CHÌA KHOÁ TOÀN NĂNG MỞ CỬA KHO BÁU TÀI NĂNG NGƯỜI NGHỆ

0
127

Nguyen Ngoc Chu 

1. Bài viết sau đây được trình bày trong Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay’’ do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 15/9/2020 tại TP Vinh ((https://baonghean.vn/nghe-an-thong-tin-noi-bat-ngay-15-9-27…).

2. Mục đích chính của bài viết là đóng góp các biện pháp cụ thể để Nghệ An trở thành tỉnh giàu mạnh.

3. Bài viết cho Nghệ An nên chỉ nói về Nghệ An – đừng cho là cục bộ. Bài viết lấy mặt tích cực để phát huy là chủ đạo – nên đừng nghĩ là chỉ biết ngợi ca một chiều. Bài viết hoàn toàn không phải để so sánh hơn thua các vùng miền.

4. Bài viết còn bỏ ngỏ nhiều điểm, và không tranh đấu về sự đúng đắn.

5. Bài viết là góc nhìn cá nhân. Tiếp thu điều có thể chấp nhận. Bỏ qua điều khác quan điểm và chưa hoàn thiện.

I. SỰ TỒN TẠI CÁC QUỐC GIA

Lịch sử phát triển các quốc gia trên thế giới tuân theo các quy luật của tự nhiên. Trong số đó, xuyên suốt là vai trò cột sống của 4 tính chất:

1. Không ngừng Biến đổi; 2. Hợp – Tách; 3. Mạnh – Yếu; 4. Sinh – Diệt.

Hệ quả, là lịch sử nhân loại chứng kiến sự thay đổi liên tục bản đồ và vai trò của các quốc gia: mở rộng rồi thu nhỏ, hùng cường rồi suy yếu, xuất hiện rồi biến mất. Còn mãi văng vẳng bên tai đế chế Ba Tư ở Trung Đông, đế chế La Mã ở châu Âu, đế chế Nguyên Mông ở châu Á, đế chế Xô Viết của thời cận hiện đại. Đó là những quốc gia hùng cường ngất trời, thống trị một phần thế giới tưởng không ai có thể thay thế, vậy mà tất cả đã tan biến. 

Các quốc gia mất đi, nhưng các dân tộc còn lại. Những dân tộc sống sót qua các đế chế bị diệt vong là các dân tộc vĩ đại. Các dân tộc không bị đồng hoá qua vạn năm đồng hoá là các dân tộc tế bào. 

Dân tộc Lạc – Việt sống sót qua các đế chế bị diệt vong, Dân tộc Lạc – Việt không bị đồng hoá sau cả vạn năm đồng hoá.

Đó là sự khác biệt của Dân tộc Lạc Việt trong sự hợp tan của các quốc gia Bắc và Nam sông Dương Tử qua các đế chế bị diệt vong Hạ, Thương, Chu, Xuân thu Chiến quốc, Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. 

Đó là sự khác biệt của Dân tộc Lạc Việt với các bộ tộc ở Bắc Hoàng Hà, ở Hoa hạ giữa Hoàng hà và Trường Giang và ở Nam Trường Giang – cuối cùng tất cả đã bị Hán hoá. 

Dân tộc Lạc Việt là một dân tộc vĩ đại. Dân tộc Lạc Việt là một Dân tộc tế bào.

II. CÁC NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ QUỐC GIA CỐT LÕI 

1. DỰA VÀO NỘI LỰC LÀ CHÍNH 

Từ ngàn xưa người Việt đã chứng minh Dân tộc Việt là Dân tộc tự cường. Đức tính tự cường của người Việt đã giúp cho nước Việt chiến thắng mọi lực lượng ngoại xâm mà giữ được độc lập, bảo toàn được lãnh thổ. Đức tính tự cường đã giúp cho mỗi gia đình Việt vượt qua khó khăn trong cuộc sống, trong thiên tai, trong chiến tranh mà tồn tại truyền đời. Tự cường là dựa vào nội lực, mà không trông chờ vào ngoại lực. Tự cường là đức tính thiên bẩm của người Việt.

Khi ở vào vị trí lãnh đạo, càng không được quên, xây dựng và bảo vệ đất nước là phải dựa vào nội lực là chính, chứ không ngồi trộng cậy vào ngoại lực. Vì thế phải dựa vào người Việt, phải coi trọng người Việt. 

Trong quan điểm sai lầm trông chờ vào ngoại lực như là phương thuốc cứu cánh thần diệu giúp phát triển vượt trội nền kinh tế, nhiều lãnh đạo đã mắc sai lầm định kiến là xem thường nội lực, thậm chí tệ hại hơn nữa là ghét bỏ nội lực, dẫn đến đối xử bất công với nội lực mà kìm hãm và làm thui chột triệt tiêu nội lực.

Cho nên, phải trọng người nước mình hơn người nước ngoài, phải trông cậy vào người địa phương mình hơn người địa phương khác. Bất chấp là nước ngoài hay địa phương khác giàu có hơn.

2. NGOẠI LỰC ĐỒNG HÀNH. KẾT HỢP NỘI LỰC CỘNG HƯỞNG TỐI ĐA VỚI NGOẠI LỰC 

Ngoại lực là thành tố cần thiết song hành cùng nội lực trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Nhưng phải biết sử dụng ngoại lực đúng mức đúng lúc.

Kẻ dốt, hay kẻ lười biếng, hay kẻ chỉ biết trông chờ, hay kẻ chỉ biết ngọi xin – luôn bị ngoại lực làm mù quáng mà quên mất nội lực, rồi để cho ngoại lực áp đảo. Kết quả cuối cùng là sinh ra một nền kinh tế lệ thuộc, què quặt, không bao giờ tự đứng vững được. Một nền kinh tế phụ thuộc ngoại lực không những yếu ở mức không bao giờ tự hùng cường được, mà còn bị đau ốm mỗi khi ngoại lực thay đổi. Hệ quả sâu xa là từ phụ thuộc kinh tế sẽ dẫn đến sự lệ thuộc chính trị. Đây là tai hoạ.

