Chuyện nồm (kỳ 4)

0
7
Vườn cau nơi quê nhà Photo by Nguyen Thong

Nguyễn Thông 

Vừa rồi nhà cháu biên cái thực tế rằng ở nhà đất sướng nhất khi trời nồm. Tường đất nền đất hút hết hơi ẩm, nước lặn sâu vào trong đất nên mình không bị cái cảm giác nhớp nháp khó chịu. Nhưng như thế không có nghĩa chẳng bị khổ bởi nồm.

Lứa chúng tôi, thời cả miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong cái không khí “tôi chạy trên miền Bắc/hớn hở giữa mùa xuân/rạo rực muôn màu sắc/náo nức muôn bàn chân” mà sau này mới biết nó chỉ là ảo, mình bị lừa, đã chịu khổ cực thiếu thốn trăm bề. Đói ăn quanh năm, nhưng đói không liên quan đến nồm, không phải do nồm, nên không bàn ở đây. Sự mặc dính tới nồm nhiều nhất, có những chuyện giờ nghĩ lại vẫn kinh.

Cả miền Bắc hồi nửa cuối thập niên 50 tới thập niên 70 chỉ có mỗi nhà máy dệt Nam Định do người Pháp để lại, sau vài năm thì thêm nhà máy dệt 8 tháng 3. Hai nhà máy gánh vác chuyện quần áo vải vóc cho 17 triệu người. Tới khi xảy ra “chiến tranh phá hoại” năm 1964, phe xã hội chủ nghĩa tăng thêm viện trợ hàng hóa, trong đó có vải vóc, tuy nhiên hàng ngoại, những simili, tergal, kaki, pô pơ lin, lụa… chỉ dành phân phối cho cán bộ. Bán cho dân chúng chỉ là sản phẩm loại thường của dệt Nam Định, dệt 8.3 như diềm bâu/chúc bâu, phin/phin nõn, chéo go, chéo… Chị Xuân Quỳnh có câu “Ôi chiếc quần chéo go/Ống rộng dài quét đất/Chiếc áo trắng chúc bâu/Đi qua nghe sột soạt”. Người mặc mấy thứ này, gọi chung là dân áo vải, “chúng ta đoàn áo vải/sống cuộc đời rừng núi bấy nay”. Những thứ sang trọng như lụa, sa tanh, kaki, simili, ốc pho, pô pơ lin, va li de… tạo nên đẳng cấp, nhìn người mặc là biết ngay cán bộ, nhà giàu, không thuộc hạng dân thường.

Thiếu thốn, nên nhà nước áp dụng chính sách phân phối triệt để. Những người viết sử kinh tế xứ này gọi đó là thời chế độ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Dân thường, dù trẻ con hay người nhớn, được cấp phiếu vải tiêu chuẩn, số lượng 3,6 mét vuông/năm, nghĩa là đủ một bộ quần áo, riêng nữ được hơn một chút là 4m để còn may phụ tùng. Sự phân biệt đối xử thể hiện công khai, rất rõ. Nếu cán bộ, công nhân viên trong biên chế nhà nước thì tiêu chuẩn phiếu 5m. Trên cái phiếu vải đề rõ “Phiếu vải”, “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, chia thành từng ô nhỏ, có ô định lượng 50cm, cũng có ô chỉ 10cm, tức là miếng vải rộng hơn cái bàn tay. Mà có phiếu cũng chưa hẳn có vải, còn phải canh chừng cửa hàng hợp tác xã mua bán, cửa hàng bách hóa, cửa hàng bách hóa tổng hợp, khi nào họ thông báo bán vải thì ra xếp hàng, chen chúc chờ đợi. Tôi hồi sinh viên, phiếu vải 4m, năm 1974 bắt tàu điện từ Mễ Trì, ga Thanh Xuân ra cửa hàng bách hóa Cửa Nam từ sáng sớm, xếp hàng mua được 1m2 vải quần simili màu lông chuột (khổ 1,5m nên chỉ cần mua chừng đó đủ may một quần), khi về ký túc xá thì cũng là lúc chuyến tàu điện cuối cùng Bờ Hồ – Hà Đông ngang qua.

Dân thường như đám nông dân chúng tôi, cả bố mẹ lẫn con cái, muốn có tấm áo manh quần chỉ trông chờ đầu năm nhà nước cấp phiếu vải. Nhiều khi nhận phiếu rồi mà vẫn chưa có tiền mua. Thày bu tôi quanh năm “diện” quần áo may kiểu ta, bằng vải diềm bâu, một loại vải thô. Hai anh em trai tôi chỉ quần tây vải vải xanh chéo Nam Định, áo su mi (sơ mi) vải phin thường. Tiêu chuẩn ít, vải hiếm, nên “bộ nghiêm bộ nghỉ”. Đám học trò nông thôn, từ cấp 1 tới cấp 3, hiếm đứa nào có tới 3 bộ quần áo. Hai bộ lành lặn để đến trường, còn đồ mặc ở nhà, ra đồng, hoặc đi đâu, chỉ quần áo vá. Tôi tới năm học lớp 7 (cuối cấp 2) năm 1969  mới được ông Tế anh họ cho chiếc quần simili màu tàn thuốc vẫn còn mơi mới, đem sửa lại hết 1 đồng tiền công mới mặc vừa. Đó là chiếc quần sang nhất đời khi tôi đã vào tuổi 14. Hầu như đứa nào cũng biết chuyện kim chỉ, thạo vá, kể cả con trai. Quần đùi thường may bằng vải bao bột mì hoặc chắp bằng vải vụn. Đến cả chiếc khăn quàng đỏ cũng bị vá thì đủ biết vải vóc thiếu thốn thế nào.

Thế mới có chuyện. Năm ấy nồm nặng, hình như 1967, tôi học lớp 5 do cô Cúc dạy địa chủ nhiệm. Trường đang sơ tán bên thôn Phương Đôi để tránh trận địa tên lửa. Cả hai chiếc quần dài thường mặc đi học đều đã giặt mà phơi mãi không khô. Ngày nào cũng thò tay lên sờ, ướt sũng, đem vắt lại phơi tiếp, lúc sau lại sũng. Tôi đành mặc quần đùi đi học. Đường xa, nhong nhong ngoài đường với quần đùi đã hơi ngài ngại, nhưng sang tới Phương Đôi thì sựng hẳn. Thằng Hồ Văn Sử dân sơ tán nhìn thấy, nó diễu êu êu mặc quần đùi đi học. Tôi ngượng, bỏ chạy một mạch về nhà chui vào buồng. Tự dưng không muốn đi học nữa, chỉ thích ở nhà đánh dậm, bởi đánh dậm không cần mặc quần dài.

Nhưng như tôi còn đỡ. Anh Dinh con dì Được, cùng học với tôi, thấy quần bị nồm ướt quá bèn vắt rồi đem hơ trên bếp than cho mau khô. Lóng ngóng thế nào, cháy mất mông quần, những chỗ còn lại bị rộp cả, phải bỏ. Dì Được thương con nhưng tiếc của cứ mắng mãi, chê con hậu đậu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0GPVb819JRBUzDxY4uk8nrfwE4dk8VzraaZvc8Row6zVpN22zWWFverX4hc7X1cJal&id=100024722048900

Ảnh chống trôi: Vườn cau nơi quê nhà