– Cù Tuấn biên dịch bài viết về văn hóa xã hội của The Economist.
Tóm tắt: Chúng ta nói gì khi một nghệ sĩ chết đi.
Sau khi Alexander Pushkin bị bắn chết trong một cuộc đấu súng tay đôi vào năm 1837, đám đông người đưa tang đã tụ tập ở St Petersburg. Chính quyền Nga vì lo lắng đã di chuyển dịch vụ tang lễ của ông sang nơi khác, và tập hợp 60.000 quân. Khi chiếc xe chở thi thể của nhà thơ đến tỉnh Pskov, nơi ông được an táng, những người hâm mộ ông đã tháo những con ngựa ra khỏi xe, và họ tự kéo chiếc xe tới tận nghĩa trang.
Cái chết của Rudolph Valentino, một thần tượng phim câm, vào năm 1926 cũng gây ra sự tiếc thương sâu sắc tương tự. Cảnh sát được bố trí đã khống chế những người hâm mộ tấn công phòng tang lễ ở New York, nơi thi thể của ông được lưu giữ (một số người hâm mộ được cho là đã tự sát tại đó). Vào năm 1975, hàng triệu người Ai Cập bày tỏ lòng kính trọng đối với Um Kalthoum, một ca sĩ nổi tiếng, bằng cách nâng quan tài của bà và vác nó hàng giờ trên đường phố Cairo.
Đám tang của những người nổi tiếng ngày nay có xu hướng ít cuồng tín hơn và chủ yếu là trên nền tảng kỹ thuật số hơn là trực tiếp. Nhưng những người hâm mộ đều đam mê như nhau. Trong vài tháng qua, nỗi đau buồn đã lan tràn khắp mạng đối với Martin Amis, Cormac McCarthy, Tina Turner và gần đây nhất là Jimmy Buffett. Nếu bạn dừng lại để suy nghĩ thì bạn sẽ khẳng định đã thấy nhiều chuyện như vậy đối với các nhà văn, diễn viên và nhạc sĩ khi họ qua đời. Chúng thật kỳ quặc, thậm chí phi lý.
Không giống như những kiểu đau buồn khác, nỗi đau thương tiếc này không xuất phát từ sự thân mật mang tính cá nhân. Nếu bạn đã từng tiếp xúc với một tác giả được yêu mến, thì đó có thể là trong một chuyến tham quan sách, khi đó, tác giả ấy đã ký tên vào bản sao cuốn tiểu thuyết của mình và đã viết sai tên bạn. Có thể bạn tự lừa dối mình rằng bạn đã từng chạm mắt với một ngôi sao âm nhạc trong một buổi biểu diễn và anh ấy đã mỉm cười với bạn. Nhưng bạn không thực sự biết họ và họ chắc chắn cũng không biết bạn.
Bạn cũng sẽ không phải lúc nào cũng thích họ nếu bạn thực sự có quen biết. Những cuốn sách hoặc bài hát của họ có thể cảm động và đầy chất trí tuệ, nhưng (theo cách nói của giới phê bình) sẽ là một sai lầm về mặt tiểu sử khi cho rằng tác phẩm phản ánh cuộc đời hoặc niềm tin của một nghệ sĩ. Những người bạn yêu thích thực sự có thể là những người đáng yêu; hoặc có thể là, bên dưới những hình ảnh được tuyển chọn kỹ lưỡng, họ chỉ là những kẻ hám tiền, suốt đời chỉ biết ganh đua hoặc là những kẻ chỉ biết đến bản thân khiến gia đình họ phát điên. Hiếm khi bạn biết chắc chắn chi tiết về họ.
