RFI-Mai Vân
Ngày 04/07/2017, Bắc Triều Tiên đã làm thế giới sửng sốt khi thử nghiệm thành công một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, có khả năng đe dọa bang Alaska của Mỹ. Đây là một bước tiến mới trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, vẫn phát triển, mặc dù quốc gia này đã bị Liên Hiệp Quốc áp đặt đến 6 loạt trừng phạt từ lúc thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006. Thực tế này cho thấy là cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã không có hiệu quả.
Trong bài viết ngày 11/07/2017 mang tựa đề « Tại sao trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thất bại trong việc dẹp yên mối đe dọa Bắc Triều Tiên – Why UN sanctions fail to tame North Korean menace », thông tín viên nhật báo Singapore The Straits Times tại Nhật Bản, Walter Sim, đã trả lời rằng : Đó là vì Bình Nhưỡng đã biết khéo léo luồn lách qua các khe hở của luật lệ.
Nhận xét đầu tiên là cho đến nay, trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chủ yếu nhắm vào các hoạt động chuyển tiền cũng như buôn bán khoáng sản, đất hiếm của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng dù có được tăng cường mỗi khi Bình Nhưỡng leo thang, các biện pháp này vẫn không hiệu quả.
Không những Bắc Triều Tiên có những thị trường mới, mà còn xây dựng được những chương trình nghiên cứu và phát triển riêng cho mình mà theo các chuyên gia, thường bị đánh giá thấp hơn là thực tế. Một dấu hiệu cho thấy thành quả mà Bắc Triều Tiên đã đạt được là sự kiện Bình Nhưỡng đã bán một hệ thống phòng không trị giá 6 triệu đô la Mỹ cho Mozambique, bán các loại rocket và tên lửa dẫn đường cho Sudan, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng Hai vừa qua.
Một nền kinh tế tự cung tự cấp
Bắc Triều Tiên cũng đã thành lập cả một mạng lưới che mắt, sử dụng thị trường đen ở khắp nơi, dùng các công ty bình phong để chuyển ngân, chuyển người, chuyển hàng hóa qua các biên giới, vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Từ lâu bị xem là một nước nghèo nàn, thực ra Bắc Triều Tiên đã xây dựng được cho mình một nền kinh tế tự cung, tự cấp, làm lợi cho tầng lớp giàu có của họ. Vào tháng Tư vừa qua, Bình Nhưỡng đã phô trương một khu dinh thự hạng sang, trong bối cảnh các thành phần nhà giàu mới ở Bắc Triều Tiên, dù chưa đông, nhưng lắm tiền của, được ghi nhận là không ngần ngại phô bày những chiếc điện thoại thông minh hay những vật dụng xa xỉ.
Đối với giới quan sát, đấy là những dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế tự nuôi dưỡng được mình, có khả năng tài trợ cho chương trình nghiên cứu và phát triển hỏa tiễn và hạt nhân, mặc dù đời sống dân chúng bình thường nhìn chung rất khổ cực.
Số liệu về kinh tế Bắc Triều Tiên rất hiếm, nhưng báo New York Times đánh giá vào tháng Tư là tăng trưởng hàng năm ở mức từ 1 đến 5%.
Trung Quốc là trụ cột của kinh tế Bắc Triều Tiên, năm ngoái, chiếm ít nhất là 90% thương mại của Bắc Triều Tiên. Trao đổi song phương đã tăng gần 40% trong quý đầu năm nay so với cùng thời kỳ năm ngoái, như theo lời của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 05/07.
Trừng phạt có trọng điểm thiếu hiệu quả
Bắc Kinh, từ lâu bị chỉ trích không làm hết trách nhiệm kềm hãm Bình Nhưỡng, đã giải thích là chỉ áp dụng những biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Quốc quy định mà chính Bắc Kinh cũng đã bỏ phiếu thông qua.