Ngược lại, người lãnh đạo giỏi là biết sử dụng ngoại lực đúng mức, biết kết hợp nội lực với ngoại lực trong sự chú trọng chủ đạo đến nội lực, thì ngoại lực sẽ giúp cho nội lực toàn phần toả sáng. Kết quả là xây dựng được một nền kinh tế dần dần tự hùng cường. Đó là nền kinh tế tự chủ đủ mạnh ngay cả khi hoàn toàn tách khỏi ngoại lực. Điều này đảm bảo cho một sự độc lập không chỉ kinh tế mà độc lập trong cả chính trị. Đây là hồng phúc.

3. GIẢI PHÓNG NỘI LỰC. THẢ CỬA CHO NỘI LỰC PHÁT TRIỂN 

Nội lực là lực lượng phát triển chính, thì phải giải phóng nội lực. Giải phóng nội lực tức là không kìm hãm nỗi lực. Vẫn chưa đủ, phải giải phóng nội lực trong trạng thái thả cửa cho nội lực phát triển. Đó là trạng thái giải phóng hoàn toàn. Chỉ có trong trạng thái tự do hoàn toàn thì nội lực mới toả sáng trọn vẹn tối đa mọi khả năng của mình. Cho nên, không chỉ giải phóng nội lực mà thả cửa cho nội lực phát triển.

4. MỞ RỘNG TỐI ĐA 

Khi được bàu chọn vào vị trí đứng đầu quốc gia, hay địa phương, hay tập thể, thì người đứng đầu phải là người có “Tham vọng vĩ đại”. Triển khai thực tế của “Tham vọng vĩ đại” là không ngừng “Mở rộng tối đa”.

“Mở rộng tối đa” về kinh tế, về vai trò, về ảnh hưởng. “Mở rộng tối đa” về mọi mặt. Một quốc gia có được vị trí cường quốc là vì nhờ có những nhà lãnh đạo “Mở rộng tối đa”. Một quốc gia dưới sự trị vì của lãnh đạo không có khát vọng và chiến lược “Mở rộng tối đa” thì không thể hùng cường. Một địa phương mà người đứng đầu không có khát vọng và chiến lược “Mở rộng tối đa”, thì không thể đi trong nhóm dẫn đầu.

“Mở rộng tối đa” là nguyên tắc, là mục tiêu cho bất cứ ai đứng đầu quốc gia, đứng đầu địa phương. Nhưng “Mở rộng tối đa” cần phải được xem là “thuộc tính” của người lãnh đạo. Chỉ những ai có thuộc tính “Mở rộng tối đa” trong máu, thì mới có cơ hội phát triển thành lãnh đạo cái thế. “Mở rộng tối đa” là điều kiện cần để trở thành người lãnh đạo cái thế. Hiển nhiên là “Mở rộng tối đa” phải tuân thủ luật chơi.

5. HÚT VỀ TỐI ĐA 

Đứng đầu quốc gia thì phải lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu số 1. Lợi ích quốc gia là trước hết, là trên hết. Cho nên người đứng đầu quốc gia phải biết “Thu hút tối đa” lợi ích về cho quốc gia.

“Vơ vét tối đa”, “Thu vén tối đa” – chính là các trạng thái biểu hiện của nguyên tắc “Hút về tối đa”. Khi đứng đầu quốc gia thì “Vơ vét tối đa”, “Thu vén tối đa” – “Hút về tối đa” cho quốc gia. Khi đứng đầu địa phương, cơ quan nào thì “Hút về tối đa” cho địa phương, cơ quan đó.

Khẩu hiệu của TT Mỹ Donald Trump “Nước Mỹ trước tiên” (America first) chính là “Hút về tối đa” cho nước Mỹ. 

Đừng nghĩ rằng đây là địa phương cục bộ. Đừng nghĩ rằng đây là tham lam, là xấu. Phải hiểu rằng đây là trò chơi, cuộc cờ, cuộc chiến. Điều phải tránh là không vi phạm luật chơi. Còn trong khuôn khổ luật chơi, thì “Vơ vét tối đa”, “Thu vén tối đa” – “Hút về tối đa” càng nhiều càng tốt cho tập thể mình đứng đầu mới là ‘thủ lĩnh gỏi’, mới ‘xứng mặt anh hào’, mới bõ lòng tin cậy của các thành viên trong tập thể đã bàu chọn làm người đứng đầu.

Bởi thế, “Hút về tối đa” phải được xem là thuộc tính của người lãnh đạo. “Hút về tối đa” là tư chất cần thiết của một nhà lãnh đạo để trở thành lãnh đạo cái thế. Không có máu “Hút về tối đa” thì không thể trở thành lãnh đạo cái thế. Một quốc gia mà lãnh đạo không có thuộc tính “Hút về tối đa” thì không thể đưa quốc gia đến hùng cường. Một tỉnh mà lãnh đạo tỉnh không sở hữu thuộc tính “Hút về tối đa” thì không thể dẫn dắt tỉnh trở thành tỉnh giàu mạnh hàng đầu. Đương nhiên, “Hút về tối đa” phải tuân thủ luật chơi.

III. TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN NHIÊN LÊN TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI NGHỆ 

Thiên nhiên và tính cách con người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thiên nhiên tôi luyện nên tính cách con người. Thiên nhiên tạo nên truyền thống của con người. Dưới đây đề cập đến hai yếu tố quan trọng, là hệ quả của sự tương tác của thiên nhiên lên cư dân sống trên vùng đất xứ Nghệ. Đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên làm nên các tính cách khắc nghiệt của con người xứ Nghệ. Lại nữa, vì khắc nghiệt mà phải không ngừng tìm đến tri thức để sống sót. Vì thế người Nghệ hiếu học. Từ chống chọi với khắc nghiệt và từ ham tìm hiểu tri thức mà sinh ra hào kiệt.

1. ĐẤT HỌC SINH HÀO KIỆT 

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Để thấy được, trên đất Việt Nam bậc hào kiệt có khắp mọi nơi, ở mọi thời đại. Nghệ An là một trong những vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt của người Việt, nên tự đó mà sinh ra lớp lớp hào kiệt. 

