Chính sách tình báo mới qua vụ Ukraine

6
38
Kể từ tháng 12 năm 2021 đến nay, đặc biệt trong những ngày qua, các viên chức hàng đầu của chính quyền Mỹ, kể cả Tổng thống Joe Biden, đã tiết lộ nhiều thông tin tình báo đã được giải mật (declassified) chưa từng thấy như trước.
   

Phạm Phú Khải

Kể từ tháng 12 năm 2021 đến nay, đặc biệt trong những ngày qua, các viên chức hàng đầu của chính quyền Mỹ, kể cả Tổng thống Joe Biden, đã tiết lộ nhiều thông tin tình báo đã được giải mật (declassified) chưa từng thấy như trước.

Kể từ tháng 12 năm 2021 đến nay, đặc biệt trong những ngày qua, các viên chức hàng đầu của chính quyền Mỹ, kể cả Tổng thống Joe Biden, đã tiết lộ nhiều thông tin tình báo đã được giải mật (declassified) chưa từng thấy như trước. Những thông tin này trước đây có thể được xem là mật hay tối mật, chỉ trong vòng cao cấp nhất của chính quyền, hay những người được xem là an toàn an ninh (security clearance), mới được biết. Nhưng nay thì cả thế giới đều được biết. Những gì Vladimir Putin đang muốn dàn trận tại biên giới Nga – Ukraine, và các bước đi kế tiếp của Putin, đã bị Biden và nội các của ông công khai phơi bày.

Phải chăng đây là một chiến lược tiếp cận tình báo khác hẳn so với trước đây?

Chỉ mới hôm ngày 18 tháng 2, Tổng thống Joe Biden khẳng định, viện dẫn các đánh giá của tình báo Mỹ, rằng quân đội Nga có kế hoạch và ý định xâm chiếm Ukraine, nhưng họ vẫn tiếp tục tung tin sai lạc, để kiếm cớ cho một cuộc tấn công quân sự có thể diễn ra trong vài ngày tới.

Trong buổi họp báo tại phòng Roosevelt nói trên, Tổng thống Biden cho biết: “Trong vài ngày qua, chúng ta đã thấy các báo cáo về sự gia tăng đáng kể về vi phạm lệnh ngừng bắn của các chiến binh do Nga hậu thuẫn đang cố gắng khiêu khích Ukraine ở Donbass. Ví dụ, một vụ pháo kích vào một trường mẫu giáo của Ukraine ngày hôm qua, mà Nga đã khẳng định sai lầm rằng do Ukraine thực hiện. Chúng ta cũng tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều thông tin sai lệch được đưa ra bởi – đối với công chúng Nga – bao gồm cả phe ly khai do Nga hậu thuẫn, tuyên bố rằng Ukraine đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn ở Donbas.” Biden bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng không có bằng cớ nào ủng hộ những lập luận như thế, bởi nó đi ngược lại các nguyên lý/logic cơ bản rằng người Ukraine sẽ chọn thời điểm này, với hơn 150.000 quân đang dàn trận ở biên giới của mình, để leo thang một cuộc xung đột kéo dài một năm.

Mấy ngày trước, trong cuộc họp báo vào chiều thứ Sáu 11 tháng 2, Cố vấn An Ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Nga có thể tấn công Ukraine không phải sau Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh, kết thúc vào ngày 20 tháng 2, mà là bất cứ lúc nào trong những ngày tới. Vào lúc đó, Sullivan đã xác minh rằng ông không nói đây đã là quyết định của Tổng thống Putin, nhưng nó dựa trên những gì đang diễn ra trên mặt trận và các thông tin tình báo phân tích từ phía Mỹ. Sullivan cho biết, Nga sẽ tìm lý do để khởi chiến, như dàn dựng một sự cố nào đó, và tiếp là đổ lỗi cho phía Ukraine gây hấn, để biện minh cho hành động quân sự xâm chiếm của mình.

