Điểm yếu của Tập Cận Bình (P1)

2
73

NCQT

Kim Phụng26/09/2022

Nguồn: Thái Hà (Cai Xia), “The Weakness of Xi Jinping”, Foreign Affairs, 09-10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thói tự cao và chứng hoang tưởng đã đe dọa tương lai của Trung Quốc như thế nào?

Không lâu trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cực kỳ thành công. Ông củng cố quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa bản thân lên ngang hàng với nhà lãnh đạo biểu tượng của đảng, Mao Trạch Đông, và loại bỏ giới hạn đối với nhiệm kỳ chủ tịch nước, cho phép ông trở thành lãnh đạo trọn đời. Trong nước, ông khoe khoang mình đã có bước tiến vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; còn ở nước ngoài, ông tuyên bố đã nâng uy tín quốc tế của đất nước lên tầm cao mới. Đối với nhiều người Trung Quốc, chiến thuật lãnh đạo cứng rắn (strongman) của Tập là cái giá có thể chấp nhận được để phục hưng đất nước.

Bên ngoài, Tập vẫn cực kỳ tự tin. Trong một bài phát biểu vào tháng 01/2021, ông tuyên bố Trung Quốc là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hậu trường, quyền lực của ông đang bị nghi ngờ chưa từng thấy. Bằng cách loại bỏ truyền thống cai trị tập thể lâu đời của Trung Quốc, và tạo ra một sự sùng bái cá nhân gợi nhớ đến thời Mao, Tập đã khiến những thành viên khác trong đảng nổi giận. Trong khi đó, một loạt sai lầm chính sách đã khiến những người ủng hộ ông thất vọng. Việc đảo ngược các cải cách kinh tế và phản ứng thiếu sót của Tập đối với đại dịch COVID-19 đã khiến hình ảnh anh hùng của ông vụn vỡ trong mắt người dân. Sự phẫn nộ đang ngấm ngầm gia tăng trong giới tinh hoa ĐCSTQ.

Từ lâu, tôi đã được ngồi hàng ghế đầu để quan sát cuộc chiến chốn thâm cung của ĐCSTQ. Trong 15 năm giảng dạy tại Trường Đảng Trung ương, tôi đã giúp đào tạo hàng nghìn quan chức cấp cao của đảng phục vụ trong bộ máy hành chính Trung Quốc. Suốt quãng thời gian đó, tôi cũng cố vấn cho dàn lãnh đạo cao nhất về việc xây dựng đảng, và đã tiếp tục làm như vậy sau khi nghỉ hưu vào năm 2012. Năm 2020, sau khi công khai chỉ trích Tập, tôi bị khai trừ khỏi đảng, bị tước hết các quyền lợi hưu trí, và bị cảnh báo rằng bản thân sẽ không còn được an toàn. Giờ đây, tôi đang sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn còn giữ liên lạc với nhiều người ở Trung Quốc.

Tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay, Tập dự kiến sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm. Dù sự khó chịu ngày càng tăng trong giới tinh hoa đảng có nghĩa là việc tái đắc cử của ông sẽ gây tranh cãi, nhiều khả năng ông vẫn sẽ thành công. Nhưng thành công đó sẽ mang theo nhiều sóng gió. Phấn chấn trước nhiệm kỳ bổ sung chưa từng có tiền lệ, Tập có lẽ sẽ tiếp tục siết chặt sự kiểm soát trong nước, đồng thời nâng cao tham vọng của mình trên trường quốc tế. Khi sự cai trị của Tập trở nên cực đoan hơn, cuộc tranh đấu nội bộ và sự phẫn nộ mà ông đã gợi ra sẽ chỉ càng thêm mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các phe phái khác nhau trong đảng sẽ trở nên khốc liệt, phức tạp, và tàn bạo hơn bao giờ hết.

