VIỆT NAM (NV) – Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố bản thảo mới của dự luật sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, bộ này vẫn không bỏ ý định thu đến 8.000 đồng trên mỗi lít xăng.
Hồi tháng 4 vừa qua, ý định thu thêm đến 8.000 đồng trên mỗi lít xăng để “giải quyết vấn đề môi trường” đã bị dân chúng và các chuyên gia chỉ trích kịch liệt.
Các khoản thuế đang được thu qua xăng (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu từ 5% đến 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít) vốn đã chiếm đến 41,5% giá bán mỗi lít xăng. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam vẫn chưa muốn ngừng tại đó, họ muốn nâng thuế bảo vệ môi trường tính trên mỗi lít xăng lên 2,5 lần.
Các chuyên gia tại Việt Nam nhận định, dù mang danh nghĩa “bảo vệ môi trường” nhưng khoản tiền mà chính phủ Việt Nam dự trù thu thêm trên mỗi lít xăng không phải để chi cho lĩnh vực môi trường mà chỉ nhằm để có thêm tiền chi tiêu bởi công quỹ đang thiếu hụt trầm trọng. Bằng chứng là từ khi thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường qua xăng (2012), chính quyền Việt Nam chỉ chi chưa tới ¼ số tiền thu được cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn năm 2016, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường là 42.393 tỉ đồng nhưng thực chi cho bảo vệ môi trường chỉ có 12.290 tỉ.
Đầu tháng 5, Bộ Tài chính Việt Nam rút lại dự luật sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường để sửa chữa.
Bản thảo mới của dự luật này cho biết, tổng số tiền thuế bảo vệ môi trường đã thu từ 2012 đến 2016 là 105.985 tỉ và đã chi cho các hoạt động “bảo vệ môi trường” là 131.875 tỉ. Nói cách khác, theo cách diễn giải mới của Bộ Tài chính Việt Nam, tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường không những không dư như tính toán trước đó của chính Bộ Tài Chính Việt Nam (chừng 55.000 tỉ) mà còn thiếu khoảng… 26.000 tỉ.
Các chuyên gia kinh tế và pháp lý gọi bản thảo mới của dự luật sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường là thiếu lương thiện, xem thường dân chúng.
Trong cuộc trò chuyện với báo điện tử Giáo Dục về bản thảo mới, ông Nguyễn Minh Phong, một chuyên gia kinh tế, nhận định, cách diễn giải thu – chi về môi trường của Bộ Tài chính Việt Nam trong bản thảo mới công bố là “bí quá hóa liều”.
Về nguyên tắc, thu thuế để bảo vệ môi trường thì phải chi cho mục tiêu này song theo ông Phong, cách diễn giải thu – chi của Bộ Tài chính, biến dư thành thiếu (thông qua việc cộng thêm cả chi phí xây dựng hệ thống metro, thực hiện các kế hoạch: “bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội”, “cải cách tiền lương”, “điều chỉnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh”,…) là quá… vụng và coi thường dân chúng. Ông Phong bảo rằng, dù Bộ Tài chính không thừa nhận nhưng ai cũng biết, tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm thu thêm tiền để chi cho đủ thứ ngoài lĩnh vực môi trường.
Ông Trương Thanh Đức, một chuyên gia pháp lý, khuyến cáo, tên của thuế “bảo vệ môi trường” đã chỉ rõ mục đích thu – chi. Muốn chi cho chuyện khác thì phải gọi tên đúng với bản chất. Kiểu lập luận xây dựng hệ thống metro là “bảo vệ môi trường” không thể chấp nhận được. Ông Đức lưu ý, lập luận như thế thì làm đường cao tốc, xây phi trường, sân golf,… cũng có thể xem là “bảo vệ môi trường”. Phung phí như vừa qua thì có tăng thu bao nhiêu, vay mượn bao nhiêu cũng chẳng đủ. (G.Đ)
Mời độc giả xem điểm tin buổi sáng ngày 6 tháng 6 năm 2017