Một thiếu niên Trung Quốc đã tìm thấy cha mẹ đẻ của mình sau khi tìm kiếm trên mạng xã hội. Cậu đã tự sát sau khi cuộc đoàn tụ đã trở thành bi kịch.

0
10
Chỉ vài ngày trước khi tự kết liễu đời mình, Liu Xuezhou đã đăng những bức ảnh của mình trên bãi biển ở thị trấn ven biển gần Cảng Tam Á này, được chụp vào năm 2007. (Hình ảnh của Feng Li/Getty)

Cù Tuấn

· 30 tháng 1, 2022

– Cù Tuấn dịch từ The Washington Post.

Câu chuyện cổ tích thời hiện đại bắt đầu thật thú vị trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại, được diễn ra với sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông xã hội. Liu Xuezhou, một giáo viên tuổi teen từng được nhận làm con nuôi khi còn nhỏ, đã tìm thấy cha mẹ ruột của mình sau khi đăng một đoạn video kể về cuộc tìm kiếm. Trong một thời gian ngắn đáng kể, cảnh sát đã tìm thấy cha mẹ của Liu và tổ chức một cuộc gặp mặt.

Trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, Liu đã chia sẻ những bức ảnh về bữa tối đoàn tụ, hình ảnh bố đẻ của anh rạng rỡ bên cạnh một sĩ quan cảnh sát, cũng như ảnh chụp màn hình mẹ ruột của anh hỏi địa chỉ để gửi quần áo mùa đông cho anh.

Nhưng trong vòng vài tuần, câu chuyện về một cuộc đoàn tụ hạnh phúc đã trở thành bi kịch. Cha mẹ của Liu, cả hai hiện tại đều đã tái hôn với người khác, đã không còn quan hệ với Liu sau khi anh công khai tuyên bố mình đã bị bán lấy tiền, chứ không phải là được cho tặng. Liu đã yêu cầu xin cha mẹ ruột hỗ trợ tài chính. Mẹ ruột của anh sau đó đã chặn anh trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Khi cuộc chiến gia đình này bùng nổ trên mạng xã hội, các nhà bình luận bắt đầu chọn phe và tụ tập chửi lẫn nhau, nhiều người cáo buộc Liu là ích kỷ.

Trước thời điểm bình minh ngày 24.1.2022, Liu đã chết vì dùng quá liều thuốc chống trầm cảm sau khi được đưa đến bệnh viện ở thị trấn ven biển Tam Á, theo các phỏng vấn của phương tiện truyền thông Trung Quốc với các nhân viên phòng cấp cứu.

Ảnh: Một bảng quảng cáo vào năm 1985 đề cao những ưu điểm của chính sách “Gia đình một con” của Trung Quốc.

Giống như cuộc tìm kiếm cha mẹ của mình, vụ tự sát của Liu phổ biến trên mạng xã hội trước tiên. Trong một bức thư dài hơn 7.000 từ, được đăng lúc 1:02 sáng ngày 24.1, anh đã đáp lại những kẻ tấn công trực tuyến và kể lại những trải nghiệm của mình về một thời thơ ấu mất mát, bị bắt nạt, bị lạm dụng tình dục và trở nên trầm cảm.

“Cảm ơn tất cả những người đã quan tâm đến tôi và xin lỗi vì tôi đã làm các bạn thất vọng,” anh viết. “Giá mà trên đời này có ít người tâm địa đen tối và độc địa hơn một chút.”

Khi cái chết của Liu được cảnh sát Trung Quốc xác nhận, nó đã gây ra một làn sóng thương cảm và tự vấn lương tâm trên toàn quốc về tệ nạn bắt nạt trên mạng, sức khỏe tâm thần và trẻ em bị bỏ rơi. Vào tối 25.1, một thẻ hashtag bắt đầu bằng tên của Liu đã được xem 2,4 tỷ lần trên microblog Weibo, khi nhiều người hỏi làm sao mà Liu có thể bị xã hội hắt hủi đến vậy.

Slave Society, một blog bình luận xã hội trên WeChat, viết rằng trường hợp này “phản ánh thực tế đối với những công dân lớp dưới”. “Bi kịch bắt đầu từ việc buôn bán trẻ em, bị mất người giám hộ, bị bắt nạt tại học đường, bị quấy rối tình dục, bị bắt nạt trên mạng và cuối cùng là tự tử. Sự việc phản ánh cách xã hội đối xử với cậu bé này trong hơn 15 năm [và có] lỗ hổng trong cấu trúc hỗ trợ trẻ em trên bình diện xã hội và pháp lý. ”

Cư dân toàn Trung Quốc đã tập trung theo dõi chặt chẽ cách chính quyền và những công ty lớn mạng xã hội xử lý vụ việc của Liu, vốn diễn ra vào đúng lúc thời điểm có đại dịch, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và chiến dịch của chính phủ nhằm thúc đẩy “thịnh vượng chung”. Vụ việc đã làm nổi bật hoàn cảnh của người nghèo vùng nông thôn Trung Quốc. Ngay cả sau khi các quan chức tuyên bố rằng tình trạng nghèo đói cùng cực đã được xóa bỏ, hàng triệu người vẫn sống chỉ với 1.000 nhân dân tệ (155 USD) mỗi tháng.