Mặc dù các nghệ sĩ đã chết đi, nhưng các tác phẩm nghệ thuật mà bạn tôn vinh lại còn mãi. Cái chết không xóa bỏ được nó – trái lại, sự tò mò và hoài niệm thường làm tăng doanh số bán hàng. (Album đứng đầu bảng xếp hạng duy nhất của David Bowie ở Mỹ là “Blackstar”, đã được phát hành vài ngày trước khi ông qua đời vào năm 2016.) Sự thật là người chết không viết thêm sách và không thu âm thêm bài hát nào. Philip Roth sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết trong kỷ nguyên của Donald Trump; bạn sẽ không bao giờ nghe được một bản ballad mang tính biểu diễn khác của Meat Loaf. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng là tác phẩm xuất sắc nhất của nhiều nghệ sĩ đã được hoàn thành từ rất lâu trước khi họ qua đời.
Nỗi đau buồn càng có ý nghĩa hơn khi một ngôi sao chết trẻ hoặc chết một cách dữ dội. Nếu Amy Winehouse không qua đời ở tuổi 27, giống như Jimi Hendrix và Janis Joplin, ai mà biết được cô ấy sẽ thêm thứ âm nhạc nào vào tác phẩm nhỏ bé nhưng tinh tế của mình? Sinéad O’Connor, một nghệ sĩ khác qua đời năm 2023, đã sống một cuộc đời đầy rắc rối và kết thúc quá sớm. Buddy Holly (chết trong một vụ tai nạn máy bay), Amedeo Modigliani (chết vì bệnh viêm màng não lao ở tuổi 35), Wilfred Owen (bị giết một tuần trước khi có đình chiến năm 1918): những lần ra đi sớm và tàn khốc như vậy thật bi thảm.
Tuy nhiên, về mặt khách quan, cái chết của một nghệ sĩ sống lâu và mãn nguyện không phải là tin buồn nhất trên các mặt báo hàng ngày. Và trong khi hầu hết mọi người chết và chìm vào quên lãng, thì những người đoạt các giải thưởng nghệ thuật vẫn tiếp tục sống nhờ vào các tác phẩm của họ, điều mà Horace, một nhà thơ La Mã, gọi là “những tượng đài trường tồn lâu hơn cả tượng đồng”. Những lý do thông thường cho việc để tang không được áp dụng. Vậy thì tại sao những mất mát khi một nghệ sĩ chết đi lại được cảm nhận rộng rãi và sâu sắc đến vậy?
Một cách giải thích cho rằng những người nổi tiếng đã ra đi chỉ đơn thuần là những người đưa tin. Tin tức thực sự chính là bản thân cái chết. Nó sẽ đến với tất cả mọi người, dù một số người có vẻ như là bất tử. Nếu thần chết gọi tên Prince, bằng tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình, chắc chắn anh ta sẽ gõ cửa tìm ca sĩ này. Như Jim Morrison đã hát trước khi qua đời ở tuổi 27: “Không ai ở trên đời này có thể còn sống sót”.
Một phần quá khứ của bạn—những năm tháng mà bạn lắng nghe nhạc nền của người nhạc sĩ trong các bộ phim, một người bạn thầm lặng của bạn—dường như có thể mờ dần theo những cái chết này. Cũng chính đáng thôi, nỗi đau buồn có thể được coi là một hình thức chuyển hóa lòng biết ơn đối với sự đoàn kết và niềm vui mà những nghệ sĩ này đã mang lại. Thay mặt bạn, họ đảm nhận việc tìm hiểu thế giới và chắt lọc vẻ đẹp của hoa sen từ những bùn nhơ của cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng như bất cứ điều gì khác, sự ra đi của một nghệ sĩ là một dịp để chúng ta tụ tập lại với nhau. Trong thời đại nguyên tử hóa, trong đó giai điệu mặc định là sự chết mòn dần của mỗi người, cái chết của một nhân vật được yêu mến là cơ hội để chia sẻ những cảm xúc và ký ức tích cực với những người cùng ngưỡng mộ một tác giả. Giống như những khoảnh khắc mát mẻ trong nghĩa trang, những ngày tưởng niệm lặng lẽ, giúp bạn tạm thời quên đi mọi mệt mỏi và xung đột trong cuộc đời này, chính là món quà chia tay cuối cùng của các nghệ sĩ.