Điều nổi trội đậm chất xứ Nghệ, là bậc hào kiệt không tách rời với việc học. Kiến thức nhiều là thành tố không tách rời của bậc hào kiệt. Hay một cách diễn đạt nguyên nhân – hệ quả, thì muốn trở thành hào kiệt trước hết phải là kẻ có nhiều tri thức. Điều này đã làm nên tính cách khác biệt của người Nghệ – lấy sự học làm đầu. Đó cũng là một phần lời giải tại sao người Nghệ hiếu học.

Nhưng phải hiểu việc học theo đúng nghĩa rộng, là quá trình tìm kiếm và thu nhận kiến thức. Điều đó có nghĩa là không đồng nhất việc học với sự đến trường. Có người không đến trường mà việc học lại diễn ra thường xuyên, bề ngoài không nhìn thấy việc học mà tri thức ngày càng được thu nạp đầy. Ở xứ Nghệ, người có tri thức đếm không xuể. Ở xứ Nghệ, đếm người có học không đếm theo kẻ đến lớp. Cho nên, thấy kẻ áo vải đừng nghĩ là kẻ khù khờ. Bậc hào kiệt thường khéo ẩn dấu việc học hành một cách tự nhiên. 

2. THIÊN NHIÊN TÔI CỐT CÁCH 

Con người sinh ra và lớn lên chịu sự quyết định của 2 nhân tố “Nội di truyền” và “Ngoại di truyền”. “Nội di truyền” là di truyền từ bố mẹ tổ tiên. “Ngoại di truyền” là “di truyền” từ điều kiện sống hàng ngày, trong đó môi trường thiên nhiên địa phương giữ một vai trò quan trọng. Thiên nhiên thế nào con người thế đấy.

Thiên nhiên Nghệ An từ ngàn xưa nổi tiếng khắc nghiệt quanh năm. Mùa nóng, ban ngày không chỉ nắng nứt đất nẻ đá, mà ban đêm còn bị gió Lào nóng khô khốc hầm hập càn quét. Mùa mưa lũ lụt nước ngập lút giường ngủ, bão nhổ bật cả hàng cây cổ thụ. Mùa rét sương giá buốt tay, con cá cứng người không thể di chuyển. Đất Nghệ An vì thế mà thành nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” để sống sót. 

Thiên nhiên Nghệ An khắc nghiệt làm cho con người Nghệ An cũng khắc nghiệt. Họ khắc nghiệt với bản thân mình để sống sót trước thiên nhiên. Họ khắc nghiệt với người khác để cùng sống sót. Nhưng cũng chính nhờ thiên nhiên tôi luyện mà người xứ Nghệ được “di truyền” nhiều tính cách quý giá.

IV. NHỮNG TÍNH CÁCH TÍCH CỰC ĐẶC TRƯNG 

Những điều viết dưới đây, đúng cho nhiều vùng miền khác ở Việt Nam chứ không riêng gì xứ Nghệ. Nhưng bài viết dành riêng cho xứ Nghệ, nên xứ Nghệ được chỉ đích danh, người Nghệ được chỉ định thường xuyên. Đừng hiểu lầm là ca ngợi địa phương này mà đánh giá thấp địa phương khác.

Thứ nữa, vì bài viết có mục đích đề xuất cách thức phát huy các tính cách tốt của người xứ Nghệ trong xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, và trong góp sức phát triển Nghệ An nói riêng, nên các tính cách tốt được đề cao mà ít nói về các khuyết điểm của người Nghệ. Vì thế, đừng hiểu một chiều là chỉ biết ca ngợi mà không chỉ trích. 

Trong khuôn khổ hạn chế của bài viết, chỉ đề cập đến những điều cốt lõi, mà không thể bao quát hết mọi khía cạnh của vấn đề. Cho nên bài viết còn những mặt khiếm khuyết, và không bao giờ có ý định cạnh tranh hay đầu đơn cho vị thế đúng đắn khuôn mẫu. Bởi vậy, xin hãy tiếp nhận những điều cho là được mà bỏ qua những điều chưa được. Sau đây là 10 tính cách tích cực chủ chốt của người Nghệ. Để lưu ý sự khác biệt, các tính cách nổi trội viện dẫn dưới đây sẽ được viết hoa.

1. DŨNG CẢM ĐẾN BẤT THƯỜNG 

Dũng cảm đến không sợ chết là một cốt cách quý giá được tôi luyện của người Nghệ An. Có điều, người Nghệ sở hữu cốt cách dũng cảm không ở mức thông thường mà ở mức bất thường – đó là cốt cách dũng cảm đặc biệt của người Nghệ. Họ không chỉ dũng cảm xả thân trong chiến đấu, mà còn dũng cảm cả trong những hoàn cảnh bất thường đến man rợ. Điều đó lý giải tại sao Nguyễn Biểu ung dung ăn thịt đầu người do Trương Phụ nhà Minh dọn ra. Trong trường hợp của Nguyễn Biểu, người dũng cảm cũng chết khiếp. Thế mà trước mặt quân Minh, Nguyễn Biểu chọn đôi mắt trong đầu người, gắp ra chấm muối thản nhiên ăn. Ông còn tỏ ra ‘vui mừng” “chẳng mấy khi được ăn thịt người phương Bắc”, rồi “cao hứng” vịnh thơ :

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi 
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem công chả phượng còn thua béo
Thịt gụ gan lân cũng kém tươi
Ca lối lộc minh so cũng một
Đọ bề vàng sắt bội hơn mười
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.

Trường hợp của Nguyễn Biểu làm nhớ lại tích Kinh Kha. Rằng nếu Kinh Kha có một tráng sĩ như Nguyễn Biểu đi cùng thì Tần Thủy Hoàng đã bị giết. Người đi cùng Kinh Kha là Tần Vũ Dương – tráng sĩ giỏi hàng đầu được chọn trong 3000 môn khách của Thái tử Đan nước Yên. Kinh Kha xách đầu Phàn Ô Kỳ – là phản tướng của vua Tần. Còn Tần Vũ Dương được giao cầm bản đồ vùng đất Đốc Hàng của nước Yên cắt dâng vua Tần. Tấm bản đồ được cuộn tròn có dấu cây chủy thủ tẩm thuốc độc. Nhưng khi Tần Vũ Dương thấy Tần Thủy Hoàng thì khiếp sợ xanh mặt, đứng run không vững. Kinh Kha phải giật tấm bản đồ trong tay Tần Vũ Dương mở dần cho Tần Thủy Hoàng xem, đến cuối thì cướp cây thủy chủ để đâm Tần Thủy Hoàng. Một mình Kinh Kha với cây thủy chủ ngắn đuổi theo Tần Thủy Hoàng có kiếm dài chạy khắp trong cung điện, còn Tần Vũ Dương thì run sợ đứng bất động. Cuối cùng Kinh Kha bị Tần Vương rút kiếm chém 8 nhát. Lính Tần ùa lên giết chết Tần Vũ Dương và Kinh Kha.

