Ghi chép về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6: “Đầu rơi máu chảy” (Phần 1)

0
932
Ngày 3/6/1989, Liên đoàn Học sinh Sinh viên Hồng Kông chụp ảnh xe tăng của Quân đoàn 38. (Ảnh theo bản thảo cuốn Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989 của Trần Tiểu Nhã)
Tri thuc vn

Hôm nay là ngày kỷ niệm 28 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh (4/6/1989 – 4/6/2017). Tại Trung Quốc Đại Lục, việc công khai đàm luận hay tiến hành kỷ niệm tưởng nhớ các nạn nhân đều bị nghiêm cấm gắt gao. Năm ngoái, bà Trần Tiểu Nhã đã công bố bộ sách “Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989” tại Đài Loan, trong đó tường thuật chi tiết diễn biến của cuộc thảm sát ngày 4/6/1989.

Ngày 3/6/1989, Liên đoàn Học sinh Sinh viên Hồng Kông chụp ảnh xe tăng của Quân đoàn 38. (Ảnh theo bản thảo cuốn Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989 của Trần Tiểu Nhã)
Ngày 3/6/1989, Liên đoàn Học sinh Sinh viên Hồng Kông chụp ảnh xe tăng của Quân đoàn 38. (Ảnh theo bản thảo cuốn Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989 của Trần Tiểu Nhã)

Lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính là lịch sử giết người, không thể cho rằng, thời gian qua đi thì điều đó sẽ dừng lại. Năm 1989, ĐCSTQ đã thảm sát học sinh sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn và sau đó tìm mọi cách che giấu. Đến năm 1999, ĐCSTQ lại tiếp tục trấn áp những người tập Pháp Luân Công, thậm chí bí mật mổ cướp nội tạng sống từ họ và cho đến nay tội ác này vẫn còn tiếp diễn.

“Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989” là một bộ sách tường thuật toàn bộ về phong trào dân chủ 1989. Tác giả Trần Tiểu Nhã, sinh vào tháng 10/1955 tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Bà tốt nghiệp Khoa Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hồ Nam, đã từng làm công nhân, cán bộ và phóng viên, biên tập viên báo. Năm 1996, bà công bố bộ sách “Lịch sử phong trào dân chủ năm 1989” tại Đài Loan và đã bị sa thải khỏi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

ĐCSTQ triệu tập cuộc họp khẩn của giới lãnh đạo cấp cao: Xác định “bạo loạn phản cách mạng”, tiến đến quyết định thanh trừng

Ngày 3/6/1989, lúc 4 giờ chiều, một cuộc họp khẩn đã được triệu tập tại Cần Chính điện ở Trung Nam Hải. Tham gia hội nghị có Dương Thượng Côn, Lý Bằng, Kiều Thạch, Diêu Y Lâm, Trì Hạo Điền, Lý Tích Minh, Chu Y Băng, La Cán, v.v.. Tại đó, ông Đặng Tiểu Bình, Lý Đặng và những người khác đã nhận định Bắc Kinh phát sinh “bạo loạn phản cách mạng”. Trong “Nhật ký Lý Bằng” ngày 3/6 có ghi lại: “Hội nghị nhất trí đồng tình rằng, tình thế hiện tại mười phần cấp bách, ngày hôm nay quân đội và đám đông biểu tình đã xảy ra va chạm trực diện, không thể chờ đợi hay cho họ thêm cơ hội nữa. Hôm nay nếu như chúng ta không kịp thời hành động, ngày mai là Chủ nhật sẽ càng có nhiều người đổ về quảng trường Thiên An Môn, hoạt động thanh trừng sẽ càng khó khăn hơn. Hội nghị quyết định từ tối nay sẽ dàn quân từ các phía của Bắc Kinh, đến đêm sẽ tiến về Thiên An Môn, huy động cả quân đội đang đóng ở ngoại ô tiến vào bao vây tứ phía Thiên An Môn. Sau khi dẫn đạo kiểm soát nhóm người biểu tình, sẽ tiến hành thanh trừng Thiên An Môn.”