Một số chi tiết về ngày sinh và việc nhận con nuôi của Liu, bao gồm cả tuổi chính xác, vẫn còn bị tranh cãi. (Cha ruột của Liu nói rằng cậu 15 tuổi, nhưng chứng minh thư chính thức của Liu ghi anh đã 17 tuổi). Và những câu chuyện mà Liu đã kể trong các bài đăng trên mạng xã hội, cũng như các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông Trung Quốc với cha mẹ ruột và người giám hộ của Liu, cho thấy cậu có một cuộc đời bất hạnh.

Theo lời kể của Liu, được gia đình nuôi anh kể lại, bố mẹ anh đã sinh ra anh vào khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2006 ở một vùng nông thôn phía bắc tỉnh Hà Bắc. Họ khi đó chưa kết hôn và quyết định bán đứa bé.

Vào thời điểm đó, việc thực thi nghiêm ngặt chính sách một con của Trung Quốc kết hợp với việc nhiều gia đình ưa thích con trai đã làm trầm trọng thêm tình trạng buôn bán trái phép bé trai sơ sinh. Gia đình nhận nuôi Liu nói với Nhật báo, một tờ báo có trụ sở tại Thượng Hải, rằng họ đã trả khoảng 4.200 đô la Mỹ để mua bé trai, phần lớn số tiền này rơi vào túi một người trung gian.

Năm 2009, Liu thành mồ côi sau khi cha mẹ nuôi chết trong một vụ nổ pháo hoa. Đại gia đình của cha mẹ nuôi đã tiếp nhận quyền giám hộ cậu bé Liu. Trong bức thư tuyệt mệnh của mình, Liu cho biết anh đã bị bắt nạt và lạm dụng tình dục ở trường.

Khi Liu theo học để trở thành một giáo viên ở thành phố phía bắc Thạch Gia Trang, anh bắt đầu tìm kiếm cha mẹ của mình. Sau video đầu tiên trên mạng xã hội của cậu, cảnh sát khuyến khích Liu sử dụng cơ sở dữ liệu DNA do chính quyền thiết lập như một phần của chiến dịch hạn chế buôn bán trẻ em và đoàn tụ gia đình có trẻ em bị bắt cóc, nhận nuôi hoặc mất liên lạc với cha mẹ đẻ của chúng.

Nhưng không giống như những cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt của những trường hợp tái hợp nổi tiếng khác, cha mẹ đẻ của Liu dường như coi cuộc đoàn tụ là một nghĩa vụ xã hội bắt buộc hơn là một lý do để ăn mừng. Ngay sau cuộc gặp tái ngộ, Liu buộc tội cha mẹ mình đã bán anh để trả tiền cho khoản phí để cưới cô dâu mà cha Liu đã nợ gia đình mẹ Liu – một đòi hỏi phổ biến trong đám cưới ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc. Liu cũng yêu cầu cha mẹ hỗ trợ tài chính để giúp anh có thể tìm một chỗ ở.

Cha mẹ của Liu, mà không đưa ra bình luận, đã không công khai giải quyết các đòi hỏi của con ruột mình. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tin tức Bắc Kinh, mẹ ruột của anh, bà Zhang, cho biết bà đã cắt đứt liên lạc với Liu vì muốn quay trở lại với “cuộc sống yên tĩnh”.

Trong bài báo trên, Zhang cho biết bà đã bị quấy rối và đe dọa sau khi Liu công bố đoạn băng ghi âm một cuộc gọi điện thoại giữa hai mẹ con, và bà tuyên bố rằng Liu đã yêu cầu bà phải ly hôn và nói rằng cậu muốn có một căn nhà. “Cha mẹ thì cũng là con người thôi, và tôi cảm thấy sợ hãi,” bà nói.

Chuyện lùm xùm giữa Liu và cha mẹ ruột được tìm thấy đã chia rẽ dư luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi một số người cho rằng Liu xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ mình, những người khác lại cáo buộc Liu đã lợi dụng tình huống để hưởng lợi cho bản thân.

Liu Haiming, một học giả nghiên cứu về truyền thông tại Đại học Trùng Khánh, cho biết: “Những kẻ hay mỉa mai và bắt nạt trên mạng là giọt nước tràn ly – đóng một vai trò quan trọng trong việc Liu tự sát.”

Khi yêu cầu bồi thường tài chính của Liu được tiết lộ lên mạng, nó khiến anh trở thành mục tiêu của những kẻ thích mỉa mai (troll). “Một nạn nhân hoàn hảo đã trở nên không hoàn hảo và thậm chí trở nên quá đáng trong mắt nhiều người,” giáo sư nói. “Liu tỏ ra khá cứng cỏi, nhưng sau tất cả, cậu ấy vẫn chỉ là một thiếu niên.”

Như để khẳng định sự thật đó, một trong những điều cuối cùng mà Liu Xuezhou chia sẻ trên mạng xã hội những ngày trước khi tự tử là hình ảnh cậu trên bãi biển Tam Á với đôi dép tông, nhìn ra biển hoặc chơi cưỡi ngựa với bạn bè ở trường. Trong nhiều bài viết, Liu đã lặp đi lặp lại từ “tái sinh” bằng tiếng Anh (rebirth).

Ảnh: Một bảng quảng cáo vào năm 1985 đề cao những ưu điểm của chính sách “Gia đình một con” của Trung Quốc.

https://www.washingtonpost.com/world/2022/01/26/chinese-teen-suicide-liu-xuezhou/

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0Z9T2izBAChEZTktdshs2hqvwjWYYTsk1J91HwXkLwBYatPnzTpsdg9VBhCWN47cPl