Đến lúc ấy, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó Tập phản ứng trước những gì ông cho là mối đe dọa bằng các hành động táo bạo hơn, các hành động này đến lượt chúng lại tạo ra nhiều phản kháng hơn. Luẩn quẩn chỉ nghe những ý kiến thuận chiều, và tuyệt vọng chứng minh mình đúng, ông hoàn toàn có thể đi đến những quyết định thảm họa, chẳng hạn như tấn công Đài Loan. Tập cũng có thể phá hỏng điều mà Trung Quốc đã gầy dựng suốt 4 thập niên qua: danh tiếng về khả năng lãnh đạo ổn định và có năng lực. Mà thực ra, điều đó đã xảy ra rồi.

MAFIA TRUNG QUỐC

Xét trên nhiều khía cạnh, ĐCSTQ hầu như không thay đổi kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 1949. Tương tự như trước đây, đảng vẫn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trên toàn bộ Trung Quốc, cai trị quân đội, cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp bù nhìn. Các cấp bậc trong đảng đều phải báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đất nước. Bao gồm từ năm đến chín thành viên của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ do Tổng bí thư, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đứng đầu. Kể từ năm 2012, người đó là Tập Cận Bình.

Chi tiết về cách thức hoạt động của Ủy ban Thường vụ là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng ai cũng biết rằng nhiều quyết định đã được đưa ra bằng cách chuyền tay các tài liệu liên quan đến các vấn đề chính sách lớn, và các ủy viên sẽ lần lượt bổ sung thêm ý kiến. Những tài liệu đó thường được viết bởi các nhà lãnh đạo đứng đầu các bộ hoặc các cơ quan khác của đảng, cũng như chuyên gia từ các trường đại học và viện chính sách hàng đầu. Nếu đề xuất của một cá nhân đến được tay của các Ủy viên Thường vụ, nó sẽ là vinh dự cho cả cơ quan của người đó. Khi tôi còn là giáo sư, Trường Đảng Trung ương đặt ra yêu cầu phải nộp các đề xuất như vậy mỗi tháng một lần. Các tác giả có đề xuất được trình lên Ủy ban Thường vụ sẽ nhận tiền thưởng tương đương khoảng 1.500 đô la – cao hơn cả tiền lương hàng tháng của một giáo sư.

Ngoài ra, có một đặc điểm khác của đảng cũng không thay đổi: tầm quan trọng của các quan hệ cá nhân. Để được thăng tiến trong hệ thống cấp bậc của đảng, các mối liên hệ cá nhân, bao gồm danh tiếng và truyền thống đảng viên của gia đình, cũng quan trọng như năng lực và ý thức hệ.

Điều đó chắc chắn đúng với trường hợp của Tập. Trái ngược với nội dung tuyên truyền của Trung Quốc và đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây, rằng ông ta đã vươn lên nhờ tài năng của mình, sự thật là hoàn toàn ngược lại. Tập được lợi rất nhiều từ các mối quan hệ của cha mình, Tập Trọng Huân, một lãnh đạo ĐCSTQ với uy tín cách mạng rất lớn, người từng giữ chức bộ trưởng tuyên truyền một thời gian ngắn dưới thời Mao. Khi Tập Cận Bình còn là bí thư huyện ủy ở tỉnh Hà Bắc vào đầu những năm 1980, mẹ ông đã viết một bức thư gửi cho bí thư tỉnh ủy, đề nghị ông giúp Tập thăng tiến. Nhưng vị quan chức này, Cao Dương (Gao Yang), sau đó đã tiết lộ nội dung của bức thư tại một cuộc họp của thường vụ tỉnh ủy. Hành động đó khiến gia đình Tập xấu hổ, vì lá thư đã vi phạm chiến dịch mới của ĐCSTQ – cấm nhờ vả giúp đỡ. (Tập chắc chắn đã không quên chuyện này, vào năm 2009, khi Cao qua đời, ông thẳng thừng từ chối đến dự đám tang, theo đó phá vỡ thông lệ, dù cả hai đều từng là hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.) Một vụ bê bối kiểu này có thể hủy hoại sự nghiệp của một cán bộ bình thường, nhưng các mối quan hệ của Tập đã giúp ông: cha của bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến là phụ tá thân tín của Tập Trọng Huân, và hai bên gia đình đã sắp xếp để đưa ông về tỉnh này.

