Trung Quốc và tham vọng bá chủ chính trị thế giới

    0
    227
    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) phát biểu tại Đại Hội Đồng LHQ, New York, 21/09/2017. REUTERS
    RFI

    Một Trung Quốc tham vọng trở thành siêu cường thế giới của Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ đối với dư luận báo chí quốc tế. Tuy nhiên, nhật báo Le Monde số ra hôm nay đề cập đến tham vọng bành trướng chính trị của Bắc Kinh trên thế giới với bài viết mang tựa đề « Trung Quốc, người khổng lồ chính trị phàm ăn ».

     

    Mở đầu bài viết tác giả dẫn một chuyện đã được tạp chí The Economist nhắc đến trong số ra tuần này. Đó là hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9, các cán bộ viên chức Trung Quốc được yêu cầu phải xem một chương trình của truyền hình Nhà nước mang tiêu đề : « Trung Quốc và chính sách ngoại giao đại cường ». Theo Le Monde, đó chính là một mệnh lệnh của đảng để người dân nước này làm quen với thực tế mới : « Đất nước họ đang trở thành người khổng lồ của chính trị thế giới ».

    Để làm được như vậy Trung Quốc phải tỏ cho thấy có sức nặng trong mọi lĩnh vực và ở khắp mọi nơi. Bắc Kinh tự nghĩ rằng việc họ là tác nhân chiến lược toàn cầu sẽ giúp họ tạo dựng một thế giới thuận lợi cho việc bảo vệ lợi ích của họ. « Đã qua rồi cái thời kỳ chỉ chú tâm vào phục hưng kinh tế nên phải nhún nhường trong đối ngoại, giờ đây, Trung Quốc muốn trở lại như một siêu cường toàn cầu », bài viết nhận định.

    Theo Le Monde, chỉ còn 1 tháng nữa đến Đại hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây sẽ là dịp để ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực lãnh đạo. Điều ông ta muốn là đất nước Trung Quốc tìm lại vị thế thống trị ở bên ngoài khơi xa. Tác giả bài viết liệt kêm một loạt việc làm của Trung Quốc để phục vụ cho tham vọng này : « Ngân sách quân sự ưu tiên hải quân. Bồi đắp, quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đối với các láng giềng ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc dùng áp lực kinh tế đối với Malaysia, Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác nữa để cuối cùng khiến họ từ bỏ chủ quyền trên biển của mình » và Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á.

    Chiến lược bành trướng kinh tế và ngoại giao siêu cường

    Trong kinh tế, Trung Quốc đặt mục tiêu từ nay đến 2025 cũng sẽ trở thành « thủ lĩnh toàn cầu » trong các công nghệ tương lai, bán dẫn, trí thông minh nhân tạo…. Để đạt được mục tiêu này, họ đã và đang làm gì ?

    Theo bài viết, đó là một chính sách đầu tư tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm ở châu Âu. Sau một thời gian mở rộng đón tiếp các nhà đầu tư có túi tiền vô biên, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu lo ngại, nay đang tính chuyện kiểm soát chặt hơn các đầu tư Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.

    Về đối ngoại, Le Monde nhận thấy, Bắc Kinh theo đuổi đường lối ngoại giao siêu cường mang đặc thù Trung Hoa. Trước hết, từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đến với vùng « ngoại ô nghèo của hành tinh » như châu Phi chẳng hạn. Đổi lại những tài nguyên vơ vét, Trung Quốc đổ tiền đầu tư hạ tầng cơ sở ở lục địa đen, nhưng cũng để cắm rễ sâu sự hiện diện.

    Tiếp đó đến chiến lược « Con Đường Tơ Lụa » cả trên biển cũng như trên đất liền cùng hàng nghìn tỷ đô la đầu tư từ Trung Á đến Ấn Độ Dương qua tới tận Địa Trung Hải. Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bài viết đặt câu hỏi : Liệu chiến lược này của Trung Quốc có thực sự tôn trọng tuyệt đối chủ quyền của các nước liên quan hay không ?

    Le Monde ghi nhận, nhiều nước, như Cam Bốt bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đã đi theo lập trường của Bắc Kinh. Tương tự như Iran, đất nước được gọi là trục chính trong « Con Đường Tơ Lụa » cũng ngả theo Trung Quốc. Hy Lạp, được Trung Quốc đổ tiền đầu tư cho các hải cảng trong lúc khốn quẫn, trước Liên Hiệp Quốc đã ngăn cản EU lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hay Tây Tạng. Rồi đến dự án « con đường mới » nhằm vào các quốc gia nhỏ trên dãy Himalaya cũng đang làm Ấn Độ lo ngại. Trong khi Hoa Kỳ ve vãn Ấn Độ và bỏ rơi đồng minh Pakistan. Washington tố cáo Islamabad thông đồng với Taliban gây rối ở Afghanistan. Trong hoàn cảnh như vậy Islamabad nhận ngay được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 ở Pakistan…

    Đường lối đối ngoại như vậy của Trung Quốc đang làm các quan hệ quốc tế trở nên rối tung và bài viết kết luận : « Siêu cường Trung Quốc đang làm đảo lộn thế giới. Đây mới chỉ là bước khởi đầu .»

    Mập mờ với Bắc Triều Tiên

    Tiếp tục với Le Monde, vẫn liên quan đến đường lối đối ngoại của Trung Quốc nhưng cụ thể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tờ báo có bài phân tích thái độ « Mập mờ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng » trong việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa.

