‘Bom dầu khí’: Vũ khí mới của Putin

1
75
   

NCQT

Kim Phụng 02/11/2022

Nguồn: Thomas L. Friedman, “,” New York Times, 25/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc quân đội Nga tiếp tục thất bại ở Ukraine, thế giới đang lo ngại rằng Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều đó là có thể – nhưng hiện tại, tôi cho rằng Putin đang chuẩn bị một loại vũ khí khác. Đó là một quả bom dầu khí mà ông ta đang chế tạo ngay trước mắt chúng ta và với sự giúp đỡ vô tình của chúng ta, và ông ta sẽ kích nổ nó trong mùa đông này.

Nếu ông ta làm vậy, giá dầu sưởi ấm nhà ở và giá xăng sẽ bị đẩy lên trời. Putin hy vọng rằng thất bại chính trị đó sẽ chia rẽ liên minh phương Tây và thúc đẩy nhiều quốc gia – bao gồm cả Mỹ, nơi những thành viên ủng hộ Trump của Đảng Cộng hòa và những người cấp tiến đều bày tỏ lo ngại về chi phí gia tăng của cuộc xung đột Ukraine – vội vã tìm kiếm một thỏa thuận với ông chủ Điện Kremlin.

Nói ngắn gọn thì Putin hiện đang chiến đấu ở chiến trường trên bộ nhằm phá vỡ các phòng tuyến của Ukraine, đồng thời tham gia vào một cuộc chiến năng lượng hai mặt trận nhằm phá vỡ ý chí của Ukraine và của các đồng minh. Ông ta đang cố gắng phá hủy hệ thống điện của Ukraine để chắc chắn rằng nước này sẽ trải qua mùa đông dài lạnh giá, trong khi chuẩn bị làm gia tăng chi phí năng lượng của tất cả các đồng minh của Ukraine (theo những cách mà tôi sẽ giải thích dưới đây). Và bởi vì chúng ta – Mỹ và phương Tây – không có sẵn một chiến lược năng lượng nhằm xoa dịu tác động từ “quả bom” của Putin, đây là một viễn cảnh đáng sợ.

Khi nói đến năng lượng, chúng ta luôn muốn có cùng lúc 5 điều vốn không tương thích với nhau – và đó là điểm Putin đã lợi dụng:

Giờ thì tôi hiểu tại sao mọi người muốn có cả 5 điều. Tôi cũng vậy. Nhưng nó đòi hỏi sự đánh đổi, điều mà quá ít người trong chúng ta muốn thừa nhận hoặc tranh luận. Trong một cuộc chiến năng lượng như hiện nay, chúng ta cần phải rõ ràng về các mục tiêu và ưu tiên của mình. Tuy là một quốc gia và một thành viên của liên minh phương Tây, Mỹ thật ra không có thang ưu tiên nào về năng lượng, mà chỉ có những mong muốn mâu thuẫn nhau và tư duy ảo tưởng rằng chúng ta có thể có tất cả mọi thứ mình muốn.

Nếu cứ giữ lối suy nghĩ đó, chúng ta chắc chắn sẽ bị tổn thương, nếu Putin thả quả bom năng lượng mà tôi tin là ông ta đang chuẩn bị cho Giáng Sinh này. Theo tôi, đây là chiến lược của ông ta: Nó bắt đầu với việc để Mỹ rút dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của mình. Đó là một kho dầu thô khổng lồ, được lưu trữ trong các khoang chứa khổng lồ, với mục đích sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để bù đắp cho sự sụt giảm của sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu. Vào Thứ Tư tuần trước, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ rút thêm 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ vào tháng 12, hoàn thành kế hoạch mà ông đã đặt ra trước đó là rút tổng cộng 180 triệu thùng, trong nỗ lực giữ giá xăng ở mức thấp nhất có thể – nhằm giành được lợi thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. (Ông đã không nhắc đến vế thứ hai. Nhưng ông đâu cần phải làm vậy.)

Theo một báo cáo trên tờ The Washington Post, kho dự trữ của người Mỹ chứa “405,1 triệu thùng tính đến ngày 14/10. Con số này tương đương khoảng 57% công suất lưu trữ được phép tối đa là 714 triệu thùng.”