Nhưng Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thấp bại. Năm 1988, sau khi để mất chức phó thị trưởng trong một cuộc bầu cử địa phương, ông được thăng chức bí thư quận ủy. Tuy nhiên, khi đó, Tập đã cảm thấy chán nản với sự nghiệp tầm trung của mình. Trong ĐCSTQ, việc chuyển từ cấp quận huyện lên cấp tỉnh là cả quãng đường dài, và suốt nhiều năm, ông đã không thể vượt qua nó. Nhưng một lần nữa, liên hệ gia đình đã trở nên có ích. Năm 1992, sau khi mẹ của Tập viết đơn cầu xin tân Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), con trai bà đã được chuyển đến đây. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp của Tập Cận Bình đã bắt đầu khởi sắc.

Tất cả các cán bộ cấp thấp đều biết rõ, để có thể thăng tiến trong ĐCSTQ, người ta phải tìm được một người nâng đỡ ở cấp cao hơn. Trong trường hợp của Tập, chuyện này khá dễ dàng, vì nhiều nhà lãnh đạo đảng rất tôn trọng cha ông. Người nâng đỡ đầu tiên và quan trọng nhất của ông là Cảnh Biểu (Geng Biao), một quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu, từng làm việc cho cha của Tập. Năm 1979, Cảnh đưa Tập về làm thư ký cho mình. Việc có người cố vấn từ giai đoạn đầu trong sự nghiệp sẽ để lại tác động lớn đến hàng chục năm. Mỗi quan chức cấp cao đều có “ê-kíp” của riêng mình, hay nhóm người mà họ bảo trợ, mà trên thực tế chính là các phe phái trong đảng. Thật vậy, các cuộc tranh luận được cho là về ý thức hệ và chính sách trong nội bộ ĐCSTQ có bản chất ít phức tạp hơn nhiều: chúng là các cuộc tranh giành quyền lực giữa các ê-kíp khác nhau. Một hệ thống như vậy tạo ra một mạng lưới của lòng trung thành cá nhân. Nếu vị cố vấn thất sủng, thì kẻ mà ông ta bảo trợ cũng kể như “mồ côi.”

Đối với người ngoài, sẽ hữu ích hơn nếu xem ĐCSTQ giống như một tổ chức mafia thay vì một đảng chính trị. Người đứng đầu đảng là bố già, kế đến là các ông trùm dưới, hay Ủy ban Thường vụ. Những người đàn ông này sẽ chia nhau quyền lực, mỗi người chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực nhất định – chính sách đối ngoại, kinh tế, nhân sự, chống tham nhũng, … Họ cũng được coi là quân sư cho bố già, tư vấn cho ông về các lĩnh vực chuyên trách của họ. Tiếp đến là 18 thành viên còn lại của Bộ Chính trị, những người sẽ kế nhiệm các ủy viên thường vụ. Họ có thể được coi là tay chân của mafia, thực hiện mệnh lệnh của Tập nhằm loại bỏ những gì ông cho là mối đe dọa, với hy vọng sẽ tiếp tục được bố già trọng dụng. Với vị thế của mình, họ được phép làm giàu chừng nào còn chấp nhận được, chiếm đoạt đất đai và các cơ sở kinh doanh mà không bị trừng phạt. Và cũng giống như mafia, đảng này sử dụng đủ thứ công cụ để đạt được thứ mình muốn: hối lộ, tống tiền, thậm chí là bạo lực.

