Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động, liệu có đúng luật?

0
78
   

Chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ – Ảnh: HỮU THUẬN

Quy định mới về điều kiện đăng ký thông tin thuê bao di động theo nghị định 49/2017/NĐ-CP bắt buộc chủ thuê bao phải chụp ảnh khi giao dịch đã vấp phải sự phản ứng của các chủ thuê bao vì bị “làm khó” đồng thời cũng khiến các nhà mạng than trời vì phải đầu tư thêm vật tư, nhân lực.

Không chỉ tốn thời gian, việc chủ thuê bao phải cung cấp ảnh chân dung khi giao kết hợp đồng dịch vụ với nhà mạng liệu có đúng quy định của pháp luật?

Hai bên phải bình đẳng trong hợp đồng dịch vụ

Theo theo điểm đ, khoản 5, điều 1 nghị định 49/2017, thông tin thuê bao phải có: Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước).

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), có thể nói đây lại là một quy định mang tính hình thức và rất khó để tuân thủ trong thực tế.

Luật sư Truyền phân tích: Thứ nhất, việc xác định chủ sở hữu thuê bao di động hiện hành là dựa vào các thông tin trên chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu (đối với cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập… (đối với tổ chức).

Chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu khi đăng ký thuê bao di động đã phải xuất trình bản chính chứng minh nhân dân, căn cước hay hộ chiếu và nộp bản sao để nhà mạng lưu trữ. Trên các giấy tờ này đều đã thể hiện hình ảnh của các cá nhân này rồi. Việc chụp ảnh trực tiếp liệu có thật cần thiết?

Thứ hai, việc tuân thủ quy định này sẽ gây ra sự phiền toái cũng như lãng phí rất lớn. Bản chất quan hệ pháp lý trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng giữa một bên là người dùng dụng dịch vụ và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Mối quan hệ này là hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.

Vì vậy, ngoài thông tin về nhân thân cần thiết của chủ thể khi giao kết hợp đồng trên thì việc có cần thêm những thông tin riêng tư khác (như hình ảnh cá nhân) hay không phải hoàn toàn dựa vào ý chí của các cá nhân đó, điều này được hiến pháp và pháp luật quy định.

Đồng tình với luật sư Truyền, giảng viên Nguyễn Việt Khoa – Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc buộc người giao kết hợp đồng thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh theo điểm đ, khoản 5, điều 1 nghị định 49/2017 là vi phạm điều 21 của Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân.

Hình ảnh là bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ và công dân chỉ có nghĩa vụ cung cấp trong một số trường hợp theo luật định.

Khó áp dụng!

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định của nghị định 49 nhằm đảm bảo việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, giảm thiểu tình trạng tin nhắn, các cuộc gọi rác, lừa đảo, đảm bảo an ninh quốc gia…

Tuy nhiên, luật sư Nam cũng cho rằng quy định này gặp không ít khó khăn khi áp dụng bởi sẽ khiến các nhà mạng đau đầu với việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và thời gian thuyết phục khách hàng.

“Nếu trước đây với việc chỉ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân thì việc đăng ký thuê bao khách hàng chỉ cần 5-10 phút là xong. Nay nếu buộc khách hàng phải chụp ảnh mà họ không đồng ý thì giao dịch viên phải thời gian thuyết phục, giải thích mà chưa chắc khách hàng đồng ý”.

Đấy mới chỉ là quy định với thuê bao mới, còn với hàng chục triệu thuê bao cũ, việc liên lạc, yêu cầu họ gửi ảnh hoặc đến chụp ảnh trực tiếp cho khách là rất khó khăn” – luật sư Nam nói.

Ngoài ra, các địa điểm còn phải đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian.

Tuy nhiên, việc đau đầu nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu xem ảnh gửi về có khớp với ảnh trong chứng minh thư của thuê bao hay không là 1 vấn đề không đơn giản.

Cần bỏ quy định buộc người đăng ký thuê bao chụp ảnh

Việc buộc người đến ký hợp đồng thuê bao di động phải chụp ảnh cũng trái với Bộ luật Dân sự về chủ thể giao kết hợp đồng.

Trong nhiều trường hợp thì một số người không thể đến để đăng ký giao dịch, nếu họ nhờ người nhà hoặc người thân đến đăng ký thì buộc người đến đăng ký chụp ảnh là không khả thi trên thực tế, đối với đăng ký thuê bao điện thoại là tổ chức thì càng không thể thực hiện .

Cần xem lại những quy định của nghị định 49/2017 để sửa đổi hoặc hủy bỏ quy định buộc người đăng ký thuê bao di động phải chụp ảnh vì quy định này trái luật.

Nguyễn Việt Khoa – giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

HOÀNG ĐIỆP
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here