Hội nghị quyết định, đến 9 giờ tối ngày 3/6 sẽ bắt đầu “dập tắt bạo loạn phản cách mạng phát sinh ở thủ đô”. Quân đội đến 1 giờ sáng ngày 4/6 sẽ tiến vào quảng trường Thiên An Môn, đến 6 giờ sáng phải hoàn tất toàn bộ nhiệm vụ thanh trừng, quyết không được trì hoãn hay chậm trễ thời gian. Sau khi quân đội tiến quân, không ai được phép cản trở. Trong trường hợp có người cản trở, thì quân đội có thể dùng mọi cách để loại trừ.

Động viên kích động thù hận – Quân đội tiến vào, xe tăng bọc thép san phẳng dòng người

Sau khi quyết định phát lệnh thanh trừng, Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lệnh khẩn cấp cho quân đội, yêu cầu các đơn vị quân đội lập tức triển khai các phương án hành động. Quân khu ra mệnh lệnh cho Quân đoàn 38 dẫn đầu, quân trưởng Từ Cần Tiên do kháng cự chấp hành mệnh lệnh nên đã bị bắt giữ. Quân đoàn 40 tiếp đó điều động 50 xe tăng và binh lính tiến vào, nhưng đã bị người dân chặn lại ở cửa phía Đông. Hai lữ đoàn thuộc Quân đoàn 15 quân khu không quân Quảng Châu đóng tại phi trường Nam Uyển cũng từ phía đường Nam Uyển tiến vào cổng phía đông Đại lễ đường nhân dân. Sư đoàn 58, 60 thuộc Quân đoàn 20 đóng quân tại quân khu Tế Nam ở Đại Hưng vùng ngoại ô phía nam Bắc Kinh tiến về phía cổng trước. 70 chiếc xe tải quân sự của sư đoàn 115 thuộc Quân đoàn 39 ở Thẩm Dương bị người dân chặn chặn thành một hàng từ cầu vượt Kiến Quốc Môn tới ngoài đường lớn Kiến Quốc Môn.

Cùng lúc đó, trước khi tiến vào Đại lễ đường nhân dân, Quân đoàn 27 đã tổng động viên binh lính trước trận chiến. Lực lượng vũ trang cũng nhận được mệnh lệnh của quân khu Bắc Kinh. 8 giờ tối hôm đó, khi 50 cảnh sát phòng chống bạo động mang mũ bảo hiểm, khiên, dùi cui điện, còn có 1.000 quả lựu đạn hơi cay tới phòng tác chiến của bộ tư lệnh quân khu, có rất nhiều tướng 2 sao, 3 sao cũng tập trung dày đặc tại đây. Bản đồ quân sự lớn gắn đầy các tam giác màu đỏ đánh dấu hướng đi của quân đội từ phía đông, tây, nam, bắc tiến thẳng đến quảng trường Thiên An Môn nơi xảy ra sự kiện tự phát tổ chức của học sinh, sinh viên và công nhân. Chính ủy quân khu đích thân ra tổng động viên: “Các đồng chí, hiện nay, cuộc vận động của học sinh sinh viên tại thủ đô đã phát triển thành bạo loạn.” Chúng ta cần phải “tiến vào Thiên An Môn,… bảo vệ đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền quốc gia, bảo vệ thủ đô Bắc Kinh.”

Quân đoàn 38 đảm nhận nhiệm vụ chủ công, tổng động viên trước cuộc chiến vô cùng kích động. Binh sĩ mang súng xếp thành hàng, sĩ quan cao giọng quát hỏi: “Có dám đánh hay không?” “Dám đánh!”“Đánh như thế nào?”“Đánh chết!”

