BBC
Tác giả phim tài liệu Mẹ Nấm phải sống xa quê để trốn chính quyền trong khi cuốn phim đang được trình chiếu ở nhiều nước.
Quá trình làm phim đầy nguy hiểm
“Mẹ Vắng Nhà là cuốn phim tài liệu duy nhất của tôi và cũng là phim đầu tiên về gia đình một tù nhân lương tâm Việt Nam,” Clay Phạm, đạo diễn và sản xuất phim tài liệu Mẹ Nấm, chia sẻ với BBC.
“Cuối năm 2017, sau khi xong phần quay cho phim Mẹ Nấm, tôi có việc phải ra nước ngoài vài hôm. Trong chuyến đi đó tôi đã bị an ninh Việt Nam giam lỏng tại sân bay, tịch thu không biên bản toàn bộ tài sản cá nhân bao gồm hộ chiếu, laptop, các thiết bị chuyên dụng dành cho quay phim, giấy tờ tuỳ thân… Sau đó họ thông báo tôi bị cấm xuất cảnh vô thời hạn.”
“Gia đình tôi cũng liên tục bị an ninh quấy nhiễu để khai thác thông tin về tình hình hiện tại của tôi.”
“Bản thân tôi không được về nhà, phải tạm lánh ở một địa phương khác để tránh sự sách nhiễu và giữ an toàn cho bản thân.”
Phim blogger Mẹ Nấm ‘gây sốc’ tại Bangkok
Huỷ chiếu lại phim Mẹ Nấm vì VN yêu cầu
Blogger Mẹ Nấm được đề cử Nobel Hòa Bình
Giới hoạt động VN muốn Mẹ Nấm, Thuý Nga tị nạn
Trên thực tế, không phải đợi đến sau khi phim Mẹ Nấm hoàn thành, Clay Phạm mới gặp rắc rối với chính quyền.
Trong quá trình làm phim, ông luôn phải đối phó sự theo dõi của an ninh địa phương cùng hệ thống camera do chính quyền lắp đặt ‘dày đặc’ quanh nhà blogger nổi tiếng.
“Tôi đã nhận được sự bảo vệ tuyệt đối của gia đình bà Lan [thân mẫu của Mẹ Nấm] trong thời gian này. Tôi rất cảm ơn bà Lan về sự bảo bọc này”, Clay Phạm nói.
“Bây giờ khi phim được mang đi chiếu ở khắp nơi thì tôi mong tôi và gia đình sẽ không còn bị sách nhiễu, có thể quay trở lại cuộc sống của một công dân bình thường.”
Mẹ Nấm – Nguồn cảm hứng
Clay Phạm cho hay ông biết đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh qua một vài người bạn. Thời điểm đó, blogger Mẹ Nấm đã bị bắt giam gần một năm.
Thông tin về hành trình đấu tranh cho dân chủ của Mẹ Nấm gây cảm hứng cho ông. Sau đó, Clay tìm đọc thêm tin tức về Mẹ Nấm trên internet.
Dần dần, ý tưởng làm phim tài liệu về Mẹ Nấm nảy sinh.
“Khi biết đến câu chuyện của Quỳnh, tôi có vài lần đến nhà Quỳnh ở Nha Trang và được bà Lan tiếp đãi rất nhiệt tình, vui vẻ. Tôi đặc biệt có sự quý mến đối với Nấm và Gấu – hai đứa con nhỏ của Quỳnh.”
“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ rằng sẽ làm một cuốn phim ngắn bỏ túi để sau này khi Quỳnh ra tù, cô sẽ thấy được những đứa con của mình lớn lên như thế nào trong thời gian không có mẹ.”
“Tuy nhiên, càng hiểu nhiều về câu chuyện của Quỳnh, tôi càng thấy quý trọng cô ấy hơn. Tôi muốn kể chuyện của cô ấy như một câu chuyện truyền cảm hứng về một tù nhân lương tâm.”
“Tôi nhớ mãi hình ảnh bà Tuyết Lan, ở tuổi ngoài 60, vẫn tất bật vừa chăm cháu, dạy cháu, vừa mưu sinh, vừa đi tìm công lý cho con gái…”
“Bà Lan là một mẫu người phụ nữ khi cần nghị lực thì rất can trường, khi cần nhẫn nhịn thì rất cam chịu. Có những hôm áp lực đến nỗi bà giận dữ la mắng hai đứa cháu. Sau đấy tôi lại thấy bà trốn vào một góc nhà ôm mặt khóc nức nở.”
“Lúc đó bà mới nghẹn ngào: “Không hiểu tại sao tôi lại trở nên như vậy, vì sao gia đình tôi lại rơi vào thảm cảnh như thế này”.
“Tôi tự hỏi: “Với sức lực của một người phụ nữ ngoài 60, liệu bà Lan có thể chịu đựng thêm 10 năm ròng rã? Liệu khi bà gục ngã thì con gái và hai đứa cháu sẽ ra sao?”
“Thời gian đầu tiếp xúc với gia đình Quỳnh, tôi cứ bị ám ảnh một câu hỏi: “Tại sao một người mẹ trẻ lại chấp nhận rời xa hai đứa con mình để đấu tranh dân chủ?”