Vào tháng Hai, Trung Quốc thông báo ngưng nhập than Bắc Triều Tiên cho phần còn lại trong năm. Trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đặt một ngưỡng trần cho lượng than nhập từ quốc gia này, « nhưng đó không kể những chuyến hàng phục vụ cho cuộc sống (người dân Bắc Triều Tiên) và không sản sinh lợi nhuận cho chương trình tên lửa và hạt nhân ».
Ông Katsuhisa Furukawa, một cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc giám sát vấn đề trừng phạt Bắc Triều Tiên, đã nêu bật là thương mại với Bắc Triều Tiên nói chung không bị Hội Đồng Bảo An cấm, mà chỉ là những biện pháp « trừng phạt có trọng điểm hầu ngăn ngừa việc di chuyển người, hàng hóa, công nghệ và vốn liếng liên quan đến vũ khí, cộng thêm một ít hàng xa xỉ».
Trao đổi thương mại vẫn tiếp tục giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và không bị trở ngại. Giới báo chí mô tả cảnh xe tải nối tiếp nhau tuần qua ở thành phố giáp ranh Đan Đông, trên cầu Hữu Nghị bắc ngang sông Áp Lục.
Bên cạnh Trung Quốc, Bắc Triều Tiên còn trao đổi thương mại với Nga, hai bên đã ký thỏa thuận tăng trao đổi lên 1 tỷ đô la từ đây đến 2020, và xây dựng đường xe lửa nối liền vùng biên giới Nga với thành phố Rajin, Bắc Triều Tiên. Vào tháng Năm, một tuyến phà được khai trương, nối liền Vladivostok và Rajin.
Theo bà Anwita Basu, chuyên gia tham vấn về Bắc Triều Tiên, lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không ngăn được kinh tế Bắc Triều Tiên trở nên một loại « thú tự sản sinh ». Bà nhận định : « Nghe qua có vẻ kỳ quặc, nhưng đó là một nền kinh tế có thể tồn tại và thịnh vượng mà không lệ thuộc vào phương Tây và cũng không phải là một nền kinh tế tư bản tân tự do ».
Luồn lách qua những kẻ hở
Bắc Triều Tiên đã bị tố cáo rộng rãi là có những phương thức bất chính để tránh né trừng phạt. Báo cáo Liên Hiệp Quốc tố giác Bình Nhưỡng sử dụng công ty giả mạo và tàu mang cờ nước ngoài.
Như vào năm ngoái chẳng hạn, Ai Cập đã chận giữ tàu Jie Shun, thuyền trưởng là người Bắc Triều Tiên và treo cờ Cam Bốt. Cam Bốt từ đấy đã gạch tên chiếc tàu khỏi danh sách.
Theo giới chuyên gia, một cách kín đáo hay công khai, những quốc gia như Trung Quốc hay Nga, và những vùng như Đông Nam Á, châu Phi hay Trung Đông, đã được Bắc Triều Tiên sử dụng như những tuyến vận chuyển. Nguồn « bò sữa » của Bắc Triều Tiên còn là đường dây buôn lậu ma túy ở Đông Nam Á và vũ khí ở vùng Nam Sahara, châu Phi
Bắc Triều Tiên còn được cho là ngồi trên một lượng kim loại quý trị giá 6.000 tỷ đô la Mỹ, nhưng chưa rõ là họ đã xuất cảng bao nhiêu.
Giới quan sát ghi nhận là trong nhiều năm trời, Bắc Triều Tiên đã sáng tạo vô số phương thức để lách các biện pháp trừng phạt, bên cạnh các cách hợp pháp mà họ có. Họ đã sử dụng những phương thức đó để thu thập công nghệ học cho chương trình tên lửa và hạt nhân.
