BOT Cai Lậy: giảm phí vẫn bị phản đối

0
117
Trạm thu phí đường tránh thị xã Cai Lậy ̣ (Ảnh chụp màn hình báo Thanh niên)
   
VOA

Các mức phí qua trạm BOT đường tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã được giảm vào khoảng 30% sau nhiều ngày diễn ra phản ứng mạnh mẽ của giới tài xế. Tuy nhiên, động thái giảm giá này vẫn không xoa dịu được sự bức xúc của dư luận.

Ngoài mức phí được cho là quá cao, cánh tài xế còn cho rằng việc đặt trạm thu phí đường tránh trên Quốc lộ 1 để thu phí luôn những người không sử dụng đường tránh là “không hợp lý”.

Động thái này được đưa ra trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải, tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư trạm BOT Cai Lậy hôm 16/8 sau nhiều ngày lộn xộn tại trạm thu phí do các tài xế phản đối bằng cách trả phí bằng tiền lẻ gây kẹt xe kéo dài.

Theo đó, các mức phí lần lượt giảm từ 35.000 xuống 25.000 đồng, từ 60.000 xuống 40.000 đồng, từ 100.000 xuống 70.000 đồng và từ 180.000 xuống 140.000 đồng tương ứng với các loại phương tiện có sức chứa và tải trọng khác nhau.

Mức phí mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 21/8, theo báo mạng VnExpress. Ngoài ra, người dân có hộ khẩu thường trú tại bốn xã xung quanh trạm thu phí sẽ được miễn hoặc giảm 50% tùy vào loại phương tiện.

Tuy nhiên, với thông báo giảm mức phí này, nhà đầu tư không cho biết liệu thời gian thu phí có kéo dài hay không. Trạm thu phí đường tránh Cai Lậy đưa vào hoạt động từ ngày 1/8 với thời gian thu phí là 6 năm 5 tháng.

Trả lời câu hỏi của báo Người Lao Động về việc có kéo dài thời gian thu phí hay không, ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, nói rằng việc giảm phí “chắc chắn phải tính đến phương án tài chính của dự án” nhưng “bây giờ chưa thể tính được”.

VnExpress đưa tin rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng “đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra ùn tắc tại khu vực trạm thu phí” và sẽ “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, hành động trả tiền lẻ của nhiều tài xế khi qua trạm thu phí mặc dù gây ùn tắc giao thông nhưng được nhiều luật sư nhận định là không vi phạm pháp luật.

Tờ Người Lao Động cho biết trước thông tin về việc giảm phí này, “rất nhiều tài xế vẫn bày tỏ sự phản đối”. Tờ báo này dẫn lời ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Các cơ quan nhà nước phải nhìn rõ lý do tại sao tài xế phản đối. Họ không đồng tình vị trí của trạm thu phí, dù không đi đường tránh nhưng vẫn phải mua vé. Một xe tải mỗi năm đóng mười mấy triệu đồng phí bảo trì đường bộ. Nâng cấp Quốc lộ 1 sao không sử dụng phí đó mà phải dùng BOT?”

Trao đổi với VOA, một tài xế xưng tên là Dũng thuộc Hợp tác xã Vận tải số 9 ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông không đồng tình với giải pháp giảm phí này.

“Giá thu thì Nhà nước quy định và có tính toán với nhà đầu tư. Tụi tôi đi thì tụi tôi trả. Còn không đi thì không trả.”

Người tài xế này nói nếu trạm thu phí này dời đi vào vị trí đường tránh thị xã Cai Lậy thì dù mức phí không giảm, cánh tài xế “cũng sẽ chấp nhận”.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here