Từ 2 thí dụ lịch sử trên có thể thấy sự dũng cảm của Nguyễn Biểu là sự dũng cảm bất thường của “người nhà trời”. Với giặc Minh xâm lược, thì chúng phải làm cho nước Việt suy yếu, nên chúng không thể để cho những người có dũng khí “nhà trời” như Nguyễn biểu được sống sót. Con người Nguyễn Biểu thuộc hàng dũng sĩ không phải trong lịch sử của một nước, mà trong lịch sử của nhân loại. Có những người như Nguyễn Biểu, thì quốc thể nước Việt luôn luôn được ngời sáng.

2. TRÍ BIẾN HOÁ KHÔN LƯỜNG

Nhưng Nguyễn Biểu không chỉ Dũng mà còn rất Trí. Cốt cách quý giá tiếp theo của người Nghệ chính là Trí. 

Việc học của người Nghệ đã trở thành thuộc tính, dài theo cả cuộc đời, nên thu nạp không ngừng tri thức mà kết tinh thành Trí. Tri thức sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không được kết tinh thăng hoa mà thành Trí. Tri thức muốn thành Trí được, phần nhiều phải nhờ ở Địa Linh. Chính môi trường sống, hoàn cảnh sống là nhân tố Địa Linh để sinh ra Nhân Kiệt mà Dũng Trí là những cốt cách hàng đầu.

Đất Nghệ An có khí thiêng, sinh ra nhiều bậc Trí nhân lớn. Các bậc Trí nhân lớp hàng đầu của Nghệ An là Mai Hắc Đế, Hồ Chí Minh – có trí tỏa sáng 4 phương. Trí tỏa sáng vài phương là những Trí nhân bậc Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu. Trí tỏa sáng một phương là lớp lớp như Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành, Cao Quýnh, Ngô Trí Tri, Ngô Sĩ Vinh, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Hồ Sĩ Đống, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Sĩ Tạo, Cao Xuân Dục, Đặng Văn Thụy, Phan Huy Tùng, Trần Trọng Kim, Đặng Văn Hưởng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu, Phạm Khắc Hòe, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Quát,Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Lê Văn Thiêm…và nhiều người nữa không thể kể hết.

Ở mặt khác, luận về Trí thì cần tỉnh táo để nhận biết, rằng tri thức thăng hoa thành Trí chỉ ở đất sinh ra khí thiêng, là kỳ hưng thịnh. Vào kỳ mạt, phải thấy chiều đối lập của Địa Linh, khi mà xã hội bị băng hoại, đất không sinh ra khí thiêng, việc học trở nên lụn bại. Đó cũng là lúc bọn giả học nhoi lên nhan nhản, tri thức không thăng hoa thành Trí, khắp nơi chỉ thấy mưu hèn kế bẩn. Đó cũng là lúc xã hội đến kỳ phải phục sinh. 

3. NHÂN VĂN KHÔNG GIỚI HẠN

Chính Dũng của người Nghệ đạt đến mức bất thường, nên mặt bù trừ khác của Dũng (ở một bình diện nào đó) là lòng nhân ái của người Nghệ – cũng đạt đến hàng tột đỉnh. Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thì càng cứng rắn bao nhiêu cũng đi kèm với phải mềm yếu bấy nhiêu. Sau cứng rắn đến lì lợm, sau dũng cảm đến bất thường, là sự mềm yếu khôn cùng. Vì thế, người Nghệ thương đến nhường cơm sẻ áo. Tình người Nghệ dạt dào, mang theo thơ ca lai láng. Đất Nghệ An trở thành “đồng ruộng màu mỡ của thơ ca” – không ai không biết làm thơ, không ai không cất lời ca tiếng hát. Đến lượt mình, tình yêu con người và thiên nhiên làm cho người Nghệ An lạc quan, yêu đời mà tích tụ được năng lượng để chống chọi với khắc nghiệt. Từ Nhân mà sinh ra Văn. Nhân Văn là cốt cách quý giá nữa của người Nghệ.

Bậc văn nhân hàng đầu của xứ Nghệ phải kể đến là Nguyễn Du (1766-1820). Tác phẩm thơ ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ (Truyện Kiều) đạt đến đỉnh cao vô tiền khoáng hậu – đã đưa Nguyễn Du lên ngôi vị không so sánh trong thi đàn Việt Nam. Điều làm cho Nguyễn Du phi thường có gốc rễ từ tài năng làm thơ về 2 phương diện: 

Một là, lột xác ‘Kim Vân Kiều Truyện’ của Thanh Tâm Tài Nhân bằng thơ lục bát dưới tên mới ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ – hay đến nỗi trở thành bất hủ. 

Hai là, với ‘Đoạn Trường Tân Thanh’, Nguyễn Du cho thấy khả năng không giới hạn của tiếng Việt trong thi ca, đạt đến đỉnh cao không có người so sánh về nghệ thuật sáng tác thể thơ lục bát.

Ở đây không phải là chỗ để bàn về cái hay của ‘Đoạn Trường Tân Thanh’, mà chỉ là duyên cớ để nhắc đến các bậc văn nhân hàng đầu đất Nghệ. Kể đến các bậc văn nhân Nghệ An cũng giống như đếm các vì tinh tú. Bởi thế, chỉ dám điểm vài đại diện của quá khứ. Chẳng hạn, cùng tỏa sàng với Nguyễn Du có Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Cù Huy Cận. Đóng góp về phương diện thi văn của các bậc trí giả người xứ Nghệ rất to lớn. Muốn bàn về những giá trị to lớn của thi ca người Nghệ, cần phải nhờ vào một thời cơ khác. 

