PHẠM DUY – TÌNH CA

3
168

Phạm Hiền Mây

Phạm Duy sáng tác Tình Ca vào năm một ngàn chín trăm năm mươi hai.

Tình Ca là tình yêu của một người Việt Nam đối với quê hương, đất nước Việt Nam của mình. 

Yêu nước chính là yêu tiếng Việt, tiếng cha sanh mẹ đẻ của mình, yêu tiếng ru của mẹ, tiếng hò ngoài đồng, tiếng hát và cả tiếng khóc tiếng cười theo mệnh nước nổi trôi.

Yêu nước chính là yêu giang sơn gấm vóc, yêu  Trường Sơn hùng vĩ, yêu dòng Cửu Long xanh ngắt mơ màng, yêu bãi bồi sông Hồng, yêu lững lờ sông Hương, vốn từ ngàn xưa, nằm trong một dải nối liền nam bắc.

Yêu nước chính là yêu giống nòi dân Việt, yêu những nông phu chân lấm tay bùn, yêu cả các triều đại xa xưa, biết thương dân và vì dân.

Tình Ca không chỉ là một ca khúc về tình yêu, tình yêu non nước mà Tình Ca còn là một bài thơ, bài ca dao, dân ca, mượt mà, ngọt ngào, dịu dàng và vô cùng sâu lắng.

******

TÌNH CA

1/

Tôi yêu tiếng nước tôi 

Từ khi mới ra đời, người ơi 

Mẹ hiền ru những câu xa vời 

À à ơi, tiếng ru muôn đời 

Tiếng nước tôi

Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi

Nước ơi

Tiếng nước tôi

Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi 

Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi

Nước ơi

Tôi yêu tiếng ngang trời 

Những câu hò giận hờn không nguôi 

Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi 

Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Một yêu câu hát Truyện Kiều 

Lẳng lơ như tiếng sáo diều (diều) làng ta 

Và yêu cô gái bên nhà 

Miệng xinh ăn nói mặn mà (mà) có duyên.

**

Chỉ nghe nhạc khởi lên thôi, là tâm can tôi đã bắt đầu rúng động rồi.

Rúng động chớ không phải chỉ là rưng rưng cảm xúc đâu, nghĩa là tôi mọc ốc mọc ác lên hết, nghĩa là tôi rợn hết cả thịt da, bởi vì nó thiêng liêng quá, cao đẹp quá, vời vợi quá, những tình cảm được xem là cao quý nhứt của con người ta trong cõi đời này – tình yêu quê hương, non sông, đất nước.  

Yêu tiếng nước mình từ khi mới ra đời, có đúng thế không?

Đúng, rất đúng, muôn triệu lần đúng. Vừa thoát thai là đã nghe xôn xao mừng rỡ. Vừa thoát khỏi bụng mẹ là đã nghe những xuýt xoa, nựng nịu, thương yêu. 

Mẹ ru câu xa vời không có nghĩa là ru những câu khó hiểu. Xa vời ấy chính là giọng ngân. Xa vời ấy chính là giọng mẹ đưa theo gió, có khi là lời nhắn cha mau về với con, có khi là lời gọi hoa bướm quanh nhà, mau kéo đến mà mừng đón con, vui đùa cùng con, cũng có khi là, lời mẹ ước, xin trời đừng mưa, xin trời thôi rét mướt, cho mẹ ngày mai, chạy chợ, có đồng, mua về cho con lon sữa, tấm áo, món đồ chơi.

Tiếng ru ấy, bốn ngàn năm rồi chớ có ít đâu. Là làn điệu êm êm, ngọt ngào, nặng trĩu lòng thương con, quý hóa con, rằng, không gì trên đời này có thể sánh với con, sánh bằng con cho được. 

Và, tiếng ru ấy, có khi nghe như thiệt vui, lại có những lúc, nghe buồn lắm luôn. Vui buồn ấy, phụ thuộc vào vui buồn của nước non. Lúc mệnh nước nổi trôi, chưa yên, thì câu ru của mẹ cũng nặng sầu khôn xiết. 

Tiếng mẹ, lâu dần, như mưa ngấm đất, thấm hết vào lòng tôi. Tiếng mẹ, trở thành tiếng lòng tôi là vậy đó. 

Và, độc đáo nhứt trong lời một của bản nhạc này chính là câu “tôi yêu tiếng ngang trời”.

