Hành trình về phương Đông.

0
69

Thanh Hieu Bui

19 tháng 6 lúc 18:42

 Tôi chơi với vợ chồng nhà T.H nhiều năm, một dạo bỗng nhiên chị H cứ thấy tôi đến quán nhà chị, là bê đồ ăn chay ra ăn cùng bàn với tôi và say sưa nói chuyện về ngôi chùa bên Nepal nào đó với một thầy hiệu là Huyền Diệu.

Như nhiều người, lúc đầu tôi nghĩ bà này làm trò, ra vẻ sùng Phật. Một thời gian sau nữa rất dài, tôi không nghĩ chị giả vờ, vì chẳng ai giả vờ lâu đến vậy. Tôi cũng nghĩ như bao người, bà này bị ngộ ( ngộ đây là ngộ độc chứ không phải giác ngộ ).

Chị H nói chuyện nhiều quá về ngôi chùa ở một cái xứ sở xa lắc mà tôi nghĩ cả đời mình, làm tôi đôi lúc cao hứng cũng ừ à tỏ vẻ muốn đến. Nhưng cứ hứa vậy thôi, cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi.

Rồi đến một ngày tôi mua được một cái nhà như cái nhà kho, văn phòng, tiệm bán hàng. Cái này rất hợp với nhu cầu của tôi. Hôm mua thiếu mất 3 nghìn, tôi trình cho nhân viên ngân hàng hai lệnh gửi của hai người anh em, mỗi người 3 nghìn. Nhưng nhân viên ngân hàng từ chôi, bảo tiền chưa đến, họ chưa chuyển theo hợp đồng mua bán. Tôi hỏi giờ tôi có tiền mặt 3 nghìn thì có được không, nhân viên ngân hàng gật đầu.

Tôi và người bán đi ra đường, tôi đứng vài phút tính xem đi hướng nào. Có 3 hướng đi, hướng nào cũng có người có thể cho tôi vay tiền. Tôi chọn hướng ngắn nhất có cửa hàng người Việt, cách ngân hàng chừng 150 mét, đó là quán của con chị H. Vào quán tôi nói với con gái chị- cháu gọi cho mẹ cháu, chú nói chuyện chút.

Nghe tiếng chị, tôi nói vắn tắt em thiếu 3 nghìn, chị bảo cháu cho em mượn.

Khi quay lại ngân hàng, thì một trong những lệnh chuyển 3 nghìn đã đến. Thủ tục chuyển tiền mua xong, tôi mang 3 nghìn trả lại con chị H.

Nguyên nhân thiếu là số tiền tôi để trong ngân hàng đã hơn, nhưng tôi đóng thuế mua đất trước khi mua. Thường thì người ta bảo mua xong mới phải đóng thuế . Ở đây mua nhà phải trình cơ quan này nọ có đồng ý cho mua không, có giấy đồng ý thì hai bên mới giao dịch được. Nhưng cái giấy đồng ý đến nhanh quá, giấy đòi tiền thuế cũng đến nhanh quá, cách nhau có  2 ngày, cho nên trong tài khoản tôi chưa kịp nạp thêm tiền.

Xong việc mua, hôm sau tôi ghé quán vợ chồng anh chị cảm ơn vì đã có lòng cho vay, như thường lệ chị H lại kể chuyện đi chùa bên Nepal. Tôi sực nhớ lời hứa với chị, sẽ đi cùng chị thăm chùa. Mỗi lần chị kể, tôi nói sẽ đi, mắt chị rực sáng. Lần này nghe chị kể, tôi bốc máy đặt vé đi Nepal luôn.

Chị sốt sắng mang giấy bút ra vẽ lịch trình, và nói sẽ có người đón tôi ở Lumbini, tiếng Việt gọi là Lâm Tỳ Ni.

Tôi chỉ khoác một ba lô nhỏ với hai bộ quần áo bên trong cùng một áo khoác, thứ không thể thiếu là gói trà Thái Nguyên và mấy bao Camel. Từ Berlin phải bay 6 tiếng đến Doha, chờ ở đó hơn 3 tiếng mới có chuyến bay đến Kathmandu ( thủ đô Nepal ).