Tôi thông cảm với quyết định của tổng thống. Đúng là mọi người đã bị ảnh hưởng bởi giá xăng ở mức 5 đến 6 đô la một gallon. Nhưng việc sử dụng nguồn dầu dự trữ – vốn được thiết kế để giúp chúng ta ứng phó khi sản xuất trong nước hoặc toàn cầu bị ngừng đột ngột – chỉ để giúp giảm 10 hay 25 xu một gallon xăng trước thềm bầu cử là chuyện quá rủi ro, ngay cả khi tổng thống có kế hoạch bổ sung lại nguồn dự trữ trong những tháng tới.

Putin muốn Mỹ sử dụng hết Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của mình ở thời điểm này – giống như cách người Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân và bị phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Sau đó, khi khí đốt của Nga bị cắt vì chiến tranh Ukraine, các hộ gia đình và nhà máy của người Đức đã phải điên cuồng cắt giảm năng lượng và tìm kiếm các giải pháp thay thế đắt tiền hơn.

Kế tiếp, Putin đang theo dõi Liên minh châu Âu chuẩn bị cho lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga bằng đường biển, bắt đầu từ ngày 5/12. Lệnh cấm vận này – cùng với việc Đức và Ba Lan chặn đường ống nhập khẩu – sẽ ảnh hưởng tới khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu hiện tại từ Nga của Liên minh châu Âu.

Như một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, D.C., đã lưu ý: “Điều quan trọng là các lệnh trừng phạt cũng cấm các công ty EU cung cấp bảo hiểm vận chuyển, dịch vụ môi giới, hoặc tài trợ cho xuất khẩu dầu từ Nga sang các nước thứ ba.”

Bộ Tài chính Mỹ và Liên minh châu Âu tin rằng nếu không có bảo hiểm đó, số lượng khách hàng mua dầu của Nga sẽ giảm đáng kể. Vì thế, họ nói với người Nga rằng nếu muốn nhận bảo hiểm cho các tàu chở dầu của mình, từ một vài công ty phương Tây đang thống trị ngành bảo hiểm, Nga phải hạ giá xuất khẩu dầu thô của mình xuống mức do châu Âu và Mỹ ấn định.

Các nguồn tin trong ngành dầu mỏ của tôi nói rằng, họ thực sự nghi ngờ việc ấn định giá của phương Tây sẽ có hiệu quả. Đối tác OPEC+ của Nga, Ả Rập Saudi, chắc chắn không muốn chứng kiến một tiền lệ người mua ấn định giá như vậy. Hơn nữa, giao dịch dầu mỏ quốc tế đầy rẫy những nhân vật mờ ám – liệu cái tên Marc Rich có làm bạn nhớ ra điều gì không? – những người thu lợi nhờ bóp méo thị trường. Các tàu chở dầu thường mang theo thiết bị phát tín hiệu để xác định vị trí của chúng. Nhưng những tàu chở dầu tham gia vào các hoạt động mờ ám sẽ tắt thiết bị phát tín hiệu của mình, và mở lại vài ngày sau, khi họ đã chuyển dầu sang tàu khác trên biển hoặc sang các bể chứa nằm đâu đó ở châu Á để tái xuất khẩu, cơ bản là một cách buôn lậu dầu Nga (oil laundering). Lượng dầu trên một tàu cỡ lớn có thể trị giá lên đến 250 triệu đô la, vì thế lợi nhuận là cực lớn.

Vẫn còn một nhân tố phức tạp khác: Trung Quốc. Nước này có đủ loại hợp đồng dài hạn, giá cố định để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông với giá khoảng 100 đô la một thùng dầu quy đổi. Nhưng do cách tiếp cận zero-covid điên rồ của Chủ tịch Tập Cận Bình – trong những tháng gần đây, khoảng 300 triệu công dân nước này đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần – nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, và tiêu thụ khí đốt của nước này cũng vậy. Do đó, một nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho tôi biết, Trung Quốc đã lấy một lượng khí tự nhiên hóa lỏng được bán cho họ theo các hợp đồng giá cố định với mục đích sử dụng trong nước đem bán lại cho châu Âu và các nước thiếu khí đốt khác với giá 300 đô la/thùng dầu quy đổi.

