‘Chúng tôi không dùng bạo lực đáp trả bạo lực!’

0
149
RFA

Những ngày qua, dư luận hầu như tập trung vào một đoạn video clip được truyền đi trên mạng xã hội về vụ việc một nhóm người hành hung ba người phụ nữ trong khi đang ở trong nhà trọ. Vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất là bạo lực đang dần trở thành công cụ hành xử công khai trong xã hội.

Phẫn nộ

Rất nhiều bàn tán, kể cả những tranh cãi xung quanh sự việc. Rất nhiều lý do được dư luận đặt ra đối với sự việc này.

Nhưng phản ứng được quan tâm nhiều nhất, cũng như là lý do dẫn đến sự phẫn nộ nhiều nhất là nhận xét về một hành động “dùng bạo lực để hành xử với phụ nữ.”

Việc này làm cho cư dân mạng nhắc đến câu chuyện của mẹ con chị Hoàng Mỹ Uyên bị đánh đập khi đi biểu tình ngày 8 tháng 5 năm 2016.

Lý do thứ hai không nằm ngoài cơn bão giận dữ của mọi người, chính vì một trong ba người phụ nữ bị đánh đập rất dã man trong video đó là chị Lê Mỹ Hạnh, nhà hoạt động tích cực cho công cuộc xây dựng dân chủ, bảo vệ môi trường môi sinh, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi chống Formosa. Và một người ra tay hành hung nói rõ đối tượng bị đánh là ‘phản động’.

Thông điệp từ chính quyền

Dương Đại Triều Lâm, một nhà hoạt động, từ Sài Gòn cho biết sự khác biệt của lần này, một video clip được cho là do chính nhóm người đã ra tay hành hung ghi hình lại và đưa lên mạng xã hội, là khởi nguồn từ chính thông điệp của chính quyền đang gửi đến cho các nhà đấu tranh.

Theo nhận định của cá nhân mình, là họ báo đi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ sử dụng bạo lực với những người hoạt động dân sự.
– Dương Đại Triều Lâm

“Theo nhận định của cá nhân mình, là họ báo đi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ sử dụng bạo lực với những người hoạt động dân sự. Chúng tôi sẽ không sử dụng pháp luật để bảo vệ những người này. Chúng tôi sẽ sử dụng bạo lực để đàn áp những cuộc biểu tình.”

Không phải riêng chị Lê Mỹ Hạnh, mà những nhà đấu tranh dân chủ và những người tham gia biểu tình, tuần hành đã rất nhiều lần gặp trường hợp bị côn đồ đánh đập. Sự việc thường xảy ra ngay trong thời gian biểu tình hoặc bất cứ lúc nào ngoài đường phố.

“Việc biểu tình phản đối Formosa, yêu cầu đóng cửa là một việc làm không hề sai trên cả mặt pháp luật, hiến pháp, và cả đạo đức, rồi mặt yêu cầu chính đáng của người dân. Nhưng người ta không thể dẹp được nó bằng cách nào được, bằng cách cho quân đội mang các bộ đồng phục đi đàn áp.

Theo mình đây là một thông điệp. Thông điệp sẵn sàng đàn áp để bịt miệng người dân và những người hoạt động xã hội.”

Trường hợp nhà đấu tranh Đỗ Thanh Vân và Nguyễn Viết Dũng hôm 14 tháng 3 sau khi đi tưởng niệm vụ Thảm sát Gạc Ma ở Hà Nội; vụ chị Nguyễn Hương khi đi làm từ thiện ở Dak Nong, Quảng Trị ngày 22 tháng tư; vụ anh Trương Văn Dũng hôm 30 tháng tư khi quay video người dân giương biểu ngữ phản đối Formosa; vụ anh Nguyễn Peng mới hôm 1 tháng 5 ở Sài Gòn… là những ví dụ.