4. THẲNG THẮN

Thiên nhên khắc nghiệt có lẽ đã góp phần tạo nên tính Thẳng Thắn của người Nghệ. Phần đông người Nghệ yêu nói thẳng, ghét quanh co. Vì tính Thẳng Thắn mà người Nghệ nhiều khi không được lòng người khác, trong đó có cả cấp trên và kẻ cầm quyền. Người Nghệ thẳng tính đến mức không bao che cho cả người thân. Người Nghệ thẳng tính đến mức thù ghét xu nịnh. Người Nghệ thẳng tính đến mức không sợ mất tính mạng. Nói thẳng đã trở thành một thuộc tính nổi tiếng của người Nghệ.

5. TRUNG THỰC

Đi đôi với Thẳng Thắn là Trung Thực. Người Nghệ yêu Trung Thực và ghét giả dối. Người Nghệ Trung Thực đến mức không sợ cường quyền và bạo lực mà từ bỏ sự thật, không vì tiền bạc mà bẻ cong công lý.

6. TRƯỢNG NGHĨA

Người Nghệ phần đông rất Trượng Nghĩa. Dũng Cảm, Trung Thực, Thẳng Thắng đều là các tính cách nuôi dưỡng tính Trượng Nghĩa – theo lẽ phải mà hành động. Bởi thế, người Nghệ thấy điều ngang trái thì chống đối, thấy người nghèo khó thì giúp đỡ, bảo vệ người yếu trước bất công của kẻ mạnh. 

7. TRUNG THÀNH

Trung Thực, Thẳng Thắng, Trượng Nghĩa – nên phần đông người Nghệ rất Trung Thành với điều đã lựa chọn. Người Nghệ ghét phản bội. Người Nghệ tôn trọng lời cam kết, dù đó là cam kết công khai, hay là cam kết thầm lặng cho riêng mình. Với phần đông người Nghệ, lời hứa nặng hơn cửu đỉnh, nặng tựa Thái Sơn.

8. TIN CẬY

Có Trí, Dũng lại Trượng Nghĩa, Trung Thành, người Nghệ luôn là nơi đáng Tin Cậy. Ở vào hoàn cảnh khó khăn, ở những nơi trọng trách, người Nghệ là một lựa chọn Tin Cậy để uỷ thác. Người Nghệ Tin Cậy đến mức hy sinh tính mạng mình và cả người thân để bảo vệ sự uỷ thác. Tính Tin Cậy của người Nghệ gợi nhớ đến tích Điền Quang và Kinh Kha. Như Điền Quang, người Nghệ dám quyên sinh vì sự Tin Cậy. Như Kinh Kha người Nghệ dám xả thân vì sự uỷ thác.

9. KHÔNG KHUẤT PHỤC 

Giống như củ sâm tuy bé nhưng mọc từ kẽ đá trên núi cao mà bội phần quý hơn cả rổ sâm trồng trong vườn nhà, giống như con gà ăn sỏi mà thịt thơm ngon hơn cả chuồng gà công nghiệp, người Nghệ đẽo đá mà sống, đào sỏi mà ăn, nên gan dạ lì lợm không biết sợ. 
Người Nghệ kiên trì lì lợm đến mức không bao giờ khuất phục, không bao giờ chịu đầu hàng. Người Nghệ không chỉ có Dũng và Trí, mà không bao giờ chịu khuất phục. Không Khuất Phục là một cốt cách thuộc tính chói sáng của người Nghệ.

10. PHẢN KHÁNG LÀ LỐI THOÁT

Tính Không Khuất Phục chưa phải là cốt cách cuối của người Nghệ. Vì Không Khuất Phục không phải bao giờ cũng cho lối thoát, mà người Nghệ lại Không Cam Chịu. Họ cần lối thoát. Lối thoát đó chính là Phản Kháng.

Cho nên, Phản Kháng đã trở thành một cốt cách mang tính lịch sử của người Nghệ. Phản Kháng là hệ quả quả trực tiếp của Không Khuất Phục. Bị dồn đến đường cùng, người Nghệ Không Khuất Phục và Không Cam Chịu, nên tiến tới “giai đoạn cuối cùng” thành Phản Kháng để tìm ra lối thoát.

Đất Nghệ An bởi vậy, từ ngàn năm luôn là cái nôi của Khởi Nghĩa và Nổi Dậy. Khởi Nghĩa và Nổi Dậy luôn được dẫn đầu bởi những bậc hào kiệt tràn đầy cả Dũng lẫn Trí.

Có những cuộc Khởi Nghĩa làm nên cơ nghiệp đế vương như Mai Hắc Đế – xóa bỏ ách đô hộ nhà Đường trong 10 năm (713-723), Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 xoá bỏ ách đô hộ 80 năm của người Pháp mà lập nên nhà nước Việt Nam Dan chủ Cộng hoà. 

Có những cuộc Khởi Nghĩa thất bại nhưng sáng lòa dũng khí như cuộc Khởi Nghĩa Nguyễn Xuân Ôn (1885-1887), Khởi Nghĩa Phan Đình Phùng (1885-1995). Có những cuộc Nổi Dậy thất bại nhưng để lại dấu mốc lịch sử như Nguyễn Hữu Chỉnh (1787-1788), Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Tính Phản Kháng của người Nghệ An đã thành truyền thống lịch sử. Cho nên vào thời điểm “trở dạ” trên con đường phát triển của đất nước, đất Nghệ An luôn là một trong những nơi đợi chờ xuất hiện điểm gãy khúc – điểm thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của đất nước.

V. NHỮNG TÍNH CÁCH THIÊN VỀ TIÊU CỰC CẦN KIỀM CHẾ 

Tính cách con người, thông thường có thể biểu diễn như một hàm số, từ âm đến dương và ngược lại. Tính cách tốt nào, khi thái quá cũng sẽ cho hệ quả tiêu cực. Dưới đây viện dẫn 8 tính cách chủ chốt của người Nghệ thiên về tiêu cực, cần phải có biện pháp hạn chế.

