Chuyện giờ mới kể,

    0
    530

    Hồi nẳm, Bee ngồi ăn ở một quán ăn, kiểu như nhà hàng cũng sang không tới mà quán ăn thì cũng không bình dân cỡ đó. Đại loại trung trung khó diễn tả. Tiệm có 2 khu ngồi trong và ngồi ngoài. Phục vụ là mấy đứa nhỏ mười mấy tuổi trẻ măng. Bee ngồi bên ngoài ăn và ngó người qua lại lúc chiều chạng vạng. Quán có mấy người nước ngoài qua lại thôi. Bàn anh khách nước ngoài đứng lên đi, kẹp tính tiền mở ra thấy còn nguyên tiền thối độ đâu mấy chục ngàn. Thằng bé phục vụ nhỏ hơn bảo “chắc ổng quên, để em đem ra”. Nói đoạn nó cầm kẹp tiền đi mấy bước, thằng bé phục vụ còn lại thì dọn dẹp chén dĩa bưng vô. Nó lách mình qua tới cái tấm tôn xanh của khu nhà kế bên rào lồi ra để thi công công trình thì nó gom sấp tiền lẻ nhét vội vô túi bên trong tấm tạp dề đen. Nó dáo dác nhìn quanh. Bee đang đep kính đen nên vẫn cúi đầu trên phone như thể không thấy gì. Nó an tâm đi vô, thảy lại cái kẹp bill vô chỗ cũ. Bee có xin thêm nước lọc đá. Trò chuyện với nó đôi ba câu. Giọng nó miền tây sông nước chơn chớt ngọt lịm. Nó nói nó mới đi làm phục vụ thôi hà. Vậy mà Bee chứng kiến nó “lanh” quá chừng. Nó nói nó không thích đi học, học hổng vô. Nó sống tự do quen rồi.Khách vẫn cứ ra ra vô vô lai rai. Bee vẫn ngồi đó, kêu thêm phần ăn nhẹ, nước uống. Rồi lại vô tình Bee thấy bên trong nhà, bàn khách kế cửa kính chỗ Bee ngồi có khách đứng lên đi. Thằng bé phục vụ lớn hơn dọn dẹp bàn, cũng mở vội cái kẹp bill rồi nhét gấp vài tờ tiền còn lại vô túi tạp dề. Nó đứng hướng ra phía cửa, quay lưng về phía khách và đứa con gái, con trai phục vụ còn lại nên không ai thấy, nhưng Bee lại vô tình thấy mọi thứ qua cặp kính đen mát của mình. Chợt nghĩ vu vơ thằng nhỏ có khi học được từ thằng lớn hơn trò này.

    Đến lúc tính tiền đi về. Bee hỏi nửa giỡn nửa thiệt vui vẻ, rằng tiền buộc-boa ở đây tụi em được lấy hết hông hay chia sao? Thằng nhỏ vui vẻ nói “dạ ở đây tụi em chia chung, chia cả trong bếp luôn, hông đứa nào được lấy riêng, cuối tháng chia một lần. Mà khách đây cũng ít bo lắm chị, hì hì”. Bee đưa trả em tiền ăn. Bee bảo ” khỏi thối, cám ơn em”. Thằng bé cười tươi, răng nó trắng còn hơn dân nhà giàu đi tẩy răng, nụ cười sáng bừng trông hiền hoà, tiếng cám ơn lại ngọt quánh như thể đặc sản dân miền Tây Nam Bộ.

    Câu chuyện vẫn còn vương vấn trong đầu Bee cho tới khi hổm rồi nói chuyện làm mẹ đơn thân ở Mỹ thì có cô bạn vô than trời. Cổ cũng mới qua Mỹ không lâu, hồi hổm cho con ở nhà với mẹ để đi làm vì mẹ đã biết chạy xe đâu. Nghĩ thôi kệ, trễ một năm cũng không xá gì hay ảnh hưởng chi với trình độ tiểu học trường xhcn của con. Vậy mà ở nhà mẹ cổ tám chuyện hàng xóm sao đó kể hết trơn vì bà ham tập nói tiếng Mỹ. Hàng xóm report chuyện cô không cho con đi học. Theo sau đó là hàng tá rắc rối cô phải giải quyết. Người bạn mang con qua Mỹ, giấy tờ chưa đẩu vào đâu, qua trường hỏi học cho con, họ nhận cái rột. Nghe hết mấy câu chuyện mà chuyện xưa cũng chợt ùa về.

    Người Mỹ họ nhiều chuyện quá xía cả vào chuyện đứa trẻ của gia đình khác hay người mình vốn đã quen với “chuyện đời sống thường tình” rồi nhỉ?

    Ở Việt Nam mình,chúng ta đã quá quen với việc những đứa trẻ dưới vị thành niên phải lao ra đường mưu sanh kiếm cơm. Chúng ta đã quá quen với những lọc lừa khôn lỏi trên đường từ những đứa con nít được đào tạo để mánh lới. Rồi cũng quen cả với những thanh niên mười tám mười chín đủ đầy xài vung tay của cha mẹ trong khi bản thân không tự cúi xuống lụm một đồng tiền cắc rơi sẵn trên đường huống hồ gì tự thân kiếm tiền. Chúng ta đã quá quen với tất thảy để rồi chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Những đứa trẻ không sai. Trong mắt Bee chúng chỉ là nạn nhân.

    Nạn nhân của một thế hệ sau bốn mươi hai năm cha mẹ cúi đầu, khom lưng.

    Đọc thêm bài báo khoe cả làng Kỳ Xuyên thành tỷ phú nhờ xuất khẩu lao động. Tây Ninh có hơn 10,000 cô gái đi lấy chồng Đài Loan. Trẻ em thành phố HCM nô đùa vui vẻ trong nước ngập,…mà đắng cho phận dân Việt, cay cho những ngòi bút nô mấy mươi năm vẫn miệt mài mị chúng dân.

    Còn bao lâu, bao lâu nữa để đàn bà Việt, thanh niên Việt, con nít Việt được như những điều mà thậm chí chính họ còn không biết để mà mong thành.

    Chùm khế quê hương, trưng thì đẹp mà mỗi ngày qua cứ cắn vào là chát chua.

    Lại lẩn quẩn nữa rồi.

    – Ubee Hoang –

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here