Chế độ hay lãnh tụ?

    0
    157

    3 Tháng 9 2015 lúc 20:59

    Caubay

    Mới đây trong nước lại rộ lên chuyện xây tượng ông Hồ tốn cả nghìn tỷ. Ngoài yếu tố tạo công trình để đục khoét, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam xem ra vẫn còn sử dụng ông Hồ như  một pháo đài cố thủ. Sở dĩ như vậy cũng vì còn không ít người có óc sùng bái lãnh tụ. Trên thực tế, các nước càng sùng bái lãnh tụ thì càng độc tài, càng tụt hậu. Bài viết này của tôi đã cũ nêu lên vấn đề này và thấy đăng lại cũng còn hợp.

    Xin nói thêm, trong bài có viện dẫn một bài của của ông Đào Hiếu viết về quan điểm “chọn lãnh tụ” từng đăng trên Talawas. Không biết từ đó đến nay, với nhiều thông tin mới về ông Hồ, ông Giáp, về vai trò của Tàu cộng trong trận Điện Biên Phủ…có làm ông Đào Hiếu thay đổi cái nhìn không; nhưng đó không phải là điều tôi quan tâm. Điểm tôi mong gởi đến các bạn là chúng ta cần gì cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn, chế độ tốt đẹp hay lãnh tụ vĩ đại?

    ********************************************

    Làng tôi ngày xưa có ông Ba Nầy đi theo du kích. Lý do ông trốn lên rừng để theo Việt cộng nghe nói chỉ vì ông hận ông anh ruột là Hai Kia đã ỷ thế lấn hàng rào trong mảnh vườn của cha mẹ hai ông để lại. Ông Hai Kia là ủy viên an ninh xã, thế là ông Ba Nầy bèn theo du kích. Lại cũng có ông Chín Cu nhảy núi bởi vì một lý do rất đơn giản là đi du kích thì được ở gần nhà; đi lính cộng hòa nghe nói dễ bị đưa vô tận trong Nam xa lắc. Trong thời kỳ chiến tranh Nam Bắc vừa rồi, người dân, nhất là dân quê các vùng xôi đậu, không thể đứng trung lập; họ thường phải đứng hẳn về một bên. Người dân quê theo Việt cộng lắm khi chỉ vì những lý do đơn giản thế đó! Họ không biết gì về chủ nghĩa xã hội, xã hội đại đồng, tư tưởng ông Mác ông Mao. Ông Hồ họ cũng chỉ biết rất mơ hồ, nghe cán bộ nói là bác Hồ là cha già dân tộc, thương dân lắm. Thế thôi, còn thương dân như thế nào họ cũng không biết. Có nhận được tình thương cụ thể nào từ bác đâu mà biết!

    Tôi cũng biết một người bạn học tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Anh ta là sinh viên từ miền Trung; cha anh đi tập kết khi anh chưa ra đời. Anh được hoãn dịch gia cảnh vì khai con một, có cha chết. Bạn bè biết mà chẳng có đứa nào màng quan tâm. Có lẽ cha anh theo lịnh của tổ chức vội vã cưới vợ rồi …cắm cho cái bầu trước khi ra đi. Trong thời gian học tại Sài Gòn, cũng như nhiều sinh viên trọ học khác, anh bị mấy ông cảnh sát, nhân dân tự vệ trong phường sách nhiễu. Anh ta căm hận và khinh ghét chính quyền miền Nam lắm. Anh bảo rằng đây là một chính quyền thối nát, tay sai. Quân đội thì có “thằng” Quang, chính quyền thì có “thằng” Khiêm làm cho CIA, lại còn ông tướng như Quế tướng công dùng quân xa buôn quế lậu mà vẫn được thăng chức đều đều. Phu nhân thì bà này bà nọ buôn lậu gạo, thuốc tây tiếp tế cho Việt cộng. Tất cả tin tức loại này đầy dẫy trên báo chí miền Nam. Mùa hè năm 1973 anh thi hỏng rồi biến mất, có đứa nói anh vô bưng. Anh vẫn ấp ủ hình ảnh người cha trong tim; người cha mà nay có lẽ đã có một gia đình khác và cũng quên mất là mình có giọt máu rơi lại ở miền Nam.

    Tôi cũng có ông chú họ, là giáo sư Pháp văn, đảng viên kỳ cựu của Việt Quốc, trước năm 75 là dân biểu của miền Nam. Dù là dân biểu, ông ghét tổng thống Thiệu lắm. Những lần ông đến thăm cha tôi, tôi pha trà và vẫn nghe ông nói “thằng” Thiệu thế nầy thế kia. Tất nhiên ông thuộc cánh đối lập trong Hạ Nghị Viện. Ông ghét “Thiệu” đến độ ông sẵn sàng đứng vào Thành phần Thứ ba và tìm mọi cách để lật “Thiệu.” Những ngày cận 30 tháng 4 năm 1975 ông thuộc nhóm Dương Văn Minh đón tiếp Mặt trận Giải Phóng vào tiếp quản Dinh Độc lập. Sau đó ông đi tù, khi được thả về thì sắp chết.