Trong Thế Chiến II, chẳng hạn, phía đồng minh (Anh, Mỹ v.v…) đã giải mã được các thông tin mật mà quân đội Đức (Enigma code), hay Nhật, đã dùng để liên lạc trong nội bộ với nhau, nhưng họ đã giấu kín tối đa để kẻ thù không hề biết được khả năng đó của mình. Trong Chiến tranh Lạnh cũng vậy, Mỹ đã thu thập và giải mã vô số tài liệu mật của phía Liên Xô và cả tình báo của Liên Xô trên nước Mỹ. Bao nhiêu mạng sống đã hy sinh vì không thể tiết lộ các thông tin này. Nhiều thập niên sau, mãi đến năm 1995, một số tài liệu mật mới được giải mã. Các hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Mỹ cũng bị giấu kín nhiều thập niên, và chỉ được tiết lộ đáng kể qua tác phẩm của chuyên gia về Trung Quốc Michael Pillsbury “Cuộc chạy đua một trăm năm”.

Không chỉ riêng Mỹ. Giới tình báo Anh, xuất phát từ Bộ Quốc Phòng, cũng vừa mới công bố hôm 18 tháng 2 rằng: “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy lực lượng Nga đang rút khỏi các khu vực biên giới Ukraine. Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể để có thể tiến hành một cuộc xâm lược mà không cần cảnh báo thêm.”

Mới đây, Mike Burgess, Giám đốc tổ chức tình báo hàng đầu của Úc ASIO, trong bài tường trình hàng năm vào ngày 9 tháng 2, cho biết các hoạt động can thiệp từ nước ngoài lên Úc đã gia tăng đáng kể, trở thành mối quan tâm sâu sắc của tình báo Úc hiện nay. Burgess xác minh rằng, xét về quy mô và mức độ tinh vi, những mối đe dọa gián điệp và can thiệp từ nước ngoài đang vượt xa các mối đe dọa khủng bố, đã thay thế chủ nghĩa khủng bố để trở thành mối quan tâm an ninh cơ bản của Úc. Burgess đã công bố một vài trường hợp tiêu biểu về can thiệp nước ngoài và tình báo để chứng minh cho lập luận của mình.

Rõ ràng chính quyền Biden công bố khá nhiều thông tin tình báo qua cuộc khủng hoảng Ukraine này. Tình báo Anh, như nói trên, lâu nay hoạt động từ trong bóng tối, nhưng nay lộ diện qua sự kiện Ukraine. Úc cũng sẵn sàng công bố các hoạt động tình báo gồm những can thiệp nước ngoài và gián điệp. Chưa biết Canada và New Zealand sẽ có quyết định tương tự như thế không. Tuy nhiên Năm Mắt (Five Eyes) chia sẻ chiến lược và thông tin tình báo với nhau, và nay hợp tác chặt chẽ hơn, nên cũng không có gì lạ nếu hai nước này cũng sử dụng chiến lược chung.

Tại sao có sự thay đổi chiến lược tiếp cận tình báo như thế trong thời gian qua?

