Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội – một mũi tên của Đảng nhắm hai đích?

0
26
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội ở Việt Nam hôm 20/10/2022
   

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.05.03

AFP

“Sẽ đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm người có tín nhiệm thấp,” là tựa đề trên trang báo mạng VietnamNet của Việt Nam hôm 03/5/2023, đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam do Đảng CSVN lãnh đạo và thành lập, tại phiên họp sắp diễn ra trong tháng năm dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với quan chức.

Những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ,” tờ báo mạng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của Nhà nước Việt Nam hôm thứ tư viết.

Vẫn theo nguồn này, theo dự kiến, vào ngày 11/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam sẽ “cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn,” và “nội dung này cũng được Ủy ban Thường vụ xem xét việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây.”

Cùng ngày 03/5, báo Tiền Phong Online, trong bài viết “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: Cán bộ nhận quá nửa ‘tín nhiệm thấp’ có thể xin từ chức”, cho biết thêm chi tiết:

“Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đang được Ban Công tác đại biểu lấy ý kiến trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.”

Vẫn tờ báo thuộc trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Việt Nam cho biết thêm:

“Người chờ nghỉ hưu, hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.

“Các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, Quốc hội, HĐND khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ xem xét khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật…

“Một trong những tiêu chí xem xét việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ vào tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Dự thảo nghị quyết nêu rõ, những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác.”

“Biểu hiện dân chủ hóa nhưng tính hiệu quả khó cao”

Từ Hà Nội, nhà báo Trí Minh, một trí thức quan tâm tới chính trị Việt Nam, đưa ra bình luận:

Việc lấy phiếu tín nhiệm này họ đã sử dụng từ lâu rồi, nay mở rộng phạm vi áp dụng thêm cho chi tiết hơn và mang tính hệ thống hơn. Đây theo tôi cũng là một biểu hiện của dân chủ hóa trong Đảng, nhưng tính hiệu quả không cao được.”

Khi được hỏi nghị quyết này liệu có đảm bảo thực chất, khả thi, tự do và công bằng không, nhà quan sát từ Việt Nam nói:

“Việc này khả thi, có lẽ cũng tự do (do bỏ phiếu kín qua bấm nút, mà không chắc có kín thật không?!). Còn công bằng hay không thì chưa thể chắc.”

“Bởi vì theo thực tế của những lần bỏ phiếu tín nhiệm trước thì thường những ai ở những vị trí ít va chạm với dư luận, ít va chạm với doanh nghiệp, vị trí không có nhiều quyền lực (tức là không ngồi ghế nóng) thì dễ được phiếu tín nhiệm cao. Ví dụ, các vị trí vô thưởng vô phạt như các Uỷ ban ở Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo v.v… thì dễ được tín nhiệm cao. Nếu ngồi các chỗ đó mà tính tình hiền lành, ít va chạm thì càng dễ được tín nhiệm. Như bà Nguyễn Thị Kim Ngân cựu Chủ tịch Quốc hội là được phiếu cao nhất. Còn các quan chức đứng đầu các ngành như các Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Giao thông & Vận tải, Công an, rồi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ… tức là đang ngồi ghế nóng, thì khó được tín nhiệm cao nhất.

Điều này không cho thấy thực chất năng lực của mỗi vị, chẳng qua công việc ít phải va chạm với dư luận, với doanh nghiệp (mà dễ dẫn đến tham nhũng, làm trái…), ít đấu đá với các đồng chí khác thì sẽ dễ được lòng mọi người và như thế thì được tín nhiệm cao, cho dù trên thực tế năng lực của họ cũng không phải là tốt.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đi cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022. AFP

Dân chủ nội bộ hay biện pháp thanh trừng lẫn nhau?

