Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng

0
104
Tựa sách được IPER phát hành vào đầu tháng 8 năm 2021

Nhã Hoàng

Fareed Zakaria 

Châu Văn Thuận dịch 

Nguyên tác: In Defense of a Liberal Education, 2015 

Review của chị Nguyễn Hoàng Ánh 

REVIEW “BIỆN HỘ CHO MỘT NỀN GIÁO DỤC KHAI PHÓNG” 

03.7.2022 

Càng ngày mình càng thấy câu “Learn – Unlearn – Relearn” hay hơn câu “Học – Học nữa – Học Mãi” của Lenin nhiều vì như Lenin nói thì ta cần luôn nạp thêm kiến thức, thông tin mới, nghe thì có  vẻ đúng nhưng não con người có  hạn, nhét mãi sẽ có lúc không thể tiếp tục. Nhưng câu “Learn – Unlearn – Relearn”, tạm dịch là “Học – Quên – Học lại” nó tương tự như câu “Stay Hungry – Stay Foolish” của Steve Job, ta sẽ phải quên đi những kiến thức đã lỗi thời để học cái mới. Thế nên lúc nào mình cũng thấy ngu ngơ, cần học hỏi và kinh ngạc với những người cứ như đã có sẵn Chân Lý trong túi rồi! 

Là người được coi là học hành giỏi giang, đi dạy bao nhiêu năm, công trình trong ngoài nước đầy đủ, nhưng khi đọc về giáo dục khai phóng thì mình mới nhận ra là mình chưa biết gì nhiều về giáo dục và đây chính là điều mình mong muốn bao năm nay mà không biết gọi tên. Mình mong muốn có “một nền giáo dục con người toàn diện, phát triển nhiều khả năng, tạo nền tri thức rộng, tạo ý thức lịch sử, nhân loại, để làm công dân, làm người văn hóa, hơn là một chuyên gia trong một lãnh vực chuyên môn”, đó chính là khái niệm về giáo dục khai phóng. 

Nhưng điều làm mình bất ngờ nhất là quan điểm của John Stuart Mill, trong bài diễn văn nổi tiếng tại Đại học St. Andrews năm 1867:  “Đại học không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Các đại học không chủ ý dạy tri thức cần thiết để làm cho con người phù hợp với các cách kiếm sống nào đó. Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa. 

Con người là con người, trước khi con người là luật gia, bác sĩ, nhà kinh doanh, hay nhà sản xuất; và nếu chúng ta làm cho họ thành những người có năng lực và nhạy cảm (capable and sensible), họ sẽ tự làm cho họ thành những luật gia hay bác sĩ có năng lực và nhạy cảm”. Nói cách khác, giáo dục khai phóng không chỉ đào tạo nghề nghiệp, tri thức mà còn nhằm tạo ra một tầng lớp “quý tộc tự nhiên”, trở thành “quý tộc – elite” không phải nhờ dòng dõi mà nhờ học vấn và tư tưởng, tức là đảm bảo sự công bằng trong xã hội. 

Mấy ngàn năm xã hội VN vẫn tin là “Đi học để có một nghề kiếm sống”, các trường đại học cạnh tranh với nhau bằng việc ra trường có dễ kiếm việc làm không, để rồi một ngày ta chợt nhận ra, học là để LÀM NGƯỜI chứ không phải để làm nghề! Chính vì thế, các môn khoa học xã hội như Triết học, Lịch sử, Hùng biện, Văn chương… mới là những môn học quan trọng nhất. 

Chắc nhiều người Việt sẽ thấy điều này thật vô bổ nhưng hãy nghe Steve Jobs minh họa nhu cầu giáo dục nhân văn rất sống động khi cho ra mắt sản phẩm iPad 2 năm 2011: “Chính trong cái DNA của Apple mà một mình công nghệ thôi không đủ − chính công nghệ được kết hôn với nghệ thuật khai phóng (liberal arts), với các ngành nhân văn (humanities), mới cho chúng ta sản phẩm làm cho tim ta reo lên, và không ở đâu điều đó đúng hơn là ở các thiết bị hậu-PC này.” 