1. CỰC ĐOAN 

Vì tính quyết liệt, làm bằng được, đi đến cùng, không chịu khuất phục trong mọi trường hợp, nên người Nghệ thường rơi vào trạng thái Cực Đoan. Rất tả hoặc rất hữu. Thường chuyển từ thái cực này thẳng sang thái cực khác. Ơ điểm này, về phương diện tích cực, người Nghệ hay thuộc số hàng đầu, nhưng về phương diện tiêu cực, cũng tương tự, người Nghệ cũng thuộc nhóm tiên phong.

2. LIỀU LĨNH 

Dũng cảm đến mức Liều Lĩnh là một trạng thái khác của người Nghệ. Vừa dũng cảm, vừa quyết liệt, vừa gan dạ dến lì lợm, chỉ trong một khoảng khắc thiếu kiểm soát của lý trí thì người Nghệ bước sang biên giới của Liều Lĩnh. Liều Lĩnh trong biên giới kiểm soát của lý trí thì đó là mạo hiểm. Phải tránh mạo hiểm. Càng phải tránh Liều Lĩnh ở mức độ bạt mạng.

3. BẢO THỦ 

Người Nghệ tin vào điều gì thì khó thay đổi đến mức Bảo Thủ. Rất khó thuyết phục người Nghệ thay đổi chính kiến.

4. ƯƠNG GÀN 

Bướng bỉnh là một trạng thái thể hiện, ở một chừng mực nào đó, của tính kiên trì và Không Khuất Phục. Nhưng không ít người Nghệ bướng bỉnh đến mức Ương Bướng, cộng với Bảo Thủ trở thành Ương Gàn.

5. TIẾT KIỆM ĐẾN HÀ TIỆN 

Người Nghệ nổi tiếng tiết kiệm với tích cá gỗ. Nhưng đôi khi tiết kiệm thái quá đến mức hà tiện, trở thành tiêu cực

6. CỤC BỘ ĐẾN BÈ CÁNH 

Cục bộ, như trên đã đề cập, trong khuôn khổ một cuộc chơi không phải là hoàn toàn tiêu cực. Nhưng cục bộ đến mức bè phái, chia rẽ, thì sẽ thành rào cản của tiến bộ. Vì thế phải có biện pháp để hạn chế hiện tượng bè cánh, không để trở thành lực cản.

7. QUYẾT ĐOÁN ĐẾN ĐỘC ĐOÁN 

Có Trí lại không lùi bước, đi đến cùng, nên người Nghệ rất quyết đoán. Quyết đoán ở trong tầm kiểm soát là đức tính vô cùng quan trọng của người lãnh đạo. Nhưng thái quá tự tin, cộng với bảo thủ, người Nghệ một lúc nào đó đã không biết mình rơi vào lãnh địa Độc Đoán. Và đó là tai hoạ. Trong đời sống gia đình, Gia Trưởng là một biểu hiện của Độc Đoán.

8. KHẮC NGHIỆT

Điều kiện sống Khắc Nghiệt nên người Nghệ phải đối mặt với Khắc Nghiệt. Từ đó người Nghệ xem đòi hỏi Khắc Nghiệt là chuyện bình thường. Nhưng hoàn toàn không phải thế.

Người Nghệ nổi tiếng cần cù, làm việc đến kiệt sức. Nhưng khi lấy thước đo làm việc đến kiệt sức của mình để đòi hỏi người khác cũng phải làm việc cần cù đến mức kiệt sức, thì đó là đã chuyển sang biên độ khắc nghiệt.

Cũng như vậy, người Nghệ vô cùng tiết kiệm. Tiết kiệm cho mình đến mức cực khổ thì được, nhưng áp đặt cho người khác phải sống tiết kiệm như mình thì trở thành hà khắc.

Trong quản trị và đối nhân xử thế, lấy thước đo của mình (đặc biệt là đã tới cực biên hà khắc) để áp cho người khác, thì nhiều khi sẽ đưa đến thất bại. Sau đây là một ví dụ kinh điển.

Phạm Lãi (525TCN-455TCN) sau khi giúp cho Việt Vương Câu Tiễn diệt nước Ngô của Phù Sai đã từ quan, đến đất Đào đổi tên thành Đào Chu Công. Trước khi ra đi, Phạm Lãi đã nói với tướng quốc nước Việt là Văn Chủng:

“Chim đã bị bắn thì cung phải cất đi. Thỏ đã bị giết thì chó săn bị nấu. Việt Vương là người cao cổ, miệng chim, chỉ có chung hoạn nạn mà không thể chung phú quý. Thầy sao còn chưa lui về”?

Văn Chủng không nghe lời Phạm Lãi, ở lại với vua Việt. Sau bị Việt Vương ban kiếm bắt tự vẫn.

Đến đất Đào, Phạm Lãi theo nghề buôn bán, thành một người rất giàu có. Con thứ hai của Đào Chu Công phạm tội giết người ở nước Sở, bị vua Sở xử tội chết. Đào Chu Công quen với tướng quốc nước Sở là Trang Sinh, nên lấy 1000 dật vàng sai người con út đến gặp Trang Sinh để cứu con thứ hai.

Người con cả của Đào Chu Công nằng nặc xin đi cứu em. Doạ không được đi sẽ tự vẫn. Vợ Đào Chu Công cũng xin cho con cả đi bằng được. Vì nếu không, chưa cứu được con thứ hai mà đã mất đi con cả. Đào Chu Công miễn cưỡng nghe theo, cho con cả đi và nói với vợ rằng: “Thằng út đi thì thằng hai sống. Thẳng cả đi thì thằng hai chết”. 

Đào Chu Công dặn người con cả mang 1000 dật vàng đến gặp Trang Sinh và không phải nói gì. Người con cả đến gặp Trang Sinh. Trang Sinh cầm vàng và dặn về ngay, không được hỏi han. Trang Sinh định bụng xong việc sẽ trả lại vàng cho Phạm Lãi. Trang Sinh vào tâu Sở Huệ Vương, mượn điềm thiên văn về tai ương, mà xin Sở Huệ Vương đại xá thiên hạ. Sở Huệ Vương nghe theo, truyền tha tội chết cho các phạm nhân. 