“Dần dần tôi tự tìm được câu trả lời qua lối sống và cách dạy con cháu của bà Lan. Ở Việt Nam, gia đình là nền tảng. Nhưng mỗi gia đình có thể có cách riêng để nuôi dạy, hay bày tỏ tình yêu với con cái.”
“Tôi xin trích dẫn lời Quỳnh như một minh chứng về tình yêu cô dành cho hai con: “Những gì tôi tranh đấu hôm nay, là những gì tôi muốn con cái tôi hưởng trọn vẹn sau này”.
Cấm ở Việt Nam – Chiếu khắp thế giới
Phim tài liệu Mẹ Nấm không được cấp phép chiếu ở Việt Nam. Thậm chí ngay tại Thái Lan phim cũng mới được chiếu một lần cho báo giới quốc tế tại CLB Nhà báo ở Bangkok.
Buổi chiếu phim lần thứ hai tại Bangkok hồi đầu tháng Bảy bị hủy bỏ vào phút chót “do yêu cầu của chính quyền Việt Nam”.
Tuy nhiên, “Mẹ Vắng Nhà” đã, đang và sẽ được chiếu ở nhiều nước trên thế giới, theo ông Trịnh Hội thuộc tổ chức VOICE – được Clay Phạm ủy quyền sử dụng cuốn phim.
“Phim tài liệu về Mẹ Nấm của Clay Phạm được chiếu lần đầu tại Úc. Sắp tới sẽ chiếu thêm nhiều lần nữa tại Úc do có thêm rất nhiều đề nghị tại đây,” ông Trịnh Hội nói với BBC từ Hoa Kỳ.
“Phim cũng sẽ được chiếu vào thứ Bảy tại Nam California và vào Chủ Nhật tại Bắc California. Vào tháng Tám, chúng tôi sẽ đem phim đi chiếu ở Đài Loan, nhiều vùng khác của Hoa Kỳ, và châu Âu.”
“Trong cái rủi có cái may. Chính quyền Việt Nam càng cấm thì bộ phim càng nổi tiếng, khán giả càng muốn xem. Chúng tôi đã nhận được hàng trăm lời đề nghị chiếu phim ở khắp nơi.”
Ông Trịnh Hội nói lần chiếu ở Houston, Hoa Kỳ mới đây, “Mẹ Vắng Nhà’ thu hút 1.500 khán giả”.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy có nhiều người tham gia một sự kiện về nhân quyền đông đến vậy trong suốt hơn 20 làm việc trong lĩnh vực này,” ông Trịnh Hội nói với BBC.
“Điều tôi vô cùng hãnh diện là phim được làm hoàn toàn trong nước, từ kịch bản, quay phi, hậu kỳ đến phụ đề. Hơn thế nữa, người làm phim bị ngặp nguy hiểm nhưng vẫn dũng cảm nói lên sự thật, đưa câu chuyện ra ánh sáng.”
Bao giờ mẹ thôi vắng nhà?
Phim tài liệu về Mẹ Nấm của Clay Phạm được trình chiếu khắp thế giới trong khi nhân vật chính của phim, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đang tuyệt thực trong tù.
Theo bà Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh, Mẹ Nấm tuyệt thực để phản đối những chính sách tra tấn tinh thần của trại giam.
Mới đây, bà Lan cho biết Mẹ Nấm đã ngừng 16 ngày tuyệt thực sau khi đại diện của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã vào tù thăm chị.
Ông Trịnh Hội cho rằng việc phim tài liệu về Mẹ Nấm được chiếu nhiều nơi sẽ giúp tạo áp lực để tranh đấu cho tự do của bà.
“Chúng tôi có kinh nghiệm rằng khi hồ sơ của tù nhân lương tâm nào được để ý thì chính quyền sẽ giảm bớt đàn áp đối với họ. Do đó, chúng tôi hi vọng rằng sự quan tâm của quốc tế tới phim Mẹ Nấm và bàn thân chị sẽ giúp chị ‘dễ thở hơn trong tù,” ông Trịnh Hội nói.
Còn theo Clay Phạm, mục đích làm phim của ông chỉ đơn thuần về hoàn cảnh của một gia đình tù nhân lương tâm. Ông không hề có dự định tuyên truyền cho Mẹ Nấm, cũng không áp đặt bất cứ khuynh hướng chính trị nào trong phim.
“Tuy nhiên nếu sau khi xem phim khán giả đồng cảm với câu chuyện tôi kể và thấy những việc Quỳnh làm là đúng thì hãy lên tiếng vì tinh thần của người phụ nữ mạnh mẽ này.”
“Mong nhiều cá nhân và tổ chức sẽ cùng cất lên tiếng nói để Quỳnh sớm thoát khỏi vòng lao lý và gia đình họ sớm được đoàn tụ,” Clay Phạm chia sẻ.
Những người như Mẹ Nấm, bà Tuyết Lan và con cháu họ, với Clay Phạm, cũng giống bao người Việt Nam “chân phương giản dị”, “khác chăng là tình cảm họ dành cho Việt Nam nhiều hơn, tha thiết hơn…”