Mai Thị Mùi cùng với Mai Thị Mùi.
Kì này tui lười viết, chủ yếu đi dòm ngó thiên hạ. Thấy bên nhà bạn kia có cái clip một cô (có lẽ là MC) người Nam dạy phát âm chữ “qu”. Cổ phân tích chữ “qu” khi phát âm sẽ có âm “k” trong đó. Ví dụ từ “tổ quốc” phải đọc “cuốc”, không được đọc “tổ w.uốc”. Nghe tới đây thì tui cười tới phì bọt mép.
Thứ nhất, bạn này đang mang cách dạy phát âm tiếng Anh vào tiếng Việt. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ bị biến âm theo từng chữ. Vì vậy mới sinh ra cái môn phiên âm quốc tế. Ai học tiếng Anh đều hiểu tại sao khi mở từ điển tra từ, kế bên mục từ là phần phiên âm đặt trong 2 dấu vạch chéo, ví dụ: fine /fain/. Còn chữ viết tiếng Việt bản thân nó là chữ tượng thanh. Ví dụ chữ b có đi với nguyên âm nào thì nó cũng là “bờ”, ba, bảy, bướng, bôi, biến. Tiếng Việt phần viết khá hoàn chỉnh vì chữ nào âm đó, không có chuyện khi âm này, khi âm kia. Vậy bạn này đi phân tích âm chi cho mệt vậy trời? Mà phân tích có đúng đâu.
Thứ hai, tui sống ở miền Nam gần 40 năm nay, người miền Nam họ đâu có nói âm “q” bao giờ. Đó là nét đặc trưng của thổ âm Nam bộ. Nay mắc mớ gì mang họ ra bẻ họng, bẻ lưỡi họ theo cái âm “chuẩn” kia chi vậy? Mắc cười ở chỗ cô này người miền Nam. Cổ không bảo vệ đồng hương cổ thì thôi. Cổ lại bẻ mình theo “địch” chi zẩy? Nếu nói như cổ, tui sẽ bắt cổ uốn lại từng chữ. Vì hầu như toàn bộ từ cổ phát âm đều sai “chuẩn”. Ví dụ: phát âm-phác âm, các bạn-các bạng.
Tôi không rõ Thái Cơ, tác giả bài hát Rặng Trâm Bầu là người miền nào. Nhưng nghe tới cây trâm bầu thì hẳn ai cũng liên tưởng ra một vùng sông nước miền tây Nam bộ. Mà đã là bài hát về miền nào thì nó thì nó chỉ hợp với âm giọng của người miền đó. Cách đây khoảng 28 năm, tôi nhớ khi ấy ca sĩ Ngọc Loan dự thi tiếng hát truyền hình Đồng Nai đã thể hiện rất xuất sắc bài hát này. Một vài thí sinh những năm sau cũng chọn bài hát này dự thì và đều hát theo âm giọng Nam bộ. Tôi đã rất yêu bài hát này cho đến khi Thu Hiền, Thái Bảo đem cái giọng miền Bắc phá nát chất ngọt ngào, trong trẻo, chân phương của Rặng Trâm Bầu. rồi Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn cũng góp phần làm bấy bá một nhạc phẩm vốn được lòng nhiều người nghe. Tôi vốn quen nghe “Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu, bác ngác xa đưa…”. Nay cứ phải nghe “bát ngát xa đưa” mà trong lòng ức chế cái chữ “bát ngát”.
Cách đây gần 30 năm, công nghệ âm thanh sao tối tân bằng bây giờ. Một bài hát bây giờ được xử lý qua kĩ thuật phòng thu để đạt được độ hoàn hảo nhưng tại sao Đất Rừng Phương Nam vẫn không “ăn” được Đất Phương Nam? Bạn nghe lại Cao Minh hát Đất Phương Nam đi: Nhắng ai đi zề zùng đấc phương Nam, còn đâu đây tiếng zó ngửa phi, đờn khải tang tình, thuyền xuôi zô phương Nam khoang nhặc. Trời ơi! Cái hồn của người phương Nam nó nằm trong mấy chữ “zề, zùng, zó ngửa, đờn khải, zô, khoang nhặc” đó. Giờ mà đem mấy con chữ đó ra bẻ thành “về vùng, vó ngựa, đàn khẩy, vô, khoan nhặt” thì có mà thành người phương Nam Định à.
