TRẦN DẦN – NHỮNG CANH GÀ BÁO TRƯỢT RẠNG ĐÔNG.

1
48
Trần Dần từng cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương và vài người nữa, thành lập nhóm thơ tượng trưng, vào những năm bốn mươi sáu của thế kỷ trước.
   

Phạm Hiền Mây

Sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi sáu và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi bảy, Trần Dần từng cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương và vài người nữa, thành lập nhóm thơ tượng trưng, vào những năm bốn mươi sáu của thế kỷ trước.

Năm một ngàn chín trăm bốn mươi chín, ông vào đảng cộng sản, sáu năm sau, ông viết đơn xin ra khỏi đảng và ra khỏi quân ngũ.

Ông từng tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, chống lại sự lãnh đạo của đảng trong văn nghệ, đòi được quyền xuất bản các tác phẩm phê phán cải cách ruộng đất của ông, mà đỉnh điểm là tác phẩm Nhất Định Thắng của ông đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu:

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ

Ông bị bắt, sau đó. Trong tù, ông toan cứa cổ tự sát nhưng không thành. Ông viết thư cho Nguyễn Chí Thanh. Vị tướng lãnh này ra lệnh cho quân đội thả ông nhưng dặn thuộc cấp phải coi chừng, theo dõi.

Khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị đánh, Trần Dần đồng thời, bị khai trừ ra khỏi hội nhà văn, bị cấm xuất bản ba năm và bị đi cải tạo lao động nhiều năm liền.

Nếu Hoàng Cầm, giai đoạn này, từng đau khổ thốt lên trong Về Kinh Bắc:

Về kinh bắc phải đâu con nghẹn khóc

Con không cười, con thoảng nhớ thoảng quên.

Thì Trần Dần, cũng thất thểu cùng kỷ niệm, quay đầu về Nam Định mà khóc:

Tôi kiểm điểm bản thân cùng một thời đại buồn rầu

Đêm xuống ướt mui rồi

Sông khuya tì tũm vỗ

Đi thôi! Kỷ niệm!

Có lẽ xa kia là phố tôi sinh

Có sương sớm đọng trên đèn muộn

Tù và thơ ơi

Dạ khúc khởi đầu.

(Khai Từ)

Đường thì xa ngái. Đêm lại càng thêm tối đêm:

Tượng Chúa Jê-xu búa gõ tầm tầm

Gió đánh hàng bàng, lá chết chạy vòng quanh.

(Khai Từ)

Mãn hạn, ông trở về gia đình trong thân thể bệnh tật, ốm yếu. Sống âm thầm tại Hà Nội với nghề dịch sách báo, tô màu tranh, ông đứng ngoài hết thảy các sinh hoạt văn nghệ, cho đến ngày mất.

Đứng ngoài, nhưng ông vẫn thầm lặng viết. Một kiểu của nhật ký, ghi chép về thân phận của con người trong cải cách ruộng đất và đấu tố, thân phận con người sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.

Về già, ông bị mất trí nhớ, đó là di chứng của những lần ông bị tai biến, xuất huyết não.

******

Các nhà phê bình nhận định, ngôn ngữ thơ của Trần Dần táo bạo, không tránh né. Những dữ liệu sống trong thơ ông luôn ngồn ngộn, hừng hực, đầy ắp.

Ông từng mạnh mẽ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là một tập thơ nhỏ bé, nhạt nhẽo, sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ.

Chính ông cũng là người ra tuyên ngôn, phải chôn Thơ Mới, phải cho giai đoạn ba mươi hai đến bốn mươi lăm đó của thế kỷ hai mươi, vào quá khứ. Ông cho rằng, Thơ Mới chỉ là một tiến trình giúp thi ca Việt Nam phát triển sang một giai đoạn khác.

Ai mửa sao đêm đầy các ngõ?

Để hầm hập bồ hôi cơn sốt phố về đêm.

(Một Ngày Như Lệ Thường)

******

Năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy, ông cho ra đời tập thơ đầu tiên, viết theo lối trường ca, gồm mười ba chương, với tựa đề: Đi! Đây Việt Bắc!

Chương thứ mười ba có tên là Hãy Đi Mãi, đã từng được in trên báo Văn. Ở lần xuất bản lại, sau hơn ba mươi năm cấm đoán, một ngàn chín trăm chín mươi, tập thơ buộc đổi tên thành Bài Thơ Việt Bắc, và phía thẩm quyền cắt bỏ chương thứ mười ba này.