Tiếng “ngang trời” và hình ảnh “ngang trời” ấy, nó mang lại cho ta cảm giác phơi phới, lồng lộng. Nó vừa du dương ngây ngất, nó lại vừa hiên ngang và khí phách làm sao. 

Nếu bầu trời ấy, không phải là bầu trời của mình, thì làm sao mà đủ tự tin để mà ngang mà dọc như thế được. Diều ngang trời. Cánh chim ngang trời. Bóng mây ngang trời. Ung dung, tự tại xiết bao. Tung hoành, tự do xiết bao.

Còn gì đẹp bằng hình ảnh và ý nghĩa ngang trời ấy. 

Trong ấm áp, mẹ ru con bằng giọng kể, một là, mẹ yêu lắm những câu hát ở trong Truyện Kiều, rồi hai là, mẹ yêu lắm tiếng sáo diều thả trên cánh đồng còn thơm mùi lúa mới vừa cắt hôm qua, rồi ba là, mẹ yêu lắm cô gái bên nhà, bởi vì cô bé ấy có khuôn miệng thật xinh, lại thêm phần ăn nói, người đâu vừa mặn mòi lại vừa rất có duyên.

2/

Tôi yêu đất nước tôi

Nằm phơi phới bên bờ biển xanh 

Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình 

Nhìn trùng dương hát câu no lành 

Đất nước tôi

Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn 

Đất miền Tây chờ sức người vươn

Đất ơi 

Đất nước tôi.

Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng

Lúa miền Nam chờ gió mùa lên

Lúa ơi 

Tôi yêu những sông trường 

Biết ái tình ở dòng sông Hương 

Sống no đầy là nhờ Cửu Long 

Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong 

Người yêu thế giới mịt mùng 

Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (đồng)Việt Nam

Làm sao chắp cánh chim ngàn 

Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (hàng) mến nhau

**

Đất nước Việt Nam, qua lời nhạc của Phạm Duy, mới đẹp làm sao. Vẻ đẹp ấy, chẳng đâu bằng. Vẻ đẹp ấy, chẳng đâu có được. 

Và tôi cũng phục tài chữ của Phạm Duy lắm luôn, khi ông cho đất nước Việt Nam, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Phơi phới, tự tin. Phơi phới, đầy sức sống. Phơi phới, rộng mở đón chào. Phơi phới, tung bay.  

Lúc Thái Thanh hát đến chỗ ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình, hai chữ Thái Bình không chỉ làm tôi tự hào về một vị trí đẹp mà ông trời ổng dành cho nước Việt Nam, mà chỗ “Thái Bình”, nghe bà Thái Thanh bả xuống giọng, tôi không dưng mủi lòng, vì tên gọi của vùng biển, bỗng trở thành từ ám chỉ lòng mẹ – lòng mẹ bao la như biển thái bình trong bài hát Lòng Mẹ của Y Vân.

Rồi nghe đến, nhìn trùng dương hát câu no lành, thì tôi cảm ra ngay được cái no lành của đứa trẻ trong bào thai mẹ, cái no lành khi có mẹ cạnh bên, được mẹ chăm sóc và yêu thương từng li từng tí. 

Kiểu gì kiểu, có mẹ là no lành. Lại nhớ câu, mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm, với ý là, mất mẹ, thiếu mẹ, khổ lắm lắm luôn, buồn lắm lắm luôn. 

Qua tới, dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn, tôi lại tiếp tục tấm tắc. Tấm tắc rằng, ông Phạm Duy ơi, sao mà ông siêu quá chừng chừng trong cách dùng chữ. Chữ ông làm đất nước trở nên đẹp rạng ngời. Chữ ông thành bức họa, bức họa về phong cảnh tuyệt trần của đất nước Việt Nam. 

Tôi chưa từng một lần được đến dãy Trường Sơn, được ngắm dãy Trường Sơn, nhưng tôi tin là nó đẹp, tôi tin là nó hùng vĩ, nó kiên gan, chắn gió chắn mưa, che chở cho đồng bằng khỏi những bão giông và lốc tố. Ngay lúc này đây, tôi cũng lại nhớ đến bài Biển Mặn của Trần Thiện Thanh: cao ngất Trường Sơn, ôm ấp tình thương, nước ra sông nguồn. 

Trường Sơn, núi dài, một vẻ đẹp chẳng đâu bằng của quê hương, của đất nước ta.