Vì thế con người cần phải được giáo dục toàn diện. Chỉ có nền giáo dục mang tính nhân văn cao mới đáp ứng sự thách thức mà Thomas Friedman và Michael Mandelbaum tóm tắt như sau: lấy óc tưởng tượng làm chỉ số của sự phát triển, một tính chất mà Einstein từng cho là vô cùng quan trọng trong nghiên cứu khoa học.

Thế nhưng nền giáo dục có vẻ không thực tế ấy liệu có giúp cá nhân kiếm sống và kinh tế phát triển không? Tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo được hỗ trợ bằng nhiều nhân tố, một số trong đó hoàn toàn nằm ngoài những lãnh vực kiểm tra (test) và kỹ năng. Một trong những luận điểm chống lại giáo dục khai phóng chính là kết quả kiểm tra PISA, số quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Việt Nam… có điểm kiểm tra PISA tốt hơn Mỹ nhiều. Nhưng điều đó chưa nói lên tính quyết định “hơn thua” của các quốc gia vì thế giới có hai chế độ (trọng đãi) nhân tài. Các nước trọng giáo dục khai phóng có chế độ nhân tài tài năng (talent meritocracy), còn châu Á là chế độ nhân tài thi cử (exam meritocracy). Thi cử không thể đánh giá một số khía cạnh quan trọng của trí tuệ như tính sáng tạo, óc tò mò, đầu óc phiêu lưu, tham vọng. Giáo dục Mỹ có sức thu hút lớn vì có được một nền văn hóa học thách thức tri thức quy ước, kể cả khi nó bao hàm việc thách thức quyền lực. Đây là những lãnh vực mà ngay cả Singapore phải học hỏi từ Mỹ. 

Nhưng bất ngờ còn mãi, hoá ra không chỉ ở châu Á mà ngay cả ở Mỹ, xu thế giáo dục thực tiễn cũng đang thắng thế. Nhu cầu rút ngắn thời gian học, chú trọng những kỹ năng cụ thể, sự đi lên của nền kinh tế Đông Á dẫn đến việc tôn sùng cách giáo dục thực dụng ở khu vực này mà việc đóng cửa trường Yale – NUS là một ví dụ đáng buồn. Ngược lại, sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường đòi hỏi các sản phẩm muốn bán được không thể chỉ dựa vào chất lượng mà cần có 1 câu chuyện đi kèm, điều mà chỉ khi nhân viên được đào tạo theo kiểu khai phóng mới có thể đáp ứng. Thế nên song song với sự phát triển của các trường thiên về giáo dục thực tiễn, nhu cầu cải thiện và phát triển các chương trình đào tạo khai phóng cũng ngày càng cao. 

Điều bất ngờ lớn nhất với mình có lẽ nằm ở chương cuối của sách, khi tác giả muốn biện hộ cho người trẻ trước những lời phàn nàn về sự non nớt, ích kỷ, hời hợt về mặt đạo đức của họ. Đọc những lời mô tả “sinh viên ĐH Yale để bước vào các trường ĐH ưu tú nhưng vào rồi thì không biết đi về đâu”, “thế hệ này ít quan tâm đến cộng đồng và quá quan tâm đến bản thân”, “quá quan trọng thành tích, trở nên bảo thủ, không dám thách thức các giới hạn”, “không quan tâm đến chính trị như thế hệ cha ông họ”… nghe quá quen. Cuộc điều tra HERI về sinh viên ở Mỹ cho thấy, số lượng tân SV coi “phát triển một triết lý sống có ý nghĩa” là quan trọng đã giảm từ 86% năm 1967 xuống còn 45% năm 2013, mục tiêu quan trọng nhất của họ hiện nay lại là “kiếm tiền” và “lập gia đình”, tưởng như mô tả sinh viên VN vậy. Hoá ra đó là xu thế trên toàn thế giới mà theo tác giả là do thế giới đã trở nên bình an hơn nhưng tư tưởng lại biến động hơn nên người trẻ có xu hướng thu mình hơn. Tổng kết lại, tác giả cho là con người nói chung đều chưa giành đủ thời gian để cân nhắc về ý nghĩa cuộc đời và ông kêu gọi 

MỖI NGƯỜI HÃY THỰC HÀNH KHAI PHÓNG NHIỀU HƠN! 

Nguyễn Hoàng Ánh 

https://www.facebook.com/699923074/posts/10159172711073075/

#LiberalEducation

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here