Cho người canh giữ trước nhà hay ngăn chặn việc đi lại là một cách làm ‘có hệ thống’ của chính quyền Việt Nam để đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền, một phúc trình của tổ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa được công bố cho biết.
Phúc trình dài 66 trang có tựa đề ‘Bị nhốt ở trong nhà: Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do đi lại’ đã được HRW công bố tại một buổi họp báo vào sáng ngày 17/2 tại Bangkok để kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc’.
Theo Human Rights Watch, cách làm ‘canh và chặn’ này khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến ‘chịu quản thúc tại gia vô thời hạn’.
Theo giải thích của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì với cách làm này, các nhà hoạt động ‘bị câu lưu trong thời gian vừa đủ lâu để không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ’và bị hạn chế xuất nhập cảnh.
Hơn 170 trường hợp
Phúc trình đã ghi nhận các trường hợp của hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp kiểu này, trong đó có bị chặn trước cửa nhà, chặn trên đường đi, giữ lại không cho xuất, nhập cảnh ở sân bay, cửa khẩu và từ chối cấp hộ chiếu…
Trong một đoạn video được HRW trình chiếu tại buổi họp báo, ông Trịnh Bá Phương, một nhà tranh đấu về các quyền về đất đai ở Việt Nam đã bị tuyên án 10 năm tù, đã quay lại cảnh an ninh thường phục ‘dàn trận’ trước nhà ông và có hành động quát tháo, đe dọa và dường như đã hành hung ông. Một đoạn video khác cho thấy ông Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến nổi bật ở Hà Nội, bị một số người trẻ mặc thường phục đẩy lại vào nhà khi đang trên đường đi.
Chính quyền cho ‘nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân’, phúc trình cho biết.
“Lúc nào sự ngăn chặn này cũng đi kèm với sự đe dọa về thân thể. Nếu các nhà hoạt động tìm cách trốn thoát thì họ sẽ bị đánh đập,” ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói tại cuộc họp báo công bố phúc trình.
Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú, cũng theo phúc trình.
Và khi cần đi ra nước ngoài hoặc khi làm thủ tục xin cấp hay gia hạn thì các nhà hoạt động này mới biết họ nằm trong danh sách cấm xuất nhập cảnh ‘với những lý do an ninh quốc gia chung chung’.
“Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu,” HRW cho biết.
Ngay cả khi xuất cảnh với mục đích cá nhân như đi du lịch hay đi chữa bệnh thì các nhà hoạt động vẫn bị chính quyền chặn lại do ‘quá nhạy cảm’ với khả năng họ gặp các quan chức nước ngoài hay các nhân vật lưu vong.
HRW đưa ra trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị giam giữ về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, đã bị cầm giữ suốt 10 ngày hồi tháng 1 năm 2021 khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13, và ông Nguyễn Quang A bị nhân viên an ninh lôi lên xe đi vòng vòng hồi năm 2016 để ngăn ông đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đang ở thăm Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Robertson cũng nêu lên trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập đang thụ án 9 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Hồi năm 2016, bà Trang cùng một người bạn lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng ‘bị chặn lại khi cách Hà Nội 100km, bị câu lưu và bị buộc phải quay về’.
Còn về xuất nhập cảnh, phúc trình nêu các trường hợp của linh mục Nguyễn Đình Thục bị ngăn xuất cảnh sang Nhật nhân chuyến thăm của Giáo hoàng Francis hồi năm 2019 với lý do ‘bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội’.
Blogger Phạm Chí Dũng, người cũng đang thụ án tù, cũng từng bị chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2014 khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Geneva để điều trần về nhân quyền Việt Nam tại kỳ Xem xét Định kỳ Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
‘Ăn bánh canh’
Cách làm này của chính quyền trở nên quen thuộc đối với các nhà hoạt động đến nỗi nó trở thành ‘một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ’ và thậm chí còn được họ gọi đùa là ‘ăn bánh canh’ (eating guard soup), ông Phil Robertson cho biết.
Họ còn ứng phó bằng cách lên đường trước vài ngày trước khi xảy ra sự kiện nhạy cảm nào đó nhưng cuối cùng vẫn bị chặn lại, cũng theo ông Robertson.
Không chỉ bản thân các nhà hoạt động mà ngay cả người thân của họ cũng gặp các hạn chế về đi lại này trong hành động mà HRW gọi là ‘trừng phạt tập thể’.
HRW chỉ ra những sự kiện chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các ngày lễ quốc tế về nhân quyền, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột Việt-Trung, hay chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhất là Mỹ, là những lúc nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường các hoạt động canh giữ và ngăn chặn này.
“Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội,” ông Robertson nói.
Ông kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế này và sửa đổi các điều luật cản trở quyền tự do cơ bản của công dân và kêu gọi các đối tác và nhà tài trợ cho Việt Nam ‘gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử này’.
“Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền,” ông Robertson nói.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà bất đồng chính kiến, cho biết việc canh và chặn đối với ông ‘thường xuyên xảy ra’, nhất là trong các cuộc tưởng niệm liên quan đến Trung Quốc, các cuộc biểu tình, các phiên tòa xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông nói do ông có cách tiếp cận ôn hòa nên không gặp phải thái độ căng thẳng của những người canh giữ ông, còn những bạn bè ông do ‘cố gắng bảo vệ quyền đi lại’ nên gặp phản ứng quyết liệt của phía an ninh.
“Mục đích của những người canh giữ là làm sao mình không đến địa điểm này, không tham dự sự việc này, sự việc kia,” ông Thắng nói.
Cũng theo lời ông Thắng thì việc quản thúc ông như vậy ‘không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân’ của ông vì họ ‘không ngăn chặn tôi đi làm, đi chợ hay đi những công việc cá nhân’.
Để có được phúc trình này, HRW đã dựa vào báo chí độc lập, mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng. Họ cũng đã phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân và gia đình cùng với nhân chứng.
Đây là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xem xét một cách có hệ thống cách thức hạn chế tự do đi lại của chính quyền Việt Nam để công bố trong một phúc trình đầy đủ và toàn diện.