Giờ đây Tập đã chính thức nắm trong tay nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, nhiều người kỳ vọng rằng ông sẽ giảm bớt các đợt phong tỏa. Nếu Trung Quốc quay trở lại mức tiêu thụ khí đốt bình thường, và ngừng tái xuất khẩu lượng khí đốt dư thừa của mình, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ càng trở nên khan hiếm.

Cuối cùng, như tôi vừa nói, Putin đang cố gắng phá hủy khả năng sản xuất điện của Ukraine. Hiện có hơn một triệu người Ukraine phải sống không có điện, và một nhà lập pháp Ukraine đã tweet vào tuần trước rằng “Bóng tối và lạnh giá đang đến gần.”

Kết hợp tất cả những điều này, và giả sử đến tháng 12, Putin thông báo rằng ông sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đến các quốc gia ủng hộ Ukraine, trong 30 hoặc 60 ngày, thay vì tuân theo chiến lược ấn định giá dầu của Liên minh châu Âu. Ông sẽ có đủ khả năng để làm điều đó một thời gian ngắn. Và nó sẽ là món quà Giáng Sinh mà Putin dành cho phương Tây. Trong tình hình khan hiếm, giá dầu có thể lên tới 200 đô la/thùng, và giá khí đốt cũng sẽ gia tăng tương ứng. Chúng ta đang nói đến mức giá 10 đến 12 đô la cho một gallon xăng ở Mỹ.

Đối với Putin, điểm hấp dẫn của một quả bom năng lượng là không giống như việc kích hoạt một quả bom hạt nhân – thứ sẽ khiến cả thế giới đoàn kết chống lại ông – việc kích hoạt một quả bom giá dầu sẽ chia rẽ phương Tây và Ukraine.

Tôi chỉ đang suy đoán về toan tính của Putin. Nếu thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, điều đó có thể khiến giá năng lượng giảm theo. Nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta xây dựng một chiến lược phản công thực sự, đặc biệt là vì dù một số nước châu Âu đã cố gắng tích trữ đủ khí đốt tự nhiên cho mùa đông này, nhưng việc bổ sung các kho dự trữ đó cho năm 2023 mà không có khí đốt của Nga, và với việc Trung Quốc bình thường trở lại, có thể sẽ rất tốn kém.

Nếu Biden muốn Mỹ trở thành kho vũ khí của nền dân chủ, để bảo vệ đất nước chúng ta và các đồng minh dân chủ của chúng ta – và để chúng ta không phải cầu xin Ả Rập Saudi, Nga, Venezuela, hoặc Iran sản xuất thêm dầu và khí đốt – thì chúng ta cần một kho vũ khí năng lượng mạnh ngang với kho vũ khí quân sự. Bởi chúng ta đang ở trong một cuộc chiến năng lượng! Biden cần phải có một bài phát biểu quan trọng, nói rõ rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ cần nhiều năng lượng hơn nữa, thuộc đủ mọi loại. Các nhà đầu tư dầu khí của Mỹ cần biết rằng miễn là họ sản xuất theo cách sạch nhất có thể, đầu tư vào thu hồi carbon, và đảm bảo rằng bất kỳ đường ống mới nào mà họ xây dựng cũng tương thích với việc vận chuyển hydro – nhiều khả năng là nhiên liệu sạch tốt nhất trong 10 năm tới – họ vẫn được chào đón trong tương lai năng lượng của Mỹ, bên cạnh các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, gió, hydro, và các nhà sản xuất năng lượng sạch khác mà Biden đã tích cực thúc đẩy qua đạo luật khí hậu của mình.

Tôi biết. Đây không phải là kịch bản lý tưởng. Đây không phải là kịch bản tôi hi vọng chúng ta sẽ trải qua trong năm 2022. Nhưng thực tế chúng ta đối mặt là như vậy, và bất cứ kịch bản nào khác cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi – và người sẽ không bị đánh lừa bởi ảo tưởng đó chính là Vladimir Putin.

Thomas L. Friedman là chuyên gia bình luận chuyên mục đối ngoại của New York Times. Ông làm việc tại tòa soạn kể từ năm 1981 và đã giành được ba Giải Pulitzer. Ông còn là tác giả của bảy cuốn sách, trong đó có cuốn “Từ Beirut đến Jerusalem” đã giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ.

Advertisement
   

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here