VietNamNet – Sáng sáng vác mai đi đào cũng được hơn một cân, thu vài trăm nghìn, theo thuyền đi cả ngày là tối về có tiền triệu nhờ sá sùng.
Sá sùng được gọi lệch từ sa trùng. Sa là cát, trùng là giun, nói dễ hiểu là con giun cát (còn được gọi với cái tên khác là mồi).
Xưa kia, sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm, thường được dùng làm cống vật cho vua, quan. Ngoài ra, chỉ những người giàu có mới có điều kiện sử dụng.
Sá sùng là lộc trời ban cho vùng đất Vân Đồn (Quảng Ninh). Khi còn tươi, sá sùng giống con giun, có độ dài khoảng 5-10cm, cá biệt có con dài 15-40cm. 1kg sá sùng tươi có giá 200 nghìn đồng, loại khô 4 triệu đồng/kg.
Để săn sá sùng, những người thợ tại huyện Vân Đồn phải ngồi trên thuyền nửa tiếng, rồi lội bộ nửa cây số nữa mới tới bãi bồi để đào thứ đặc sản quý này.
Một người dân cho biết, đào sá sùng phải theo con nước. Khi thủy triều rút, những bãi bồi cát lộ ra cũng là lúc thợ săn làm việc cật lực.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi, ở xã Đông Xá) kể, vào mùa này, cứ 4h sáng là cánh phụ nữ lục đục vác mai dài, đeo giỏ đi săn.
“Chỉ đào 1 buổi sáng tôi cũng được hơn một cân, thu vài trăm nghìn. Còn theo thuyền đi cả ngày thì kiếm được tiền triệu”, chị Tuyết cho biết.
Theo kinh nghiệm của người dân, chỉ những vùng cát pha mới có sá sùng – “hoa giun”. Người đào phải thật tinh mắt. Khi thấy “hoa giun” thì phải nhanh tay cắm mũi mai xuống đào, nếu không chúng chui đi mất.
Khi mặt trời lên đỉnh điểm cũng là lúc thủy triều lên, mọi người lại lên thuyền tìm tới bãi bồi khác.
Sá sùng có giá đắt bởi vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể dùng để chữa nhiều bệnh, đặc biệt được quý ông sử dụng như thần dược tăng cường sinh lực.
Trong chế biến món ăn, sá sùng được xem như loại mì chính đặc biệt. Nó có mặt trong nồi nước dùng của món phở truyền thống Hà Nội và Nam Định cho ra hương vị đặc biệt không ở đâu có được. Sá sùng tươi cũng được dùng nấu canh.
Phạm Công