Đó là một chương thơ rất hay. 

Hãy Đi Mãi

Khi trái đất còn đeo bom

trước ngực

thắt lưng

còn lựu đạn, bao xe

Khi bạo lực còn khua

môi mõm mốc xì

khẩu đại bác mỏi đừ

vẫn sủa

Khi bóng tối 

còn đau như máy chém

những lời ca đứt cổ

bị bêu đầu

Lũ đao phủ tập trung

hình cụ

mặt trời lên

phải mọc giữa rừng gươm

Khi thế kỷ còn rung

chuông lừa bịp

Những canh gà

báo trượt rạng đông

Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngóe

Khi xe tăng

chửa đi cấy đi cày

như 

một lũ tội nhân cần cải tạo

Khi

con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo

còn quay tít

trên kiếp người hạ giá

Những khi ấy

sẵn sàng

nổi giận

loài người

còn tổ chức nhau đi

Hãy đi mãi như người

cộng sản

có thể mỏi mọi điều

không mỏi tấn công

Phải làm lại chúng ta, tất cả

không tha

để đừng có một ai lần lữa

khi nào

chân lý gọi tên đi

Hãy đi mãi

dù mưa băm nát mặt

Sương rơi, hơi đạn xưa

đau đầu

Dù bốn mùa

nhung nhức nắng mưa

mùa bão tuyết thế chân

mùa gió độc

Hãy đi mãi

dù mưa đông phục kích

hay

lửa hè đánh trộm sau lưng

Dù những đêm

buồn như sa mạc hoang vu

Đoàn du mục tủi thân

vùi bãi cát

những ngày, mũi kiếm heo may

đi hành hạ

những tâm tư trằn trọc

Hãy đi mãi

dù trên biển cả

sống như người

vật vã khắp đại dương

Dù những con tàu

bỗng nhớ bến bình yên

còi rúc mãi những tiếng kêu rùng rợn

Hãy đi mãi

dù khi cần thiết

người ta cần đói khát

vượt bình xa

Ta bỗng có thể nhịn lâu

hơn cả lạc đà

đi

đến tận những kinh thành no ấm

Hãy đi mãi

dù có phen chót ngã

Hãy bó đôi chân lầm lỡ

mà đi

Hãy tin chắc 

rồi ta

xứng đáng

một vòng hoa đỏ nhất

phủ quan tài

Tôi chửa có khi nào quên táo bạo

chửa khi nào quên hát

quên đau

Tôi yêu đất mẹ đây

có cỏ hoa làm chứng

Tôi yêu chủ nghĩa này

cờ đỏ cãi cho tôi

Nhưng

chẳng thể rúc kèn cũ rích

vác loa mồm kêu

“hiện tại rất thiên đường”!

Không!

thiên đường chúng ta

là nối đuôi nhau

vô tận triệu thiên đường

Đi mãi

chẳng bao giờ thỏa

Tôi có thể mắc nhiều 

tội lỗi

chẳng bao giờ quá ngu đi

mắc tội: nằm!

Han rỉ

khác gì cái chết?

Chết con tim chẳng còn dám đau thương

Chết khối óc

chẳng còn dám nghĩ!

Nếu

tôi chửa đến ngày thổ huyết

phổi tôi còn xâu xé mãi

lời thơ

Tôi có thể mặc thây

ngàn tiếng chửi tục tằn

trừ tiếng chửi:

“sống không sáng tạo!”

Nếu tôi bị gió sương

đầu độc

một hôm nào ngã xuống

giữa đường đi

tôi sẽ ngã

như người lính trận

hai bàn tay chết cứng

vẫn ôm cờ

Nếu vầng nhật

thui tôi làm bụi

nắng oan khiên đốt lại

làm tro

Bụi tôi sẽ

cùng ta

vẫn sống

vẫn chia nhau gió bấc

xẻ mưa phùn

Nếu dĩ vãng đè trên lưng

hiện tại

nặng nề

hàng tạ đắng cay

tôi sẽ nổ tung

ngàn kho đạn tiếng kêu

tan xác pháo

mọi cái gì cũ rích

Nếu

hàm răng chuột nhắt của gia đình

gậm nhấm

cả tình yêu cùng dự định

tôi sẽ biến thân tôi thành

thép nguội

làm thất bại

mọi thứ rũa đã quen rũa người

tròn trặn quá hòn bi

ở trong tôi

nếu còn sức mạnh gì

chính là sức những ai

nghèo khổ nhất

những ai 

lao lực nhất

địa cầu ta

Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu

nặng nề sáng tạo

như

nâng một viễn vọng đài

trên cuộc sống hàng ngày

nhí nhách

Tôi vẫn cháy

ngọn hải đăng con mắt

ở trong biển sống

từng đêm

Tôi vẫn đóng những câu thơ

như người thợ

đóng tàu

chở khách

đi về phía trước

nói

loài người

đã biết sống chung nhau

Nói

tất cả

chẳng còn ai bần tiện

chẳng còn lo

cơm áo

nợ nần.