CHIA SẺ LÀ QUAN TÂM

Dù sức mạnh của quan hệ cá nhân và tính linh hoạt của các quy tắc chính thức vẫn giữ nguyên kể từ khi Trung Quốc Cộng sản được thành lập, nhưng có một điều đã dần thay đổi: mức độ tập trung quyền lực vào tay một người duy nhất. Từ giữa những năm 1960 trở đi, Mao nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và là người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề, dù ông thể hiện quyền lực của mình không quá thường xuyên và về mặt chính thức vẫn ngang hàng với các lãnh đạo còn lại. Nhưng khi Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo thực tế của Trung Quốc vào năm 1978, ông đã xoá bỏ chế độ độc tài suốt đời của Mao.

Đặng giới hạn thời gian nắm quyền của chủ tịch nước Trung Quốc xuống còn tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm và thiết lập một hình thức lãnh đạo tập thể, cho phép các quan chức khác – đầu tiên là Hồ Diệu Bang và sau đó là Triệu Tử Dương – giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng, ngay cả khi ông vẫn nắm quyền thực chất phía sau. Năm 1987, ĐCSTQ quyết định cải cách quy trình lựa chọn các thành viên của Ban chấp hành Trung ương, cơ quan giám sát trên danh nghĩa của đảng, đồng thời là cơ quan mà từ đó các ủy viên Bộ Chính trị được lựa chọn. Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng đề xuất nhiều ứng viên hơn số ghế – không hẳn là một cuộc bầu cử dân chủ, nhưng dù sao cũng là một bước đi đúng hướng. Ngay cả ứng viên được Đặng Tiểu Bình ủng hộ cũng không chắc sẽ thành công: ví dụ, Đặng Lực Quần (Deng Liqun), một người theo chủ nghĩa Mao, vốn được Đặng Tiểu Bình hứa hẹn thăng chức vào Bộ Chính trị, đã không đạt đủ số phiếu và buộc phải giã từ sự nghiệp chính trị. (Điều đáng chú ý là khi Ban chấp hành Trung ương đảng tổ chức bầu cử năm 1997, Tập suýt chút nữa đã không được chọn. Ông có ít phiếu nhất trong số những người có tên trong danh sách, phản ánh sự chán ghét của đảng đối với các “Thái tử Đảng,” hậu duệ của các lãnh đạo đảng cấp cao, những người đã thăng tiến nhờ quan hệ gia đình hơn là thực lực.

Để tránh lặp lại Cách mạng Văn hóa thảm khốc, khi sự tuyên truyền của chủ nghĩa Mao đạt đến đỉnh điểm, Đặng cũng tìm cách ngăn cản bất kỳ nhà lãnh đạo nào tìm kiếm sự sùng bái cá nhân. Năm 1978, một sinh viên trường Đảng Trung ương là bạn thân của tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi đến một trang trại chăn nuôi heo ở ngoại ô Bắc Kinh, những món đồ mà Hoa Quốc Phong đã sử dụng trong một chuyến thị sát – một ấm nước nóng, một tách trà – được trưng bày trong tủ kính, như thể một ngôi đền tôn giáo. Bạn tôi đã viết thư cho Hoa để chỉ trích sự sùng bái cá nhân, và ông đã cho dẹp bỏ những món đồ trưng bày. Năm 1982, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đi xa đến mức ghi vào điều lệ đảng một lệnh cấm sùng bái cá nhân, mà họ coi là đặc biệt nguy hiểm.

Đặng chỉ chịu chia sẻ quyền lực đến mức ấy, và ông đã liên tiếp loại bỏ Hồ và Triệu khi hai người này tỏ ra quá tự do về mặt chính trị. Nhưng người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân, đã tiến hành cải cách chính trị sâu rộng hơn. Ông cho thể chế hóa nhóm cố vấn của mình, để họ hoạt động nhiều hơn với tư cách là một văn phòng điều hành. Ông tìm kiếm lời khuyên từ tất cả các thành viên của Ủy ban Thường vụ, mà đến thời điểm đó đã ra quyết định dựa trên đa số phiếu, và ông cũng cho lưu hành rộng rãi các dự thảo phát biểu. Giang cũng khiến các cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương có tính cạnh tranh hơn một chút, bằng cách tăng tỷ lệ ứng viên so với số ghế. Ngay cả các Thái tử Đảng, trong đó gồm một người con trai của Đặng, cũng có thể thất bại trong cuộc bầu cử.

