NÓI MỘT CHÚT VỀ NHẠC BOLERO

    0
    41
       

    Tình cờ đọc được một số tranh cãi liên quan đến nhạc Bolero và bài viết của chú Huynh Ngoc Chenh miêu tả nhạc Bolero “sến sựa”, và cho rằng xã hội sẽ xuống cấp với trình độ cảm thụ âm nhạc khi suốt ngày “lên đồng” với “đời tôi cô đơn yêu ai cũng cô đơn.” Tôi thấy nếu dùng một bài hát mà trước 1975 ít ai biết đến để nói về một dòng nhạc đã đi vào lòng người, đặc biệt là những người dân miền Nam, nơi dòng nhạc này được sản sinh, thì có một cái gì đó không đúng lắm. (Bài Đời Tôi Cô Đơn chỉ được biết đến rộng rãi sau năm 1975 khi Tuấn Vũ hát ở hải ngoại).

    Tôi không bao giờ gọi nhạc Bolero là nhạc sến, vì theo tôi, âm nhạc không phân biệt “sang” hay “sến”, mà chỉ có những bài nhạc hay hay dở, những dòng nhạc đi vào lòng người và được công chúng đón nhận rộng rãi hay không. Nếu có sến thì chỉ là do cách hát hay cách trình bày của ca sĩ mà thôi.

    Ai nói nhạc Bolero sến, xin mời nghe bài Mùa Đông Của Anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, hay bài Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ có lẽ sẽ phải thay đổi suy nghĩ!

    https://www.youtube.com/watch?v=S22Z_uFx7PM

    Nhạc Bolero với lời ca trữ tình, nhưng mộc mạc, bình dân, chất chứa nỗi niềm của những cá nhân rất bình thường nên đã dễ dàng được yêu thích. Những bài nhạc Bolero vì vậy đã trở thành những giai điệu phổ biến của dòng nhạc mà nhiều người trong chúng ta yêu quý và gọi là “nhạc Vàng”.

    Điển hình của những bản nhạc Bolero là những bài hát về Tình và Lính. Thật ra, từ thập niên 1950 các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Lam Phương… đã soạn những bài hát về Lính. Nhưng phải tới khi nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam bắt đầu, thì các bài hát về Lính mới trở nên thực sự phổ biến.

    Sau 1975, nhạc Vàng bị cấm trên các phương tiện truyền thông. Cũng như những đề mục văn hóa khác ở miền Nam, âm nhạc Miền Nam bị gán thêm cái nhãn hiệu chính trị là “nhạc phản động” hoặc “đồi trụy” vì “ru ngủ”, không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng. Kết quả là nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc bị đốt.

    Thanh niên Sài Gòn sau năm 1975.

    Mặc dù bị cấm đoán, nhưng dòng nhạc Vàng với những bản nhạc tình êm dịu, trong đó có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của lính chiến mặc dù đang gánh trách nhiệm với đại cuộc của vẫn tiếp tục được nhiều người yêu mến cả trong Nam lẫn Bắc.

    Nghe người lớn kể rằng, sau 75, dù chỉ được nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA hoặc BBC từ hải ngoại, người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp. “Nhạc Vàng”, theo một số người, có nghĩa là vàng của quý kim, khi mà người nghe phải lén lút để nghe vì nó cho người nghe cái tâm trạng “riêng” của con người trong khi xã hội chỉ cho phép cái ý thức hệ chung của tập thể.

    Thanh niên Hải Phòng cũng thích ăn mặc giống thanh niên Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1978 tại Nhà Kèn HP.

    Trong khi đó dòng nhạc Đỏ từ miền Bắc, với những bản nhạc làm theo đơn đặt hàng, không có con tim, không có những rung cảm thật sự của người sáng tác bị nhạc Vàng loại ra khỏi đời sống tinh thần của người dân Việt Nam trong nước.

    Nếu ai đó đã từng đi qua những nước như Thái Lan, Hàn Quốc, hay một số nước Châu Mỹ La Tin như Mexico, sẽ được nghe những dòng nhạc rất đặc trưng của mỗi quốc gia này. Tại Mỹ cũng có dòng nhạc Country chẳng hạn. Đối với tôi, nhạc bolero Việt Nam chính là dòng nhạc đặc trưng của miền Nam Việt Nam.

    Nhạc Bolero có thể có người thích thường thức người không, nhưng nhạc Bolero Việt Nam quả thật là đỉnh cao của một thời kỳ sáng tác tự do thật phong phú, thật nhiều màu sắc, đầy tính nhân bản và nghệ thuật của các nhạc sĩ của Miền Nam.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here