BẢN ÁN ĐỖ NAM TRUNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÒN LẠI [1]

0
21
Ngày 24/03/2022, tòa án cấp phúc thẩm tuyên giữ y bản án sơ thẩm với mức hình phạt rất nặng nề đối với ông Đỗ Nam Trung : 10 năm tù và 4 năm quản chế về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.
   

Manh Dang cùng với Bong Tuyet 

Ngày 24/03/2022, tòa án cấp phúc thẩm tuyên giữ y bản án sơ thẩm với mức hình phạt rất nặng nề đối với ông Đỗ Nam Trung : 10 năm tù và 4 năm quản chế về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.

Trong phần tranh luận và lời nói sau cùng, ông Trung phát biểu rất vắn tắt vì cho rằng các luật sư đã trình bày rất đầy đủ. Ông từ tốn khẳng định mình không vi phạm pháp luật, ông chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi.

Trải qua hai cấp xét xử, đã có bốn luật sư tham gia bào chữa cho ông Đỗ Nam Trung : LS Hà Huy Sơn, Phạm Lệ Quyên, Lê Văn Luân và Đặng Đình Mạnh. Các luật sư đã trình bày khá nhiều vấn đề trong lời bào chữa của mình. Tiếc nhưng không khó hiểu khi hầu hết các lời bào chữa đều bị tòa án bác bỏ.

Phần bào chữa của LS Đặng Đình Mạnh bị bác bỏ bao gồm 05 vấn đề.

• Về sự vắng mặt của giám định viên ở hai phiên tòa xét xử để thẩm tra về kết luận giám định; 

• Về quyền có luật sư bảo vệ từ giai đoạn điều tra trong trường hợp bị buộc tội trong tội danh có hình phạt cao nhất là 20 năm; 

• Về sự xung đột tư cách giữa vai trò “Tố giác tội phạm” và tổ chức “Giám định tư pháp”;

• Về sự xung đột điều luật hình sự với luật quốc tế;

• Về việc giám định tư pháp;

Tóm tắt như sau :

1. VỀ SỰ VẮNG MẶT CỦA GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP

Khác với nhiều phiên tòa xét xử cùng tội danh theo điều 331 hoặc 117 BLHS, thì tòa án không đồng ý với yêu cầu của luật sư cho triệu tập giám định viên. Tuy nhiên, trong vụ án này, thì tòa án ở cả hai cấp đều chấp thuận và cho triệu tập giám định viên là điều tích cực rất đáng ghi nhận. Cho dù, các luật sư không chắc chắn lắm việc họ sẽ hiện diện tại tòa án.

Quả nhiên, giám định viên đã không đến cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Cấp sơ thẩm họ đưa đơn báo nhiễm Covid nhưng không kèm theo chứng nhận y tế. Cấp phúc thẩm đưa đơn báo trùng lịch công tác ?!

Việc có mặt giám định viên là dịp để thẩm tra tài liệu rất quan trọng trong vụ án, có tính chất quyết định, đó là tập Kết luận điều tra dùng làm chứng cứ buộc tội do chính họ là tác giả. Trong trường hợp giám định viên tránh mặt hoặc vắng mặt, cho nên, tập tài liệu này không có cơ hội được thẩm tra tại tòa. 

Theo đó, với tư cách là người bào chữa, chúng tôi đã đề nghị tòa án loại bỏ tập tài liệu này ra và không xem xét như là chứng cứ buộc tội.

2. VỀ QUYỀN CÓ LUẬT SƯ BẢO VỆ TỪ GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA :

Ông Đỗ Nam Trung bị khởi tố theo điều 117 BLHS có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Căn cứ theo điểm a, khoản 1, điều 76 BLTTHS về chỉ định luật sư, thì đối với người bị buộc tội vào tội danh có mức hình phạt 20, chung thân hoặc tử hình thì phải chỉ định luật sư tham gia. Trong vụ án này, luật sư đã đăng ký tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra. Thế nhưng, cơ quan tiến hành tố tụng đã không chấp nhận, là đã không bảo đảm quyền của bị can được có luật sư bảo vệ theo điều 76 BLTTHS quy định.

3. VỀ SỰ XUNG ĐỘT TƯ CÁCH THAM GIA TỐ TỤNG  

Căn cứ theo nội dung bản Cáo trạng, tháng 03/2021 Sở Thông tin và Truyền thông (Sở 4T) đã thực hiện tố giác tội phạm đến Cơ quan ANĐT. Sau đó, Cơ quan ANĐT trưng cầu Sở 4T giám định tài liệu.

Như thế, trong vụ án, Sở 4T đã tham gia hai vai trò tố tụng : “Tố giác tội phạm” và “Giám định tư pháp”. Với vai trò thứ nhất là tố giác tội phạm, Sở 4T đã có quan điểm cho rằng ông Đỗ Nam Trung phạm tội, thì việc đảm đương vai trò thứ hai là giám định tư pháp sẽ không còn khách quan, vô tư nữa.

Thế nên, căn cứ theo điểm C, khoản 5, điều 68 quy định về Giám Định Viên theo Bộ luật TTHS 2015, lẽ ra, giám định viên của Sở 4T phải từ chối giám định vì đã tham gia vụ án với vai trò tố tụng khác.

4. VỀ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI ĐIỀU 117 BLHS 

Tội danh theo điều 117 về “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nội hàm toàn những yếu tố định tính, không rõ ràng, cụ thể … đã vô hình trung phủ nhận điều 25 Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận và điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR 1966, mà VN đã tham gia ký kết từ ngày 24/9/1982.

Như vậy, điều 117 BLHS không chỉ có sự xung đột với Luật quốc nội là điều 25 Hiến pháp mà còn xung đột với Luật/Điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết.

Giải quyết xung đột pháp luật, căn cứ vào khoản 1, điều 6, Luật Điều ước Quốc tế 2016 và khoản 5 điều 156 Luật Ban Hành Các Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật hiện hành đều thống nhất có chung quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

* Trích dẫn câu nói của Chủ tịch Quốc Hội ông Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc họp thứ 41 của UBTVQH về điều 88 BLHS 1999 (nay là điều 117 BLHS 2015) : “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy ! Muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.

5. VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP 

(Còn nữa)

Saigon, ngày 31/03/2022

Nguồn : https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02nhqng6QaWRdGvTpFcgNiFuN6LtThDoifWMSG6dNfZzYrMXZK7yQGxcLZBnBHh19dl

——————

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here