Ngay sau đó, hơn mười chiếc xe quân đội chứa đầy quân binh vác súng trên vai, đạn đã lên nòng, hô to khẩu hiệu: “38 vạn tuế! 38 vạn tuế!” đằng đằng sát khí tiến đến phía sau đại viện. Chiếc xe thứ nhất tiến đến cổng chính, một binh sĩ trên xe không kiềm chế được lửa giận “mối thù giai cấp”, bóp cò súng, lia một đường hình “cánh quạt”. Ngay lập tức, một lính gác đứng canh ở bên trái cổng bị trúng đạn vào chân, kêu thất thanh lên và ngã lăn xuống đất.

6 giờ tối hôm đó, Chính phủ Bắc Kinh và Bộ chỉ huy thiết quân luật đã nhiều lần phát tin “thông báo khẩn cấp”. Chính phủ càng không cho dân chúng ra ngoài thì người dân lại càng ra đông hơn.

Theo “Tổ chức Ân xá Quốc tế” đưa tin, mâu thuẫn xung đột giữa quần chúng và quân đội xảy ra bắt đầu ở Công Chủ Phần (nơi giáp ranh giữa đường Phục Hưng và đường phía Tây vành đai 3 Bắc Kinh). Lúc quân đội từ phía đông tiến vào là dùng đèn pin nhắm về phía mọi người. Sau khi một cô gái trẻ tuổi bị đánh, một thanh niên đã nói với binh lính rằng không nên đánh phụ nữ. Nhưng lập tức người thanh niên trẻ tuổi này đã bị một trận đánh dữ dội. Lúc ấy, binh lính còn chưa dùng súng nhắm vào mọi người, chỉ nổ súng xuống mặt đất. Hơn nữa, mọi người cũng cho rằng súng mà binh lính sử dụng là không có đạn.

Phóng viên lưu trú tại Bắc Kinh của tờ “Văn Hối báo” (Hồng Kông) ghi lại, khoảng 9 giờ đêm, một đơn vị ước chừng khoảng hơn 700 quân nhân vũ trang hạng nặng mang theo súng trường bán tự động có gắn lưỡi lê, từ phía bắc Hòa Bình Môn chạy tới khẩn cấp. Có khoảng gần 100 người dân tiến lên chặn lại. Những binh lính này vừa nhìn thấy có người tiến lên, lập tức giơ súng nhắm thẳng vào đầu mà bắn. Chỉ trong nháy mắt, khoảng hơn 30 người dân đã “đầu rơi máu chảy”, không ít người vì không thể chống cự nổi mà ngã xuống đất. Những người khác nhìn thấy đội quân hung tàn như vậy đã lập tức chạy đi tránh né. Đội quân này tiến thẳng một mạch vào cửa phía Tây Trung Nam Hải.

Tưởng Tử Đan, biên tập viên của tờ “Hải Nam kỷ thật” bấy giờ, có một người bạn nhà ở khu vực đường Ngọc Tuyền và một người bạn chứng kiến tận mắt là Thang Học Bình, đêm đó đều nhìn thấy 5 chiếc xe tăng bọc thép đi qua đoạn đường ấy. Một chiếc sau khi chèn ép vẫn còn dính lại máu thịt và quần áo trên bánh xe. Theo miêu tả của bà Đinh Tử Lâm, người thành lập “Hội những người mẹ Thiên An Môn”, bộ phận duy nhất của phần xác còn lại có thể nhận ra được chỉ là mấy cái răng.

Nhà bảo tàng quân sự: Đã chính thức đổ máu

Quân đoàn 38 do chuyên trách chống bạo động và xử lý sự cố nên đi trước dẫn đường, chia thành 4 cánh quân tiến vào. Ở khu vực Bắc Phong Oa, phía đông của nhà bảo tàng quân sự, quần chúng hợp thành một bức tường người với ý định ngăn cản binh lính tiến vào. Đứng đầu là Đại học Bắc Kinh, Viện Nông học Bắc Kinh, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nghiên cứu sinh của Viện Y học Nam Kinh. Cảnh sát vũ trang dùng gạch, dây thắt lưng có khóa kim loại và gậy có đinh dài khoảng 1m đánh quần chúng. Những người bị thương, chảy máu được đưa đến bệnh viện.

