Thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện quả bóng trách nhiệm

0
184
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quả bóng trách nhiệm giải tỏa sân bay Tân Sơn Nhất đang bị đá đi, đá lại - ảnh: Hoàng Lực

MAI ANH

(GDVN) – Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, quả bóng trách nhiệm trong việc giải tỏa sân bay Tân Sơn Nhất đang bị đá đi, đá lại giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông.

Quả bóng trách nhiệm

Chiều ngày 8/6, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ông Trương Quang Nghĩa – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc để nâng thêm công suất lên 25 triệu hành khách/năm là bất khả thi.

Theo Bộ trưởng Nghĩa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là chi phí giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân trong khu vực…

Ông Nghĩa cho rằng, phương án khả thi nhất và cũng tiết kiệm nhất là xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất 10-15 triệu hành khách/năm, tổng công suất sân bay sẽ lên 40-43 triệu hành khách/năm.

Trước quan điểm của người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải về việc không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Lý do đơn giản vì mở rộng, nâng cấp sân bay phải thu hồi sân golf, thu hồi đất sân golf chính là nút thắt giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng lại bị né tránh”.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, việc người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho rằng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không khả thi vì muốn mở rộng phải thu hồi đất sân golf – ảnh TQ.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống dẫn giải, tại phiên thảo luận chiều 1/6 Thiếu tướng Lâm Quang Đại – Chính uỷ quân chủng Phòng không không quân (đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là “vấn đề lịch sử”, triển khai từ 2007 đến 2015 thì đưa vào khai thác. Trước đây cơ quan chức năng đưa ra quan điểm xây dựng sân golf nhằm tận dụng đất nhàn rỗi để phát triển kinh tế.

Đồng thời, ông Đại cho biết: “Bộ Quốc phòng đã thống nhất về mặt quan điểm là sẽ thu hồi bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu để phục vụ quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên.

Tất cả các công trình trên sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay, an toàn hàng không, Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết xử lý khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không”.

Từ thông tin của Tướng Đại có thể hiểu, chỉ cần Bộ Giao thông vận tải yêu cầu trả đất để mở rộng sân bay Bộ Quốc phòng sẽ trả diện tích đang được dùng làm sân golf.

Trong khi đó người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải khẳng định chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trên diện tích 21 héc-ta mà Bộ Quốc phòng bàn giao và không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc – nơi có sân golf.

“Bộ Quốc phòng nói sẵn sàng trả, Bộ Giao thông vận tải nói không thể mở rộng. Không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tức là không cần trả sân golf.

Câu chuyện giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất rất đơn giản nhưng bộ này “đá” sang bộ kia trong khi sân bay Tân Sơn Nhất ngày một ùn tắc”, Phó Giáo sư Tống cho biết.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quả bóng trách nhiệm giải tỏa sân bay Tân Sơn Nhất đang bị đá đi, đá lại – ảnh: Hoàng Lực

Theo Phó Giáo sư Tống có nhiều lý do đề nghị phải thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất sân golf ở trong sân bay là sử dụng đất quốc phòng sai mục đích trong khi sân bay Tân Sơn Nhất thiếu diện tích để mở rộng thêm nhà ga, đường lăn và sân đỗ máy bay…đó là điều hết sức vô lý.

“Việc sử dụng đất sân bay sai mục đích này núp sau danh nghĩa đất của quốc phòng như là “vùng cấm” để không ai dám đụng đến và những người lợi dụng danh nghĩa “quốc phòng” để làm việc sai trái này đã làm quân đội mang tiếng.

Quốc hội và Chính phủ cần thanh tra kiểm tra toàn bộ việc sử dụng đất sân bay sai mục đích này để sớm thu hồi lại cho việc mở rộng tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Tống nói.

Thứ hai sân golf gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, từ khi hoạt động đến giờ sân golf gây ra tình trạng ngập nước sân bay ảnh hưởng tới việc đỗ, đậu của các máy bay.

“Với lý do trên việc đóng cửa sân golf và thu hồi 157 ha để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng tăng trưởng hàng không là cần thiết”, Phó Giáo sư Tống khẳng định.

Bình luận về trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Giáo sư Tống cho biết: “Khi xin chủ trương xây dựng dự án sân bay Long Thành thời điểm năm 2014 lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng hùng hồn tuyên bố không thể, không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà phải xây sân bay Long Thành cuối cùng thì sao?

Chính Bộ Giao thông vận tải phải bàn tính mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất từ 21 héc-ta được Bộ Quốc phòng bàn giao.

Phát biểu của ông Trương Quang Nghĩa gần đây cũng vậy, bộ trưởng nói mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc là bất khả thi nhưng đó chỉ là cách nói còn căn cứ khoa học thế nào, lý giải cụ thể không đưa ra.

