Có thật ông Trọng “đánh tham nhũng” ?

0
343
Newly re-elected Vietnam Communist Party Secretary General Nguyen Phu Trong (C) claps after he delivers the closing speech at the closing ceremony of the 8-day-long national congress of the party in Hanoi on January 28, 2016 . AFP PHOTO / POOL / HOANG DINH Nam Hôm 31/7, phát biểu tại một phiên họp về chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tới chuyện "lò" và "củi" trong chuyện chống tham nhũng.

Nhiều lần trên trang facebook của tôi đã đề cập đến vấn đề “trọng luật”, xem đây như là điều kiện “cốt lõi”, không thể thiếu, để VN có thể phát triển một cách bền vững và lành mạnh.

Tôi đưa ra một số thí dụ về sự phát triển ở các quốc gia trong khu vực như Nam Hàn, Đài Loan, Singapour, Thái Lan, Phi… Tất cả không ngoại lệ, quốc gia phát triển hơn hết luôn là quốc gia có nền tảng pháp trị được xây dựng vững chắc.

Các nước Âu Mỹ, là những nơi khai sinh ra khái niệm “quốc gia pháp trị”, vẫn là những nước phát triển hàng đầu địa cầu, và cũng là những nơi “đáng sống” hơn hết.

Các nước “ì ạch” ở Châu Á, như Thái Lan, Phi… lý ra là những quốc gia phát triển không kém Nhật, Nam Hàn. Đất đai phì nhiêu, dân đông, không là nạn nhân của “thực dân” hay bị tàn phá (như Nhật) bởi chiến tranh (Thế chiến II)… Các nước này đến hôm nay vẫn là các nước kém phát triển. Nguyên nhân do nạn tham nhũng bất trị. Mà nguồn gốc là nền tảng “pháp trị” đã không được xây dựng.

VN ngày hôm nay đang ở “đỉnh cao” của phong trào “đánh tham nhũng”. Các lãnh đạo cộng sản ở đây nghĩ (đơn giản) rằng triệt tiêu được nạn tham nhũng thì VN sẽ phát triển bền vững. Họ đã rập khuôn chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở TQ. Họ nghĩ rằng rập khuôn như vậy, TQ phát triển thì VN sẽ phát triển.

Điều này hoàn toàn không có cơ sở.

Về sự phát triển của TQ. Sự phát triển của TQ, nếu tính trên bình quân đầu người, vẫn còn kém xa Nam Hàn, Đài Loan… (chớ nói gì với Nhật, Singapour hay các nước Âu, Mỹ). Bề trái của sự phát triển ở TQ, cũng là bước ban đầu ở VN hiện nay, với những xí nghiệp ô nhiễm tầm cỡ Formosa, những nhà máy nhiệt điện xả khói đen… Ở Bắc Kinh hay các thành phố lớn, không khí ở đây khó có thể hít thở bình thường vì mực độ ô nhiễm vượt qua mọi tiêu chuẩn…

“Phát triển” của TQ “thần kỳ” là nhờ ở việc “ăn vào tương lai”. Làm ra 10 đồng thì đã “ăn” vào tương lai hết 8 đồng.

Nhưng sự phát triển về kinh tế của TQ đi kèm với việc cải cách hệ thống pháp luật. Các lãnh đạo Bắc Kinh, từ thời Giang Trạch Dân đã có quan niệm “ỷ pháp trị quốc”, dựa vào pháp luật để cai trị.

Từ hai thập niên TQ đã cố gắng xây dựng một “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” sao cho luật pháp ở đây “phù hợp” với các tiêu chuẩn “quốc tế”. Không biết việc này có nâng tầm TQ ngang hàng với các nước Âu Mỹ về “pháp trị” hay không. Cái đuôi Xã hội chủ nghĩa khiến người ta hoài nghi về nội hàm “pháp trị – rule of law” của TQ. Nó đã trở thành “dụng pháp trị – rule by law”.

Tức là lãnh đạo cộng sản sử dụng pháp luật để cai trị dân nhưng bản thân họ thì đứng ngoài, không bị pháp luật chi phối (Rule by law – dụng pháp trị).

Trở lại VN, khi đưa mật vụ sang Đức “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh, lãnh đạo CSVN đã xâm phạm chủ quyền nước Đức. Theo báo chí bên Đức mới đăng tải, nhà nước VN đã sử dụng, trong việc bắt cóc TX Thanh, ngoài những mật vụ đến từ VN, còn có nhóm người (bị chính qyền sở tại cho là) “bất hảo”, đến từ các nước Đông Âu.