Con cả Đào Chu Công ở lại nước Sở, chưa về. Nghe vua Sở đại xá thiên hạ, tưởng Trang Sinh không có công gì, nên đến nhà Trang Sinh có ý đòi lại vàng. Trang Sinh xấu hổ vì nghĩ bị trẻ con hiểu nhầm là ăn hối lộ, lấy vàng trả lại cho con cả Phạm Lãi. Trang Sinh vào tâu với vua Sở:

“Thiên hạ đồn đại vương nhận tiền đút lót của Phạm Lãi nên lấy cớ đại xá thiên hạ để tha cho con Phạm Lãi. Nay nên vẫn giữ lệnh đại xá thiên hạ. Nhưng chỉ giết con Phạm Lãi để tỏ rõ nhân đức và nghiêm minh của đại vương”. Vua Sở nghe theo, chỉ giết con Phạm Lãi mà đại xá thiên hạ.

Người con cả Phạm Lãi khóc lóc mang xác em hai về. Vợ hỏi Phạm Lãi tại sao lại biết trước. Phạm Lãi nói:

“Thằng út sinh ra khi nhà mình đã giàu, nó không tiếc của khi mang đi hối lộ. Thẳng cả sinh ra trong lúc nhà mình nghèo. Nó sẽ tiếc của. Vì thế nó phải mang xác em nó về”.

Câu chuyện kinh điển của Đào Chu Công cho thấy, lấy thước đo của mình để đo người khác, nhiều khi lỡ việc. Mình làm việc cật lực rồi bắt người khác phải làm việc cật lực, mình tiết kiệm cùng cực rồi bắt người khắc phải tiết kiệm cùng cực – đều là khắc nghiệt. Nhắc lại điển tích Đào Chu Công là nhằm lưu ý, rằng trong quản lý kinh tế không nên lấy cái tiết kiệm của người Nghệ để đo lòng người khác. 

Nhưng ở mặt khác, tính Khắc Nghiệt của người Nghệ lại trở thành ưu điểm khi áp dụng cho chính chủ thể, và nhất là áp dụng cho cá nhân người lãnh đạo. Yêu cầu cao đến mức Khắc Nghiệt cho cá nhân người lãnh đạo sẽ bắt người lãnh đạo luôn ở biên giới tột độ của năng lực và sẽ dẫn đến việc thay đổi nhân sự. Thay đổi lãnh đạo, không chỉ vì làm việc chưa hết năng lực, mà còn vì dẫu đã làm việc hết năng lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thì phải nhường chỗ cho người khác. Cho nên, từ chức hay bị thay thế không phải vì có khuyết điểm, không phải đang làm việc tốt, mà bởi vì cần phải làm việc tốt hơn nữa, và vì có người làm việc tốt hơn nữa. Ở đây tính Khắc Nghiệt đã soi sáng cho lý do vì sao phải từ chức và vì sao phải thay thế lãnh đạo. Đây cũng là mặt tích cực của tính Khắc Nghiệt. Như vậy, tính Khắc Nghiệt có khuynh hướng tiêu cực hay tích cực tuỳ thuộc vào đối tượng áp dụng. 

Những tính cách của người Nghệ viện dẫn ở trên là chưa đầy đủ. Hơn nữa, dù tích cực hay tiêu cực, chúng chỉ mang tính tương đối để tham khảo. Các tính cách có trong nhau, đan chen nhau, nuôi dưỡng nhau. Trong trung thực có thẳng thẳng. Trong trung thành có tin cậy. Trong dũng cảm có liều lĩnh. Trong không khuất phục có bướng bỉnh… Và ngược lại. Bởi thế, phải biết nuôi dưỡng chiều hướng tích cực, và hạn chế thiên hướng tiêu cực. Từ tích cực sang tiêu cực là khoảng cách rất mong manh, tương tự vị trí số 0 ngăn cách các chiều âm dương của trục số.

VI. BA HƯỚNG CHIẾN LƯỢC SỬ DỤNG NHÂN TÀI XỨ NGHỆ 

Các bậc trí giả Nghệ An đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ chống giặc ngoại xâm gìn giữ giang sơn, lập triều đại mới, mở mang bờ cõi, quản trị, phát triển kinh tế, cho đến sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bang giao quốc tế…ở lĩnh vực nào người Nghệ An cũng nổi trội xuất sắc. Nhưng đòi hỏi thực tế cho thấy nỗi niềm mong muốn người Nghệ An phải xuất sắc hơn nữa.

Không phải cứ đào tạo thì “đẻ” ra được người tài. Nhưng ngược lại, nếu người tài không được vun đắp nuôi dưỡng thì sẽ bị thui chột. Ở mặt khác nữa, người tài không được sử dụng đúng chỗ cũng phản tác dụng. Nghĩa là phải có môi trường tốt nhất để người tài thể hiện hết năng lực của mình.

1. TẬP TRUNG NGƯỜI TÀI NGHỆ AN CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỂ SINH RA NHỮNG PHÁT MINH MỞ ĐƯỜNG TẦM CỠ NHÂN LOẠI

Bởi thế, nếu trước đây sự đóng góp của các bậc nhân sĩ Nghệ An mang tính tự phát ngẫu nhiên, thì trong thời đại ngày nay, cần thiết phải có sự điều khiển để đạt được hiệu quả lớn hơn. Nhân tố cần điều khiển đầu tiên là tập trung nhân tài cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây chính là “thần dược” tạo ra những bước tiến dài cho đất nước. Chính trog lĩnh vực này, người tài Nghệ An phải được huy động để sinh ra những phát minh sáng chế ở tầm cỡ nhân loại. Khoa học công nghệ là nhân tố số 1 đưa lại sự giàu có thịnh vượng và hùng cường cho quốc gia, nhưng ở lĩnh vực này thì Nghệ An nói riêng và cả Việt Nam nói chung còn tụt hậu so với các nước. Người Nghệ An chưa có những phát minh mang dấu vết đá tảng trong lịch sử nhân loại. Đây là khiếm khuyết nhất thiết phải sửa chữa – không chỉ cho Nghệ An, mà cho cả Việt Nam. Nếu có chính sách đúng thì sẽ có người Nghệ An nói riêng và người Việt Nam nói chung trở thành những bác học xuất sắc của thế giới, bao gồm cả giải thưởng Nobel.