    Đó là những người tôi trực tiếp biết. Họ theo cộng sản hay chống lại chính quyền miền Nam vì những lý do đơn giản đến thiển cận và rất cá nhân.

    Cũng có những trường hợp mà tôi cho là tương tự khi đọc về họ sau này. Thí dụ như trường hợp nhà văn Đào Hiếu. (Xin mở ngoặc, với những người đã từng theo cộng sản, tôi trân trọng sự can đảm bất chấp bạo quyền hay vượt qua bản thân mình để nói lên sự thật về của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại. Từ các cựu cán bộ cao cấp miền Bắc như ông Bùi Tín cho đến chị dân oan từng theo du kích ngày xưa ở miền Nam, tôi đều trân trọng như nhau. Với Đào Hiếu, khi đọc những gì ông viết gần đây, tôi cho ông là một người dám sống thực với lòng mình. Điều đó không nhứt thiết là tôi đồng quan điểm với những gì họ đã nghĩ, đã làm hay đã viết.)

    Trong bài “Những “Lã Bất Vi” thời đại mới” của Đào Hiếu đọc được trên Talawas có đoạn như sau:

    Trong thời đại ngày nay, thật khó mà nhìn ra bộ mặt thật của bất cứ một vấn đề nào vì nó bị giấu kỹ trong nhiều lớp vỏ bọc ngụy trang tinh xảo. Nhưng thời đó, chuyện đúng hay sai của sự dấn thân rõ ràng quá. Vì kẻ thù đã chường mặt ra cùng với bom đạn, máy bay, xe tăng, đại bác…

    Những người có tấm lòng không thể không tìm kiếm một chọn lựa.

    Nhưng chọn lựa ai?

    Ngô Đình Diệm? Ông vốn là quan Thượng thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại, sau đó sang Mỹ núp bóng Hồng y Spellman rồi được Mỹ đưa về thay Bảo Đại. Ông ta có công lao gì với đất nước?

    Những vị anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám bị giặc Pháp bêu đầu giữa chợ, Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành Hà Nội… còn Ngô Đình Diệm, ông ta đã đổ giọt mồ hôi nào cho cái đất nước này?

    Thế còn Big Minh, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ? Họ là sĩ quan của Pháp, nói tiếng Pháp, cầm cây súng Pháp và… ăn lương của Pháp.

    Làm sao những chàng trai đầy nhiệt huyết của thế hệ anh và tôi có thể chọn lựa họ, đi theo ngọn cờ của họ?

    Ngày nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã tự hủy hoại “thanh danh” của mình bằng sự độc tài và lòng tham vô độ, đã phô bày lộ liễu cả một guồng máy tham nhũng xù xì, lông lá…

    Nhưng cái thời ấy, những trí thức trẻ như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Trần Bội Cơ, Hồ Hảo Hớn, Dương Thị Xuân Quý… và cả những người như anh như tôi đã đi theo cụ Hồ, cụ Giáp, những người hùng đã làm nên một chiến thắng Điện Biên rực rỡ mà không ai, kể cả kẻ thù, có thể phủ nhận được.

    Những thần tượng đó về sau này có thể có nhiều sai lầm thậm chí rất nghiêm trọng, nhưng ở thời điểm lịch sử đó họ vẫn là những gương mặt sáng giá bên cạnh một Ngô Đình Diệm, một Khánh, một Thiệu, một Kỳ… kém cỏi, cũ kỹ, xám xịt, lu mờ.”

    Hết trích. (https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13427&rb=0401)

    Tuy không có ý tranh luận, tôi cũng xin nán lại để nói về một số điểm trong đoạn văn trên của ông Đào Hiếu, chỉ nhằm chia xẻ suy nghĩ của mình với bạn đọc.

    Thứ nhất, bộ mặt thật của chế độ cộng sản cũng đã phơi bày từ lâu. Ít nhất từ thời Stalin những năm 30, thời cải cách ruộng đất bên Tàu và ở miền Bắc Việt Nam những năm 50 hay thời Cách mạng Văn hóa những năm 60 bên Tàu. Tất cả những sự kiện đó người có học, có quan tâm đến thời sự ở miền Nam đều biết cả. Cái “rõ ràng” để ông Đào Hiếu chọn lựa vào lúc đó là điều đến nay tôi vẫn không… rõ, bởi vì ông là người có học, không giống mấy người dân quê tôi nhắc tới trên kia.

