Một sự kiện đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là vùng Catalonia thuộc Tây Ban Nha đã tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý với 90% những người dân đi bỏ phiếu đồng ý tách Catalonia ra khỏi Tây Ban Nha để thành lập một quốc gia độc lập.
Chính quyền Tây Ban Nha đã lên án hành động này và xem đây là hành động bất hợp pháp theo Hiến pháp. Và Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cũng đã có động thái tuyên bố sự thành lập quốc gia độc lập của Catalonia là “vi phạm hiến pháp”.
Rõ ràng, chiếu theo Hiến pháp Tây Ban Nha thì sự ly khai đòi thành lập quốc gia độc lập của Catalonia rõ ràng đã vi phạm vào điều 2 Hiến pháp Tây Ban Nha khi “thừa nhận sự tồn tại của nhiều dân tộc trong một quốc gia Tây Ban Nha thống nhất và không thể chia tách”.
Nguyên tắc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất, không thể chia cắt là một nguyên tắc tối quan trong Lập Hiến, không chỉ riêng Tây Ban Nha, mà đối với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, đối với Luật quốc tế, việc ly khai, chia cắt lãnh thổ đòi độc lập là hoàn toàn được công nhận dù không được khuyến khích.
Một lý do chính đáng và hợp pháp để một quốc gia tuyên bố độc lập thường được căn cứ vào “quyền dân tộc tự quyết” được công nhận theo luật quốc tế.
Cụ thể trong Tuyên bố về Các nguyên tắc của Luật quốc tế năm 1970 của Liên Hợp Quốc khẳng định rõ nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết là: “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”, và “mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.
Khoản 2 Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi nhận “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết”.
Như vậy căn cứ vào Nguyên tắc này, thứ nhất về hình thức, Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha để thành lập quốc gia độc lập, thiết lập một chế độ riêng là hoàn toàn được công nhận theo luật quốc tế. Và thứ hai, phải xét tới vấn đề cốt yếu đặt ra trong trường hợp ly khai này có phải là mong muốn của người dân, do đa số người dân xứ Catalonia quyết định lựa chọn hay đây chỉ là ý chí của một nhóm thiểu số đang nắm quyền?
Vì nếu nhìn vào sự ly khai của Crimea vào năm 2014 đòi tách khỏi Ukaina để sáp nhập vào Nga, về hình thức thì nó được công nhận theo luật quốc tế, nhưng về nội dung thì sự ly khai này rõ ràng là bất hợp pháp. Bởi lẽ nó được thực hiện không dựa vào bất kỳ nền tảng ý chí của dân tộc Crimea. Sự ly khai này được thực hiện bởi một nhóm bịt mặt được trang bị súng ống, xông vào chiếm giữ các trụ sở công quyền dưới sự hỗ trợ ngầm của chính phủ Nga. Bản chất của vụ việc này là một hình thức “xâm lược trong thời đại văn minh” của chính phủ Nga.
Còn bản chất vụ việc ở Catalonia thì hoàn toàn khác. Nếu nhìn vào kết quả trưng cầu dân ý ở Catalonia thì có thể nói rằng đây là ý chí của người dân Catalonia khi hơn 90% người đi bỏ phiếu đồng ý tách Catalonia ra khỏi Tây Ban Nha để thành lập một quốc gia độc lập. Lá phiếu đã phản ánh rõ ràng ý nguyện và mong muốn của người dân xứ Catalonia đang khao khát thành lập một quốc gia độc lập.
Về khía cạnh lịch sử, đấu tranh đòi độc lập, thành lập một quốc gia độc lập của các vùng tự trị là một tập quán quốc tế được thừa nhận khi nó tuân thủ theo Hiến chương Liên Hơp Quốc. Với một quá trình đấu tranh đòi quyền dân tộc tự quyết phù hợp với nội dung và hình thức của luật quốc tế như vậy, đủ cơ sở để Catalonia được công nhận là một quốc gia độc lập.
Bên cạnh đó, khi đối chiếu từ khía cạnh pháp luật quốc tế về quyền con người, “quyền dân tộc tự quyết” đều được hai Công ước quốc tế quan trọng là Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước về các Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội (ICESCR) ghi nhận và bảo vệ một cách thống nhất ngay từ điều đầu tiên: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá […]. Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các Lãnh thổ uỷ trị và các Lãnh thổ Quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Lẽ ra chính quyền Tây Ban Nha muốn ngăn chặn việc ly khai của Catalonia thì họ cần đến một giải pháp đấu tranh pháp lý, chẳng hạn như điều tra và phát hiện có sự gian lận trong quá trình trưng cầu dân ý để có cơ sở pháp lý nhằm vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu, hoặc vận động những người không đi bỏ phiếu tiến hành đi bỏ phiếu chống lại sự ly khai này. Nhưng đáng tiếc, chính quyền Madrid lại sử dụng vũ lực để ngăn chặn quá trình bỏ phiếu – một biện pháp bị ngăn cấm theo Nguyên tắc luật quốc tế. Một khi đã vi phạm vào luật quốc tế thì quốc gia này khó lòng tìm kiếm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Một vùng có diện tích rộng lớn với một trình độ kinh tế-xã hội phát triển, với sắc dân sinh sống cố định, có ngôn ngữ và văn hóa riêng, cùng với một quyết tâm, khó điều gì có thể ngăn cản Catalonia trở thành một quốc gia độc lập trong tương lai.