‘Lời nguyền’ của nhiệt điện

0
57
Một khu vực thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Một khu vực thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Nhiệt điện dĩ nhiên là cung cấp điện. Nhưng nhiệt điện còn “cung cấp” cả những thứ mà hậu quả của thứ công nghệ lạc hậu này “mang lại” là vô cùng kinh khủng. Người viết gọi đó là “lời nguyền” của nhiệt điện.

Nhiệt điện than là nguồn phát ra các chất nguy hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi, kim loại nặng, tro bụi… gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư… Đặc biệt, khói thải nhiệt “dính” vào không khí sẽ gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu…

Tại Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm. Nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ. Nhìn rộng ra, bất cứ nhiệt điện ven biển nào cũng không có ngoại lệ trong việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá.

Một kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ là số liệu đã được nghiên cứu và chứng minh.

Tại Việt Nam, số liệu của tổ chức CHANGE thu thập cho thấy trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước khoảng 2.500m3 để làm mát hệ thống. Nước “làm mát” được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C. Nước này trực tiếp làm đảo lộn môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô…

Nhiệt điện Vĩnh Tân vào ban đêm.

Nhiệt điện tồn tại bao nhiêu năm thì những hậu quả nói trên sẽ kéo dài bấy nhiêu năm. Nhưng đó chưa phải là đã kể hết những bi kịch cho môi trường mà nhiệt điện mang lại.

Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có mặt tại chương trình đã đặt ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn việc đổ bùn xuống biển: “Tôi không hiểu quy hoạch điện kiểu gì mà các anh lại xây các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng chỉ trên một địa bàn xã Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Ai cũng biết đốt than đá cần một lượng oxy lớn, dân ở đó sẽ thở bằng cách nào với mật độ nhiệt điện như vậy?”

Số liệu tính toán vòng đời một nhà máy chừng 550MW có kiểm soát ô nhiễm tốt cho thấy nó “chỉ” xả 150 triệu tấn CO2, 470.000 tấn metan, 12.000 tấn bụi… Những con số này chứng tỏ một điều: Nơi nào làm nhiệt điện coi như gánh đại họa nhiều năm.

Ông Phạm Văn Chi lại dẫn ra một ví dụ kinh hoàng khác: Một nhà nhiệt điện công suất 1.200MW mỗi năm xả lượng xỉ thải cao 1,57m, dài 1.000m, rộng 500m. Chỉ cần tính toán sơ số liệu các nhà máy nhiệt điện rải đều từ Bắc vào Nam trước nay thì đã có rất nhiều “ngọn núi” xỉ than. “Nguy cơ lớn là vậy nhưng tôi chưa thấy những hướng xử lý nào cho việc này một cách đảm bảo lâu dài”, ông Chi nhận định.

Nỗi lo này không thừa. Vì xỉ than nếu đem chôn sẽ gây ô nhiễm nước ngầm. Để lộ thiên thì gây bụi. Xử lý thành gạch nung thì lại cần xây thêm nhà máy gạch cạnh nhiệt điện nhưng trước nay… chưa có.

Vẫn còn chưa hết kinh hoàng, hoạt động nạo vét các cảng biển phục vụ cho nhiệt điện lại tạo ra hàng triệu mét khối bùn. Hướng xử lý gần nhất mà Bộ TNMT đưa ra là đổ bùn xuống biển. Để tiết kiệm chi phí, bùn nạo vét được đổ xuống vùng biển gần với khu vực nạo vét thay vì đổ xa ngoài khơi hoặc vận chuyển đến các vùng sạt lở. Mà bùn phủ lên san hô nghĩa là tiêu diệt cả một hệ sinh thái biển.

Và cuối cùng, dù hết vòng đời sử dụng hay đang được triển khai thì nhiệt điện cũng sẽ không thay đổi bản chất: một loại rác công nghệ lạc hậu. Bất cứ quốc gia nào nhập công nghệ lạc hậu thì không khác gì “rước bệnh vào người”.

“Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình!”- quan điểm được Thủ tướng Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường diễn ra sáng 24/8/2016. Sau gần một năm, có lẽ việc Chính phủ cần nhìn nhận lại về vấn đề môi trường nói chung và “lời nguyền” nhiệt điện nói riêng để hạn chế loại hình năng lượng này.

Bởi gánh chịu “lời nguyền” nhiệt điện đầu tiên chính là nhân dân! Chứ không phải những quan chức ký cấp phép cho chúng…

Mai Quốc Ấn