ĐỪNG CHỈ TREO KHẨU HIỆU CHO VUI

0
40
   

Nguyễn Yến Khanh

Nói thật đi, suốt thời phổ thông, môn mà bạn chán nhất là gì? Tôi chán nhất môn Đạo đức hay còn gọi là Giáo dục Công dân chứ còn gì nữa. Nó chán vì nó giáo điều, vì tôi không thấy thầy cô, người lớn làm gương. Những hiện thực mà đôi mắt trẻ con đã nhìn thấy trong trường học và ngoài xã hội không giống những gì sách dạy. 

Nói thẳng toẹt ra, cái khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo nhan nhản ở trường học Việt Nam chỉ là một thứ làm màu, một lời nói suông, chứ có đi vào thực chất quái đâu. Thực tế chữ lễ ở trường học đang chỉ giới hạn đúng như ông Trần Ngọc Thêm nói thôi: học sinh phục tùng, vâng lời thầy cô, bố mẹ một cách thụ động, chấm hết. Nên bỏ quách cái khẩu hiệu nặng tính sáo rỗng đó đi cũng được, bỏ đi là đã thực hiện được một giá trị quan trọng là tránh bệnh màu mè, hình thức. 

Nếu muốn dạy trẻ con thành những cá nhân tử tế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội thì phải dạy cho chúng hiểu bản thân mình bằng môn Cảm xúc Xã hội (Social Emotional Learning), là sự kết hợp khoa học tâm lý, giáo dục, thể chất, rồi dạy cho chúng Kinh tế Chính trị (Politics, Civics and Economics), hay môn Những góc nhìn Toàn cầu (Global Perspectives) để chúng biết một xã hội và một đất nước tử tế, công bằng, dân chủ, văn minh thì phải có một thiết chế xã hội như thế nào, vai trò của mỗi công dân ra sao. Không có khung đàng hoàng mà đắp lụa là, gấm nhung lên mấy cái que cắm đại thành mấy thằng bù nhìn thì dọa ma thế quái nào được. 

Xin đừng nghĩ những thứ tôi nói to tát, vượt tầm hiểu biết của trẻ con. Năng lực học của trẻ con vượt xa những gì người lớn nghĩ. Đừng để những hạn chế của người lớn cản trở tầm nhìn của trẻ con. Trong chương trình giáo dục Anh, Mỹ, học sinh cấp 1, 2, 3 đã bắt đầu học những vấn đề to tát mà tôi nói ở trên rồi. 

Khi còn đi học, mài mông trên ghế nhà trường, tôi cũng nhìn bài bạn. Hồi cấp 2 tôi hay ngoái xuống bàn dưới ngó bài Tiếng Nga của Thái Hà, hay hồi cấp 3 tôi cũng nhấm nháy chép bài môn Lý, Hóa, Sinh của đứa bên cạnh. Tôi học lệch để thi khối D, phải hầu như tự học môn tiếng Anh từ a, b, c trong vỏn vẹn 2 năm để đua với bọn đã học tiếng Anh ở trường chuyên, lớp chọn từ bé, nên bỏ rơi mấy môn kia luôn. Lên đại học, tới kỳ thi tôi cũng mượn vở của cái Lê để photo bài học, vì những môn tôi phải học đối phó thì còn chẳng thèm chép bài. Hôm thi môn Marx Lenin tôi cũng có phao, mà cái phao cứ cồm cộm ở trong túi quần, làm tôi sợ toát mồ hôi, không dám quay cóp, sợ bị bắt thôi chứ không phải vì ý thức trung thực. Bí quá vì có chịu nhai sách quái đâu, tôi hùng hục viết ra theo trí nhớ từ bài giảng của một ông thầy dạy thêm môn Văn. Tôi viết đại ý rằng việc thực hiện mô hình HTX ở miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh là cần thiết, vì những người đàn ông đi ra chiến trường cần yên tâm cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ ở hậu phương được HTX và chính quyền lo cho cơm ăn, áo mặc, học hành. Nhưng sau chiến tranh, HTX không còn phù hợp nữa, vì xyz gì đấy, cũng phản biện phết. Ơ, hồi 21 tuổi tôi viết ngây thơ vậy mà được tận điểm 8, hình như cao nhất lớp á. 

Nhưng qua năm tháng trưởng thành, hiểu được rằng đất nước vì sao mà tham nhũng tràn lan, niềm tin đổ vỡ, núi rừng bị xẻ thịt, tàn phá tan hoang, sông biển ô nhiễm, thực phẩm bẩn, giáo dục tụt hậu mà cả xã hội cứ lồng lên chạy theo những thành tích ảo, thì tôi mới thấy trung thực, liêm chính quan trọng tới mức nào. Nếu học sinh, sinh viên lúc đi học mà còn cố gian lận để được điểm cao thì mong hòng gì sau này làm công dân tử tế, làm doanh nhân có trách nhiệm với xã hội được. Vậy nên tôi đã lật mặt, khi làm giảng viên, tôi cảnh báo sinh viên từ buổi đầu và xuống tay xử rất ác nếu phát hiện cháu nào đạo văn, khai gian số từ trong bài tự luận, hay chơi chiêu bất cứ kiểu gì. Hai học kỳ vừa rồi, tôi đã thẳng tay xử hai cháu sinh viên xuất sắc nhất lớp vì khai gian số từ hay bài thuyết trình video dám tăng tốc độ video lên, khiến giọng nói trong bài thuyết trình nhanh như máy khâu, để vừa khít giới hạn thời gian. Hồi trước tôi còn cho cả nhóm 5 đứa trượt bài vì chúng ngang nhiên lấy một clip trên mạng, không có sáng tạo gì thêm cho môn học sáng tạo quảng cáo, mà đáng ra chúng phải làm ý tưởng, dựng storyboard và quay thành video như những TVC đúng nghĩa.  

Dù dạy những môn học sặc mùi tiền, tôi vẫn đưa vào những ví dụ  hay case study cho sinh viên thảo luận, thậm chí là tranh luận về những vấn đề phát triển kinh doanh nhưng vẫn gìn giữ môi trường bền vững, tôn trọng sự đa dạng, bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc, công bằng, nâng cao năng lực, cơ hội cho người yếu thế… Khi dạy sinh viên về tâm lý khách hàng, quản trị marketing, văn hóa kinh doanh, bài nào tôi cũng tranh thủ chạm vào được vài mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu SDGs và đá các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa ở Việt Nam. 

Ai rồi cũng khác. Tôi đã thay đổi, vì tôi nhận thức được cốt lõi vấn đề, chứ ai cứ ra rả vào tai tôi “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” mà tôi chẳng hiểu tại sao phải làm như thế thì quên đi mà tôi coi đó như giá trị sống của bản thân mình.

https://www.facebook.com/nguyen.y.khanh/posts/pfbid02YGgGS7EcazGRjL5YVBBTVXcTfAFw1cRkpwK8srW6Z26RLENVv1JHBwpxco52mgfzl

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here