Trần Đức Thảo- bi kịch của chim trong lồng!

0
1222
   
Bổn Đình Nguyễn với Nguyễn Hoàng Dũng.

Trong đầu tháng 8, mình nhận được 2 cuốn sách quý do bạn bè quen qua facebook gửi tặng. Cả 2 cuốn sách này theo tôi biết, cũng trầy trật lắm mới được in ra. Dù vậy 2 cuốn sách có 2 số phận khác nhau. Trong khi cuốn “Từ điển Tiếng Việt của GS Nguyễn Lân- Phê bình và Khảo cứu” của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công được báo chí bàn tán sôi nổi, thì cuốn “Triết gia Trần Đức Thảo – Di cảo, khảo luận, kỷ niệm” do nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Kiên sưu tầm và biên soạn in từ tháng 4.2016 lại không được báo chí giới thiệu nhiều, cư dân mạng cũng không hồ hỡi đón nhận, bởi đây là cuốn sách “khó đọc”, dài ngót 1700 trang. Và có một sự thực đau lòng: Rất nhiều người Việt trẻ, không biết Trần Đức Thảo là ai!

Trần Đức Thảo là một nhà triết học người Việt, khá nổi tiếng tại Pháp trước 1950, nhưng bi kịch đời ông, cũng là lý do tài năng lớn này bị mai một là do ông đã lầm lạc chọn con đường làm chim trong lồng khi năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, dưới cờ của Việt Minh vì lòng yêu nước.

Tất nhiên sau năm 1954, khi thể chế phi tự do được thành lập tại miền Bắc VN, ông bị bắt buộc phải hót cùng một giọng điệu như bao con chim trong lồng khác, và với một cánh chim lớn, Trần Đức Thảo không thể là loại se sẻ, chào mào như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận… ông đã cất lên giọng điệu khác, giọng điệu của Tự do. Và ngay lập tức con chim đó bị cứa cổ.

Năm 1957-1958, trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, Trần Đức Thảo đã công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Và ngay sau đó, ông bị mất chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để khỏi chết đói. Ông bị chặt đứt mọi liên hệ với thế giới, bị cô lập ngay giữa đồng bào của mình.

Có mối liên hệ giữa nhân vật trong cuốn sách của anh Hoàng Tuấn Công và Trần Đức Thảo, đó là ông Nguyễn Lân, hãy nghe Nguyễn Lân lên giọng vu cáo đầy sát khí:

“Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo… Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn…
… Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Còn Thảo thì trong hai năm dạy lịch sử tư tưởng chỉ cố ý dừng lại ở Hê-ghen, không hề giảng đến Mác, Thảo luôn luôn dùng cái “hạt nhân duy lý” để xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch. Quả là Tửu và Thảo đã dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ.”

Từ ngày đó, tiếng hót tự do gần như câm bặt. Vào năm 1991, Trần Đức Thảo sang Pháp chữa bệnh và mất tại Paris vào năm sau.

Nói về cuốn sách “Triết gia Trần Đức Thảo – Di cảo, khảo luận, kỷ niệm” của anh Nguyễn Trung Kiên, trong tình hình xuất bản như hiện nay tại VN, các giai đoạn bi kịch đời ông đều bị làm mờ hay cho qua. Những dòng bên trên là của tôi viết theo các tài liệu khác, không có trong sách. Dù vậy đây cũng là một công trình tâm huyết, bạn có thể đọc và hiểu thêm về cuộc đời và một số trước tác của ông trong cuốn sách này.

Một lần nữa cám ơn anh Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Hoàng Dũng đã gửi sách tặng!

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here