Đúng 10 giờ ở bùng binh Công Chủ Phần vang lên những tiếng nổ mạnh, binh lính ném đạn hơi cay vào đoàn người. Đoàn xe chỉ huy của quân khu Bắc Kinh đi theo Quân đoàn 38 đôn đốc tác chiến. Học sinh và người dân đặt các chướng ngại vật trên đường để ngăn cản. Giữa quần chúng và đội quân phòng ngừa bạo động đã xảy ra cuộc chiến kịch liệt, ném đá vào nhau, phòng tuyến của quần chúng thất thủ…

Lúc quân đội đi đến Kiều Tây, trên đường đã có đầy xe bọc thép, xe tăng, xe quân đội đông như kiến. Trên xe là hai hàng binh sĩ tay ôm súng trường đứng thẳng, mặt hướng về phía nam và phía bắc đường. Trước xe bọc thép còn là “ma trận” binh sĩ vũ trang nhắm về hướng đông. Đứng đầu “ma trận” là những quân nhân đằng đằng sát khí cầm trong tay gậy lớn khua về phía đám người. Liên tục có học sinh bị thương được người dân đưa lên xe ba gác chở đi. Trong đám người, những tiếng gào thét “Không được đánh người! Không được đánh người!” vang lên trong bầu trời đêm.

Lúc này, gần như không có ai tin rằng “đội quân con em của nhân dân” sẽ thật sự hướng về phía người dân nổ súng.

Hồng Ngọc

(Còn tiếp Phần 2)

Xem thêm:

  • Phong trào dân chủ Gwangju và thảm sát Thiên An Môn có gì khác nhau?
  • Di chứng đau thương của vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 lên xã hội Trung Quốc
  • Tân Tử Lăng: Tập Cận Bình chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề cuộc Thảm sát Thiên An Môn và Pháp Luân Công
Page 2 of 2

Tại nhà bảo tàng quân sự, quân đội đằng đằng sát khí cầm trong tay gậy lớn khua về phía học sinh sinh viên, liên tục có người bị thương phải đưa lên xe ba gác chở đi và những tiếng gào thét trong đêm “Không được đánh người! Không được đánh người!”. Lúc này, gần như không có ai tin rằng “đội quân con em của nhân dân” sẽ thật sự hướng về phía người dân nổ súng.

Mộc Tê Địa (nằm ở phía tây khu Phục Hưng Môn ngoại ở Bắc Kinh): “Họ đã nổ súng rồi!” – Bắt đầu giết người

Không lâu sau đó, tình hình chuyển biến ngược lại. Sau khi đứng xếp thành hai hàng song song đến 11 giờ, nhóm binh sĩ này nhận được một mệnh lệnh mới không thể kháng cự, và tiếng súng đột nhiên vang lên. Một số sinh viên của trường Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh tận mắt nhìn thấy quá trình thay đổi này, “các sinh viên đối mặt với binh lính đang tiến vào, mục đích là ngăn cản họ vào trong.” “Lý Bình, một sinh viên Đại học Bắc Kinh tiến lên phía trước rồi đi đến khu vực trống giữa binh lính và người dân thường để chuẩn bị đối thoại với họ, một loạt đạn bay đến trúng vào anh. Lý Bình chưa kịp nói câu nào liền ngã xuống đất. Khi tôi cùng hai sinh viên khác xông lên dìu anh ấy về, lại một loạt đạn nữa bay đến trúng vào cánh tay một trong ba người chúng tôi. Chúng tôi dìu người bị thương đến bệnh viện Phục Hưng. Do Lý Bình bị trúng đạn ở đầu, lại mất máu quá nhiều nên không lâu sau đã tử vong. Khi đó các sinh viên vô cùng phẫn nộ.”

