Mỹ: Các bang có cưỡng lại được chính quyền trung ương ?

0
81
Pin mặt trời trên nóc trụ sở Google tại Mountain View, California, Hoa Kỳ. Ảnh 18/06/2007. REUTERS/Kimberly White/File Photo
RFI
media

Bài viết của tác giả Barry Eichengreen, giáo sư Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Berkeley tại California. Nhắc lại một loạt các quyết định của tổng thống Donald Trump từ khi bước vào Nhà Trắng, tác giả viết : « Với sự hậu thuẫn của Quốc Hội do phe Cộng Hòa nắm, Donald Trump đang rắp tâm phá hoại khá nhiều giá trị căn bản gần gũi với người Mỹ. Ông hứa hẹn cho dân Mỹ được hưởng chăm sóc y tế bằng cách hủy luật Obamacare. Ngân sách quốc gia của Trump dự kiến các khoản cắt xén lớn trong nhiều lĩnh vực, từ trường mẫu giáo đến trợ cấp thực phẩm cho người bần cùng rồi qua đến ngân sách dành cho nghiên cứu y học. Kế hoạch cải cách thuế khóa của ông chỉ nhằm phân chia thu nhập mang lợi cho người giàu có. Gần đây hơn là quyết định không suy tính của ông bác bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, khiến vị thế của nước Mỹ trên thế giới bị suy yếu. Nghiêm trọng hơn là quyết định đó còn mang hiểm họa cho sức khỏe và lợi ích của toàn cầu. »

Từ cách đặt vấn đề như vậy, tác giả nhắc lại hệ thống chính trị của Hoa Kỳ theo thể chế liên bang chứ không như nước Pháp, một thể chế cộng hòa thống nhất, Nhà nước trung ương có quyền lực tối cao. Hiến Pháp Mỹ quy định các tiểu bang của Mỹ có quyền tương đối độc lập không chỉ được phân chia bởi chính phủ liên bang. Tuy nhiên, vai trò quyền lực của các tiểu bang Mỹ giờ đang bị đảo lộn và tác giả đặt vấn đề : « Liệu người Mỹ có thể dựa trên cơ sở các quyền của tiểu bang để đấu tranh chống lại việc cắt giảm chương trình xã hội và hủy bỏ các quy định pháp chế liên bang ? »

Tác giả bài viết lấy ví dụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiểu bang California ấn định cho mình những chuẩn mực riêng, khá khắt khe, về khí phát thải của xe hơi. Có 14 tiểu bang khác ở Mỹ đã thông qua các chuẩn mực đó và nó được áp dụng cho 40% dân số Mỹ. Các nhà chế tạo xe hơi không thể tự ý sản xuất các mẫu xe khác nhau ở mỗi bang. Như vậy California có thể áp đặt cho cả nước những chuẩn mực của họ về khí phát thải của xe hơi.

Đi xa hơn, tác giả còn cho rằng California có quyền tự do ký các thỏa thuận về khí hậu với Trung Quốc hay với các nước khác. California là một tiểu bang có tiềm lực kinh tế đứng hàng thứ 6 thế giới, nên có thể là một đối tác đáng tin cậy đối với những nước quan tâm lo lắng đến môi trường.

Bài viết cũng cho biết, ngoài lĩnh vực môi trường, California còn có những quyết sách về thuế khóa, chi tiêu cưỡng lại chính sách của chính quyền liên bang.

Tuy nhiên theo tác giả, Donald Trump và Quốc Hội có thể tìm cách hạn chế các quyền của các tiểu bang tiến bộ bằng cách vận dụng các điều khoản Hiến Pháp về tài chính để ngăn cản các tiểu bang hành động một cách tự do .

Tác giả bài viết kết luận, « Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ biết chúng ta đang sống trong một nước Mỹ thế nào, một nước Mỹ nhân từ hay thù hằn ».

Ford thách thức khẩu hiệu « mua hàng Mỹ tuyển người Mỹ » của D.Trump

Le Monde cho biết, « bất chấp Trump, hãng xe Ford vẫn di dời sản xuất sang Trung Quốc ». Tờ báo viết : Thái độ huênh hoang của Donald Trump về việc chống di dời sản xuất ở các công ty Mỹ đã không kéo dài lâu. Hôm mùng 3 tháng Giêng, tổng thống Mỹ la toáng lên là đã thắng lợi khi hãng xe Ford thông báo từ bỏ đầu tư một nhà máy lắp ráp xe hơi mới tại Mêhicô. Thế nhưng, ông chủ Nhà Trắng không nghĩ được chỉ 6 tháng sau đó, hãng xe hơi Mỹ đã quyết định làm mẫu xe mới Focus ở Trung Quốc thay vì ở Mêhicô. Hôm 20/06, hãng này thông báo, bắt đầu từ năm 2019, các xe Ford bán tại thị trường Mỹ sẽ được nhập từ xưởng sản xuất của hãng đặt tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Hãng xe Ford không phải là nhà chế tạo duy nhất lắp ráp tại Trung Quốc rồi cho nhập về Mỹ. Hãng General Motors nổi tiếng cũng đã nhập về thị trường trong nước hàng chục nghìn xe Made in China trong năm nay.

