Đưa đường sắt trên cao vào chi phí bảo vệ môi trường: “Vô lý đến mức buồn cười”

0
203
Bất ngờ khi Bộ Tài chính liệt kê chi phí xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào các khoản chi phí cho bảo vệ môi trường - ảnh nguồn Lao Động.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo luật chính là những giải thích cặn kẽ về phần thu – chi ngân sách cho bảo vệ môi trường, trong đó Bộ Tài chính đưa cả chi phí xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào danh sách chi cho bảo vệ môi trường.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức nào Bộ Tài chính cần có những đánh giá khách quan – ảnh minh họa/ nguồn H.Lực

Vô lý hết mức

Thông tin về thu – chi ngân sách cho bảo vệ môi trường trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính được Báo Tiền Phong đăng tải mới đây cho thấy, giai đoạn 2012 – 2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường là 105.985 tỷ đồng.

Trong đó con số chi cho bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng lên 131.857 tỷ đồng (cao hơn số thu), bình quân mỗi năm chi 26.371 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính viện dẫn hàng loạt khoản ngân sách chi được cho là để bảo vệ môi trường, như: Chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường khoảng 89.131 tỷ đồng (chi ứng phó biến đổi khí hậu, chi dự toán hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi chương trình tiết kiệm năng lượng, phát triển rừng…).

Chi 24.246 tỷ đồng cho ngành tài nguyên và môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải.

Chi 18.480 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng chống, khắc phục thiên tai.

Ngoài ra trong khoản chi cho môi trường Bộ Tài chính liệt kê khoản chi góp phần bảo vệ môi trường như: Dự án Xây dựng tuyến đường sắt trên cao; các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…

Bất ngờ khi Bộ Tài chính liệt kê chi phí xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào các khoản chi phí cho bảo vệ môi trường – ảnh nguồn Lao Động.

Trước việc Bộ Tài chính viện dẫn khoản chi cho bảo vệ môi trường trong đó có cả dự án đường sắt trên cao, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc đưa phần chi cho dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào khoản chi bảo vệ môi trường là hết sức vô lý đến mức buồn cười, dù Bộ Tài chính có giải thích như thế nào cũng không thỏa đáng”.

Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích, có thể tạm hiểu Bộ Tài chính khi đưa khoản chi phí xây dựng tuyến đường sắt trên cao vào như danh sách các khoản chi cho bảo vệ môi trường và lý giải: Đầu tư đường sắt trên cao sẽ giúp giảm phương tiện cá nhân di chuyển, qua đó giảm tác động từ khí thải phương tiện cá nhân gây ra.

Tuy nhiên cho dù đưa ra lý giải đó cũng chỉ là trên góc độ lý thuyết bởi dự án chậm tiến độ nhiều năm đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Kể cả đi vào hoạt động rồi liệu sẽ thu hút lượng khách là bao nhiêu hay cũng giống như xe buýt nhanh?

“Rõ ràng chi cho dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao và chi cho bảo vệ môi trường không liên quan đến nhau.

Hầu như hoạt động nào cũng gây tác động đến môi trường, nếu lý giải như Bộ Tài chính thì có thể kê tất cả khoản chi đều là chi cho bảo vệ môi trường.

Lý luận xây đường sắt trên cao là chi cho bảo vệ môi trường là không chấp nhận được”, ông Trinh nhận định.

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh lượng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính (GHG) cho một đơn vị giá trị gia tăng của Việt Nam đang ở nhóm nước hàng đầu trên thế giới và có xu hướng tăng lên.

Tuy nhiên, khí thải này chỉ một phần do xe máy, ô tô, còn một phần lớn là do nhóm ngành chế biến chế tạo đặc biệt là sản xuất thép, nhiệt điện thép.

Đánh giá của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, nhiệt điện than là một trong các nguồn thải CO2 chính và lớn ở Việt Nam.

Năm 2010, hơn 1/2 công suất đặt trong hệ thống điện Việt Nam thuộc về nhiệt điện. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 18,5 %, nhiệt điện khí và dầu chiếm 36,6% ngoài ra còn có xi măng, thép, khai thác đá vôi.

“Như vậy rất nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại sao chỉ đánh vào xăng, tại sao lại đánh vào một mặt hàng thiết yếu, được sử dụng hàng ngày phải chăng mục tiêu cuối cùng nhằm nhanh thu được nhiều thuế để bù vào ngân sách thiếu hụt?”, Tiến sĩ Bùi Trinh đặt câu hỏi.