Đất nước Việt Nam rất đẹp, với miền Bắc thiêng liêng của núi đồi lồng lộng, với miền Nam giàu có của được mùa lúa chín, và ba dòng sông dài, đại diện cho ba miền Nam, Trung, Bắc. Sông Cửu Long thì nặng đầy phù sa màu mỡ. Sông Hương thì nặng đầy tình bản quán, quê hương. Còn sông Hồng thì nặng đầy trang lịch sử, thấm đẫm biết bao máu anh hùng, hy sinh khi chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương, lãnh thổ. 

Nam Trung Bắc cứ được lặp đi lặp lại trong lời hai này, lời ngợi ca đất nước này, như nhắc nhở, như dặn rằng, chúng ta là anh em một nhà, là con cùng một mẹ. Và chúng ta, hãy kết nhé, một hàng, trong tình mến thương của anh em cùng cội, cùng nguồn.

3/

Tôi yêu bác nông phu

Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu 

Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo 

Mình đồng da sắt không phai màu 

Tấm áo nâu.

Những mẹ quê chỉ biết cần lao 

Những trẻ quê bạn với đàn trâu

Bé ơi 

Tấm áo nâu

Rướn mình đi từ cõi rừng cao 

Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau

Áo ơi 

Tôi yêu biết bao người 

Lý, Lê, Trần và còn ai nữa 

Những anh hùng của thời xa xưa 

Những anh hùng của một ngày mai 

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi 

Ngày xuân tôi hát nên bài (bài) tình ca 

Ruộng xanh tươi tốt quê nhà 

Lòng tôi đã nở như là (là) đóa hoa.

**

Ngày xưa, còn nhỏ, được ba má dặn rằng, cơm gạo quý lắm. Hỏi vì sao quý. Ba má trả lời, vì vất vả lắm, mới làm ra được những hạt gạo bé xíu xìu xiu này. Con ăn một chén cơm, là bằng cực nhọc của bác nông dân, cả một ngày trên ruộng lúa.

Biết là biết vậy thôi, nhưng đến khi nghe bà Thái Thanh, bả cất lên từ “đội” – đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, tôi mới cảm hết được cái nhọc nhằn của nông dân nước mình, đã vài ngàn năm như thế, chớ ít ỏi gì đâu, vài ngàn năm cày sâu cuốc bẫm trên ruộng đồng thiếu nước, thiếu phân, bởi cái nghèo, bởi cái khắc nghiệt của thời tiết, mưa thì mưa dầm, mưa lũ, nắng thì nắng phang, nắng rang, khổ lắm, nơi miền Trung, miền Bắc. 

Nếu lời một của ca khúc dành để ngợi ca tiếng nước, và lời hai của ca khúc dành để ngợi ca đất nước, thì lời ba của ca khúc, Phạm Duy dành để ngợi ca con người của nước Việt Nam.

Đó là bác nông phu, mình đồng da sắt, một nắng hai sương, cấy cày trên ruộng. Đó là bà mẹ quê, lam lũ, cần cù, không ngơi nghỉ, suốt bốn mùa, chỉ một mảnh áo nâu. Đó là em bé chăn trâu, đầu khét nắng, chân đất, trên lưng trâu, bé chịu thương chịu khó học i tờ. 

Tấm áo nâu được lặp lại hai lần. Lần đầu, là tấm áo của mẹ. Lần sau, là tấm áo của những người đi mở nước, mở mang bờ cõi.

Hình ảnh con người Việt Nam, ngay chính lúc này đây, trở nên đẹp làm sao. Mới thấy tài chữ của Phạm Duy, khi ông đặt động từ “rướn” rồi động từ “dắt dìu” vào trong khổ nhạc này. 

Rướn, vươn cao, vươn thẳng về phía trước, mà cái phía trước ấy, lại hoàn toàn chưa biết gì. Những vùng đất chưa có người ở, chỉ thú rừng và lau lách tối tăm. Nhưng họ vẫn dắt dìu nhau đi, kéo nhau đi, những đoàn người thiếu thốn nhưng đầy quyết tâm, tay trắng nhưng đầy hy vọng, từ miền Bắc, từ miền Trung, từ ải Nam Quan mở xuống mũi Cà Mau, từ núi cao mở xuống sông xuống biển, thành Cửu Long, Tiền Giang, Kiên Giang, Hà Tiên, Phú Quốc, như ngày nay, chúng ta có ở phương Nam. 