    Cố  vấn TàuCố vấn Tàu

    Về chuyện ngoại bang, kẻ chường mặt ra với súng đạn kè kè mà mọi người đều thấy là Mỹ. Nhưng cũng là ngoại bang với rất nhiều súng đạn là Nga và Tàu thì lẽ nào một người trí thức không thấy? Đám ngoại bang này vẫn có mặt trên đất nước ta đấy chứ. Chỉ khác là chúng không “chường mặt” ra để đóng góp xương máu mà chễm chệ ở hậu trường điều khiển mọi công việc của “ta”. Chúng tiếp tế vũ khí để đổi lại các quyền lợi khác như lãnh thổ hay vây cánh. Kẻ nào thâm độc hơn? Sự sùng bái ngoại bang cũng rất dễ so sánh vì cứ nghe trên đài phát thanh hay đọc trên báo chí của hai miền thì rõ. Lẽ nào kinh nhật tụng “tinh thần quốc tế vô sản”, “tình hữu nghị anh em” ở miền Bắc lại là tấm ngụy trang tinh xảo hơn “thế giới tự do” tại miền Nam?

    Về những điểm ông Đào Hiếu chê ông Diệm, theo tôi, nếu thay chữ Diệm bằng chữ Hồ, chữ Mỹ bằng chữ Nga Tàu, vài tên riêng người này bằng tên người nọ, thì cũng có lý cả. Trong thế nước yếu, bị đô hộ bởi thực dân Pháp, để giành độc lập khó mà không liên kết với ngoại bang. Ông Hồ hay ông Diệm thì vẫn không một mình đứng vững được, vấn đề là dựa vào ngoại bang để xây dựng cái gì. Cái chế độ mà phe ông Hồ đòi hy sinh cho đến người Việt cuối cùng để đạt được là điều nên xa lánh. Lại một lần nữa, đó không phải là điều đến hôm nay mới biết.

    Còn chuyện “Ngày nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã tự hủy hoại “thanh danh” của mình bằng sự độc tài và lòng tham vô độ…” thì tôi cho rằng ông Đào Hiếu vẫn còn nhầm lẫn về một quá khứ. Theo tôi, ngày nay chính quyền cộng sản đã để rơi mặt nạ, bởi những “thanh danh” mà họ có chỉ là nhờ vào sự lừa bịp, còn bản chất của họ trước sau như một và đã có từ trước khi du nhập vào Việt Nam kia.

    Về cái nhìn đối với những người lãnh đạo miền Nam, không riêng gì ông Đào Hiếu, rất nhiều người, trong đó có tôi, cũng không ưa, nói gì đến phục. Tỷ dụ tôi khinh rẻ sự tranh chấp giữa các ông Thiệu, Kỳ. Tôi muốn mửa khi nghe nói ông thủ tướng Khiêm làm cho CIA. Xin tha lỗi nếu điều này không thực; tuy vậy tôi cho rằng một người có liêm sỉ không nên nhận chức trong chính quyền, nói gì đến chức thủ tướng, chủ tịch, nếu mình là gián điệp của ngoại bang.

    Khi viết: “Những thần tượng đó về sau này có thể có nhiều sai lầm thậm chí rất nghiêm trọng, nhưng ở thời điểm lịch sử đó họ vẫn là những gương mặt sáng giá bên cạnh một Ngô Đình Diệm, một Khánh, một Thiệu, một Kỳ..…”  ông Đào Hiếu có lẽ đã quên mốc thời gian. Việc sai lầm của ông Hồ, nếu có, đã xảy từ khi ông Đào Hiếu mới ra đời hay còn mặc quần thủng đít. Thời điểm Đào Hiếu hướng về thần tượng sáng giá (khoảng giữa tới cuối thập niên 60), thần tượng ấy đã không còn khả năng để phạm sai lầm nữa! Cái hào quang mà ông thấy chỉ là sự giả tạo; tiếc thay nhiều người lại lầm tưởng là một sự thực “rõ ràng”. Ngày nay khi con người đích thực của ông Hồ đã dần dần bị phơi bày thì mọi việc đã muộn màng.Về điểm này cộng sản đã thành công trong kỹ xảo tuyên truyền của họ.

