CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?!

    0
    580
       

    Thảo Dân

    Đọc quá nhiều chuyện tồi tệ về ngành giáo dục trong đó bao gồm lũ biến thái đồi bại đội lốt thầy giáo xảy ra liên tục nhiều năm gần đây, tôi- một giáo viên trực tiếp đứng lớp, hàng ngày tiếp xúc với bọn trẻ, một phụ huynh có con đang ở độ tuổi đến trường không khỏi phẫn uất và tuyệt vọng. Phẫn uất vì những chuyện xấu xa đó đã, đang và vẫn tiếp diễn, kẻ thủ ác thì vẫn nhơn nhơn đứng trên bục giảng. Tuyệt vọng vì sự ứng phó vô cảm, tắc trách, sự bao che thô thiển, bất chấp công luận của lãnh đạo ngành và những cơ quan hữu trách.

    Vậy chúng ta phải làm gì khi không còn có thể đặt niềm tin vào công lý và đạo lý? Cần phải tự bảo vệ con mình. Không thể trông cậy vào ai khác trong một xã hội loạn chuẩn, khi mà thằng đảng viên tham nhũng ra tòa, thằng nghiện giết người và thằng thầy giáo dâm ô đều được báo chí nhận xét là ngoan ngoãn, hiền lành, mẫu mực, được xóm giềng quý mến.

    https://www.facebook.com/nguyentuyetnhi2019/videos/2405614593005333/

    Trước tiên, cần gần gũi, quan tâm với con, làm một người bạn để con chia sẻ những gì chúng đang gặp phải, chúng âu lo. Hi vọng vào con nhưng đừng kỳ vọng, đừng đặt áp lực thành tích lên con cái. Khi đặt bất kỳ áp lực nào lên con thì vô hình chung, chúng ta đã tạo khoảng cách, đẩy chúng ra xa và vì thế khả năng hỗ trợ con trong những tình huống có vấn đề sẽ bị hạn chế. Cần quan tâm tới cảm xúc của con thay vì chỉ coi trọng điểm số. Trong nhiều trường hợp, điểm số không giúp con cái chúng ta thoát hiểm. Mỗi khi con đi học về, cần quan sát thái độ, cảm xúc và những biểu hiện của trẻ. Cần biết ít nhất vài ba người bạn con thân thiết và thường xuyên liên hệ với bố mẹ bọn trẻ để tạo ra “sự liên kết” thân tình, cùng tìm hiểu những gì trẻ gặp phải ở lớp và có cách xử trí kịp thời. Nếu có thể, nên tạo cơ hội cho bọn trẻ giao lưu ngoài giờ học dưới sự giám sát của ít nhất một bố, mẹ. Những khi như vậy, trẻ bộc lộ rất nhiều suy nghĩ, nhận xét về thầy cô, bạn bè, trường lớp, người lớn được biết những điều đó không bao giờ thừa.

    Nếu trẻ còn nhỏ thì mỗi ngày khi tắm rửa cho con, cần kiểm tra kỹ thân thể trẻ, không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần trao đổi tận nơi với giáo viên, để nghe những giải thích và cách giải quyết chân thành nhất. Với trẻ lớn, mẹ quan tâm con gái, bố để tâm tới con trai, kết hợp giáo dục giới tính cho con một cách phù hợp.

    Bố mẹ, anh chị em cần dạy trẻ những kỹ năng, nguyên tắc về ứng xử. Khoảng cách phù hợp, các hành vi được phép và không được phép với người lạ, người thân, không nên đi đâu, với ai, khi nào, khi gặp sự cố thì phải làm gì, trước những lời đe dọa của kẻ xấu (bao gồm TẤT CẢ những kẻ có những hành vi vượt chuẩn) thì sẽ chia sẻ với ai, chia sẻ như thế nào, nếu có chứng cứ thì phải khôn khéo bảo vệ chứng cứ ra sao. Cần đảm bảo cho trẻ điểm tựa từ gia đình, người thân, cho trẻ tin, bất luận trong trường hợp nào trẻ cũng không bị phán xét, bất luận trong trường hợp nào, trẻ cũng có sự bảo trợ cần thiết và không ai dám làm hại bố mẹ nếu trẻ chia sẻ sự việc gặp phải.

    Khi các con đi học thêm, nhất là học nhóm nhỏ, cần thẩm định tư cách đạo đức của thầy cô từ nhiều nguồn chứ không chỉ quan tâm trình độ chuyên môn. Không cho trẻ học ở phòng học quá kín đáo, phòng học xa khu dân cư, không nên để một thầy một trò khác giới khi thiếu sự kiểm soát. Tuyệt đối không để con gái có mối quan hệ thân mật vượt mức với thầy giáo tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc. Một cô bé, cậu bé học trò kinh nghiệm sống non nớt rất khó đối phó và thoát khỏi những gã yêu râu xanh đội lốt thầy giáo.

    Quan trọng hơn, hãy dạy trẻ về quyền con người, ý thức về nhân phẩm, dám phản kháng mạnh mẽ và khôn khéo khi bị quấy rối, xâm hại, tùy theo hoàn cảnh mà ứng xử để vừa giữ được sự an toàn vừa ngăn chặn được nguy cơ, theo từng độ tuổi mà lựa cách nói phù hợp. Đó là chính trị thiết thân, không phải điều gì xa vời đâu. Một điều chung dễ nhận thấy, nạn nhân của những vụ xâm hại, quấy rối tình dục trẻ hầu như ở những gia đình mà bản thân bố mẹ có nhận thức xã hội hạn chế, sợ hãi quyền lực, dễ đe dọa, mua chuộc và thường im lặng vì sợ bị trả thù, thậm chí còn chấp nhận làm đơn bãi nại cho kẻ đồi bại.

    Nếu không may xảy ra chuyện đáng tiếc, đừng sợ hãi, đừng im lặng để giữ thanh danh cho con. Điều đó chỉ tạo cơ hội cho bọn biến thái giở trò những lần tiếp theo với nhiều đứa trẻ khác. Hãy lên tiếng với nhà trường, các cơ quan hữu trách. Khi nhà trường, các cơ quan hữu trách không làm tròn trách nhiệm thì đương nhiên phải nhờ tới công luận. Cho dù pháp luật không xử lý tương xứng tội lỗi kẻ xấu thì công luận cũng phải để chúng chết chìm trong sự khinh bỉ, nhục nhã của gia đình, xã hội. Đừng im lặng. Trong khi con cái chúng ta may mắn không gặp phải chuyện đau lòng, thì chúng ta càng cần lên án những con thú mang mặt người. Đó cũng là cách cuối cùng mà một bậc phụ huynh có thể làm để đẩy cái ác cái xấu ra xa con cái chúng ta.
    Đừng im lặng nữa. Chúng ta đã im lặng quá lâu rồi.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here