Theo hồi ức của một thành viên trong “Nhóm phóng viên nước ngoài đến phỏng vấn”, khi phóng viên này vừa mới tới Mộc Tê Địa: “Nhóm đông người hét lớn với chúng tôi ‘Họ đã nổ súng rồi!’ Khi lái xe đến Mộc Tê Địa, chúng tôi nghe thấy một hồi súng tự động dài. Tại giao lộ Mộc Tê Địa, xuất hiện một số xe cứu thương, chúng tôi vội vàng đi theo một chiếc xe cứu thương đến bệnh viện Phục Hưng. Trung bình mỗi phút lại có xe đạp hoặc xe ba bánh đưa một người bị thương đến.”

Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989

Khi đó, tòa nhà chính của bệnh viện Phục Hưng đang được thi công, vào phòng cấp cứu phải đi qua một con hẻm dài khoảng 20 – 30m, rộng hơn 1m, hàng trăm người bị thương và nhân viên cứu hộ đều phải đi qua con hẻm nhỏ này, máu của người bị thương và dấu chân của người đưa đi cấp cứu khiến con hẻm này trở nên giống vũng bùn lầy. Trong phòng cấp cứu ngổn ngang người bị thương cũng như người chết.

Vương Khánh Nguyên, một cư dân ở Bắc Lý, khu Mộc Tê Địa nhớ lại: “Do người bị thương quá nhiều, nên các bác sĩ và y tá vô cùng bận rộn, nghiêm trọng hơn là huyết tương trong kho máu chẳng mấy mà hết, nên nhiều người do không được cứu chữa kịp thời đã tử vong. Ấn tượng nhất là có một người đàn ông trung niên, trông khỏe mạnh, dáng vẻ giống như công nhân, tay trái có một vết thương to như đầu đũa do bị trúng đạn, máu chảy ròng ròng, nhưng sắc mặt không chút sợ hãi, anh ta để máu tự chảy khắp đất, ai nhìn thấy cũng đều kinh sợ và giục anh mau chóng cầm máu. Vẻ mặt anh tràn đầy hào khí nói: ‘Không sao, thù này sớm muộn cũng phải trả’. Khoảng nửa tiếng đồng hồ, tôi lại đi qua đây lần nữa, nhìn thấy một thi thể bên đường, xem kỹ lại thì đã tắt thở, vết thương to như đầu đũa trên cánh tay trái vẫn còn, đây chính là người đàn ông ban nãy với vẻ mặt tràn đầy hào khí.”

Có thực sự là binh lính nhận được lệnh bất khả kháng trước thời điểm 11 giờ? Sự thật vẫn cần đợi hồ sơ giải mật. Nhưng thời gian đó, đúng lúc Phó quân trưởng Quân đoàn 38 Trương Mỹ Viễn vừa đi tham dự cuộc họp tại bảo tàng trở về doanh trại. Ngoài ra, trong hồi ức của thiếu tướng Ngô Gia Dân, Quân trưởng Quân đoàn 40 quân khu Thẩm Dương cũng đã củng cố thêm cho phỏng đoán này. Lúc đó, quân đội của ông đang bị ngăn trở tại khu cầu Tam Nguyên và cửa Đông Trực ở Bắc Kinh.

Theo trí nhớ của ông Ngô Gia Dân: “23 giờ ngày 3 tháng 6, có một người mặc thường phục nói muốn gặp tôi, nói có chỉ thị quan trọng cần truyền đạt. Tôi gặp anh ta, anh ta lấy ra giấy chứng nhận công tác, anh ta là thứ trưởng một cơ quan, đến để truyền đạt chỉ thị của cấp trên, ra lệnh trong đêm quân đội phải đến được vị trí chỉ định. Khi cần thiết có thể xử lý quyết đoán.” Vừa truyền đạt xong, cựu chỉ huy quân khu cũng đưa chỉ thị đến, thông báo quân đội giới nghiêm 37 đường Vạn Thọ bắn cảnh cáo để giải tán nhóm người tụ tập, nhanh chóng khai mở tình hình.” Những lời này, quả thực rõ ràng không lẫn vào đâu được đã chứng thực rằng, tại thời điểm đó, cấp trên quả thực đã chính thức đưa ra ám hiệu “có thể nổ súng”.