Khi Hồ Cẩm Đào lên kế nhiệm Giang Trạch Dân vào năm 2002, Trung Quốc đã tiếp tục tiến xa hơn trên con đường lãnh đạo tập thể. Hồ cai trị với sự đồng thuận của chín thành viên Ủy ban Thường vụ, một nhóm được gọi là “cửu long trị thuỷ.” Cách tiếp cận theo chủ nghĩa quân bình này cũng có những hạn chế. Mỗi thành viên của Ủy ban Thường vụ đều có thể phủ quyết bất kỳ quyết định nào, dẫn đến suy nghĩ rằng Hồ một nhà lãnh đạo yếu không thể vượt qua bế tắc. Trong gần 10 năm, các cuộc cải cách kinh tế bắt đầu dưới thời Đặng đã bị đình trệ. Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm nhất định, vì yêu cầu đồng thuận đã ngăn cản những quyết định bất cẩn. Chẳng hạn, khi dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc trong năm đầu tiên ông lên nắm quyền, Hồ đã hành động thận trọng, sa thải Bộ trưởng Y tế Trung Quốc vì đã che đậy mức độ bùng dịch và khuyến khích các quan chức báo cáo số lượng ca nhiễm một cách trung thực.

Hồ cũng cố gắng áp dụng giới hạn nhiệm kỳ một cách rộng rãi hơn. Dù bị phản đối khi cố gắng thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các thành viên của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng ông đã có thể thiết lập giới hạn nhiệm kỳ cho các cấp từ tỉnh trưởng trở xuống. Hơn nữa, Hồ còn thiết lập một quy trình chưa từng có tiền lệ, theo đó thành viên của Bộ Chính trị trước tiên sẽ được lựa chọn bằng một cuộc bỏ phiếu của các thành viên cấp cao trong đảng.

Trớ trêu thay, chính nhờ hệ thống bán dân chủ này mà Tập đã vươn lên đỉnh cao quyền lực. Năm 2007, tại một cuộc họp mở rộng của Ban chấp hành Trung ương, khoảng 400 lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã tập trung tại Bắc Kinh để bỏ phiếu đề cử các quan chức cấp bộ từ một danh sách 200 người, vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Tập đã nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Tôi cho rằng yếu tố quyết định không phải là kinh nghiệm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang hay Bí thư Thành ủy Thượng Hải của ông, mà là sự tôn trọng của những người tham gia bỏ phiếu dành cho cha ông, cùng với sự tán thành (và áp lực từ) một số đảng viên lão thành chủ chốt. Trong cuộc bỏ phiếu đề cử tương tự diễn ra 5 năm sau đó, Tập tiếp tục nhận được nhiều phiếu bầu nhất, và nhờ sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm, ông đã đặt chân lên đỉnh của kim tự tháp quyền lực. Sau đó, ông nhanh chóng bắt tay vào việc lật ngược tiến trình phát triển lãnh đạo tập thể đã diễn ra hàng chục năm qua.

ĐẢNG MỘT NGƯỜI?

Khi Tập lên nắm quyền, nhiều người ở phương Tây đã ca ngợi ông là Mikhail Gorbachev của Trung Quốc. Một số người mơ tưởng rằng, giống như nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Tập sẽ thực hiện những cải cách triệt để, giải phóng sự kìm kẹp của nhà nước đối với nền kinh tế và dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tất nhiên, điều đó hóa ra chỉ là một suy nghĩ viển vông. Thay vào đó, Tập, một học trò nhiệt thành của chủ nghĩa Mao, đồng thời cũng mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong lịch sử, đã nỗ lực để thiết lập quyền lực tuyệt đối của mình. Vì những cải cách trước đây không thực sự thiết lập cơ chế kiểm soát và đối trọng lên nhà lãnh đạo đảng, nên ông đã thành công. Giờ đây, cũng như dưới thời Mao, Trung Quốc là nơi một người nắm trọn quyền hành.