******

Một tuyên ngôn, được lập đi lập lại rất nhiều lần trong thơ của Trần Dần: Tôi có thể mặc thây / ngàn tiếng chửi tục tằn / trừ tiếng chửi: / “sống không sáng tạo!”.

Có nhà phân tích cho rằng, tất cả những kêu đòi sáng tạo ấy là những kêu đòi của chuyện văn chương, cụ thể, là chôn vùi đi lối làm Thơ Mới, thay vào đó là những dòng thơ cách tân, những dòng thơ thể nghiệm, đưa thơ về phía chân trời xa, nơi rộng mở của những tự do và bay bổng.

Không sai. Nhưng lẽ nào, sau những vắt óc, sau những huyết lệ, sau những đêm không ngủ đến bạc đầu, sau những đấu tranh đến mất mạng, đòi quyền cho thơ, cho người thơ, được cất lời, lên tiếng – lẽ nào – chỉ có bấy nhiêu? Chỉ là thay đổi thơ, thay đổi thi pháp cho thơ?

Hẳn, không chỉ thế. Hẳn, đó còn là sự đòi hỏi phải thay đổi những thói quen, những lối nghĩ rập khuôn đang hằng hà sa số vây chung quanh. Rập khuôn ấy đang thống trị và chi phối toàn bộ cuộc sống. Những tư tưởng, những hành vi, chỉ có thế và chỉ được như thế, không hơn, không kém.

Như những người máy. Như những cỗ người biết đi, biết ngồi, biết khóc, biết cười.

Cả phải biết yêu, phải biết sống, theo mệnh lệnh!

******

Thơ, với tôi, là những chắt lọc. Thơ, với tôi, là những tinh túy của xương óc một con người – người thơ.

Tôi thích lắm những dòng thơ, mà theo tôi, như thế, mới thiệt xứng đáng để gọi là thơ, như: Khi thế kỷ còn rung / chuông lừa bịp / Những canh gà / báo trượt rạng đông / Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngóe.

Sau một loạt các khổ thơ được mở đầu bằng các trạng ngữ chỉ thời gian, chỉ hoàn cảnh, chỉ ra những không gian bức bối, chỉ ra những hiện thực rợn ghê, là lời kêu gọi – hãy đi mãi.

Đi mãi, không dừng lại, không bằng lòng với những cái vừa tìm ra, vừa phát hiện. Đi, để mỗi ngày một mở rộng tầm nhìn. Đừng cam tâm bó hẹp, đừng tự mình giam hãm, cầm tù, đừng vừa lòng với cái thấy của ta, cái thấy của ếch trong lòng giếng, trời xanh là miệng giếng, và mình là chúa tể của chính mình, của cái bóng mình, y khuôn, lập lại.

******

Sử dụng rất hay, rất giỏi dạng thức nếu – thì, Trần Dần đã làm cho các lập luận của bài thơ trở thành một khối kim cương chắc chắn, khó lòng phá vỡ. Các câu thơ, đọc lên, rõ ràng, liền lạc, như một đứng dậy, lớn lao, thách thức.

Thách thức chính mình. Thách thức những nếp nghĩ như những nếp nhăn trong óc, đang mỗi ngày một già nua, xẹp xuống, mục cỗi, tóp teo: Khi / con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo / còn quay tít / trên kiếp người hạ giá / Những khi ấy / sẵn sàng / nổi giận / loài người / còn tổ chức nhau đi.

Kiếp người còn bị hạ giá, thì, loài người, còn tổ chức nhau đi!

******

Đọc thơ Trần Dần, nhiều người cho rằng, ông không chỉ mới trong thi pháp của thơ, mà ông còn mới cả trong tư tưởng, tinh thần và triết lý.

Tôi sẽ không bình luận gì thêm. Có điều, Trần Dần nhìn khác, Trần Dần nghĩ khác, theo tôi, thì có thể. Nhưng mới trong tư tưởng và triết lý ư? Có đúng thế không? Hay chúng ta, thuộc đời sau, cũng chỉ toàn lập lại thôi, những tinh thần, những lý luận của các triết gia, đã xuất hiện từ rất nhiều thế kỷ trước.