160711045232_la_viet_dung_640x360_facebooklavietdung_nocredit.jpg
Nhà đấu tranh Lã Việt Dũng từng bị an ninh giả danh côn đồ đánh trong chiếc áo của đội bóng No U. AFP photo

Nguyễn Peng cho biết có lẽ đây là đỉnh điểm của tệ nạn bạo hành, bạo lực ở Việt Nam. Nói về lý do đã xảy ra vụ tấn công với ba người phụ nữ trong video clip vừa qua, anh cho biết:

“Tất cả những bạn trẻ, người đấu tranh dân chủ đã nhân rộng ra quá nhiều, họ không thể nào biết được hay theo dõi nhiều, nên họ dùng hành động đánh phủ đầu. Em cũng từng là một nạn nhân.”

Hồi xưa em có nghe những người đánh lén. Bây giờ họ khẳng định họ đánh, quay clip lại rồi đưa lên mạng, tức là họ phản kháng rất mạnh mẽ với dân đấu tranh, làm cho người đấu tranh hoang mang đi.”

Điều lo lắng Nguyễn Peng nghĩ đến là những người trẻ vừa cất lên tiếng nói sẽ bị hoang mang, chùn bước trước viễn cảnh nhức nhối của con đường họ vừa bước vào.

Công khai bạo lực

Đoạn video clips bạo lực được đưa lên Facebook Phan Hùng có cả những lời khẳng định lý do hành hung chị Lê Mỹ Hạnh và hai người phụ nữ khác: “Màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn! Còn thằng 3 que nào muốn xuyên tạc, kích động, lăng mạ lãnh tụ, bạo loạn lật đổ nữa thì cứ lên tiếng.” (Facebook có tên Phan Hùng)

Theo mình đây là một thông điệp. Thông điệp sẵn sàng đàn áp để bịt miệng người dân và những người hoạt động xã hội.
– Chị Lê Mỹ Hạnh

Không những thế, khi dư luận phản ứng thì người lấy tên Phan Hùng đăng trên Facebook video cảnh đấm đá nạn nhân, trực tiếp đối diện thách thức với dư luận.

Nói về sự ngang nhiên thách thức dư luận của người này, Dương Đại Triều Lâm cho biết anh nghĩ rằng đây là một chiêu thức của nhà cầm quyền, khi không còn cách nào khác để ngăn chặn những lần lên tiếng của người dân. Anh gọi đây là “Dùng bạo lực để dập tắt đấu tranh”

“Theo nhận định của mình, sau hơn 1 năm qua, lực lượng chức năng đã rất mệt mỏi với những cuộc biểu tình với những quy mô khác nhau, lớn nhỏ khác nhau. Từ tập trung ở trung tâm thành phố đến các điểm chơi ở các tỉnh lẻ bên ngoài. Họ rất mệt mỏi với phương pháp biểu tình “hit and run”.

Điều này làm cho chính quyền rất mệt mỏi vì không biết dàn quân ở đâu để ngăn chặn những cuộc biểu tình quy mô nhỏ như vậy. Họ sử dụng bạo lực lần này và giữ lại hình ảnh của hung thủ đưa các clip đó”

Không dùng bạo lực chống trả

Trải qua ít ngày, vụ tấn công thật sự gây sốc cho rất nhiều người. Sự phẫn nộ của cộng đồng mạng xã hội không đề cập đến lý do chính trị hay lý do cá nhân nào khác. Mà thay vào đó, là sự bất bình trước tình trạng bạo lực, bạo hành vô pháp được công khai thực hiện trong xã hội.

000_Hkg9055048-400.jpg
Công an mặc thường phục làm hàng rào ngăn chặn người dân đến tòa án Hà Nội trong ngày xử luật sư Lê Quốc Quân, 2/10/2013. AFP photo

Không thiếu những đề nghị được đưa ra trên mạng xã hội như: “Hãy đến nhà của Phan Hùng xử theo luật giang hồ”, hoặc “Nợ máu phải trả bằng máu”…

Nhưng đối với các nhà hoạt động, họ có suy nghĩ khác.

Trên trang cá nhân của mình, Nguyễn Peng đưa ra lời kêu gọi: “Chúng ta hãy lên tiếng nói không với bạo hành của chính quyền Việt Nam đối với những nhà hoạt động bất đồng chính kiến về XHDS tại Việt Nam”.