    Bắc Kinh vẫn bị nghi ngờ không áp dụng đầy đủ nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 11/09. Theo bài báo, cũng giống như Nga, Trung Quốc cho rằng trừng phạt càng nặng thì Bắc Triều Tiên càng kháng cự quyết liệt. « Bắc Kinh vẫn giằng xé giữa chuyện không khoan nhượng chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời vẫn lo chế độ này sụp đổ ».

    Le Monde nhận thấy, lập trường hai mặt của Trung Quốc phần nào có thể giải thích bằng nhu cầu kinh tế của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, có đường biên giới dài 1400 km với Bắc Triều Tiên. Kinh tế của hai tỉnh này từ nhiều thập kỷ qua đã phụ thuộc nặng vào việc làm ăn buôn bán với Bắc Triều Tiên. Nếu áp dụng triệt để lệnh cấm của trung ương thì kinh tế của hai tỉnh có nguy cơ phá sản. Dân làm ăn ở địa phương này buộc phải quay sang tìm cách luồn lách và như vậy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển.

    Bên cạnh đó các vùng đông bắc Trung Quốc đang chuẩn bị rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Bắc Triều Tiên. Đó là các tuyến đường sắt cao tốc, đường xe hơi, nối các đô thị lớn Trung Quốc đến sát biên giới từ đó có thể thông thương với Bắc Triều Tiên nhờ các công trình cầu lớn qua sông Áp Lục. Các công trình này sẽ giúp Trung Quốc đi trước đón đầu, trong trường hợp mở cửa với bắc Triều Tiên hay thống nhất bán đảo này thì Trung Quốc vẫn có thể chiếm lĩnh vị trí. Vì thế mà Bắc Kinh vẫn không muốn vô hiệu hóa hoàn toàn mạng lưới trao đổi với người láng giềng phương bắc này.

    Bầu cử Đức : Chiến thắng trong tầm tay của Angela Merkel

    Liên quan đến châu Âu, nhiều báo dành trang nhất cho cuộc bầu cử lập pháp của Đức vào ngày Chủ nhật (24/09) mà hầu hết các dự báo đều cho rằng nhiều khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4. Với Libération đây là sự kiện đặc biệt. Trang nhất tờ báo đặt câu hỏi : « Cuối cùng thì Angela Merkel thắng ? »

    Nhật báo Pháp dành tới 5 trang bài để khai thác các góc độ của cuộc bầu cử, của cá nhân bà thủ tướng Đức. Trong bài viết chạy tựa : Angela Merkel : « Một tầm cỡ không thể hạ bệ », Libération ghi nhận : « Thủ tướng Đức, 63 tuổi, đã khẳng định mình trong chính trị khá muộn và đã thành công gần 12 năm giữ vững quyền lực, bất chấp các cuộc khủng hoảng và chỉ trích ».

    Tờ báo trở lại sự nghiệp chính trị của người phục nữ, sinh ra và lớn lên ở phần đông nước Đức Cộng Sản, thành công rực rỡ ở nước Đức thống nhất.

    Libération cho hay, Angela Merkel bước chân vào con đường chính trị ở tuổi 35, khi vừa tốt nghiệp tiến sĩ vật lý lượng tử. Chỉ sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ đưa nước Đức tới thống nhất năm1990, thì Angela Merkel mới chính thức quyết định dấn thân vào sự nghiệp chính trị và sau đó không lâu bà đã thành công.

    Bà là người phụ nữ Đông Đức đầu tiên và duy nhất đến lúc này trở thành thủ tướng của nước Đức, cường quốc phương Tây hàng đầu thế giới. Không những thế bà còn chèo lái suốt 3 nhiệm kỳ đưa nước Đức vượt qua nhiều thử thách, khủng hoảng.

    Chỉ còn 2 ngày nữa đến cuộc bầu cử, thắng lợi được dự báo đang trong tầm tay của Angela Merkel. Xã luận Libération viết : Sau 12 năm cầm quyền, Angela Merkel chắc sẽ tái thắng cử. Điều đó không có nghĩa là bà là một thủ tướng hoàn hảo, vẫn còn nhiều vấn đề kinh tế, bất bình đẳng giữa phần đông và tây đất nước vẫn còn đó…. Nhưng bà đã thành công kéo nạn thất nghiệp xuống tới mức tối thiểu, công nghiệp phát triển vững vàng, thặng dư thương mại lớn, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt…

    Libération kết luận là có thể rút ra một « bài học đơn giản : Khi một nữ hay nam lãnh đạo, trong nhiệm kỳ của mình đạt được mục tiêu đề ra, nhân dân sẽ thuận lòng ủng hộ ».

    Người phụ nữ giàu nhất thế giới qua đời

    Cuối cùng của mục điểm báo hôm nay xin dành cho một tin buồn và cũng là một trong những tựa lớn của nhiều tờ báo. Bà Liliane Betancourt, chủ tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới l’Oreal đã qua đời ngày hôm qua ở tuổi 94. Bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới hiện nay với khối tài sản định giá khoảng 40 tỷ đô la, theo tạp chí Mỹ Forbes.

    Là người kết thừa di sản của cha Eugène Schueller, người sáng lập ra tập đoàn l’Oreal, nhưng ở Pháp, bà tỷ phú Liliane Betancourt được đánh giá là người đã có nhiều đóng góp vào sự thành đạt của thương hiệu l’Oreal và phát triển doanh nghiệp Pháp trên thế giới. Về cuối đời Liliane Bétancourt cũng được dư luận báo chí Pháp chú ý nhiều đến những vụ kiện tụng ồn ào trong gia đình, liên quan đến tài sản và tài trợ cho các đảng phái chính trị một cách mờ ám.