Chương mười ba của trường ca Đi! Đây Việt Bắc! của Trần Dần mà tôi vừa viết ra ở trên là một minh chứng. Có tư tưởng nào mới đâu? Có triết lý nào vừa được ra đời đâu? Hay chỉ đơn giản là Trần Dần đang nói sự thực, như ông từng ví von mình, là người chụp hình cuộc sống bằng chữ. 

******

Ông bàn về thơ như sau, làm thơ là làm ra chữ, tự chữ, sẽ làm ra nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa trước, rồi mới mượn chữ để diễn đạt nghĩa, thì nghĩa sẽ hẹp. Cái chưa biết là cái thăm thẳm. Cái chưa biết mới là cái mới.

Tôi sẽ không bàn đến đúng sai, nhận định trên. Mọi kẻ làm thơ trên đời này, đều có quyền phát biểu về thơ. Tự do ấy, cần được tôn trọng. Các áp đặt đều không khác gì, việc mặc đồng phục cho thơ.

******

Trần Dần thì tự nhận, thơ ông là một cơn ác mộng. 

Còn dịch giả Dương Tường thì đánh giá về Trần Dần như sau, Trần Dần là người tận tụy với thơ hiếm có trong lịch sử thi ca hiện đại Việt Nam và có thể coi là người cách tân thơ số một. Một người luôn đòi hỏi người làm thơ, trước hết, phải có chữ ký riêng của mình. Ông ấy luôn ham muốn vượt qua, hoặc ít nhất là khác đi với cái cũ, ở bên ngoài mình đã đành, lại còn liên tục tự làm mới với chính mình, tự vượt qua mình, mà lại làm điều ấy trong từng chi tiết, cho đến tận nét chữ, chẳng hạn.

Bỏ qua lối viết xuống hàng quá nhiều khiến thơ trở nên kiểu cách theo lối rườm rà, trình diễn, thì việc đánh giá, nhìn nhận tài năng của Trần Dần như Dương Tường ở trên, theo tôi, là chính xác và khá đầy đủ. 

Cá nhân tôi, Trần Dần, giữa một cuộc đời triền miên trong đau khổ, khốn đốn, cô đơn – ông là một tài hoa, lãng mạn, kiên định, quyết liệt, đầy khí tiết với những vần thơ, những dòng văn xuôi độc đáo, mới lạ, trong vai trò tiên phuông đổi mới – nên tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc, trong lòng những người từng biết ông, hoặc, nghe nói về ông. 

Trần Dần – một tư chất thông minh, một tài thơ hiếm có.

Kết thúc, tôi xin viết ra đây, một đoạn văn của Trần Dần trong cuốn Trần Dần Ghi 1954 – 1960, lấy từ bài viết của bà Thụy Khuê, một phê bình gia nổi tiếng tại hải ngoại. Đọc đoạn trích này, tôi bật cười, và mong, các bạn cũng có một nụ cười sảng khoái, vui vẻ, nhẹ nhàng, như tôi vậy, sau khi đã đi qua quá chừng những nhức đầu nhức óc của chuyện văn chương:

“Tôi muốn tả những người chiến sĩ. Người rất già và người rất trẻ. Người bần cố và người con địa chủ. Người con tư sản và người công nhân. Người học sinh và người không biết chữ. Người đã làm sư và người đi ăn cướp. Người đi buôn và người đã bị buôn. Người đã lừa lọc và người đã bị lừa lọc. […] Người anh hùng và người dút dát. Người lấy súng bắn địch và người lại lấy súng tự thương. […] Người thuần người ngổ ngáo. Người chỉ biết phục tùng, người hay cãi bướng. Và đa số là ngại học tập, ngại nghe đả thông. Ngại nghe cán bộ nói nhiều. Ngại bị ‘nắm tư tưởng’. Nắm, nắm con cặc.”

Ông khiến chúng ta cười, nhưng lúc ấy, lúc làm những vần thơ này, lúc viết những dòng chữ này, ắt hẳn, ông đã phải rơi lệ:

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời.

Sài Gòn 22.01.2024

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Wonderful beat I wish to apprentice while you amend your web site how could i subscribe for a blog web site The account aided me a acceptable deal I had been a little bit acquainted of this your broadcast provided bright clear idea

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here