Hoang Tran
Trong thời gian gần đây, giới luật sư đã và đang nổi lên phong trào phản đối quy định và tư tưởng buộc luật sư tố cáo thân chủ của Dự thảo Bộ Luật Hình Sự. Truyền thông và người dân cũng đã vào cuộc và đồng hành cùng giới luật sư trong phong trào phản đối này.
Tuy nhiên, tôi mong mọi người và chính bản thân giới luật sư lưu ý rằng chúng ta đang phản đối vì lý do gì?
Đối với tôi, lý do thực sự không phải để bảo vệ quyền lợi của giới luật sư, mà thực chất là để bảo vệ Hiến Pháp Việt Nam.
Như đã nhiều luật sư khác phân tích, nếu Quốc Hội quyết định buộc giới luật sư phải tố cáo những hành vi trong quá khứ của thân chủ, một số nguyên tắc của Hiến Pháp Việt Nam sẽ bị vi phạm. Đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, là quyền có luật sư được bào chữa và quyền có Tòa án xét xử một cách công bằng của con người. Nếu Hiến Pháp không được coi trọng, không chỉ luật sư mà toàn bộ người dân Việt Nam cũng mặc nhiên mất quyền công dân, quyền con người của mình. Bởi lẽ đó, hãy nhớ và hiểu rằng, chúng ta đang phản đối không chỉ dưới tư cách của luật sư, mà còn là dưới tư cách của một công dân đang mong muốn bảo vệ quyền của mọi công dân khác.
Trước đây, khi tôi cùng bạn bè khởi động phong trào loại bỏ Điều 292, chúng tôi không chỉ nghĩ rằng chúng tôi đang bảo vệ cho startup, mà còn là đang bảo vệ cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng chính là những nguyên tắc và lý tưởng gốc rễ để chúng tôi viết, gửi đơn, phát biểu, hay làm việc. Tôi tin rằng lý tưởng to lớn này đã giúp chúng tôi thành công.
Cũng theo Hiến pháp Việt Nam, Quốc Hội có nhiệm vụ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp; và nếu tôi nhớ không nhầm, bà Chủ tịch Quốc Hội cũng đã thề sẽ bảo vệ Hiến Pháp khi lên nhận chức. Do đó, tôi chợt nghĩ rằng, để có thể thành công, phong trào phản đối phải chăng nên biến đổi thành phong trào yêu cầu Quốc Hội và Chủ tịch Quốc Hội bảo vệ Hiến Pháp ???