Chúng ta đã từng tự hào về lịch sử của dân tộc, lịch sử của những triều đại Lý, Lê, Trần, của những anh hùng có công lớn trong cuộc dựng nước, giữ nước vô cùng khó khăn, gian nan, vất vả; thì chúng ta cũng hoàn toàn có quyền nuôi lòng tự hào về những anh hùng của một ngày mai, không chỉ làm cho dân giàu nước mạnh, mà còn làm cho cái bọn chuyên rắp tâm lăm le cướp đoạt đất đai, đe dọa chủ quyền nước ta phải hồn kinh phách đảm, bỏ mộng bá quyền, cho ông bà, tổ tiên chúng ta được mát mày mát mặt, cho con cháu của chúng ta được hãnh diện với bạn bè năm châu bốn bể. 

Tiếng hát, giờ đây, lại được cất lên một lần nữa, tâm tình rằng, vì yêu nước, thương nòi, mà ngày xuân hôm nay, tôi cất lên bài Tình Ca, kìa nhìn xem, quê tôi, ruộng xanh tươi tốt, kìa nhìn xem, người nước tôi, ai nấy, hoa nở trong lòng.

Đóa hoa hạnh phúc trong lòng.

******

Phạm Duy nói về Tình Ca của mình như sau: Sau bài Tình Hoài Hương, tôi viết bài Tình Ca. Trong ca khúc, tôi xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Tôi còn nhớ, mùa xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ nhỏ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con, Duy Minh lúc ấy mới ra đời, vừa hát – tôi yêu tiếng nước tôi / từ khi mới ra đời, người ơi / mẹ hiền ru những câu xa vời / à à ơi, tiếng ru muôn đời. 

Ông nói tiếp: Bản Tình Ca này, không thẳng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Tình Ca bây giờ, tôi chỉ muốn gắn kết tất cả những người dân trong một nước bằng tình cảm chung, không phân chia – tôi yêu tiếng nước tôi, tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu con người của nước tôi. Cái gọi là identité nationale, bản sắc quốc gia, được thể hiện rất rõ trong Tình Ca.

Ngậm ngùi, ông tâm sự: Đất nước chúng ta từng có một cuộc nội chiến, kéo dài tới hai trăm năm, từ những năm 1600 cho đến 1800, với cuộc phân tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. 

Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không đủ điều kiện, phương tiện, để tìm hiểu bờ cõi giang sơn nước Việt đang ngày càng mở rộng về phía Nam. Ngược lại, Đàng Trong, người yêu nước, yêu dân, họ cũng bận bịu, miệt mài với những lo toan, kiến thiết những vùng đất vừa khai khẩn được. Miền nào cũng có những cấp bách trước mắt phải giải quyết. 

Là một nước nhưng lại tồn tại hai thể chế, hai bộ máy chính trị và văn hóa – Đàng Ngoài, Đàng Trong. Và từ lúc ấy, cho đến tận giữa thế kỷ hai mươi, vẫn chưa có một tác phẩm nào, nói lên được ý thức về một quốc gia toàn vẹn. 

Đến khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà,  trong khoảng năm mươi năm ngắn ngủi ấy, công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam vẫn chính là mục tiêu quan trọng nhứt. Lúc các nhà Nho còn loay hoay, chưa đưa ra được một hình ảnh quốc gia nhất thể, nhất tề, nhất trí, thì, quân Pháp đã kéo vào xâm lược nước ta.

Suốt tám mươi năm trời sống trong cảnh nô lệ, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành, thì đất nước ta, một lần nữa, bị xé nát, bị rơi vào âm mưu chia để trị của thực dân Pháp. 

Chúng cố tình đào sâu vào sự khác biệt giữa ba miền, giữa những người dân trong cùng một nước, khiến những nung nấu, những quan tâm, những ý niệm về một quốc gia đồng nhất, bị phai mờ dần. Các phong trào Cần Vương hay Văn Thân, cũng chỉ cốt bảo hoàng là chính. 

Phạm Duy bày tỏ, tôi chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi và tầm thường, nhưng định mệnh đã cho tôi, bằng bản Tình Ca của mình, tôi đã đưa ra được khái niệm con người Việt Nam, là người có cùng địa dư, lịch sử và tiếng nói chung, và dân tộc ấy đã từng chia sẻ ngọt bùi với nhau trên vài ngàn năm lẻ.

Tôi làm được việc này là bởi do tôi đã được may mắn, dọc ngang bước chân của mình ra Bắc vào Nam, gặp gỡ, tiếp xúc, giao du với tất cả các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là tôi được nổi trôi cùng với các kỷ niệm ấu thơ, với các kỷ niệm lúc mới bước vào đời, và, nhất là, nổi trôi cùng với một thời kỳ nhiều buồn vui nhứt và cũng thú vị nhứt, đó là thời cách mạng kháng chiến. 