Khi được hỏi về mặt chính trị, đằng sau Nghị quyết này, ban lãnh đạo của Đảng, Nhà nước CSVN muốn đạt mục đích, nhắm mục tiêu gì, nhà báo Trí Minh, người cũng là một blogger giữ một trang mạng xã hội chuyên về chính trị, được nhiều người theo dõi trên truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam, nói:

“Tất nhiên Đảng CSVN cũng muốn dùng công cụ này để chấm điểm cán bộ, mang tính dân chủ nội bộ, để có căn cứ xem xét việc sử dụng cán bộ. Có lẽ đây cũng là mục tiêu chủ yếu, vì họ cũng khó có cách khác khả dĩ hơn. Tuy nhiên, nó còn nhằm mục đích cho dân chúng thấy là chúng tôi cũng có dân chủ, lắng nghe tiếng nói của các đồng chí khác. Nhưng đây cũng là một biện pháp thanh trừng lẫn nhau dựa vào đám đông đảng viên. Việc này Đảng cũng đã từng làm nhiều khi họp chi bộ, sẽ “quán triệt” tư tưởng đấu tố một số đồng chí trước rồi ra cuộc họp cùng đấu, bây giờ thay bằng lá phiếu cho văn minh hơn, nhưng phiếu đó có thể cũng đã qua chỉ đạo định hướng chung.”

Khi được hỏi liệu việc lấy tín nhiệm qua hình thức nghị quyết như vậy sẽ là tốt hơn ở thể chế có duy nhất một đảng chính trị được thừa nhận, chấp chính và lãnh đạo như ở Việt Nam hiện nay hay sẽ là khác nếu ở một thể chế khác, như thể chế đa đảng chính trị đối lập chẳng hạn; và ở môi trường nào sẽ có thể được thực chất hơn, nhà quan sát chính trị này đáp:

“Như tôi trình bày ở trên, việc lấy phiếu này không thực chất, dễ rơi vào dân túy (ở đây là quan túy), muốn tín nhiệm cao chỉ cần được lòng thuộc cấp và các đồng sự, không nhất thiết phải vì lợi ích của nhân dân hay quốc gia.

Vì thế nên các nước dân chủ họ không hay dùng cách này, dù cũng có bầu bán trong nội bộ đảng. Phiếu tín nhiệm này ở Việt Nam do đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng ‘Nhân dân’ bỏ, nhưng 95% đại biểu là đảng viên rồi nên bản chất đây chỉ là bỏ phiếu trong một nhóm nhỏ đảng viên.

Ở các nước dân chủ, người ta đánh giá năng lực quan chức thông qua tiếng nói đối lập (đảng đối lập) và truyền thông tự do. Cách đó hiệu quả hơn nhiều do không bị nể nang và mức độ giám sát của phe đối lập và dân chúng sẽ nghiệt ngã, bám sát hơn là đại biểu lúc bỏ phiếu mới nghiên cứu hồ sơ người cần bỏ phiếu.

Người ta còn có một giải pháp tương tự, nhưng chính xác và dân chủ hơn, đó là một số lãnh đạo phải ra điều trần trước Quốc hội một cách công khai, minh bạch, có tranh luận, chất vấn từ đối lập gay gắt, không khoan nhượng, được truyền hình, báo chí đưa tin trực tiếp, công khai, liên tục, để công chúng thoải mái quan sát, theo dõi và tự rút ra kết luận của họ, nhất là khi lá phiếu bầu của người dân được viện đến và có cơ hội sử dụng trực tiếp qua các cuộc bầu cử dân chủ, tự do và công bằng trong cộng đồng, xã hội và quốc gia.”

Đảng dùng một mũi tên để “bắn trúng hai đích”

Từ Canada, cùng ngày, luật sư Vũ Đức Khanh, đưa ra bình luận có tính chất khái quát về chính trị Việt Nam được thể hiện thông qua động thái như trên, mà được dự kiến sẽ diễn ra tại diễn đàn Quốc hội do ĐCSVN lãnh đạo ở Hà Nội trong thời gian tới đây, ông nói:

Tôi nghĩ trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là đảng (chính trị) duy nhất (được công nhận hoạt động) tại Việt Nam, họ phải lấy uy tín trước quần chúng, công chúng trong, cũng như ngoài nước.

Trong bối cảnh đó, họ phải tạo ra một bộ mặt là họ có tính dân chủ, và để giải quyết những vấn đề trong hàng ngũ chủ yếu của dàn lãnh đạo hành pháp, họ phải dùng cơ chế của lập pháp để kiểm soát trách nhiệm, cũng như quyền hạn của bên hành pháp.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng ĐCSVN đang đưa ra một mũi tên bắn hai mục đích, mục đích thứ nhất là lấy uy tín của dư luận quần chúng trong nước, cũng như ngoài nước; với trong nước, thí dụ như lãnh đạo nào không có tín nhiệm cao, họ có thể sẽ bị phải từ chức, hoặc bị miễn nhiệm hay bằng một cách thế nào đó, phải rời khỏi nhiệm sở, đó là cách dùng áp lực để tỏ ra có tính quần chúng.