Theo chuyên gia Furukawa, Bình Nhưỡng đã trở thành « chuyên nghiệp trong việc che giấu các giao dịch trái phép vào giữa các thương vụ hợp pháp ». Bình Nhưỡng chẳng hạn có thể nhập máy tính và máy công cụ mà một phần linh kiện có thể sử dụng cho chương trình hạt nhân. Ví dụ như trong lần bắn thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa tuần qua, Bắc Triều Tiên đã dùng đến loại xe do Trung Quốc bán trước đây để kéo gỗ.
Theo David Cohen, một cựu phó giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, được báo Washington Post trích dẫn, thì quả là « một sai lầm khi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên là một vương quốc khép kín, cắt đứt với bên ngoài, không tiếp cận được với Internet ». Theo chuyên gia này, Bắc Triều Tiên bị nhiều bất lợi, nhưng điểm quan trọng nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa cho nên các thành phần ưu tú của đất nước đều được huy động vào công việc này.
Năng lực xoay sở
Theo các chuyên gia, sở dĩ Bắc Triều Tiên có khả năng tiếp tục phát triển chương trình vũ khí của họ đó là nhờ kinh nghiệm thu góp được từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc Katsuhisa Furukawa, giải thích là từ thời Chiến Tranh Lạnh, Bắc Triều Tiên nổi tiếng là rất có khả năng trong việc lần ngược thiết kế của những vật dụng và công nghệ gốc nước ngoài đặc biệt là từ Liên Xô trước đây, để từ đó chế tạo ra những mặt hàng mới.
Năng lực đó cũng đã được áp dụng vào việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân và Bình Nhưỡng hiện có một lượng dự trữ uranium và plutonium được cho là đủ để chế tạo ít nhất 20 quả bom hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã 5 lần thử nghiệm hạt nhân, 2 lần vào năm ngoái. Vụ thử lần thứ 5 vào tháng 9 có sức công phá mà theo các chuyên gia, mạnh hơn quả bom thả xuống Hiroshima vào năm 1945.
Ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên có thể chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm thứ sáu khi đào một đường hầm ở nơi thử nghiệm có thể chịu được sức nổ mạnh gấp 14 lần cuộc thử nghiệm trước.
Các chuyên gia cũng ghi nhận là việc Bắc Triều Tiên cứ thản nhiên thử tên lửa cho thấy là họ còn một số lượng không ít trong kho.
Di sản Chiến Tranh Lạnh, thu thập thông tin có hệ thống
Hỏa tiễn xuyên lục địa bắn thử tuần qua được cho là rất giống với thiết bị mà Nga sử dụng vào cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Chuyên gia Furukawa cho là từ thời Chiến Tranh Lạnh Bắc Triều Tiên thu thập một cách có hệ thống tất cả những thông tin khoa học và công nghệ học tiên tiến từ mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả những nhà khoa học, kỹ sư có kỹ năng tiên tiến ở nước ngoài.
Theo ông, cho đến giờ thì chưa biết có bao nhiêu quốc gia còn đón những nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhưng điều chắc chắn là những năm gần đây Bắc Triều Tiên đã rải ra nước ngoài một cách có hệ thống, nào là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nào là sinh viên đến các viện nghiên cứu, định chế nước ngoài, trong các lãnh vực liên quan đến hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, trong đó có Ấn Độ, Ý và dĩ nhiên là Nga.
Bong Young Shik, thuộc viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, đại học Yonsei trả lời The Straits Times phân tích là mô hình cơ bản hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đến từ Iran trong lúc công nghệ mới hơn đến từ Trung Quốc.
Nhà phân tích về An Ninh Lý Minh Giang, trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, cũng nêu bật quan hệ gần gũi giữa Bắc Triều Tiên với Iran và Pakistan.
Đối với Narushige Michishita, thuộc viện National Graduate Institute for Policy Studies,Tokyo, tiến bộ nhanh chóng của Bắc Triều Tiên cho thấy rõ ảnh hưởng nước ngoài, nhưng đáng nghi nhất không ai khác là Trung Quốc và Nga.