VOA
Nhật Bản và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý hôm Chủ nhật tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại này mà không có Hoa Kỳ tham gia. Cùng lúc, chính sách “nước Mỹ trước hết” của ông Trump đã tạo ra căng thẳng tại hội nghị của các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Những xáo trộn trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đã thể hiện hết ra tại một hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hội nghị đã không thể nhất trí về tuyên bố chung sau khi Hoa Kỳ phản đối lời văn nói về tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Hội nghị ở Hà Nội, Việt Nam, là hội nghị thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê phán trật tự cũ, lập luận rằng các hiệp định thương mại tự do đa phương làm mất nhiều việc làm của Mỹ và ông muốn đạt được các hiệp định mới.
Bên lề hội nghị APEC, 11 quốc gia còn lại của TPP đã đồng ý tìm cách để họ có thể tiếp tục thực hiện hiệp định mà không có đất nước nắm vai trò lãnh đạo là Hoa Kỳ, họ phần nào hy vọng Washington sẽ xem xét lại việc rời khỏi hiệp định.
Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Hoa Kỳ
Đại diện Thương mại mới của Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói không có chuyện quay trở lại.
Ông Lighthizer, 69 tuổi, từng là nhà đàm phán thương mại thời Tổng thống Reagan, nói trong một cuộc họp báo: “Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Hoa Kỳ”.
Mặc dù các thành viên TPP vẫn duy trì hiệp định thương mại này, họ thiếu một cam kết hết lòng đối với việc thúc đẩy ngay lập tức một hiệp định mà các thành viên cũng xem nó như là một cách để kiềm chế một Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế.
Một trong những thách thức lớn nhất là giữ lại được Việt Nam và Malaysia, hai nước đã đăng ký tham gia TPP và hứa sẽ thực hiện những cải cách lớn để được tiếp cận tốt hơn với Hoa Kỳ.
Lượng thương mại giữa các nước còn lại chỉ bằng một phần tư so với mức của trường hợp giả sử Hoa Kỳ vẫn ở trong TPP.
Các quan chức của các quốc gia TPP sẽ gặp lại nhau tại Nhật Bản vào tháng 7 và đưa ra các đề xuất trong tháng 11, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết.
Chủ nghĩa bảo hộ
Những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đã tăng lên dưới thời Tổng thống Trump. Thêm vào đó, việc các nước Châu Á-Thái Bình Dương không thể nhất trí về tuyên bố chung đã không giúp ích gì cho việc ngăn chặn những lo ngại đó.
Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi muốn thương mại tự do, chúng tôi muốn thương mại công bằng, chúng tôi muốn có một hệ thống dẫn đến hiệu quả thị trường lớn hơn trên toàn thế giới
Hoa Kỳ đã chống lại lời văn đã được 20 quốc gia APEC khác đồng ý. Đó là lời văn ủng hộ tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các quan chức tại các hội nghị cho biết.
Một tuyên bố của vị chủ tọa Việt Nam tại hội nghị đưa ra “cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư”.
Tuy nhiên, thông cáo duy nhất từ tất cả các thành viên là một “Tuyên bố Hành động” không có cam kết như vậy. Tuyên bố đề cập đến các chủ đề như tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác kỹ thuật.
Sự bất đồng này cũng tương tự như những gì đã xảy ra tại các hội nghị G20 và hội nghị lãnh đạo tài chính của G7, ở đó các tuyên bố đã được điều chỉnh để phù hợp với chương trình nghị sự mới của Hoa Kỳ.
Giải thích về sự phản đối của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng thuật ngữ bảo hộ mậu dịch, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nói thuật ngữ này đang bị nhầm lẫn với các bước thực sự cần thiết để thúc đẩy thương mại tự do.
Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi muốn thương mại tự do, chúng tôi muốn thương mại công bằng, chúng tôi muốn có một hệ thống dẫn đến hiệu quả thị trường lớn hơn trên toàn thế giới”.
(theo Reuters)