Nhưng ngược lại, chúng ta cũng không quên rằng ĐCSVN là một đảng dân chủ tập trung, cho nên đảng viên ở dưới không có quyền gì hết, mà thực sự Ban chấp hành Trung ương đảng quyết định hết cả, cho nên để tránh trường hợp đảng viên cấp dưới chống lại quyết định ở bên trên, họ phải dùng Quốc hội để làm vấn đề này.”

Khi được hỏi về mặt kỹ thuật đơn thuần, thì khi đánh giá tín nhiệm, hay bất tín nhiệm, ở nghị viện, hay quốc hội ở nước ngoài, hay quốc tế, có kinh nghiệm nào mà Việt Nam có thể tham khảo, từ kinh nghiệm của Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, người cũng là Giảng sư luật học bán thời gian tại Đại học Ottawa, nói:

“Riêng ở Canada, kỹ thuật của việc này nằm ở mặt nội quy, tức là những quy định nội bộ của Quốc hội… Khi nói đến nghị quyết của Quốc hội, tôi nghĩ rằng nó có một giá trị về mặt tổ chức nội bộ của Quốc hội. Ở Canada, khi có một ‘motion’, hay một nghị quyết đưa ra để bỏ phiếu tín nhiệm, hay không tín nhiệm mà dựa trên tính nội quy như thế, thì có những thỏa ước quy định (constitutional conventions) trong Quốc hội và họ làm việc này với nhau.

Tức là khi một chính phủ bị một lá phiếu bất tín nhiệm, thì một là phải từ chức, mà từ chức ở đây không phải là với một Bộ trưởng, mà là với cả một nội các. Và thứ hai là giải tán luôn cả Quốc hội để bầu cử lại một chính phủ, chính quyền mới, một Quốc hội mới.

Tuy nhiên, khi một đảng cầm quyền đang nắm đa số, thì điều này được giới truyền thông, còn gọi là đệ tứ quyền lực, hay quyền lực thứ tư, sẽ đánh vào những điểm đó để khai thác những điểm yếu của chính phủ, chính quyền, và bắt buộc chính quyền phải đưa ra những chính sách cải thiện bộ mặt của họ, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Còn nếu không, họ có thể kéo dài chính quyền đó, nhưng áp lực của quần chúng và áp lực của đệ tứ quyền lực, tức là quyền của giới báo chí, truyền thông sẽ làm cho chính phủ đó phải lung lay và như ở Canada là Thủ tướng bắt buộc phải từ chức và phải tổ chức bầu cử mới.”

“Cuộc đấu tranh nội bộ” có sử dụng dư luận và Quốc hội

Trong bối cảnh của Việt Nam, luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng hiện chưa tới giai đoạn này.

“Về hình thức lấy phiếu tín nhiệm, tôi không dám khẳng định 100% là nó không nằm trong tiến trình cải tổ toàn diện về thể chế, tuy nhiên qua các chỉ dấu cho thấy cho đến lúc này, tôi chỉ thấy đó là một cuộc đấu tranh nội bộ mà nó đã chuyển từ bên Trung ương Đảng, chuyển qua cho bên Quốc hội và dùng dư luận quần chúng, dùng Quốc hội… để đạt được mục đích, song còn về lâu, về dài, vấn đề này cần được quan sát kỹ hơn,” ông Vũ Đức Khanh phát biểu ý kiến với Đài Châu Á Tự do trên quan điểm cá nhân.

Trở lại với tường trình của báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam và kế hoạch thông qua Nghị quyết này, báo Tiền Phong Online hôm 03/5/2023 cho biết:

“Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm cùng 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì xin từ chức.”

Về một số vị trí quan chức, chức danh cấp cao nhà nước và chính quyền mà sẽ được lấy phiếu tín nhiệm cùng lịch trình, thời điểm sẽ diễn ra việc này theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam, Tiền phong Online, tờ báo thuộc trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Việt Nam, cho biết thêm chi tiết:

“Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng; Phó Thủ tướng; bộ trưởng và các thành viên Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối năm 2023.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-referendum-vote-splitting-shot-05032023095400.html

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here