Lê Công Định
Cơ quan Cảnh sát Điều tra quận 2 vừa gửi Thông báo số 01/TB đề ngày 11/05/2017 về việc từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư Đặng Đình Mạnh đại diện hai nạn nhân Lê Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Hương trong vụ việc côn đồ Phan Sơn Hùng và đồng bọn hành hung họ.
Lý do từ chối là vì “Công an quận 2 đang trong quá trình xác minh làm rõ tố giác về tội phạm”, tức ngoài thủ tục tố tụng hình sự mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Thông báo cũng nhấn mạnh rằng theo Khoản 2 Điều 59 của Bộ luật Tố tụng hình sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Có thể nói Công an quận 2 rất khôn khéo trong việc vận dụng luật để loại bỏ sự tham gia của luật sư Đặng Đình Mạnh cùng với hai nạn nhân Lê Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Hương. Quả thật vụ việc này chưa thuộc phạm vi tố tụng hình sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, nên luật sư không thể tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại trong vụ án hình sự khi chưa khởi tố, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Luật Luật sư.
Tuy nhiên, trong phạm vi hành nghề luật sư quy định tại Điều 22 của Luật Luật sư, ngoài tham gia tố tụng luật sư còn “đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật” theo Khoản 4 của điều này.
Do Thông báo số 01/TB nêu trên của Công an quận 2 khẳng định vụ án chưa bị khởi tố, nên luật sư Đặng Đình Mạnh hoàn toàn có quyền đại diện ngoài tố tụng cho hai chị Lê Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Hương.
Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng hay Giấy chứng nhận người bào chữa cấp cho luật sư là thủ tục chỉ áp dụng khi luật sư tham gia tố tụng, theo quy định tại Điều 27 của Luật Luật sư và Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cả hai luật này tuy vậy đều không áp dụng thủ tục cấp giấy chứng nhận đó vào trường hợp luật sư đại diện ngoài tố tụng, vì đã có tố tụng đâu mà cấp (!).
Do đó, theo quy định tại Điều 29 của Luật Luật sư chỉ cần luật sư Đặng Đình Mạnh ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với hai chị Lê Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Hương thì đương nhiên có quyền đại diện hai thân chủ mình cùng làm việc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra quận 2 về vấn đề “xác minh làm rõ tố giác về tội phạm”.
Nói tóm lại, bằng Thông báo số 01/TB nêu trên, Công an quận 2 đã vô tình giúp xác định rõ phạm vi hành nghề của luật sư Đặng Đình Mạnh trong trường hợp này. Việc từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật hiện hành, vì Công an quận 2 không có thẩm quyền cấp như vậy khi luật sư Đặng Đình Mạnh đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng của mình.
Từ nay hai chị Lê Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Hương có thể đến làm việc với Công an quận 2 cùng với luật sư của mình mà không cần chờ ai cấp phép cả. Nếu nhân viên điều tra nào gây khó khăn, hai chị có quyền viện dẫn chính Thông báo số 01/TB nêu trên.
Cuối cùng, về phương diện nghề nghiệp, việc luật sư Đặng Đình Mạnh cố tình làm đơn xin tham gia tố tụng để buộc Công an quận 2 phải đưa ra thông báo xác định rằng vụ việc chưa ở giai đoạn tố tụng và do đó không thể cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, đã mặc nhiên trao cho anh quyền đại diện ngoài tố tụng mà không cần ai cấp phép. Tôi xin ngả mũ bái phục đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh vì thế cài tuyệt đẹp này. Cũng xin cám ơn Công an quận 2 đã ngay tình tuân thủ pháp luật.