Một phần trong kế hoạch củng cố quyền lực của Tập là giải quyết vấn đề mà ông cho là khủng hoảng ý thức hệ. Ông nói, Internet là một mối đe dọa sống còn đối với ĐCSTQ, khiến đảng này mất quyền kiểm soát tâm trí của mọi người. Vì vậy, Tập đã thẳng tay đàn áp các blogger và các nhà hoạt động trực tuyến, kiểm duyệt những nội dung bất đồng chính kiến, và củng cố “vạn lý hỏa thành” của Trung Quốc nhằm hạn chế truy cập vào các trang web nước ngoài. Kết quả là, xã hội dân sự non trẻ đã bị bóp nghẹt và dư luận trong vai trò người giám sát Tập đã bị tiêu diệt.

Một động thái khác của Tập là phát động chiến dịch chống tham nhũng, gọi nó là sứ mệnh cứu đảng khỏi sự tự hủy diệt. Vì tham nhũng là dịch bệnh phổ biến ở Trung Quốc, gần như mọi quan chức đều có thể là mục tiêu, Tập đã sử dụng chiến dịch này như một cuộc thanh trừng chính trị. Dữ liệu chính thức cho thấy từ tháng 12/2012 đến tháng 06/2021, ĐCSTQ đã điều tra 393 cán bộ lãnh đạo trên cấp tỉnh, các quan chức thường được nhắm cho các vị trí cao nhất, cũng như 631.000 cán bộ trong nhiều cơ quan, những người thực hiện chính sách của đảng tại cấp cơ sở. Cuộc thanh trừng đã bắt giữ một số quan chức quyền lực nhất mà Tập cho là mối đe dọa, bao gồm Chu Vĩnh Khang, cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và người đứng đầu bộ máy an ninh Trung Quốc, và Tôn Chính Tài, một ủy viên Bộ Chính trị mà nhiều người coi là đối thủ và là người có khả năng kế nhiệm của Tập.

Tượng bán thân của Tập, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, tháng 06/2019 © Jason Lee / Reuters

Đáng chú ý là những người giúp Tập thăng tiến đã không hề hấn gì. Giả Khánh Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến vào những năm 1990 và cuối cùng trở thành thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, là người có công giúp Tập thăng tiến trong sự nghiệp. Dù có lý do để tin rằng ông ta và gia đình cực kỳ tham nhũng – Hồ sơ Panama, kho tài liệu bị rò rỉ từ một công ty luật, tiết lộ rằng cháu gái và con rể của Giả sở hữu một số công ty bí mật ở nước ngoài – nhưng đến nay họ vẫn chưa bị chiến dịch chống tham nhũng của Tập sờ gáy.

Tập không hề nhẹ tay. Theo tôi được biết từ một người trong đảng, mà tôi không thể nêu tên vì sợ sẽ đẩy ông vào rắc rối, hồi năm 2014, người của Tập đã đến gặp một quan chức cấp cao từng công khai chỉ trích Tập và đe dọa sẽ điều tra tham nhũng nếu ông này không dừng lại. (Ông đành phải im lặng.) Khi theo đuổi mục tiêu, cấp dưới của Tập thường gây áp lực lên các thành viên gia đình và trợ lý của các quan chức. Vương Mân (Wang Min), Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, người mà tôi biết rõ từ những ngày còn là học viên tại Trường Đảng Trung ương, đã bị bắt vào năm 2016 dựa trên những lời khai từ tài xế của ông. Người này nói rằng khi ở trong xe, Vương đã phàn nàn với một người đi cùng về việc không được thăng chức. Vương bị kết án tù chung thân, một trong những cáo buộc là chống lại sự lãnh đạo của Tập.

