RFA
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người hiện đang bị giam giữ tại trại giam tỉnh Khánh Hòa với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 bộ Luật Hình sự Việt Nam, gửi thư mời một số luật sư bào chữa cho cô. Hai luật sư trong số đó là luật sư Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn thuộc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.
Nói với đài RFA vào tối ngày 12/6, luật sư Nguyễn Khả Thành, từ Phú Yên cho biết:
“Tôi nhận được đơn yêu cầu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ trại tạm giam công an thành phố (Nha Trang). Họ gửi bưu điện cho tôi, có đóng dấu bưu điện đoàng hoàng. Thấy trong giấy đề ngày 2/6, thì đến ngày 6/6 tôi nhận được.
Cách đây hai ngày tôi đã làm thủ tục gửi vào tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa để chờ họ cấp giấy bào chữa. Đến nay vẫn chưa có phản hồi gì vì mới có hai ngày.”
Luật sư Võ An Đôn cho RFA biết ông cũng nhận được giấy mời bào chữa cho blogger Mẹ Nấm vào sáng ngày 11/6. Hiện ông cũng đang làm thủ tục xin cấp giấy bào chữa. Luật sư Võ An Đôn cho biết thêm:
“Ngoài tôi ra, còn 3, 4 luật sư khác cũng tham gia như luật sư Nguyễn Khả Thành, luật sư Lê Văn Luân và luật sư Nguyễn Hà Luân.”
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền và môi trường của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thành viên sáng lập ra Mạng lưới Blogger Việt Nam. Cô bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt hôm 10/10 năm ngoái.
Trước đó cô từng bị bắt 10 ngày để thẩm vấn vào tháng 9 năm 2009 khi đưa ra những áo thun có in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; cũng như phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường.
Cô từng bị lực lượng công an và an ninh bắt giữ và làm việc nhiều lần, như vào tháng 5 năm 2013 sau khi phát Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền và bóng bay ghi dòng chữ ‘Quyền của con người phải được tôn trọng’. Nhóm của cô cũng bị tạm giữ vào tháng tư năm 2014 trước khi có thể thực hiện cuộc thảo luận với chủ đề ‘Công ước Chống Tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an’.
Trong năm 2015, 2016 blooger Mẹ Nấm tham gia một số cuộc biểu tình và cũng bị bắt, bị đánh như trong các cuộc biểu tình đòi tự do cho các tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Già và phản đối Formosa gây thảm họa môi trường cá chết…
Cô cũng từng bị ngăn chặn không cho rời khỏi Nha Trang trong một số dịp. Cô bị ngăn không cho xuất cảnh vào giữa tháng 12 năm 2013.