    Sai lầm đã có từ lâuSai lầm đã có từ lâu

    Khi chỉ xét thành phần xuất thân để khẳng định tư cách và hành động của một người thì dễ mắc bịnh lý lịch. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí nhân tài và bít lối về của những kẻ lạc đường! Tuy vậy thực tế cho thấy có nhiều lãnh đạo của miền Bắc xuất thân từ giai cấp phong kiến, địa chủ, đảng viên các đảng phái quốc gia hay từng làm công chức cho Pháp. Cũng như thế, rất nhiều người trong chính quyền miền Nam là những chiến sĩ cách mạng chống thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh giao thời của đất nước ta lúc đó, quả khó tìm được một “bộ sậu” có lý lịch hoàn toàn trong sáng, nói theo kiểu cộng sản.

    Thiết nghĩ để đánh giá một người chúng ta không cần câu nệ lý lịch cho lắm mà nên nhìn vào công việc họ đang làm. Vì vậy cái chúng ta cần nhìn cho rõ ràng là kẻ cầm quyền ở hai miền đang nhắm xây dựng cái gì, họ có mưu đồ gì. Với kẻ cầm quyền miền Bắc, câu trả lời khá dễ, họ công khai khẳng định ý muốn xây dựng chế độ cộng sản toàn trị theo gương Nga hoặc Tàu. Do vậy, tôi nghĩ rằng chế độ miền Nam tốt hơn, vì nó cho người dân có cơ hội đóng góp xây dựng một xã hội theo ý dân. Điều đó nay đã được kiểm chứng bằng thực tế.

    Nay xin bỏ qua những con người cá biệt để nói về cái chung.

    Đối với đồng bào trong nước, do xảo thuật tuyên truyền đánh bóng lãnh tụ để làm cái phao duy trì chế độ độc tài, chúng ta cần sáng suốt để phân biệt giả chân. Xin đặt câu hỏi là ta chọn lãnh tụ hay chọn chế độ. Tất nhiên lãnh tụ anh minh là một yếu tố góp phần cho một chế độ tốt. Nhưng chẳng may nếu không có lãnh tụ tốt thì cái ta cần là cái nền tảng của chế độ. Hai chế độ xã hội dân chủ và cộng sản hoàn toàn khác biệt. Trong xã hội dân chủ chúng ta có phương tiện (như lá phiếu) để hoàn thiện và có cơ may tìm ra lãnh tụ xứng đáng để đưa đất nước đi lên. Với chế độ cộng sản, việc đó là không thể. Hãy xem các chế độ cộng sản còn sót lại hiện nay trên thế giới. Với Việt Nam hiện tại, điều 4 Hiến pháp là một bằng chứng phản động rõ ràng nhất.

    Đối với người Việt hải ngoại tôi cho là chúng ta cần ôn cố tri tân. Theo cái nhìn của tôi, thời gian đã làm nhiều người ở hải ngoại đã quên đi bài học cũ. Lắm khi vì những bất đồng với một số cá nhân trong cộng đồng, vì thất bại hay bất mãn với đời sống hiện tại, hoặc bị miếng mồi hấp dẫn của cộng sản mà vô tình hay hữu ý đã tiếp tay hổ trợ cho cái chính quyền bất nhân trong nước. Tôi nghĩ rằng ngày nay không ai có thể ưa cộng sản, kể cả những kẻ cơ hội, vô liêm. Nhưng có một số người, hoặc có đặc quyền đặc lợi, hoặc tác hại do cộng sản gây ra không trực tiếp ảnh hưởng tới họ và bởi vì nhìn từ xa, họ dễ mơ màng nghe theo lời đường mật của cộng sản. Họ, vì thế, lại dẫm lên vết xe đổ năm xưa. Bài học xưa vẫn hữu ích, nhất là khi con tắc kè bịp bợm xưa kia vẫn còn tồn tại, vẫn thay da theo mùa. Nói theo Đào Hiếu, nó vẫn được “giấu kỹ trong nhiều lớp vỏ bọc ngụy trang tinh xảo.”

    Thiếu tá Hồ QuangThiếu tá Hồ Quang

    Tóm lại, điều chúng ta cần là xác định mục tiêu đúng đắn cho cả dân tộc hướng tới mà không vướng bận bất kỳ tình cảm của cá nhân hay đảng phái nào. Mục tiêu đó là một chế độ dân chủ đa nguyên. Muốn như vậy điều tiên quyết là thủ tiêu chế độ cộng sản. “Chế độ cộng sản phải dẹp bỏ mà không thể thay đổi.” Boris Yeltsin đã từng nói ra điều này từ sự hiểu biết về cộng sản của ông ta. Kinh nghiệm về cộng sản, người Việt chúng ta có lẽ không thua ai! Chúng ta chủ trương thủ tiêu chế độ cộng sản chỉ vì nó phản dấn chủ, phản tiến hóa, không vì nó là di sản của bất cứ ai. Ai đó dù có yêu ông Hồ hay ghét ông Thiệu đến mấy cũng không nên góp phần duy trì nó.

    SD 4/06/09

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here