Người ta đang chờ xem tổng thống Trump sẽ tung ra đòn phép gì đối với những nhà khổng lồ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ dám thách thức khẩu hiệu « mua hàng Mỹ tuyển nhân công Mỹ » của ông.

Pháp : Cuộc điều chỉnh chính phủ ồn ào

Trở lại với thời sự nóng đang làm náo động chính trường cũng như báo chí Pháp từ hôm qua đến nay là cuộc cải tổ chính phủ hậu bầu cử Quốc Hội. Cuộc điều chỉnh thành phần nội các ban đầu tưởng chừng đơn giản và mang tính thủ tục nhưng đã trở nên phức tạp sau khi 3 bộ trưởng chủ chốt thuộc Phong Trào Dân Chủ-Modem, một đồng minh quan trọng của đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), lần lượt thông báo không tham gia thành phần chính phủ mới.

Cuộc cải tổ nội các đã được các báo chính của Pháp đưa lên trang đầu và giành khá nhiều thời lượng để phân tích bình luận.

Ngoài ông Richard Ferrand, một trong những nhân vật tin cẩn nhất của tổng thống Macron, đã thông báo rời chính phủ trước đó một hôm, các báo Pháp ra hôm nay đều tập trung nhiều vào trường hợp của ba bộ trưởng thuộc Modem, đảng liên minh của LREM và góp phần quan trọng trong chiến thắng của ông Macron trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua. Đó là ông François Bayrou, bộ trưởng Tư Pháp đang chủ trì dự luật lành mạnh hóa đời sống chính trị của Pháp, bà Marielle de Sarnez, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và bộ trưởng Quốc Phòng Sylvie Goulard.

Điều khiến các báo dồn sự chú ý đó là nguyên nhân rời khỏi chính phủ của các nhân vật trên đó là vì tất cả họ đều rơi vào vòng điều tra của tư pháp liên quan đến những nghi vấn xung đột lợi ích, lạm dụng công quỹ, tạo công ăn việc làm khống … từ cách đây nhiều năm. Cuộc cải tổ chính phủ ban đầu được giới quan sát đánh giá chỉ mang tính kỹ thuật, thủ tục, giờ trở nên phức tạp hơn dự kiến nhiều.

Nhật báo Le Monde nhận định qua hàng tựa : « Bayrou gây ra khủng hoảng đầu tiên trong kỷ nguyên Macron». Theo tờ báo việc cả « chủ tịch đảng Modem và bà Marielle de Sarnez (nguyên phó chủ tịch Modem) phải rời khỏi chính phủ trong bối cảnh bị nghi ngờ tạo việc làm khống cho các trợ lý nghị viện Châu Âu là một cú sốc đối với hành pháp »

Nhật báo Libération nhận xét : « Macron sao chép lại chính phủ cho sạch » nhưng cũng đầy hoài nghi với cuộc điều chỉnh cơ quan hành pháp của ông Macron. Nhật báo Công giáo La Croix cũng dành nhiều trang bài cho sự kiện này với ghi nhận « làm lành mạnh hóa đời sống chính trị thật khó khăn ».

Vẫn là chính trường sôi động của nước Pháp. Le Figaro nhìn sang đảng cánh hữu với bài « Ngày mà Những Người Cộng Hòa bị nổ tung », đề cập đến sự kiện liên minh đối lập cánh hữu và trung (LR và UDI) đông dân biểu nhất (135 ghế) đang bắt đầu rạn nứt trong nội bộ. Hôm qua, một nhóm dân biểu của LR cùng với một nhóm của UDI đã chính thức thành lập nhóm dân biểu độc lập tại Quốc Hội. Đây là một dấu hiệu cho thấy, phe đối lập hiện được cho là lớn nhất ở Quốc Hội cũng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Lãnh đạo Uber bị cổ đông đẩy ra khỏi cửa

Một tin tức thời sự quốc tế khác cũng được các báo Pháp chú ý nhiều đó là việc « chủ tịch tổng giám đốc của Uber từ chức vì sức ép của các cổ đông ».

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, « Uber đang lật sang trang mới » . Travis Kalanick, chủ tịch tổng giám đốc của tập đoàn khổng lồ về dịch vụ thuê xe du lịch , hôm qua đã thông báo từ chức. Người đồng sáng lập ra công ty này đã bị đẩy ra khỏi cửa bởi 5 nhà đầu tư góp vốn quan trọng nhất của tập đoàn.

Uber là công ty khởi nghiệp ban đầu thành lập 2009 mới chỉ có vốn 11 tỷ đô la. Uber nhanh chóng làm ăn thành công với việc mở rộng mạng lưới trên khắp thế giới với loại hình dịch vụ đa dạng phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng. Giờ đây giá trị của tập đoàn này ước tính khoảng 70 tỷ đô la, một con số mà không có công khởi nghiệp nào trên thế giới có thể sánh kịp. Mặc dù vẫn đang ăn nên làm ra, nhưng thời gian gần đây hãng bắt đầu lâm vào khủng hoảng bởi lãnh đạo công ty Travis Kalannick liên tục bị rơi vào những bê bối trong công việc cũng như đời tư.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng, vượt qua được khủng hoảng lần này có thể Uber sẽ « bước vào tuổi trưởng thành ».

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here