2. DỒN NGƯỜI TÀI NGHỆ AN CHO QUẢN TRỊ 

Điều cần điều khiển thứ hai – để bù đắp cho thiếu sót quá khứ – chính là dồn người tài cho quản trị đất nước.

Vào thời phong kiến, nước ta lấy thi cử văn chương làm thước đo tài năng để bổ nhiệm quan lại quản trị đất nước. Dẫu chưa hoàn toàn chính xác, nhưng đó là phương thức chọn người tài dựa trên các tiêu chí có định lượng. Từ cách mạng năm 1945 đến nay, phải trải qua 4 cuộc chiến tranh quá tàn khốc, nên Việt Nam không có thời gian và trí tuệ tập trung cho thể thức chọn người tài. Việc chọn người tài hoàn toàn dựa trên cảm tính mà không dựa vào các tiêu chuẩn định lượng. Việc quản trị đất nước vì thế rơi vào chủ quan, không khoa học, dẫn đến bị tụt hậu, chưa thể đứng vào hàng các nước giàu có hùng mạnh. Đó là một thiệt thòi lớn cho dân tộc. Bởi thế, dứt khoát phải tìm đến các phương thức khoa học về chọn lựa người tài.

Để bù đắp, cần thiết phải dồn người tài Nghệ An cho quản trị đất nước, song song với dồn người tài Nghệ An cho phát minh khoa học công nghệ. Bởi vì, quản trị đất nước phải đi trước một bước thì mới có chính sách đúng cho khoa học và công nghệ. Nếu quản trị đất nước yếu kém, thì không thể có môi trường tốt cho khoa học công nghệ phát triển. Đó là nhân tố chiến lược thứ hai phải được ưu tiên thay đổi.

3. COI TRỌNG VIỆC LÀM GIÀU NGANG VỚI VIỆC HỌC VÀ VIỆC QUẢN TRI. DỒN NGƯỜI TÀI NGHỆ AN CHO VIỆC LÀM GIÀU

Nhân tố chiến lược thứ ba phải thay đổi là tập trung người tài Nghệ An để làm giàu. Nghĩa là Nghệ An cần có nhiều người giàu có. Đã hàng nghìn năm, người Nghệ An chỉ coi trọng việc học, sau mới đến việc làm quan, mà không đề cao việc làm giàu. Đã không coi trọng làm giàu, nhiều khi lại còn dè bỉu. Đó là quan niệm sai lầm. Nay phải thay đổi lại – thành việc học, việc làm quan, việc làm giàu, là 3 mục tiêu quan trọng hàng đầu cần được đề cao như nhau. 

Ba nhân tố chiến lược nêu trên không chỉ đúng cho Nghệ An mà đúng cho cả Việt Nam. Chỉ cần thay đổi 3 nhân tố chiến lược nêu trên, Việt Nam tất có những thay đổi phi thường, rồi dần từng bước tiến vào nhóm 20 nước giàu có nhất thế giới. 

Ở đâu cũng cần người tài. Nhưng số lượng người tài có hạn. Nên phải biết tập trung người tài vào những mắt xích quan trọng nhất. Từ đó mới tạo ra được những “phản ứng hạt nhân”. 

VII. ĐỀ XUẤT TÁC NGHIỆP 

Trong hoàn cảnh hiện nay, để đưa Nghệ An thành tỉnh giàu có hàng đầu của đất nước, cần có những biện pháp tác nghiệp cụ thể. Dưới đây là một số đề xuất về các biện pháp cụ thể cùng với các lĩnh vực cần được quan tâm đúng mức.

1. XOÁ BỎ CÁC CƠ CHẾ CẢN TRỞ 

2. MỞ CỬA CHO NGƯỜI TÀI VÀO CÁC VỊ TRÍ QUẢN LÝ LÀ “BẢO BỐI” ĐỘT PHÁ

3. THIẾT LẬP QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ

4. THIẾT LẬP THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

5. THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÀ CHÌA KHOÁ CỦA HIỆU QUẢ

6. THÚC ĐẨY HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ XUẤT KHẨU TẬP TRUNG VÀO 3 ĐỐI TÁC CHỦ CHỐT EU HOA KỲ VÀ NHẬT BẢN

7. TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN TIỆN CHO DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN LÀ ĐÔNG LỰC CỘT SỐNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

8. TÍCH HỢP CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN THÀNH CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN LỚN

9. DÀNH CÁC DỰ ÁN CHO DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VÀ TÌM THỊ TRƯỜNG CHO DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

10. TĂNG NHANH TỶ PHẦN CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG

11. ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

12. PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VÀ DU LỊCH

13. ĐỔI MỚI GIÁO DỤC LÀ NỀN TẢNG DÀI LÂU CỦA TIẾN BỘ VÀ VĂN MINH

14. ĐẢM BẢO LUẬT PHÁP. ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG. ĐẢM BẢO CÁC QUYỂN CÔNG DÂN CƠ BẢN

15. ĐẢM BẢO Y TẾ VÀ AN SINH XÃ HỘI

16. ĐẢM BẢO AN NINH VÀ QUỐC PHÒNG 

VIII. CHÌA KHOÁ TOÀN NĂNG 

Người cái thế mới có tầm nhìn cái thế. Tầm nhìn cái thế nhận biết được người tài. Tầm nhìn cái thế mới đặt ra những mục tiêu cái thế.

Nghệ An có đầy đủ điều kiện để đứng vào hàng ngũ những tỉnh thành phát triển nhất nước. Để Nghệ An tiến vào nhóm các tỉnh thành phát triển hàng đầu của cả nước, điều đầu tiên là Nghệ An cần một lãnh đạo cái thế. Từ đó Nghệ An mới có các mục tiêu cái thế. Từ đó người tài mới theo người đứng đầu cái thế của Nghệ An để công hiến.

Người xưa có nói “chim khôn tìm cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ”. Muốn người tài kéo đến Nghệ An thì Nghệ An cần có minh chúa. Chỉ minh chúa mới biết sử dụng hết năng lực của người tài.

Nguyen Ngoc Chu