VIẾT “BÁNH CHƯƠNG” KHÔNG HỀ SAI CHÍNH TẢ 

0
75
   

Hoàng Tuấn Công

Vua tiếng Việt mùa 3 tập 2 (8/3/2024) dẫn ngữ liệu: “đời hồi này như một ghánh phở bánh chương mỡ nguội đóng váng”, và đưa ra câu hỏi “có bao nhiêu lỗi sai chính tả”. Người chơi trả lời “có hai lỗi chính tả”. Chương trình chấp nhận và đưa ra đáp án “hai lỗi sai chính tả” đó là “GHÁNH” và “CHƯƠNG”.  Tuy nhiên Vua tiếng Việt không cho biết cụ thể “hai lỗi sai chính tả” đó phải viết lại thế nào cho đúng.

Lỗi “gánh” viết sai thành “ghánh” thì có lẽ ai cũng biết. Thế còn “chương” thì sao?

Tôi phải đọc đi đọc lại để xác định chữ “chương” là đi với “bánh” (bánh chương) hay là đi với “mỡ” (chương mỡ), hay là đi với cả hai (bánh chương mỡ), và cái gọi là “lỗi sai chính tả” “CHƯƠNG” phải viết lại thế nào cho đúng (VD: bánh chưng, bánh trương; chưng mỡ, trương mỡ; hay bánh chưng mỡ, bánh trương mỡ?, v.v…)

Sau khi tìm hiểu thì thấy rằng, câu văn được trích làm ngữ liệu trên đây nằm trong tuỳ bút “Phở” của Nguyễn Tuân, đoạn: “…Tôi còn được nghe một cô điếm ngày xưa ví von than đời tàn “đời hồi này như một gánh phở bánh TRƯƠNG mỡ nguội đóng váng”. Phở nguội tanh thật là buồn hơn cả cái sự đời cô gái thập thành bị ma cô lừa bỏ…”. 

Theo như trên, khi đặt vào ngữ cảnh và thêm dấu phẩy để ngắt các cụm từ cho câu văn sáng sủa hơn, thì chúng ta sẽ có: đời hồi này như một gánh phở, bánh trương, mỡ nguội đóng váng. Trong đó, “bánh trương” trong nguyên văn của Nguyễn Tuân ý chỉ bánh để lâu nên nở ra, trương lên, không còn ngon lành, hấp dẫn nữa.

Như vậy, “lỗi sai chính tả” mà “Vua tiếng Việt” xác định viết đúng phải là “bánh trương”, còn viết thành “bánh chương” là sai.

Tuy nhiên, viết “chương” trong “bánh chương” không hề sai chính tả.

Chữ trướng  脹 (Hán) mà chữ Nôm mượn để ghi âm chương (bánh chương, cơm chương), chướng (chướng bụng), trướng (trướng bụng), rướn (rướn cổ),… trong Hán ngữ cũng có nghĩa là phình ra, trương lên, sưng phù,… Theo đây, chữ  脹 đọc là “trương”, “chương”, hay “trướng”, “chướng”,… đều có nghĩa là phềnh lên,trương lên, nở ra, phình to,v.v…

Trong tay tôi có ít nhất hơn 10 cuốn từ điển uy tín ghi nhận “chương” với nghĩa là “phềnh lên”, “chướng lên”, “nở ra” do để lâu, hoặc ngâm nước quá nhiều,… Ví dụ:

-Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của – 1895): “chương 脹 (Nôm). Sình lên. 

Cơm chương – Cơm gạo nấu xấu lửa, nổi lên mà không chín. 

Sình chương: Sình nổi lên. (Nói về thây ma, thây thú vật).

-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “chương • ph. t. Phềnh lên, nở ra vì ngấm nước: <> Chết chương; Cơm chương”.

-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “chương • Phềnh lớn lên: xác chết chương”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “chương • tt. Chướng, phình to, sình lên: Chết chương, sình chương, cơm chương”.

– Phương ngữ Nam Bộ, ghi chép và chú giải (Nam Chi Bùi Thanh Kiên – NXB Hội Nhà văn – 2015): ” CHƯƠNG 脹 trướng (căng phồng ra): (tt – đt) – nở phồng ra. chương ướng: phồng to ra qua cỡ. 

-Cái bụng chương ướng.

-Cơm chương: cơm sình, hột gạo nở rất to.

-Sình chương: sình thối và căng phồng”.

Một số cuốn từ điển chính tả sau đây cũng ghi nhận:

-Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Lê Anh Hiền – Đào Thản, NXB Giáo Dục, 1988. In lần thứ 2 có sửa chữa bổ sung): “CHƯƠNG sách có năm chương.¬¬ – báo chương, chương chướng, chương hồi […] văn chương. – chương (hoặc: trương). Cơm chương, xác chương, chết chương.”.

-Từ điển chính tả tiếng Việt (Vũ Xuân Lương – Hoàng Thị Tuyền Linh. NXB Từ điển Bách khoa – Trung tâm Từ điển học Vietlex, 2015. In lần thứ 6): “chương. chương (chương sách; hoặc trương: cơm chương/ trương; chết chương/ trương…”

Một số cuốn từ điển song ngữ sau đây ghi nhận: 

-Từ điển Việt – Pháp (Dictionnaire Annamite-Français – Génibrel, J.F.M., 1898): “chương “đời hồi này như một gánh phở bánh TRƯƠNG mỡ nguội đóng váng”. ( = sưng lên), Enfler, nôm. Chương lên; chương rẫy, id. Chương khí, chương bụng…”.

-Từ điển Việt – Tày-Nùng (Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Văn Ma – Lục Văn Pảo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1984): “-chương2 1. Thênh, poòng chưởng. Xác chết chương lên: xac thai thênh khửn. 2. Nhển pu bủn buôi. Cơm chương không chín: khẩu nhển pu mí sluc”.

Người Thanh Hoá khi phát âm phân biệt rất rõ ràng giữa TR và CH, và hiện nay vẫn nói và viết là: “cơm chương”, “chết chương”, “chương phềnh/ phình”, “Đẹp như cái tép kho tương/ Kho đi kho lại nó chương phềnh phềnh”,  chứ không/ít khi nói và viết là “cơm trương”, “chết trương”,…

Nếu đưa ra yêu cầu phải sửa lại câu văn cho đúng với nguyên tác của Nguyễn Tuân thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, “Vua tiếng Việt” kết luận viết “chương” trong “bánh chương” sai chính tả là không đúng, vì trường hợp này “lưỡng khả”: viết “bánh chương” hay “bánh trương” đều đúng. Tất cả những cứ liệu mà chúng tôi dẫn ra trên đây đã chứng minh điều đó.

Như vậy, “Vua tiếng Việt” đã nhiều lần dùng “quyền vua” để loại bỏ những từ ngữ đã được mọi người sử dụng và từ điển tiếng Việt, từ điển chính tả ghi nhận từ hàng trăm năm trước cho tới tận bây giờ!

Hoàng Tuấn Công /3/4/2024

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here