Hồi ức sau sự kiện của những người tận mắt chứng kiến

Cuốn sách “Trung Quốc: Cuộc thảm sát tháng 6 năm 1989 và dư âm” của Tổ chức Ân xá Quốc tế, xuất bản tháng 4/1990 đã ghi chép lại những hồi ức của rất nhiều nhân chứng trong cuộc thảm sát.

“Khoảng 11 giờ 20 phút đêm, quân đội bắt đầu lia đạn bắn vào nhóm người tại Mộc Tê Địa. Một người phụ nữ đứng cạnh tôi sau khi trúng đạn chỉ kịp kêu ‘hự’ một tiếng rồi ngã xuống, máu tươi từ chỗ trúng đạn phun ra, có lẽ cô đã chết.”

“Khi chúng tôi (từ bệnh viện Phục Hưng) trở lại Mộc Tê Địa, quân đội lại tiến lên phía trước vài mét. Binh sĩ đã dừng bắn vào sinh viên và người dân… Chúng tôi có được danh tính của 19 người đã chết tại bệnh viện Phục Hưng.”

“Khoảng nửa đêm, chúng tôi dừng xe ven đường, đi đến nơi cách chướng ngại vật trên đường khoảng 100m, các binh lính đang xả súng loạn lên. Tử thi và người bị thương nằm khắp trên đường….tôi phát hiện được vỏ đạn của 2 loại vũ khí rơi trên mặt đất súng AK-47 và súng trường tấn công kiểu 58 (còn gọi là AK Bắc Triều Tiên).”

“Đến 2 giờ 45 phút sáng sớm ngày 4 tháng 6, riêng tại bệnh viện Phục Hưng đã có 26 người chết… một số nhân viên cứu hộ mặc áo khoác trắng có chữ thập đỏ cũng bị thương, và được đưa đến bệnh viện Phục Hưng.”

Sinh viên Chung La Bạch nhớ lại; “Khi chúng tôi đến Mộc Tê Địa, thì thấy có hàng ngàn người đang tập trung tại giao lộ, trong đó có sinh viên, cũng có người dân thành phố, rất nhiều người đã rơi những giọt nước mắt căm phẫn…” có mấy trăm người đi theo sau binh lính. “Tiếng súng ngắn nhưng gấp gáp vang lên đã khiến mọi người dừng lại, lần lượt nằm dưới đất.” Chúng tôi cũng đi theo đám đông, cũng nằm bò xuống, khi tay tôi chạm đất, tôi có cảm giác dính dính, nhìn kỹ lại, thì ra là một vũng máu, vạt áo của tôi đã bị nhuộm thành màu đỏ. Lúc này tiếng súng đã dừng lại, tôi và Diệp Phó Liên nhanh chóng chụp ảnh vũng máu lại… cuối cùng không cách nào chụp lại được nữa bởi vì có quá nhiều người. Cứ cách 3 – 5m lại có một vũng máu, có chỗ máu rất dày. Dưới ánh đèn mờ mờ, có thể nhìn thấy trên đường nhựa lưu lại dấu chân màu đỏ thẫm do có người dẫm lên máu.”

Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989

“Những người quá sợ hãi đã tập trung lại, họ hô lớn ‘Đả đảo phát xít!’ ‘Người dân muốn hỏi tội các ngươi!’ và tiếng súng lại vang lên, mọi người lại bắt đầu nằm xuống, lại bắt đầu cứu hộ những người bị thương nằm dưới đất, những người phía sau lại tiến lên phía trước. Cứ như thế, mỗi hàng tiến 10m , phải đến 5 phút và trong 5 phút này có ít nhất 4 – 5 người ngã xuống.”