Ca sĩ Cẩm Ly, theo cảm nhận cá nhân tôi, không phải là giọng ca xuất sắc. Giọng ca của cô được coi là giọng ca “thị trường”. Trái với các ca sĩ miền Bắc được tôn xưng là giọng ca hàn lâm, thính phòng như Lan Anh, Anh Thơ, Kiều Hưng, Trọng Tấn. Nhưng tại sao các bài dân ca Nam bộ qua giọng ca của Cẩm Ly rất dễ đi vào lòng người? Bài hát nào về Nam bộ cô cũng thể hiện thành công. Vì sao? Vì cổ hát giọng Nam bộ. Nếu ai có học thanh nhạc hoặc để ý khẩu hình mới biết người miền Nam họ phát âm âm “z” khác lắm. Chuẩn bị phát ra âm “z” là họ chụm môi rồi mới bật âm ra. Người tinh ý nhìn khẩu hình ca sĩ là biết người miền nào liền. Các bác miền Bắc lấy bài hát của người ta phang tá lả cứ bảo sao không có hồn. Bài hát không hồn nên người nghe mới hết hồn.
Nói như tụi trà sữa thời nay thì nước sông không phạm nước giếng. Các anh chị ngoài ấy cứ việc “dau diếp, dộn dàng, chong chẻo, chết hết, chạy như điên”. Các chế, các hia trong này cứ “rao xà lắt, gộn gàng, trong trẻo, chớt hớt, chại như điêng”. Quan trọng là khi viết thì phải viết: rau diếp, rộn ràng, trong trẻo, chết hết, chạy như điên. Nói và viết là 2 chuyên mục khác nhau. Anh Bắc đừng bảo bọn tôi mới nói đúng, chị Nam cũng đừng chê anh Bắc nói sai. Nói như các anh chị thì có lẽ người Huế, người Nghệ Tĩnh hay khúc Năm Eo họ sai hết chăng? Phát âm là đặc trưng vùng miền. Làm gì có chuyện sai đúng ở đây. Chữ viết mới phải theo một quy định chung nhất. Thổ âm chính là một đặc điểm của người của một địa phương. Tự nhiên bắt ai cũng giống ai thì chia tỉnh, chia huyện, chia xã làm con mẹ gì nữa. Có mỗi chữ “t” mà thằng Anh với thằng Mỹ còn phát âm khác nhau. Thằng Mỹ li-đồ, thằng Anh li-thồ (little). Thằng Mỹ wa-đờ, thằng Anh wa-thờ (water). Có thằng nào bắt thằng kia phát âm giống mình đâu. Miễn sao khi viết cả 2 thằng đều phải viết water.
Ngoài ấy cứ: thìa, muôi, xoong, vừng, lạc, xì dầu, chè, nước dùng. Trong này cứ: muỗng, vá, nồi, mè, đậu phộng, nước tương, trà, nước lèo. Vậy nhé! Không ai đúng, ai sai ở đây cả. Thằng Anh nó nói flat, thằng Mỹ nó kêu apartment. Mỹ nó nói soccer, Anh nó bảo football cũng ok luôn. Hai thằng đó chẳng bao giờ cãi nhau ba cái xàm xí này cả. Vậy mà cả thế giới phải học tiếng của nó đấy.
Bao nhiêu năm cả dân tộc gồng mình với âm mưu Hán hoá. Nay 1/3 dân tộc lại đau đầu với phong trào Bắc hoá. Phải chi mình sai mình mới phải sửa. Còn đây là đặc trưng vùng miền thì sửa làm con mẹ gì. Bao nhiêu năm nước lèo thì cứ nước lèo, mắc mớ gì giờ phải nước dùng. Người ta nói bánh đa nem kệ người ta, mình cứ bánh tráng chả giò mà nói. Bỏ con cá vào chảo dầu thì nói chiên cá, chiên xong đem quay clip thì nói mời mọi người nhìn con cá chiên. Ai rán cá mặc họ. Sống bao đời ăn món cá chiên giờ tự nhiên phải ăn cá rán. Không biết nhục hay sao mà cứ bẻ môi, bẻ lưỡi ăn theo nói leo!
Muốn giữ cái gốc trước hết phải giữ ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ chứa đựng văn hoá, tập quán, phong tục, hồn cốt của tộc người sử dụng nó. Cứ mì chính, nước dùng, rán già, giã nát rồi vài năm nữa còn đâu người Nam hả lớp trẻ? Nhìn lại đi nè. Mình cứ là mình, không cần ngả theo ai vì ông cha mình đã đặt những dấu chân ngàn năm đi mở đất. Cứ bột ngọt, nước lèo, chiên kĩ, đâm nhiễn thì dẫu trải qua bao thăng trầm giông tố, qua bao cuộc đổi thay vẫn còn đây phương Nam với những con người quyết dâng cho đời bài tình ca đất phương Nam.
Lớp trẻ à, còn đâu đây tiếng zó ngửa phi.