Giải thích thêm về ý kiến của mình, anh nói:

“Em nghĩ không nên dùng bạo lực để phản kháng lại. Luật pháp. Việt Nam có một luật pháp nhất định trong khuôn khổ của Việt Nam. Nếu mình cảm thấy không được ở Việt Nam thì mình yêu cầu các toà quốc tế hoặc các bên như Liên Hiệp Quốc can thiệp cho mình chứ mình không nên dùng bạo lực để tấn công bạo lực.”

Peng nói rằng cũng như chiến tranh, thì người lính phía bên nào cũng phải chịu tổn thương và mất mát.

Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cũng thế. Anh không ủng hộ dùng phương cách bạo lực để phản kháng lại bạo lực.

“Nếu chúng ta sử dụng bạo lực để đánh trả bạo lực thì chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy. Chúng ta sẽ đối đầu với thế mạnh nhất của họ là sử dụng bạo lực để đàn áp. Chúng ta phải bắt buộc nhà cầm quyền phải thực hiện các biện pháp bảo vệ pháp luật, khởi tố vụ án, đưa hung thủ ra trước ánh sáng. Công lý phải được thực thi. Phải bảo vệ nạn nhân, quyền chỗ ở, xâm phạm thân thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, những điều đã được pháp luật công nhận.”

Nhấn mạnh thêm, Dương Đại Triều Lâm cho biết người dân hoàn toàn không có lợi nếu dùng bạo lực đáp trả, vì chính quyền có những công cụ đàn áp, có đầy đủ công an, quân đội.

“Còn chúng ta thì ngoài lòng yêu nước và tinh thần mong cho Việt Nam dân chủ thì chúng ta không có những vũ khí để chống lại những cái đó.”

Trên trang cá nhân của mình, Dương Lâm có đưa ra ý kiến tương tự :

Nếu mình cảm thấy không được ở Việt Nam thì mình yêu cầu các toà quốc tế hoặc các bên như Liên Hiệp Quốc can thiệp cho mình chứ mình không nên dùng bạo lực để tấn công bạo lực.
– Nguyễn Peng

– Các tổ chức XHDS ra tuyên bố sẽ kêu gọi tổng biểu tình trên toàn quốc phản đối bạo lực nếu cơ quan chức năng Tp HCM không xử lý vụ việc.

– Nhiều luật sư có uy tín đã lên tiếng và đang thực hiện các bước pháp lý cần thiết để đưa vụ việc ra ánh sáng, thực thi công lý.

– Cộng đồng mạng xã hội tiếp tục bức xúc, căm phẫn và lên án mạnh mẽ sự việc. Đồng thời truy tìm và chia sẽ thông tin về những kẻ gây ra sự việc.

– Báo chí lề dân lập tức vào cuộc ngay sau sự việc xảy ra với đầy đủ các dữ kiện cần thiết cung cấp cho bạn đọc. Báo chí thuộc quản lý nhà nước bắt đầu đưa tin.

Khớp với những lời đề nghị vừa nêu, một ngày sau khi đoạn video clip được truyền đi, người phát ngôn của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng, và truyền thông trong nước cũng chính thức đưa tin.

Cụ thể là mạng Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 5, dẫn lời trung tá Trần Văn Hiếu trưởng công an quận 2, nơi xảy ra vụ hành hung, cho biết đang điều tra làm rõ việc này.

Tin mới nhất cũng do cộng đồng mạng đưa ra vào tối ngày 3 tháng 5, Phan Sơn Hùng, người trực tiếp quay và đăng tải lên trang facebook cá nhân đoạn clip một nhóm người đột nhập nhà riêng, xịt hơi cay và hành hung dã man 3 người phụ nữ tại quận 2 chiều 2/5 đã bị bắt giữ trong đêm 3/5.

Chưa biết người bị bắt giữ sẽ bị kết tội như thế nào và quyền lợi của nạn nhân sẽ được bảo vệ ra sao. Chỉ biết rằng, khi được hỏi về liệu bài học mà tiên sinh Nguyễn Trãi đưa ra trong Bình Ngô Đại Cáo “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo” có còn thích hợp trong xã hội ngày nay hay không? Các bạn trẻ vẫn cho rằng “chí nhân lúc nào cũng thắng bạo lực, bạo tàn”.