Luật chơi trong quan hệ quốc tế đã bị phía VN xúc phạm. Hệ quả của việc này còn quá sớm để tính toán. Nhưng chắc chắn Đức và khối Châu Âu không thể để yên cho VN xâm phạm chủ quyền đồng thời vi phạm luật lệ của họ.

VN đã không tôn trọng luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Từ nay tư cách nào VN lên tiếng phản đối TQ không tôn trọng luật quốc tế (phán quyết Tòa CPA 7-2016), xâm phạm chủ quyền của VN ?

Nhiều người biện hộ “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.

Về chức tước, TX Thanh là con “tép riu”. Về tầm mức làm thất thoát (128 triệu Euros), thật không thấm vào đâu so với những vụ làm thất thoát hàng tỉ đô la của các viên chức khác.

TX Thanh không thể là “cứu cánh” đánh tham nhũng để có thể sử dụng nó để “biện minh” cho một “phương tiện” côn đồ.

Nếu VN là một nhà nước “tôn trọng luật lệ” và có ý muốn diệt trừ tham nhũng, ta thấy có vô số trường hợp quan chức nhà nước tham nhũng “xốn lòi con mắt”, dân tình kêu ca.

Ở Yên Bái, những trái núi bị “đánh bạt”, những hồ nước thiên nhiên bị “tát cạn”. Viên chức nhà nước đã “phá nát đất nước” để tìm những viên hồng ngọc (Rubi). Có cả một chương trình truyền hình nước ngoài nói về các mỏ đá quí ở Yên Bái. Có đồng xu nào vào ngân khố nhà nước từ những viên hồng ngọc ở Yên Bái ?

Ta chỉ thấy là một viên chức tầm thường trưởng phòng “tài nguyên và môi trường”, “cơ ngơi” của họ lớn lao như vua chúa thời trước.

Vậy mà lãnh đạo CSVN không ai thấy cả.

Bởi vì “đánh tham nhũng” thực lòng, tất cả cán bộ cộng sản đều vào tù hết. Đảng là “một bầy sâu, không sâu lớn thì sâu nhỏ”. “Chúng ăn của dân không từ một thứ gì”.

Đánh tham nhũng, ở Đài loan, tổng thống Trần Thủy Biển phải ở tù. Ở Nam Hàn thì bà tổng thống Park Geun Hye đang “xộ khám”.
Những người này bị bắt, rồi bị tòa tuyên án bỏ tù. Tất cả đều tuân theo các trình tự của pháp lý.

Con “tép riu” TX Thanh không phải là mục tiêu “đánh tham nhũng”. TX Thanh không phải là một “biểu tượng”, tầm cỡ Trần Thủy Biển hay Park Geun Hye.

Nếu bây giờ TX Thanh “ói” ra 128 triệu Euros, trả lại cho nhà nước, thì vấn đề “tham nhũng” vẫn là hột cát trong sa mạc.

TX Thanh vì vậy là một “ưu tiên chính trị” của ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng từ lâu muốn “nắm đầu” TX Thanh, muốn trả thù cá nhân. Bởi vì TX Thanh lúc đào tẩu đã tung ra những tài liệu ảnh hưởng tới uy tính cá nhân ông Trọng.

Mục đích khác (của ông Trọng) là bắt tên này khai ra tên tuổi những viên chức, những người đã làm ông Trọng “nhỏ những giọt nước mắt” xấu hổ trong một Hội nghị đảng (vài năm trước).

Rốt cục chiến dịch “đánh tham nhũng” ở VN, qua trường hợp TX Thanh, là một cuộc “trả thù chính trị”.

Ngay cả khi những “con sâu lớn”, cỡ Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Sinh Hùng… xộ khám, thì việc “chống tham nhũng” của VN vẫn không đi tới đâu.

Khi mà luật lệ quốc gia bị coi thường, luật lệ quốc tế bị chà đạp… thì ông Trọng không thể nhân danh bất kỳ ở điều gì để biện minh.

Luật pháp là nền tảng quốc gia, là thể hiện ý chí của toàn dân. Bất chấp pháp luật là bất chấp quyền lợi quốc gia, bất chấp ý chí của toàn dân.

Ông Trọng và các đồng chí đã không coi đất nước và dân tộc ra cái gì.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here