Quê không cho về, ở lại ai nuôi?

0
7

Ngô Anh Tuấn

1-8-2021

Tôi đã từng kể quá khứ của mình trong một vài stt trước đây là trước khi quay lại con đường học hành, tôi đã từng theo người bạn thân vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương từ năm 2001-2003. Cuộc sống công nhân với đồng lương ít ỏi mà tiền thuê nhà trọ, điện nước, ăn uống, cưới hỏi, liên hoan… sau khoảng 2 năm đi làm, tôi chẳng để dư ra được đồng nào. May mà khi còn ở đó, mình cũng hoà đồng nên về đi học đại học, bạn bè còn giúp lại để có chút tiền mua vé xe ô tô và dằn túi đôi đồng để mua quà cho bạn mới mà thôi.

Giờ đây, dù lương thưởng cao hơn nhưng các chi phí sinh hoạt cũng cao lên theo nên cuộc sống công nhân, về cơ bản không khá hơn là bao nhiêu. Cuộc sống của họ vẫn luôn hụt trước, thiếu sau. Nếu không có công việc, không có lương hay các khoản trợ cấp khác, phần những người công nhân lâm vào khó khăn thực sự, đặc biệt là những người đi làm xa nhà, phải thuê nhà trọ để ở.

Một người lao động tự do đang nhặt ve chai từ bãi rác. Ảnh: Báo Lao Động.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những tỉnh có đông công nhân sinh sống, làm việc mà phần lớn họ là dân miền Trung hoặc miền Tây Nam bộ chứ dân gốc ở đó lại giàu có do có bất động sản bán/cho thuê nên ít ai phải đi làm công nhân lắm. Vài chục năm trước đã vậy và nay chắc không khác là mấy. Thế nên khi nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, không có thu nhập gì thì bao nhiêu khoản phải chi đổ lên đầu thì sẽ không nhiều người trụ được quá 3 tháng, theo tính toán của tôi. Khoản tiền lương công nhân vốn đã ít, họ còn phải dành dụm gửi về cho bố mẹ hoặc vợ con ở quê để lo tiền sinh hoạt, học hành. Với nhiều người, người công nhân thuộc lớp thấp của xã hội nhưng họ là niềm hy vọng của bao nhiêu người trong gia đình mình…

Khi khó khăn, họ bỏ quê lên phố tìm việc để gửi tiền về quê. Khi dịch bệnh, mất việc họ phải tìm đường về quê lánh nạn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đó là chuyện bình thường. Thế nhưng, sắp tới đây, khi Chính phủ đã yêu cầu những nơi có dịch, “ai ở đâu thì ngồi yên đó” thì những người công nhân nói trên là một trong những thành phần chịu khó khăn nhất. Nếu chính sách không với tới họ sẽ khiến họ lâm vào thế bần cùng, nếu không sinh ra tệ nạn thì cũng sẽ tạo nên sự phản kháng cực đoan. Vậy nên, cần phải hết sức cân nhắc, quan tâm tới những đối tượng dễ bị tổn thương để họ không bị lâm vào cảnh lao đao, đó là việc làm vừa thể hiện tính nhân văn, vừa là sự phòng vệ đối với những rủi ro, hệ lụy nguy hiểm xảy ra từ sự khốn khó, túng quẫn gây nên.

Đấy, nếu xác định sẽ nuôi được họ, dù chỉ là một cuộc sống ở mức tối thiểu thì chúng ta mới nên “đắp lũy, ngăn thành” tạm thời, chờ khi mọi thứ trở nên tốt hơn. Còn một khi ta không thể lo được cho họ, còn họ cũng đang cố tìm lối thoát cho mình thì chúng ta buộc phải thuận theo tự nhiên, tôn trọng quyền tự quyết của họ, khi đó cả hai phía đều không thể than trách gì nhau nữa…