Một, vì tính thực tiễn/dụng của tình báo. Như Douglas London (chuyên viên cao cấp hoạt động 34 năm kinh nghiệm cho CIA) mới có một bài rất hay, phân tích về sự thay đổi trong chính sách tiếp cận tình báo “To Reveal, or Not To Reveal”, trên Foreign Affairs vào ngày 15 tháng 2. London nói rằng: “Tình báo là không hoàn hảo, và chỉ là một bức ảnh nhanh trong thời gian”. Những gì Mỹ và Anh biết được về Nga, Putin và Ukraine sẽ thay đổi theo thời gian. Có những thông tin mất hết giá trị qua thời gian. Nhưng trong lúc này nó có giá trị thực tiễn của nó. London nhận định rằng “Trong trường hợp khủng hoảng ở Ukraine, cho đến nay, có vẻ như Hoa Kỳ đang sử dụng thông tin tình báo mà họ thu thập được để đạt hiệu quả tối đa. Cuối cùng, Washington đang bắt kịp các đối thủ của mình – bao gồm cả Nga và Wikileaks — trong việc sử dụng thông tin để định hình các sự kiện.” Tất nhiên, khi tiết lộ thông tin tình báo, nó sẽ có hệ lụy của nó. London biện luận rằng khi tiết lộ các thông tình báo này Mỹ chấp nhận rủi ro là đã cho đối thủ biết được khả năng tình báo của mình, mà đối thủ qua đó biết cách khắc phục. Nó cũng có nguy cơ là mạng lưới tình báo của mình bị khám phá, truy lùng. Ngược lại, tình báo sẽ không giúp được gì nếu người làm chính sách không sử dụng nó. Có lẽ đây là nguyên do quan trọng trong thay đổi về chính sách tiếp cận tình báo của Năm Mắt hiện nay. Sử dụng tình báo đúng lúc có khả năng làm cho đối thủ bị lộ tẩy, ở thế bị động thay vì tấn công v.v…

Hai, tính minh bạch, khả tín và trách nhiệm giải trình. Tình báo và minh bạch là điều có vẻ như nghịch lý, mâu thuẫn với nhau. Nhưng nếu người dân không biết giới tình báo làm gì, vai trò khả năng và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc ra sao, thì làm sao họ có thể ủng hộ những cá nhân hay tổ chức đang làm những việc này. Người dân trong các thể chế dân chủ có quyền thắc mắc và đặt câu hỏi, về những điều đã được giấu kín, chỉ vì nguyên do “an ninh quốc gia”. Trước đây, chính Burgess cho biết, ông từng bị chỉ trích lúc còn đứng đầu cơ quan Ban Giám đốc Tín hiệu Quốc phòng (Defence Signals Directorate). Rút kinh nghiệm, Burgess thay đổi chính sách tiếp cận của mình khi đến với ASIO. Burgess cho rằng, một nền dân chủ tự do năng động đòi hỏi một dịch vụ an ninh minh bạch và đáng tin cậy, và tính minh bạch là tiền đề cho sự tin cậy đó. Tương tự, một số thất bại của giới tình báo Mỹ, như xảy ra trong cuộc chiến Iraq truy lùng bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003 để tấng công Iraq, càng làm mất niềm tin của dân chúng vào giới tình báo. Người dân có quyền đặt câu hỏi rằng, với một ngân sách to lớn để nuôi dưỡng cộng đồng tình báo như thế, thì nó có xứng đáng với kết quả gặt hái được không? Làm thế nào để biện minh (Justify) được điều này? Nếu cộng đồng tình báo được thấy đóng góp thiết thực cho an ninh tại Mỹ và trên thế giới thì sẽ được người dân ủng hộ hơn.

Ba, quan trọng nhất vẫn là do khả năng cứu vãn tình thế và mạng sống con người. Mạng sống con người, mọi nơi, dù là công dân hay không phải công dân của Mỹ, Anh, Úc v.v… đều quan trọng. Kể từ năm 2015, giới tình báo Mỹ phải chịu chung điều kiện “nhiệm vụ cảnh báo” (duty to warn). Nếu tình báo được dùng để cứu lấy mạng sống của vài người, của vài chục người, thì cũng đã là điều đáng làm, huống chi có thể lên vài trăm ngàn hay cả triệu người nếu chiến tranh có nguy cơ xảy ra, tại Ukraine hay một nơi khác. Tất nhiên, chắc gì những thông tin của Tổng thống Biden và những nhân vật hàng đầu của ông, hay của bên Anh, khi tiết lộ, sẽ cứu vãn được cuộc khủng hoảng hiện nay và ngăn cản chiến tranh. Nếu Vladimir Putin vẫn muốn theo đuổi chiến tranh bằng mọi giá thì Mỹ, NATO và châu Âu cũng không làm gì khác ngoại trừ các biện pháp trừng phạt khắt khe. Tuy thế, những gì chính quyền Biden đang thực hiện cho thấy, họ sẵn sàng dùng các thông tin tối mật được để vạch trần những nước cờ mà Putin đang đi tại biên giới Ukraine hiện nay.