Sân bay Kathmandu của Nepal như sân bay Buôn Mê Thuột cách đây 20 năm, chiếc xe chở khách từ máy bay đến nhà ga chả khác gì những cái xe khách ở Việt Nam vào những năm đầu thập kỷ 90. Thủ tục xin visa tại chỗ nhanh đến mức không ngờ, đưa hộ chiếu và 30 usd cho nhân viên cấp visa, trong vòng  2 phút là xong, qua cửa nhập cảnh cũng nhanh vì đâu có khách quốc tế nhiều, lèo tèo có vài chục khách mà có đến chục cửa nhập cảnh. Oái ăm là khi ra lại qua một cửa khám xét an ninh thêm một lần nữa.

Ra khỏi nhà ga sân bay, một bãi xe taxi với chục người vây quanh chào đón. Tôi không có gì vội, nên ghé vào một quán cà phê gọi một cốc nước cam, mục đích chính là để châm thuốc hút cho hả cơn thèm. Đường phố Kathmandu nắng chang chang và đầy bụi, ồn ào , chật chội và đông người. Xe ôm và taxi bắt khách nhốn nháo như bến xe Mỹ Đình 15 năm trước ( xin lỗi vì tôi chỉ so sánh được với Việt Nam 15-20 năm trước, vì trong đầu tôi chỉ nhớ mức thời gian đó). Tôi gọi người xe ôm và hỏi giá về khách sạn đã được người bạn tôi đặt trước. Hết 6 euro cho quãng đường 6 km, bằng giá taxi, nhưng tôi thích đi xe ôm vì lâu rồi không có cảm giác ấy. Tắc đường, lúc này tôi thấy đi xe ôm là sáng suốt, người lái xe ôm luồn lách làm tôi đôi lúc phát hoảng. Sau nghĩ đến đoạn trước kia ở Việt Nam mình còn luồn lách kinh hơn thế, mới thấy hết sợ.

Đường phố Kathmandu hầu như không có vỉa hè, hoặc vỉa hè rất hẹp. Nhà cửa cũng nhỏ hẹp như Hà Nộị, lại ở trên núi đèo dốc quanh co. Những con đường cũng nhỏ, tiếng còi huyên náo khiến tôi choáng ngợp. Khách sạn tôi ở tại khu Thamel, một quận như dạng Hoàn Kiếm của Hà Nội. Thế nhưng nhìn chả khác gì Hà Đông năm 2000.

Khách sạn nhỏ, có khoảng 30 phòng, tôi ở căn phòng sang nhất của khách sạn, ở trên cùng có sân thượng trồng đầy hoa. Căn phòng có đến 2 gian, một gian ngủ và nhà vệ sinh, một gian như phòng khách, có cả bếp từ và chảo, xoong, lò vi sóng, tủ lạnh, ấm siêu tốc. Giá chỉ 40 usd một ngày. Lý do khi đặt khách sạn giúp tôi, anh bạn chọn phòng hút được thuốc lá và anh ta cho rằng giá 40 usd là quá thấp so với mặt bằng giá cả châu Âu, quả thật nếu ở Châu Âu có lẽ căn phòng như vậy phải đến 200 usd.

Khách sạn có rất nhiều nhân viên, tôi tự hỏi không biết người ta trả lương kiểu gì mà cái khách sạn có đến hơn10 nhân viên lúc đó, lễ tân, bảo vệ, quét dọn, bếp, quầy bar..

Cất đồ xong, tôi đi ra phố tìm gì ăn, đến một quán đẹp ngồi vào bàn và hỏi thực đơn ảnh (vì thực đơn chữ tôi không biết, tiếng Anh chỉ biết đếm và vài câu đơn giản). Chọn đồ xong, quan sát thấy quán cũng nhiều nhân viên. Người ở quầy bar pha nước đưa cho một nhân viên, nhân viên đó bưng đến chỗ tôi ngồi, có nhân viên bàn đứng trực đó, đón cốc nước và đặt lên bàn tôi. Như vậy mất béng 3 người phục vụ có một cốc nước. Đồ ăn cũng vậy, từ bếp đưa cho nhân viên bưng đến cho nhân viên bàn đặt trước mặt tôi, lại còn có một người quản lý đứng xem xét có cần bổ sung gì không.

