Da Đen đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc hầu hết đều tương đồng với chúng ta.

Nhiều người thuộc nhóm “thiểu số gương mẫu” này không nhận ra một điều rằng Phong trào Nhân quyền, được những người công dân Da Đen dẫn đầu , trải đường cho họ trở thành các “tấm gương.” Ngay cả khi người Mỹ gốc Hoa và người da đỏ gốc Á đã giành được quyền bầu cử vào những năm 1940, quyền bỏ phiếu của họ hầu như không được bảo đảm cho đến khi Đạo luật Quyền bầu cử năm 1965 được thông qua, và cấm việc phân biệt ngôn ngữ của các nhóm thiểu số. Đạo luật Nhập cư và Nhập tịch năm 1965 cũng ngăn chặn các lệnh cấm nhập cư phân biệt chủng tộc, cho phép thêm người Mỹ La tinh, Châu Á, và Châu Phi nhập cư vào Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nhiều gia đình gốc Á nhập cư vào Hoa Kỳ nhờ vào cuộc chiến giành bình đẳng của người Da Đen. Chúng ta mang ơn họ bằng cách dùng lá phiếu khó khăn lắm mới có được này để nâng tiếng nói của họ khi mà họ cần hỗ trợ. Không chỉ thể hiện qua các cuộc khảo sát và cố gắng hành động chống lại sự ngộ nhận nói trên như là việc mà người có đạo đức cần làm bằng trách nhiệm với cộng đồng của công dân, nó còn biểu lộ việc chúng ta mang ơn cộng đồng đã gieo mầm cho sự phát triển của chúng ta.

Sự ngộ nhận này đặc biệt phổ biến trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Trẻ em thuộc nhóm “thiểu số gương mẫu” phải đối mặt với áp lực một cách liên tục để giữ vững điểm số cao và chứng tỏ bản thân, trong khi trẻ em từ những nhóm khác không bị kỳ vọng phải đạt thành tích tương tự. Nếu có đi chăng nữa, đa số các em bị sắp đặt để thất bại, tạo ra hiệu ứng thắt cổ chai nơi mà nhiều học sinh thuộc các nhóm “khá giỏi” có thể được học cao hơn trong khi những nhóm khác đối mặt với rào cản có hệ thống và các kỳ vọng thấp bị đẩy ra.

Hiệu ứng này ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục bậc cao như Princeton. Theo thống kê của khóa tốt nghiệp năm 2023 từ Princeton, khoảng 24% sinh viên được nhận vào là người Mỹ gốc Á, trong khi chỉ có 11% sinh viên là người Mỹ La tinh, 7% là người Mỹ gốc Phi, và ít hơn 1% là người Mỹ da đỏ. Những tỉ lệ phần trăm này không phản ánh chỉ số phân biệt chủng tộc bên ngoài Orange Bubble (Bong bóng Cam, hoặc bất kỳ cơ sở giáo dục bậc cao khác, cho vấn đề đó), kết quả cho thấy quốc gia này không thể tạo cơ hội giáo dục bình đẳng cho sinh viên người Da Đen. Nếu những sinh viên này bị cản trở trong việc khai thác tiềm năng qua giáo dục, thì làm thế nào để họ kỳ vọng vào việc vượt qua vô vàn rào cản mà họ phải đối mặt?

Với tư cách là sinh viên và thực hiện bổn phận công dân, đó là nhiệm vụ của chúng ta để tăng tiếng nói của những người không được hiện diện trong các môi trường học vấn hàng đầu. Ai cũng có đủ tiềm năng để thành công nếu có cơ hội, và chúng ta nhất định phải đấu tranh cho một tương lai mà tất cả mọi người đều có cơ hội đó. Princeton và các cơ sở giáo dục khác có thể bắt đầu bằng cách tăng cường nỗ lực nhận thêm nhiều sinh viên Da Đen và các nhóm thiểu số khác, và cung cấp cho họ nguồn lực để thành công.

Sự ngộ nhận về “thiểu số gương mẫu” đã phát triển qua nhiều thời đại, nhiều như cỏ dại mọc giữa mùa gặt của phong trào bình đẳng chủng tộc. Thay vì xui khiến các nhóm thiểu số chống lại nhau, chúng ta phải cố gắng nâng tầm các cộng đồng bị thiệt thòi lên và để đạt được sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả mọi người. Một hệ thống cản trở một số người trong chúng ta đến sự thành công chính là một hệ thống đảm bảo rằng không ai trong chúng ta sẽ đạt được điều đó.

Alaina Joby là sinh viên năm nhất đến từ Los Angeles, California. Liên hệ cô ấy tại ajoby@princeton.edu.

Người dịch: Tegan Tran

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/cong-dong-a-chau-mang-on-rat-lon-voi-phong-trao-nhan-quyen-ma-nguoi-da-den-lanh-dao