Sau khi loại bỏ các đối thủ khỏi các vị trí chủ chốt, Tập đã cài người của mình vào. Phe của Tập trong đảng được gọi là “Chi Giang Tân Quân” (Zhījiāng Xīnjūn)bao gồm các cựu cấp dưới trong thời gian ông làm tỉnh trưởng ở Phúc Kiến và Chiết Giang, thậm chí cả những người bạn thời đại học và trung học. Kể từ khi lên nắm quyền, Tập đã nhanh chóng thăng chức cho tay chân thân tín của mình, thường là vượt quá năng lực của họ. Người bạn cùng phòng của ông từ những ngày còn học tại Đại học Thanh Hoa, Trần Hi (Chen Xi), được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, một vị trí đi kèm với một ghế trong Bộ Chính trị và quyền quyết định ai sẽ có thể thăng cấp. Tuy nhiên, Trần hoàn toàn không có kinh nghiệm liên quan: năm người tiền nhiệm trực tiếp của ông đều từng đảm nhiệm các vị trí đảng vụ địa phương, trong khi ông dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình tại Đại học Thanh Hoa.

Tập đã đảo ngược một cải cách lớn khác: “tách biệt giữa đảng và nhà nước,” tức nỗ lực nhằm giảm mức độ mà các cán bộ đảng với động lực ý thức hệ can thiệp vào các quyết định kỹ thuật và quản lý trong các cơ quan chính phủ. Trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã cố gắng, với mức độ thành công khác nhau, để tách chính phủ khỏi sự can thiệp của ĐCSTQ. Tập đã phá hoại tất cả khi thiết lập khoảng 40 ủy ban riêng của đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chính phủ. Chẳng hạn, không giống như những người tiền nhiệm, ông có đội ngũ riêng để xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông, bỏ qua Bộ Ngoại giao và Cục Hải dương Nhà nước.

Những ủy ban này đã tước bỏ phần lớn quyền lực khỏi tay người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và biến vị trí từng là lãnh đạo đồng cấp trở thành phụ tá. Có thể nhận ra sự thay đổi này trong cách Lý thể hiện bản thân mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Trong khi hai người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo, lần lượt đứng ngang hàng với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Lý lại giữ khoảng cách với Tập, như để nhấn mạnh sự chênh lệch quyền lực. Hơn nữa, trong quá khứ, truyền thông chính thức và truyền thông nhà nước thường đề cập đến “hệ thống Giang-Chu” và “hệ thống Hồ-Ôn”, nhưng ngày nay hầu như chẳng ai nói đến “hệ thống Tập-Lý.” Từ lâu đã có sự đối kháng giữa đảng và chính phủ ở Trung Quốc – mà người trong cuộc gọi là đấu tranh giữa “khu Nam” và “khu Bắc” của Trung Nam Hải, vốn là nơi đặt trụ sở của hai cơ quan. Nhưng khi nhấn mạnh rằng tất cả mọi người phải coi ông là người có quyền lực cao nhất, Tập đã làm căng thẳng thêm trầm trọng.

Tập cũng đã thay đổi động lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ, tất cả các thành viên Bộ Chính trị, kể cả những người trong Ủy ban Thường vụ, đều phải báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư bằng cách gửi báo cáo định kỳ cho Tập, người sẽ tự đánh giá kết quả làm việc của họ. Đã qua rồi cái thời mà tình đồng chí thân thiết và gần như bình đẳng tồn tại giữa các ủy viên Thường vụ. Như một cựu quan chức ở Bắc Kinh nói với tôi, một trong bảy thành viên của ủy ban – Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước và là đồng minh lâu năm của Tập – từng phàn nàn với bạn bè rằng quan hệ giữa Tập và các Ủy viên Thường vụ còn lại là quan hệ giữa một hoàng đế và các bá quan.