Giá cho bữa ăn bằng giá bát phở ở Berlin.

Rồi chuyện không hay đến, do chênh lệch nhiệt độ và thời gian, viêm họng, sốt, ho. Tôi nằm li bì đến mười mấy tiếng. Lúc đỡ ra đường tìm tiệm thuốc mua, người bán đọc bệnh qua google dịch trên điện thoại, lấy thuốc cho tôi với giá tiền phải chăng.

Tôi nhận ra người Nepal đa phần là hiền lành, thân thiện và không có thói quen ép giá người nước ngoài. Sau khi uống thuốc hôm sau đỡ viêm họng, sốt thì lại bị tiêu chảy. Một lần nữa lại phải ra hiệu thuốc. 

Ngày thứ ba, tôi gọi bạn đặt vé máy bay đi Lâm Tỳ Ni, nếu đi ô tô mất 14 tiếng và đường nghe nói rất xấu. Còn đi máy bay chỉ mất có 45 phút.

Sân bay nội địa Kathmandu sẽ làm các bạn ngạc nhiên, nó như bến xe ô tô khách của Việt Nam cách đây 20 năm, thậm chí còn xa hơn thế. Chỗ checkin không có máy lạnh, trời nóng oi bức. Quầy checkin người ta viết chuyến bay lên cái bảng nhỏ treo trước quầy, hành lý ký gửi cân trên cái cân như cân gạo, xong có một người nhân viên bê đặt lên cái xe cút kít đẩy đi.

Đến lượt tôi checkin, thì cả tôi lẫn nhân viên hàng không đều sốc, chuyến bay của tôi vào đúng ngày, giờ, tháng nhưng mà lại là năm 2025 !

Chả hiểu vội gì mà anh bạn tôi đặt nhầm.

Nhưng đúng là đất Phật sinh ra có khác, người Nepal hiền lành và tốt bụng, cho nên cô nhân viên đã dẫn tôi đến chỗ đổi vé, người ta đổi cho tôi đúng ngầy giờ, tháng, năm mà chả mất thêm đồng phí nào.

Giờ lên máy bay chậm lại một tiếng, hành khách lên chiếc xe buýt tồi tàn để ra máy bay, lên máy bay rồi tưởng bay ngay, ai ngờ máy bay chạy ra đường băng và lại đứng chờ nửa tiếng nữa mới cất cánh. Các bạn bây giờ thường đi máy bay mà cánh máy bay nằm dưới cửa sổ đúng không, còn cái máy bay này cánh của nó lại ở trên đầu cửa sổ. Hành lý ký gửi không nằm ở bụng máy bay, mà để ở khoang sau buồng lái phi công.

Sân bay Lâm Tỳ Ni lại có vẻ rộng và hiện đại hơn ở thủ đô Kathmandu, có lẽ để dự tính sau này đón khách hành hương quốc tế đến đây. Khi bước ra khỏi máy bay đặt chân xuống đường băng đi vào sảnh nhà ga, cái nóng khủng khiếp ùa tới. Ở đây còn nóng hơn cả Kathmandu, nhiệt độ 40 độ và điện thoại báo cảm giác như 45. Thế mới hiểu vì sao ở Lâm Tỳ Ni là đồng bằng mênh mông mà người Nepal lại đặt thủ đô trên núi, có lẽ vì nhiệt độ giảm hơn.

Chú Lâm người coi chùa, đệ tử của thầy Huyền Diệu đã chờ tôi tiếng rưỡi trong cái nóng bức như vậy, chú có vẻ đã quen với khí hậu khắc nghiệt vùng này.

Xe taxi chạy nửa tiếng thì đến chùa. 