1 giờ sáng ngày 4 tháng 6, sau khi Quân đoàn 38 đi qua, Vương Hiểu Minh chạy xe đến Mộc Tê Địa, nhìn kỹ tình hình các vết máu: “Tại ngã ba Mộc Tê Địa, tôi nhìn thấy 8 vũng huyết tương lớn, mỗi vũng huyết tương có đường kính khoảng 1m. Huyết tương này là hỗn hợp của máu và thịt, sền sệt giống như tương thịt, không đông được. Ngoài ra, từ giao lộ hướng về phía Tây có một con đường máu dài khoảng 30m. Con đường máu chỗ giao lộ rộng khoảng 3m, dần dần hẹp về hướng tây, máu trên con đường máu đã đông lại thành màu đen.” (Trích từ “Ghi chép những gì tận mắt chứng kiến” của Vương Hiểu Minh đăng trên “Hoa Hạ văn trích” kỳ 38 ngày 4/6/1994)

Tòa nhà Bộ trưởng: Ở trong nhà không ra ngoài cũng chết vì trúng đạn

Gần 12 giờ đêm ngày 3 tháng 6, phòng Tổng biên tập tờ Nhân Dân Nhật báo nhận được điện thoại của phóng viên từ Mộc Tê Địa gọi về: “Quân đội nổ súng vào người dân, thương vong vô cùng nghiêm trọng!” Tiếp đó là điện thoại từ Tòa nhà 22 (thường gọi là Tòa nhà bộ trưởng) người nhà của ông Quan Sơn Phục, Phó kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nói con rể của ông là Doãn Kính đang công tác tại Bộ Luyện kim (một bộ trước đây thuộc Quốc vụ viện), chỉ có vào nhà bếp lấy nước, vừa mới bật đèn lên liền bị trúng đạn do quân đội bên ngoài bắn. Doãn Kính chết ngay tại chỗ, lúc đó mới 36 tuổi.

Tối ngày 3 tháng 6, người bảo mẫu quê Tứ Xuyên trong nhà cựu Thứ trưởng Trung liên Bộ Lý Sơ Lê trú tại tầng 14 một tòa nhà, vì ló dạng ra ngoài ban công nên cũng bị trúng đạn vào bụng tử vong. Một cụ ông cũng ở cùng tòa nhà đó, vì tường sát ngay mặt đường nên cũng bị một vết thương to như miệng bát ăn cơm. Cụ ông này chính là “cha đẻ của bom Hydro Trung Quốc” Vương Cam Xương. Cũng cùng ở tại tòa nhà đó, bà Lý Sa – vợ của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Lập Tam, bị viên đạn bay qua cửa sổ va vào tường và rơi xuống trước mặt bà.

Phục Hưng Môn: Binh lính cầm súng truy sát dân chúng

Mộc Tê Địa bị xông phá xong, quân đội bắt đầu đến Phục Hưng Môn. Đinh Nhất Lam nhớ lại: “Lúc này có hai nhóm sinh viên đến, một nhóm 20 người, cầm cờ đi vào khu vực giữa binh lính và người dân. Phía sinh viên đàm phán với quân đội, yêu cầu quân đội không được vào thành. Phía quân đội từ chối yêu cầu. Binh lính bắn súng khiến hai sinh viên trong nhóm đàm phán bị trúng đạn chết.”

Khu gần nhà hàng Yến Kinh, phía nam giao lộ có rất nhiều người trốn trong bóng tối quan sát, nhưng không có ai dám đứng ra vì tiếng súng nơi đây vang lên liên hồi. Không có ai dùng gạch đá tập kích binh lính, cũng không có ai hô khẩu hiệu, nhưng chỉ cần binh lính nhìn thấy có người đang quan sát họ, họ liền lập tức bắn. Tòa nhà cao tầng đang thi công bên cạnh cũng bị đạn bắn thủng lỗ chỗ khắp nơi.