Thay đổi trơ trẽn nhất mà Tập thực hiện là xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước Trung Quốc. Giống như mọi nhà lãnh đạo tối cao từ thời Giang Trạch Dân trở đi, Tập kiêm nhiệm ba chức vụ: Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Dù giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm chỉ áp dụng cho chức vụ đầu tiên trong số ba chức vụ kể trên, nhưng bắt đầu từ Hồ Cẩm Đào, người ta hiểu rằng giới hạn này cũng phải áp dụng cho hai chức vụ còn lại, để một người có thể cùng lúc giữ cả ba chức vụ.

Nhưng vào năm 2018, theo chỉ thị của Tập, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã sửa đổi hiến pháp để loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Lời biện minh cho hành động ấy thật nực cười. Mục tiêu được người ta công bố là để làm cho nhiệm kỳ của chủ tịch nước tương ứng với các chức vụ trong đảng và quân đội, dù rõ ràng cải cách phải đi theo chiều ngược lại: áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho cả chức tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy.

Tiếp đến là sự sùng bái cá nhân. Dù lệnh cấm sùng bái cá nhân vẫn còn trong điều lệ đảng, Tập và các cấp phó đã đòi hỏi một mức độ trung thành và ngưỡng mộ dành cho lãnh đạo chưa từng thấy kể từ thời Mao. Bắt đầu từ năm 2016, khi ông được tuyên bố là “lãnh tụ hạt nhân” của đảng (một danh xưng chưa từng được trao cho người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào), Tập Cận Bình đã luôn đứng trước các thành viên Ủy ban Thường vụ trong các bức chân dung chính thức. Chân dung của ông được treo khắp nơi, theo phong cách giống như Mao, trong các văn phòng chính phủ, trường học, địa điểm tôn giáo và nhà riêng. Theo Radio France Internationale, cấp dưới của Tập đã đề xuất đổi tên Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông, đồng thời là một trường đại học hàng đầu Trung Quốc, thành Đại học Tập Cận Bình. Họ thậm chí còn tranh cãi về việc có nên treo ảnh của ông bên cạnh ảnh của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Dù cả hai ý tưởng đều không đi đến đâu, nhưng Tập đã cố gắng đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ đảng hồi năm 2017 — cùng Mao trở thành hai lãnh đạo duy nhất có hệ tư tưởng của riêng mình được thêm vào điều lệ đảng khi còn đương chức — và trong hiến pháp nhà nước một năm sau đó. Trong một bài viết dài đăng năm 2017 trên trang Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước, một nhà tuyên truyền đã dành cho Tập bảy danh hiệu mới theo kiểu Bắc Triều Tiên, thứ sẽ khiến những người tiền nhiệm thời hậu Mao của ông ta phải đỏ mặt: “nhà lãnh đạo đột phá,” “người cán bộ siêng năng làm việc vì hạnh phúc của nhân dân,” “kiến trúc sư trưởng của tiến trình hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới,” …

Trong nội bộ đảng, phe của Tập đang thực hiện một chiến dịch quyết liệt, yêu cầu ông phải được tiếp tục nắm quyền để hoàn thành điều ông đã khởi xướng: “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Nỗ lực của họ ngày càng mạnh mẽ, nhưng thông điệp của họ lại được đơn giản hóa. Tháng 4 vừa qua, các quan chức đảng ở Quảng Tây đề xuất khẩu hiệu mới: “mãi mãi ủng hộ lãnh tụ, bảo vệ lãnh tụ, và đi theo lãnh tụ.” Tựa như “hồng bảo thư” của Mao, họ cũng phát hành một bộ sưu tập các câu danh ngôn của Tập trong một cuốn sách bỏ túi và khuyến khích người dân ghi nhớ nội dung của nó. Tập dường như đang tự định vị mình không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của đảng mà còn là một hoàng đế thời hiện đại.

(Còn tiếp 1 phần)

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here