Chờ đợi gì ở cuộc điều trần Bộ trưởng Tư pháp Sessions?

0
17
Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions

VOA

Bây giờ tới lượt ông Jeff Sessions bước ra trước ánh sáng và sự soi mói của mọi người.

Chưa đầy một tuần sau khi cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump mà ông mô tả là “gây bối rối” và “không thích hợp”, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chuẩn bị xuất hiện trước cùng ủy ban trong ngày thứ ba 13/6 để thuật lại những gì đã xảy ra và để bị đối chất về một số phát biểu của ông Comey trong cuộc điều trần tuần trước.

Dự kiến cuộc điều trần của ông Sessions ​ tập trung vào cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, và ông sẽ phải trả lời những câu hỏi về vai trò của ông trong các sự kiện dẫn đến việc sa thải ông Comey hôm 9 tháng 5, lúc đó là người lãnh đạo cuộc điều tra của FBI về vai trò của người Nga.

Phiên điều trần sắp sửa diễn ra có một nghị trình khá hạn chế: đó là “giải quyết những vấn đề đã được cựu Giám Đốc FBI Comey nêu ra” trong cuộc điều trần được rất nhiều người theo dõi hôm thứ Năm vừa rồi.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford trong chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS hôm chủ nhật, nói “chủ yếu đây là một cơ hội cho ông Sessions thuật lại câu chuyện từ quan điểm của ông, về một số cuộc đối thoại giữa ông Comey với Tổng thống Trump.”

Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân chủ tìm cách mở rộng phạm vi cuộc điều trần để bao gồm các cuộc gặp gỡ giữa ông Sessions với Đại sứ Nga ở Washington trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump năm 2016, và vai trò của ông Sessions dẫn tới quyết định sa thải ông Comey.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal:

“Bộ trưởng Tư pháp cần cho người dân Mỹ biết tại sao ông không thành thật khai báo những cuộc tiếp xúc giữa ông với người Nga, ông phải giải thích những cuộc đối thoại giữa ông với người Nga mà ông đã tìm cách che giấu, và tại sao ông không bảo vệ Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI? Tại sao ông tham gia quyết định sa thải giám đốc FBI sau khi đã tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra vì những cuộc tiếp xúc với người Nga?”

Cuộc điều trần của ông Sessions, cuộc điều trần đầu tiên từ khi ông rút ra khỏi cuộc điều tra về vai trò của Nga hồi đầu tháng 3, diễn ra 5 ngày sau khi ông Comey khai rằng ông Trump đã tìm cách áp lực để ông bỏ qua cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, và rằng Bộ trưởng Tư pháp Sessions đã không đáp ứng quan ngại của ông, rằng ông không muốn diễn ra các cuộc tiếp xúc chỉ có ông với ông Trump.

Ông Comey sau đó nói trong một phiên điều trần kín rằng lãnh đạo FBI cảm thấy ông Sessions phải tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga vì nghi ông đã có một cuộc tiếp xúc thứ ba với đại sứ Nga.

Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp bác tin về cuộc gặp gỡ thứ ba với Đại sứ Nga Sergey Kislyak.

Ông Jed Shugerman, giáo sư Trường Luật, Đại học Fordham, New York, nói ông Sessions sẽ bị chất vấn về những cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Kislyak, và liệu ông có cố tình khai man khi không tiết lộ các cuộc tiếp xúc đó trong buổi họp chuẩn thuận ông vào chức Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng Giêng năm nay?

Ông Stephen Gillers, giáo sư luật tại Đại học New York, nói chứng minh tội khai man là điều không dễ.

“Để buộc ai vào tội khai man, phải chứng minh là người ấy có ý định rõ rệt.”

Ông Sessions bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông khai man.

Một nghi vấn quan trọng khác của các nghị sĩ là vai trò của ông Sessions trong quyết định sa thải ông Comey.

Toà Bạch Ốc thoạt tiên nói ông Trump sa thải ông Comey theo đề nghị của ông Sessions và Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đã khiển trách cựu giám đốc FBI về cách xử lý cuộc điều tra về vấn đề email của bà Clinton hồi năm ngoái.

Nhưng sau đó, ông Trump nói trên kênh truyền hình NBC rằng ông sa thải ông Comey vì cuộc điều tra về Nga.

Giáo sư luật Gillers nói ông Sessions chưa trả lời tại sao ông đóng một vai trò trong việc sa thải ông Comey trong khi ông đã rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga.

Trang mạng Politico tuần trước nói quyết định của ông Sessions tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra về Nga đã khiến Tổng thống Trump phẫn nộ. Giữa lúc căng thẳng lên cao giữa hai ông, ông Sessions mới đây đề nghị từ chức, nhưng ông Trump không chấp nhận đề nghị đó.

Cuộc điều trần của ông Sessions sẽ được theo dõi sát sao, tập trung vào những gì ông nói, cũng như những gì mà ông tránh, không nói ra.