Trần Huy, một cư dân Mộc Tê Địa kể lại, tối ngày 3/6, anh trốn trong bụi cây ven đường tại Tam Lý Hà và tận mắt nhìn thấy binh lính cầm súng truy sát một thanh niên, họ nhắm vào luống hoa mà người thanh niên đang trốn để bắn quét. Sau đó anh lại thấy binh lính truy sát một cô bé bán thuốc lá trên phố gần nhà hàng Yến Kinh, họ đuổi đến khi cô bé chui xuống gầm bàn bằng sắt, và đánh cô bé tới chết mới dừng tay. Sinh viên Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh Lý Tương đã xác nhận những gì Trần Huy kể: “Có một bé gái 14 tuổi bán thuốc lá, xoay lưng về phía sạp hàng, ngồi xổm cúi đầu xuống dưới sạp, nhưng có một nửa đầu không cúi xuống. Kết quả nửa đầu bị đánh trúng… rõ ràng đang ngồi xổm, đầu không cúi xuống. Mọi người đều bàn luận, đây là loại ‘côn đồ’ gì vậy?”

Sau việc này,  một vị y tá trưởng của bệnh viện nhi tham gia cấp cứu nói với phóng viên Tân Hoa Xã Dương Kế Thằng, binh lính đã đến Phục Hưng Môn, bệnh viện nhi nhanh chóng đầy người bị thương: “Máu trong phòng cấp cứu cũng hết. Giường bệnh và bàn mổ trong bệnh viện nhi có kích thước rất nhỏ, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ cũng chỉ biết cứu người là quan trọng. Mới đầu bệnh viện còn tiến hành đăng ký cho những người bị thương được đưa đến để sau này có thể thu lại tiền viện phí. Đến 12 giờ, truyền thông phát đi một bức thư thông báo toàn quốc của trung ương, nói Bắc Kinh xảy ra bạo loạn phản cách mạng. Phía bệnh viện biết được ngay rằng những người bị thương có khả năng sẽ bị bức hại, nên họ lập tức xé bỏ tờ danh sách nhằm bảo vệ người bị thương.”

“Bệnh viện nhi này chủ yếu cấp cứu những người bị thương trong phạm vi 300-400m, khoảng 200-300 người bị thương được đưa đến bệnh viện, số người chết hơn 20 người.”

Dương Kế Thằng đi theo con đường phía đông song song với con đường bên ngoài Phục Ngoại để đi đến bệnh viện nhân dân ở Phụ Thành Môn: “Phòng cấp cứu ở đây cũng là một phòng họp, người bị thương rất nhiều, họ không cho phóng viên vào trong. Tôi hỏi một bác sĩ về số lượng người tử vong. Một nữ y tá từ bên trong đi ra, thấy tôi hỏi, cô kéo tôi ra chỗ không có ai rồi nói, hiện giờ có 2 người đã chết, một nam một nữ. Một người bị bắn trúng màng tim, một người bị bắn trúng phổi, hai người này đều khoảng 20 tuổi. Trong cặp sách của người nữ còn đựng sách vở. Y tá vừa nói vừa khóc,  2 tay ôm lấy mặt…”

Theo ghi chép của giảng viên khoa triết học, đại học Nhân Dân Trung Quốc, cùng một khoảng thời gian, quân đội bắt đầu tiến vào và dùng súng đánh chết người, trong đó có sinh viên, học sinh, giảng viên đại học, công nhân, sinh viên thực tập khoa sản, người phụ trách cơ quan đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, tòa án, đầu bếp, v.v.. Trong những người bị nạn này, người nhỏ nhất là Lã Bằng, mới có 9 tuổi. Trong số họ, có người vì cứu hộ người khác mà mất mạng, có người chết vì không được kịp thời cứu chữa.

(Còn tiếp)

Hồng Ngọc