Vừa mới ra đời, bài Tình Ca của tôi đã được khán thính giả khắp nơi đón nhận và yêu thích. Tình Ca không chỉ nói tới quê hương, mà nó còn đề cập tới tiếng nói của quê hương và con người của quê hương nữa. 

Sau cùng, Phạm Duy kết luận, Tình Ca, hay nói một cách khác đi, đó là bài ca tự tình của dân tộc.

******

LỤC BÁT TRONG TÌNH CA

Đây là một điểm vô cùng đặc biệt và độc đáo trong Tình Ca. Nếu các bạn để ý, các bạn sẽ thấy, trong ba lời nhạc, đều có ba khổ thơ lục bát, ở phần kết.

Mới thấy Phạm Duy rất thơ, mới thấy Phạm Duy, đầy một hồn thơ, và chắc chắn rằng, đây không phải là vô tình. 

Đây là một sự cố ý, một sắp đặt kỳ công của một người nhạc sĩ nặng lòng với nước Việt, nặng lòng với tiếng Việt, và với con người Việt Nam, có chung màu da và dòng máu quê hương, xứ sở – Phạm Duy.

Nguyễn Du, Phạm Thiên Thư, Phạm Duy (tôi không nhớ hết, các bạn bổ sung giúp tôi nhé), các ông chính là những bậc công thần của vương quốc lục bát.

1/

Một yêu câu hát Truyện Kiều 

Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta 

Và yêu cô gái bên nhà 

Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên

2/

Người yêu thế giới mịt mùng 

Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam

Làm sao chắp cánh chim ngàn 

Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

3/

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi 

Ngày xuân tôi hát nên bài tình ca 

Ruộng xanh tươi tốt quê nhà 

Lòng tôi đã nở như là đóa hoa.

******

Ngôn ngữ thì cụ thể, giản dị, gần gũi, chân thành. Giai điệu thì dạt dào, tựa tiếng ru xưa của bà, của ba, của má, của chị. Nếu Đường Chiều Lá Rụng là một ca khúc, có thể nói không ngoa, không chỉ là hay nhứt nhì trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy và xếp trong bảng top của cả nền tân nhạc Việt Nam ở thế kỷ hai mươi, thì tôi nghĩ, Tình Ca của ông, cũng chẳng lép vế hay kém cạnh với so sánh vừa rồi, chút nào. 

Tất nhiên, tất nhiên, đây chỉ là ý kiến của riêng tôi, chỉ của riêng tôi, xin đừng phiền lòng, nếu nó không như ý của các bạn. 

Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy cũng chính là gia tài chung của nước Việt. Khi tự hào về đất nước Việt Nam, tiếng nói Việt Nam, con người Việt Nam, ta hoàn toàn có quyền tự hào về nhạc sĩ Phạm Duy, người đã để lại cho chúng ta, đồ sộ, khổng lồ, hơn một ngàn ca khúc.

Hơn một ngàn ca khúc ấy, mỗi ca khúc đều mang một nét hay riêng, mỗi ca khúc đều mang một vẻ đặc biệt riêng, không ca khúc nào bị trùng lặp về lời, càng không có ca khúc nào trùng lặp về giai điệu. Và, tất cả các ước vọng cao đẹp nhứt, của chúng ta, của loài người, Phạm Duy đều đã nói hộ, nói giúp, bằng cách hóa chúng thành những bản Tình Ca có một không hai. 

Chúng ta thêm yêu đất nước mình, tiếng nước mình, người nước mình, khi nghe các ca khúc của Phạm Duy. 

Phạm Duy, tài năng. Phạm Duy, tài hoa. Phạm Duy, thiên tài. Phạm Duy, nghệ sĩ yêu nước. Phạm Duy, nghệ sĩ của nước nhà.

Vinh danh nào, ngợi ca nào, từ chúng ta, yêu mến dành cho Phạm Duy, thiết nghĩ, ông cũng đều hoàn toàn xứng đáng!

Sài Gòn 24.02.2024

Phạm Hiền Mây

3 COMMENTS

  1. I thought you did a great job here. The language is excellent and the picture is tasteful, but you come across as nervous about what you might say next. If you preserve this walk, I have no doubt that I will return more often.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here