Phản bác bài “Vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam: Một số nhận định sơ bộ”

0
1022
Ông Trịnh Vĩnh Bình tại văn phòng.
TIẾNG DÂN

Vũ Kỳ Văn

4-9-2017

LS Nguyễn Thanh Tuân. Nguồn: website VPLS Nguyễn Thanh Tuân.

Một số ngờ vực về bài “Một số nhận định sơ bộ về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thanh Tuân đăng trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế ngày 04/9/2017 và trang Tiếng Dân cùng ngày.

Trước tiên, xin nêu một số điều thông cảm với hoàn cảnh viết và đăng bài của tác giả:

– Tạp chí Nghiên cứu quốc tế là đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện giờ Tổng Biên tập là TS Nguyễn Anh Tuấn, biên dịch là Lê Hồng Loan, biên tập là Lê Hồng Hiệp.

– Theo tự giới thiệu của tác giả thì tác giả đang làm nghề luật sư kiêm Trọng tài viên ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Để được đăng bài trên Tạp chí này, ắt tác giả không được viết trái ý của Bộ Ngoại giao, phải được duyệt và phải được Tổng Biên tập cho phép.

Nhưng dù thông cảm với tác giả thì cũng không thể đồng tình hoàn toàn với nhận định của tác giả ở một số điểm sau đây:

– Ở tiêu đề bài báo, tác giả viết đó là “một số nhận định sơ bộ”. Ở đoạn thứ hai, tác giả viết: “bài viết này dựa trên những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (một số tin chưa được kiểm chứng)”. Vậy thì tác giả nên ghi rõ tiêu đề là “Một số nhận định sơ bộ của tác giả” để người đọc không phải hiểu lầm thành nhận định của Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc của Chính phủ Việt Nam để họ mang tiếng.

– Ở đoạn khác, tác giả “bắt lỗi” ông Trịnh Vĩnh Bình đã vi phạm Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam ban hành ngày 29/12/1987. Năm 1992, ông Bình thành lập công ty Tín Thành tại TPHCM đã nhờ người khác đứng tên hộ chứ ông không đăng ký chính thức để thành lập doanh nghiệp (như thế là đầu tư chui).

Cũng ở cuối trang 1, tác giả “bắt lỗi” ông Bình vi phạm luật của Việt Nam vì “đã làm Giấy ủy quyền cho thân nhân ở Việt Nam đứng tên giùm đất đai nhà cửa ở Việt nam, và giấy này đã được ‘công chứng’ (được chứng thực) bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Nếu có thật thì việc chứng thực này cũng trái với quy định của pháp luật đất đai, đầu tư) …

Nhưng cũng ở trang 1, tác giả công nhận “ở thời điểm đó pháp luật chưa cho phép người nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều có quốc tịch nước ngoài) đứng tên mua nhà và đứng tên nhận sang nhượng Quyền sử dụng đất”.

TS Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hà Lan nhiệm kỳ 1998-2001 cũng xác nhận điều này trong câu trả lời phỏng vấn của Đài Hoa Kỳ VOA như sau: “Trước và trong giai đoạn đầu, ông Bình không chỉ có xin tư vấn pháp lý, theo chỗ tôi nắm được, ông ấy đã từng xây dựng các quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương nơi ông ấy cư trú và hoạt động kinh doanh. Cụ thể các cơ quan chức năng nơi ông tạm trú đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình ông đứng tên thuê đất và một số bất động sản. Hồi bấy giờ nhà đầu tư nước ngoài chưa có quyền đứng tên”.

Kêu gọi đầu tư kinh doanh sản xuất thì phải cho nhà đầu tư được thuê hoặc mua đất để xây dựng nhà xưởng. Nếu không có đất và nhà xưởng để sản xuất thì Liên doanh nuôi trồng và chế biến thủy sản của ông Bình ở Vũng Tàu làm sao có thể đạt tới năng suất 1.495 tấn/ năm, so với năng suất của toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lúc đó là 6.675 tấn/năm. Luật chưa cho phép, lại không giúp đỡ, còn bắt lỗi, bỏ tù thì ai còn dám “yêu nước”, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam, mang vốn về đầu tư trong nước?

– Trong một đoạn khác, tác giả viết: “Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ Quyền Miễn trừ quốc gia khi tham gia Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Hà Lan và khi ký Thỏa thuận 2006, nên vụ việc có thể đã được giải quyết theo các nguyên tắc của Tư pháp quốc tế”.

Nhưng sau đó, tác giả lại diễn tả lắt léo về nội dung thỏa thuận 2006 rằng: Ông Bình kiện Chính phủ Việt Nam lần thứ hai đòi bồi thường vì phía Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận 2006 “chứ ông KHÔNG ĐÒI TÀI SẢN BỊ TỊCH THU”.

Thỏa thuận ngoài Tòa Trọng tài quốc tế ký giữa ông Bình và Chính phủ Việt Nam năm 2006 có nội dung chính như sau: “Chính phủ Việt Nam miễn án và bồi thường cho ông Bình 15 triệu USD; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản ‘hợp lý’ của ông Bình. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận”. Nội dung cam kết này là một thể hoàn chỉnh, tác giả đã từng làm Luật sư và Trọng tài viên, không hiểu vì sao lại có thể hiểu tách ra thành từng mảng riêng biệt như vậy?

– Ở một đoạn trong bài, để bảo lưu điều mà tác giả “bắt lỗi “ông Bình sai phạm pháp luật đất đai, đâu tư của Viêt Nam, tác giả đưa ra một giả thiết chưa có thật, chẳng hạn nếu đầu tư bằng cách mua đất đai để “trồng cây cần sa, một chất gây nghiện”. Nếu đây là cách lập luận của một học sinh bậc trung học cơ sở thì có thể chỉ là một câu nói ngô nghê trong một bài tập làm văn. Ở đây lại là cách lập luận của một người từng là Luật sư và Trọng tài viên thì thật không hiểu nổi!

– Có lẽ tự thấy những lập luận ở trên chưa đủ sức chinh phục lòng tin của người đọc vào nhận định của mình, sau đó, tác giả đe dọa: trong việc Tòa trọng tài quốc tế xử bồi thường cho ông Bình, nếu bị ép quá, Chính phủ Việt Nam cũng sẵn sàng “chơi tới cùng”. Phải chăng đến đây tác giả tìm lời kết ở câu chuyện “Chí Phèo” của Nam Cao?

– Để củng cố cho những luận cứ và nhận định chủ quan, không lấy gì làm chính xác của mình, ở đoại cuối của bài viết, tác giả tung ra một hỏa mù: Do đặc điểm giữ bí mật của hình thức Trọng tài, “rất có thể những thông tin chính thức về nội dung, diễn biến và kết quả (chi tiết) của vụ kiện này sẽ không bao giờ được công bố rộng rãi”. Câu này có thể hiểu là các bạn hãy tin vào nhận định của tôi đi, không có thông tin gì khác nữa đâu.

Bình luận đã khá dài. Đây chỉ là “những điều cần nói ngay”. Xin nhường các bạn đọc khác bình luận tiếp.

© Copyright Tiếng Dân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here