Putin là một cựu KGB, từng sử dụng thông tin thất thiệt (disinformation) để gây xáo trộn vào hệ thống chính trị nước Mỹ, và bao quốc gia khác trên thế giới, nên rất rành về chiến tranh thông tin/mạng. Không thể sánh kịp khả năng của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, Putin thách thức Mỹ bằng những biện pháp khác, từ can thiệp bầu cử, tấn công mạng đến các chiến dịch thông tin thất thiệt tại Mỹ. Kỳ này, Mỹ và đồng minh có vẻ ở thế chủ động, và các viên chức hàng đầu Mỹ công khai vạch trần những nước cờ của Putin. Nếu chiến tranh có xảy ra đi nữa, chính quyền Biden cho thấy họ đã làm tất cả những gì có thể để tránh chiến tranh, và để giải quyết khủng hoảng bằng chính sách ngoại giao. Lịch sử sẽ phán xét họ, dựa trên những bằng chứng văn bản thật sự sau này. Bởi, nói cho cùng, như London chia sẻ, “Gián điệp là chủ yếu về quản lý rủi ro để đạt được kết quả”. Tiết lộ, hay không tiết lộ, đến mức độ nào, khi nào v.v… đều là những điều căn bản, quan trọng và thiết yếu, nhưng cũng rất khó khăn khi lấy quyết định, trong lĩnh vực an ninh.

Mọi thông tin, trước và nay, theo cái nhìn của giới tình báo Mỹ, chẳng hạn, đều được đánh giá theo ba cấp độ quan yếu: bảo mật, bí mật và tối mật (confidential, secret and top secret). Tình báo đều có tính nhạy cảm, mà nếu tiết lộ sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi quốc gia. Trước đây nhiệm vụ bảo mật những thông tin là chính, chứ hiếm khi nào nghe nói về chính sách tiết lộ thông tin. Nhưng tình thế đã thay đổi. Hiện nay, và có lẽ trong thời gian tới, các thể chế dân chủ có thể sẽ chủ động sử dụng tình báo để thách thức những hành vi và ý đồ đen tối của các nền chuyên chế độc tài.

Làm như thế, các nền dân chủ có nhiều lợi hơn hại trong việc này, vì ngay trong cơ chế của họ, minh bạch đã là một điều kiện cần. Chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, ngày càng có khả năng xảy ra nhiều hơn. Biết vận dụng những vũ khí của mình thì sẽ nắm được thế chủ động. Nếu các chính thể dân chủ vận dụng tình báo một cách vừa phải, tiết lộ cho mục tiêu cần thiết, nhất là để cứu mạng sống, cho các vấn đề nhân đạo, chẳng hạn, thì nó sẽ là vũ khí vô cùng lợi hại.

Phạm Phú Khải

Úc châu, 23/02/2022

Tài liệu tham khảo:

Jeffrey Fields, “What is classified information, and who gets to decide?”, The Conversation, 17 May 2017.

Mike Burgess, “Director-General’s Annual Threat Assessment”, ASIO, 9 February 2022.

Jake Sullivan, “Press Briefing by Press Secretary Jen Psaki and National Security Advisor Jake Sullivan, February”, The White House, 11 February 2022.

Douglas London, “To Reveal, Or Not to Reveal”, Foreign Affairs, 15 February 2022.

Anton Zverev, Pavel Polityuk and Polina Nikolskaya, “Biden sure Putin will invade Ukraine in days as civilians bussed out”, Reuters, 19 February 2022.

President Joe Biden, “Remarks by President Biden Providing an Update on Russia and Ukraine”, The White House, 18 February 2022.

Dan Sabbagh, “Ukraine crisis brings British intelligence out of the shadows”, The Guardian, 19 February 2022.

Advertisement
   

6 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here