ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI MỚI QUA

0
6
Jackie đã ngồi lại với Jillian Carroll của KCTV5 để nói về thành công trong kinh doanh của cô và lý do cô đến với Kansas City.(KCTV5)
Ai mới qua Mỹ, thường được giới thiệu là “nó mới qua”, và thường mình thấy “người mới qua” này sau lời giới thiệu đó của người nhà hay người quen, phần lớn đều có vẻ hơi bối rối và ngượng ngập. Thật ra, các bạn không cần phải có cảm giác thiếu tự tin như vậy! Như thế nào là “mới qua”? Cá nhân mình tự phân ra 3 giai đoạn:
– Qua Mỹ thời vượt biên, vô cùng khó khăn, tay trắng, mất mát đủ thứ…
– Qua Mỹ thời bảo lãnh HO, ODP, đã có lớp đi trước dìu dắt, nhưng vẫn mất thời gian lâu mới hội nhập.
– Qua Mỹ thời có nhiều diện hơn như du học, kết hôn, lao động, đầu tư…, thời internet và các mạng xã hội phổ biến.
Theo mình, thế hệ mới qua sau này sướng hơn ngày xưa nhiều. Phần lớn khi qua Mỹ cũng có số vốn lận lưng do bán nhà đất từ VN, không biết tiếng Anh thì trong cộng đồng người Việt có đầy đủ các dịch vụ do người Việt làm chủ. Ra đường không phải mò mẫm bản đồ giấy, không có cảnh chồng lái, vợ ngồi kế bung bản đồ ra coi, chỉ đường sai rồi đi lạc,bị ông chồng nổi nóng la mắng, hai bên cãi nhau. Bây giờ chỉ cần mở phone là có chỉ đường bằng tiếng Việt luôn. Rồi cần gì thì lên FB, vào nhóm NVCL này hỏi một câu là có liền người khác tư vấn đầy đủ. Thiếu thốn đồ đạc gì, chỉ cần mở miệng xin một câu, không phải mắc tiền nhưng như cần xe đạp, quần áo, microwave… đều có người tặng ngay.
Thế hệ mới qua sau này hội nhập rất nhanh, và hiện đại hơn, kiến thức, vốn sống về xã hội tân thời cũng nhiều. Nhiều em du học sinh rất giỏi, nhiều cô lấy chồng vừa qua đã đi làm kiếm tiền được, nhiều người chuyển qua được số tiền lớn đã có thể mua nhà ngay hoặc mở cơ sở kinh doanh. Các bạn nên tự hào về điều đó, nếu như những gì các bạn mang qua Mỹ là hợp pháp. Mình vì không có cơ hội qua trước nên qua sau, hoặc sinh sau đẻ muộn, thì không có nghĩa là mình chậm hơn, thua thiệt hơn.
Chỉ có một khoảng cách giữa người qua trước và người qua sau, đó là nhận định về quá khứ. Đồng ý là thế hệ qua trước đa số là thế hệ vượt biên, con cháu cộng hòa, chúng ta mang theo nỗi buồn lịch sử, mất mát đau thương, nên không dễ gì cảm tình với những gì bắt nguồn từ trong nước sau 75. Nhưng những người qua sau bắt buộc sống trong chế độ đó, phải đi học, đi làm, thì tư tưởng, hành xử, suy nghĩ, ngôn ngữ… chắc chắn phải có chỗ khác, không trách người ta được.
Xã hội quyết định hành vi, hành vi quyết định tính cách. Người qua Mỹ ở đã lâu, hoặc thế hệ sinh đẻ ở Mỹ, sẽ cư xử theo kiểu Mỹ. Người mới qua thì làm sao giống y được, phải từ từ thay đổi. Nói đơn giản như từ ngữ, sống ở VN mấy chục năm, mới qua thì dĩ nhiên vẫn quen miệng nói y vậy, và thế là bị bắt bẻ là dùng từ ngữ Việt cộng. Một cô dâu nào mới qua, hễ có dung nhan xinh đẹp thì thế nào người quen bên chồng cũng xì xầm coi chừng nó bỏ. Hoặc có tiền mua nhà đẹp thì bị đồn là ở bển làm cán bộ. Đó là một số định kiến khá thông dụng mà mình quan sát thấy được, các bạn nào mới qua mà còn gặp trở ngại gì trong giao tiếp, cư xử với chính đồng hương , xin đừng ngần ngại góp ý.
Cách đây không lâu, mình có đến nhà mẹ của bạn chơi, thì bà này cũng có một gia đình người cháu mới được bảo lãnh qua. Họ mới biết lái xe nên trên đường tới nhà bà thì hơi lọng cọng, nên gọi phone hỏi. Một đứa cháu bắt phone, biết là ông chú gọi bèn chọc, giả nói là ” Pizza Hut, how may I help you?”. Đầu dây kia ông chú tưởng gọi nhầm số, sợ quá không biết trả lời sao, lật đật cúp máy. Thế là cả đám thanh niên bò ra cười. Trò đùa này mình không thấy tức cười, mà ngược lại thấy hơi bất nhẫn. Đối với người mới qua, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, nghe tiếng Anh không hiểu sợ lắm. Theo mình, người qua trước nên kiên nhẫn và từ tốn giải thích.
Dĩ nhiên là vẫn có một số con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cộng đồng người Việt chúng ta, dù qua Mỹ định cư vì bất kỳ lý do gì, tị nạn chính trị, đoàn tụ gia đình, tị nạn giáo dục, hoặc mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, thì cũng nên vẫn giữ tinh thần đoàn kết, đùm bọc tương trợ nhau, có như vậy cộng đồng mới càng vững mạnh. Mong mọi người hỉ xả, và cùng nhìn về một hướng đó là đã chọn Mỹ làm quê hương thứ hai, thì phải biết ơn nước Mỹ và hãy đóng góp cho nước Mỹ.
Hình minh hoạ: ngày xưa người Việt mới qua phải đi còng lưng hái dâu lãnh công tối thiểu, bây giờ đi hái dâu là để cho vui, còn phải trả tiền cho farm!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here