Thu hồi sân golf thực sự là phương án tối ưu, duy nhất để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và cũng là phương án số 1 trong khi sân bay Long Thành chưa được xây dựng”.

Thu hồi sân golf để tăng năng suất lên từ 75 đến 95 triệu khách/năm

Phó Giáo sư Tống cho rằng tư duy nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Phương án sử dụng 21 ha đất do Bộ Quốc phòng bàn giao để xây dựng thêm đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh, xây dựng thêm sân đỗ và 2 nhà ga mới để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 43 – 45 triệu hành khách/năm mới chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt mà không hiệu quả lâu dài.

Theo Phó Giáo sư Tống cần có cái nhìn chiến lược khi nâng cấp cải tạo Tân Sơn Nhất để tránh phải làm đi làm lại nhiều lần.

“Vài năm tới sau khi nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng đến 45 triệu hành khách/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách thì sẽ giải quyết thế nào?

Chắc chắn vẫn phải tiếp tục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy để tránh cách làm manh mún trong quy hoạch cần xác định mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất hết mức có thể mới tính phương án khác. Vì thế phải thu hồi sân golf để mở rộng Tân Sơn Nhất”, ông Tống nói.

Dễn dàng nhận ra khu vực sân golf chiếm diện tích đất lớn trong sân bay Tân Sơn Nhất  – ảnh chụp màn hình.

Ông Tống phân tích hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất thiếu nhất là sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ. Muốn có thêm đường lăn, nhà ga, sân đỗ cần thu hồi diện tích đất sân golf.

Tuy nhiên thay vì giao cho đơn vị thứ ba đứng ra nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc Bộ Giao thông vận tải lại tin vào kết quả khảo sát nghiên cứu của Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng).

Theo ông Tống, kết quả nghiên cứu của Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không đã không khách quan khi đưa ra chi phí và thời gian thực hiện các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Công ty này đưa ra phương án xây mới đường cất – hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất – hạ cánh 25R/07L 1.800 m, xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf với tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 ha mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 ha đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.

“Phương án này có những con số được thổi phồng để dễ dàng đưa đến kết luận không khả thi. Đó không phải là kết quả nghiên cứu tính toán một cách khách quan của những nhà chuyên môn có trách nhiệm”, ông Tống cho biết.

Theo ông Tống tranh luận vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không phải vấn đề thắng thua mà là khoa học với biện giải, dẫn chứng cụ thể.

Qua quá trình tự nghiên cứu ông Tống cho rằng khi thu hồi diện tích sân golf sân bay Tân Sơn Nhất có khả năng tăng năng suất lên từ 75 đến 95 triệu khách/năm

Trên thế giới có nhiều sân bay diện tích nhỏ nhưng năng suất cao. Sân bay quốc tế Mumbai ở Ấn Độ với diện tích 800 héc-ta có năng suất thực tế năm 2016 là 45 triệu khách/năm, bình quân 5,6 triệu khách/năm trên 100 héc-ta diện tích sân bay.

Sân bay Barcelona ở Tây Ban Nha vào năm 2009 với diện tích 845 héc-ta có năng suất thiết kế là 55 triệu khách/năm, bình quân 6,5 triệu khách/năm cho 100 héc-ta.

Sân bay Changi ở Singapore với diện tích 1.300 héc-ta có năng suất thiết kế là 66 triệu khách/năm, bình quân 5,1 triệu khách/năm trên 100 héc-ta.
Sân bay Heathrow ở London, Anh Quốc với diện tích 1.200 héc-ta có năng suất thực tế năm 2016 là 75,7 triệu khách/năm, bình quân 6,3 triệu khách/năm trên 100 ha.

Sân bay Fiuminicino ở Rome (Italia) với diện tích 1.500 héc-ta mà có năng suất thiết kế cho năm 2044 là 100 triệu khách/năm, bình quân 6,7 triệu khách/năm trên 100 ha diện tích sân bay.

Như vậy, với diện tích 850 héc-ta hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất, nếu lấy mức năng suất bình quân từ 5,6 đến 6,5 triệu khách/năm cho 100 héc-ta như của Mumbai và Barcelona thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 48 đến 55 triệu khách/năm.

Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để có diện tích 1.200 héc-ta và nếu lấy mức năng suất bình quân từ 5,1 đến 6,3 triệu khách/năm cho 100 ha như của Changi và Heathrow thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 60 đến 75 triệu khách/năm.

Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để có diện tích 1.500 héc-ta thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 75 đến 95 triệu khách/năm.

“Để chủ động trong quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt việc thu hồi đất sân golf là phương án hiệu quả nhất.

Khi có được mặt bằng đất sân golf chúng ta có thể thiết kế, quy hoạch các vị trí nhà ga, đường băng cất hạ cánh, chỗ đỗ máy bay, đường lăn cho máy bay từ chỗ đỗ ra đường cất/hạ cánh một cách khoa học, hợp lý và tiết kiệm”, ông Tống nói.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here