Ở nơi Đức Phật sinh, người ta quy hoạch quanh đó như kiểu phân lô, mấy héc ta một mảnh, để cho các nước đến xây chùa. Sư thầy Huyền Diệu là người quốc tịch Pháp, không tham gia giáo hội Phật Giáo Việt Nam, tuy ngôi chùa mang tên chùa Việt, nhưng đúng ra là chùa của Pháp, cũng như chùa của Đức, Nhật, Hàn, Trung, Thái …quanh đó.

Sư thầy Huyền Diệu đến mảnh đất này sớm nhất so với các đồng đạo quốc tế, ngôi chùa Việt Nam hình như là ngôi chùa nước ngoài đầu tiên có mặt ở đây, do kinh phí có được đến đâu xây đến đấy, nên chỉ kiến trúc của chùa cũng loằng ngoằng. Các chùa của nước khác mới xây xong, hoặc đang xây đều hoành tráng, đồ sộ. Còn ngôi chùa của thầy Huyền Diệu còn đang sửa chữa và xây cổng.

Khó chịu nhất là cái nóng, ngồi không mà mồ hôi chảy như xông, một ngày uống đến 3 lít nước và tắm cũng đến 3 lần, quần áo giặt  lần. Nhưng được cái chùa có một nhà 3 tầng để khách đến nghỉ, trong phòng có điều hoà, nên ra ngoài một lúc không chịu được lại chạy về phòng mở điều hoà nghỉ.

Những ngày ở đây, chú Lâm đưa tôi đi thăm những nơi gắn bó với cuộc đời Đức Phật, như kinh thành mà thái tử Tất Đạt Đa từ giã ra đi , nơi ngài trở lại khi thành Phật và cuối cùng là nơi ngài được sinh ra.

Đứng trước con đường lát gạch vào nơi Đức Phật sinh ra, tôi nghĩ đến mẹ tôi, bà là một Phật Tử và luôn ước mơ có lần đến đất Phật. Đến khi tôi đủ tiền để mẹ tôi thực hiện ước mơ ấy thì bà đã 90 tuổi rồi và không còn sức khoẻ để đi. Một trong những nguyên nhân lớn mà tôi ậm ừ hứa đi với chị Hồng chính là tôi muốn đi thay cho mẹ tôi.

Chúng tôi phải cởi giày dép và đi bộ trên con đường lát gạch, nền gạch nóng bỏng rát chân. Ở châu Âu lâu, toàn đi giày tất nên da chân tôi mỏng đi rất nhiều, không phải là đôi chân trần thưở nhỏ đá bóng trên mặt đường nhựa như xưa nữa. Tôi cố quên đi cái nóng bỏng dưới chân để bước từng bước rảo quanh nơi trụ đá một vòng. Trong khi người ta đi 9 vòng để ước nguyện. Tôi chẳng ước nguyện cho bản thân mình, tôi ước nguyện cho người khác chẳng phải ruột thịt gì,  nên nghĩ đi một vòng Đức Phật cũng thấu hiểu sự cố gắng của tôi.

Từ chùa đến điểm Đức Phật sinh khoảng 2,5 cây số và phải đi bộ , trong đó nửa cây số cuối là phải đi chân đất. Trên đường về tôi phải dừng nghỉ vì quá mệt, lúc đi không uống nước không sao, về mua chai nước tu một hơi hết chai nửa lít, đi được vài chục bước tự nhiên người như  nhũn ra. Ngồi nghỉ mãi mới đi tiếp được.

Cuối cùng tôi đã đi đến được nơi mà mẹ tôi từng mong đến.

Hành Trình Về Phương Đông, Đường Mây Qua Xứ Tuyết là thứ mà tôi đọc những năm 15 tuổi, lúc đó hai cuốn sách này bị cấm vì người ta đánh giá nó là diễn biến tâm lý của phương Tây. Nepal, Tây Tạng là những khái niệm mơ hồ xa lắc. Vậy mà gần 40 năm sau, tôi thực hiện một hành trình như thế, cảm thấy gian khó. Thế thì tác giả của những cuốn sách đó đi từ cách đây cả trăm năm gian khó đến nhường nào.