So sánh vô lý – khập khiễng

Khi tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu chuyên gia và người dân lo ngại sẽ đẩy giá xăng tăng lên.

Tuy nhiên trước lo ngại này tại phiên họp báo thường kỳ quý I/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Viện dẫn cụ thể, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8/5/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93).

Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam (giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Petrolimex) cập nhật đến ngày 8/5/2017 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít.

Phản biện lý giải giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, đây là so sánh lung tung, khập khiễng thiếu cơ sở.

“Chúng ta khác Lào, Campuchia. Nước bạn không có mỏ dầu, còn chúng ta có. Mỏ dầu là tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, của nhân dân vì vậy việc người dân chúng ta được hưởng lợi về giá là điều dễ hiểu.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng những so sánh về giá xăng dầu Việt Nam với các nước là khập khiễng – ảnh Hoàng Lực.

Còn nếu lo sợ giá xăng Việt nam thấp sẽ dẫn đến buôn lậu xăng dầu từ nước ta qua các nước láng giềng là không hợp lý, bởi điều đó cho thấy năng lực quản lý của cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu kém. Và, như vậy không thể vì năng lực quản lý kém của nhà nước mà bắt người dân và xã hội phải chịu.

Mặt khác khi so sánh giá xăng chúng ta phải xem cơ cấu hình thành giá xăng của các nước xem 1 lít xăng họ phải gánh bao nhiêu thuế bảo vệ môi trường.

Đó là chưa kể đến thu nhập đầu người của chúng ta so với nước bạn”, Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích.

Đồng thời Tiến sĩ Bùi Trinh nhấn mạnh: “Chúng ta cần bỏ tư duy khi tăng thuế, phí hoặc những thứ khác như lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu… đều mang ra  so sánh với các nước khác, chúng ta chỉ nên tham chiếu không nên so sánh cứng nhắc”.

Đi ngược tinh thần Chính phủ kiến tạo?

Ông Bùi Trinh cho biết, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra giữa tháng 5 vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự trăn trở với vấn đề thuế, phí của doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Giảm phí, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển chính là mục tiêu của Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hướng đến.

Chẳng hạn nhiều kiến nghị sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay xuống 1%, nhằm giảm chi phí trung gian trong quá trình sản xuất, việc này sẽ không có ý nghĩa gì khi giá xăng, dầu điện lại tiếp tục tăng?

“Rất nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp được đưa ra. Tuy nhiên chính sách sẽ không phát huy hiệu quả nếu doanh nghiệp phải gánh nặng thuế, phí như hiện nay.

Trong đó thuế bảo vệ môi trường xăng dầu theo điều chỉnh tăng như dự thảo của Bộ Tài chính sẽ đẩy giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ ở một chu kỳ sản xuất”, ông Trinh cho biết.

Chỉ rõ ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ông Trinh phân tích, khi tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng tăng qua đó sẽ làm cho chi phí đầu vào của tất cả các ngành và phí lưu thông sẽ tăng lên.

Điều này sẽ làm giá cả các mặt hàng tăng lên  tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp .

“Như vậy có thể thấy Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường trong đó tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính dường như không đồng hành với Thủ tướng, không đồng hành với doanh nghiệp, không thực hiện đúng tinh thần giảm mức phí, mức thuế cho doanh nghiệp phát triển”, ông Trinh đặt vấn đề.

Theo ông Trinh cần có lộ trình tăng thuế xăng dầu sao cho hợp lý, nếu không sẽ tác động tới người tiêu dùng do giá tất cả các sản phẩm vật chất và dịch vụ tăng, thậm chí là làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường thì khung thuế môi trường cho xăng sẽ điều chỉnh tăng từ 3.000 – 8.000 đồng/lít so với khung từ 1.000 – 4.000 đồng/lít hiện nay, nhiên liệu bay cũng bị áp khung mức thuế từ 3.000 – 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 – 3.000 đồng/lít.

Tương tự dầu diezel từ mức hiện tại là 500 – 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 – 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 – 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 – 2.000 đồng/lít,kg.

Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 – 6.800 đồng/lít xăng E10.

Một loại sản phẩm khác là túi ni lông cũng bị đẩy mức thuế bảo vệ môi trường lên rất cao, từ 30.000 – 50.000 đồng/kg lên 40.000 đồng – 80.000 đồng/kg.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here