Tôi không gặp được sư thầy Huyền Diệu, vì ngài đang bên Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. 

Mức thu nhập bình quân đầu người ở Nepal rất thấp, chỉ khoảng 100 euro một tháng. Người Nepal ban đầu tôi thấy họ lười, nhưng khi đi hái rau ăn, tôi mới hiểu là nóng như vậy thì chẳng làm được gì nhiều. Hơn nữa người ở Lâm Tỳ Ni đa số ăn chay, một số ăn thịt gà hoặc cá. Đất nước nơi Phật sinh ra chỉ có một số ít người dân theo Phật Giáo, đa số theo Ấn Độ Giáo, còn lại đạo Hồi, Phật Giáo chỉ có vài phần trăm. Là thuộc địa của của Anh, nên giao thông đi bên trái đường, người dân ở thành phố biết tiếng Anh khá nhiều do học ở trường. Tuy nghèo nhưng nhìn học sinh Nepal mặc đồng phục đi học, nhà trường khá tươm tất so với mặt bằng nhà cửa chung.

Trên đường về, tôi nghĩ đến chị H, một năm chị ấy đi đến đây vài lần. Mùa hè nóng cháy người, nghe nói mùa đông lại lạnh giá. Có lẽ sự thay đổi tâm tính của chị ấy là từ niềm tin sâu sắc, vì với điều kiện của chị có thể đến chùa to ở Việt Nam mà làm đệ tử thì dễ dàng hơn nhiều là lặn lội đến Lâm Tỳ Ni khổ cực về mọi mặt.

Khi đến nơi Đức Phật sinh, chứng kiến những di tích được bảo quản và cảnh sát canh gác, phải đứng xa vài mét để nhìn mô đất Phật sinh ra được quây kính trong căn nhà gắn điều hoà…

Tôi mới thấy chuyện cọng tóc ngoe nguẩy rồi người ta cầm trên tay trần vuốt vuốt, mới thấy sự bịp bợp kinh khủng của gã giảng viên trường kinh tế cùng tên với tôi, giờ là trụ trì chùa Ba Vàng. Nhưng di tích về Đức Phật ở nơi ngài sinh được bảo quản và canh giữ nghiêm ngặt, những câu chuyện về Đức Phật lại giản dị rất đỗi đơn sơ.

Thế nào ở Việt Nam, như chùa Ba Vàng chẳng hạn thì câu chuyện về Phật lại đầy huyễn hoặc đến ma mị, như là vong đòi tiền, trừ tà, cúng dường ….còn xá lị của Ngài lại được bày tơ hơ cho người ta sờ mó.

Phật Giáo Việt Nam nếu không xử lý Vũ Minh Hiếu, thực là có tội với Đức Phật và những người theo Phật Giáo. Không thể để y cấu kết với quan chức sa đoạ và thế lực nước ngoài tạo thành nhóm lợi ích, làm môi giới cho những thương vụ hại nước, hại dân.  Đổi lại y có đời sống xa hoa, phè phỡn mỗi khi y đi ra nước ngoài. Những chuyện y rao giảng hay những khoá học của y mở, nếu nghiên cứu kỹ có khi là chiến lược của thế lực nước ngoài muốn làm u mê nhân dân Việt Nam. Hồ sơ của những việc y làm cơ quan an ninh chắc chắn có đủ. Đến nay chưa hiểu sao không nghiêm túc đánh giá những tác động xấu của Vũ Minh Hiếu đến xã hội, gửi đánh giá này cho tổng bí thư, bộ chính trị, ban bí thư để xem xét ngăn chặn, không để y lợi dụng nhà chùa làm địa điểm, các đệ tử thành tổ chức có ảnh hưởng.

Hay cơ quan an ninh và một số quan chức cao cấp cũng có phần lợi ích nào về vật chất, quyền lực từ chùa Ba Vàng, cho nên bao che để Vũ Minh Hiếu lông hành ?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here