Bài 4. NHỮNG AI CÓ THỂ COI LÀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI TRONG VỤ ÔNG QUYẾT BÁN CHUI 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN FLC?

0
19
NHỮNG AI CÓ THỂ COI LÀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI TRONG VỤ ÔNG QUYẾT BÁN CHUI 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN FLC?

LS Trần Vũ Hải

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ban hành ngày 16/11/2020, khi các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp muốn bán cổ phần phải đăng ký với UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc. Tức nếu ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC bán cổ phiếu FLC đúng luật vào ngày 10/01/2022 (thứ 2), ông Quyết phải công bố dự kiên giao dịch bán cổ phiếu FLC trước đó 3 ngày làm việc tức trước giờ giao dịch ngày 05/01 ( thứ 4), theo thông lệ phải công bố dự kiến giao dịch trong giờ hành chính ngày thứ 3 (tức ngày 04/01). 

Ông Quyết không công bố giao dịch vào ngày thứ 3 thì những người đã giao dịch mua cổ phiếu FLC vào ngày thứ 4,5,6 (tức ngày 5,6,7/01) được coi là bị ảnh hưởng bất lợi vì hành vi không công bố này của ông Quyết, ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng khi ông Quyết dự kiến bán 175 triệu cổ phần chiếm đến 25% tổng số cổ phần của FLC. Tuy nhiên, những người mua cổ phiếu FLC vào ngày 05, 06/01 có bị thiệt hại hay không do lỗi của ông Quyết không công bố thông tin giao dịch là vấn đề cần chứng minh, vì cổ phiếu họ mua theo nguyên tắc T+3 sẽ về vào các ngày 10, 11/01. Trong 2 ngày đó, họ có quyền giao dịch bán, nhưng họ không bán là do ý chí của họ chứ không phải lỗi của ông Quyết, nếu họ bán thời điểm đó họ sẽ không bị lỗ (thiệt hại), mà có thể có lãi, đặc biệt vào ngày 11/01/2022 (sau khi có thông tin ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC), khi có giao dịch lên đến 155 triệu cổ phần, có nhiều mức giá mua trên mức giá đóng cửa các ngày 05, 06/01. 

NHỮNG AI CÓ THỂ COI LÀ NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI TRONG VỤ ÔNG QUYẾT BÁN CHUI 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN FLC?

Như vậy chỉ còn những người mua cổ phiếu FLC vào ngày 07/01 và ngày 10/01/2022 mới bị coi là bị ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng do lỗi của ông Quyết vi phạm pháp luật vì không công bố thông tin giao dịch.

Ngày 07/01/2022 có khoảng 31,7 triệu cổ phần FLC và ngày 10/01/2022 khoảng 135 triệu cổ phần FLC được giao dịch. Do SGDCK Tp. HCM đã hủy việc bán 74,8 triệu cổ phần của ông Quyết nên chỉ còn các nhà đầu tư mua tổng cộng khoảng 90 triệu cổ phần FLC (không mua từ ông Quyết nên không được hoàn tiền) bị ảnh hưởng. Còn các nhà đầu tư mua tổng cộng 155 triệu cổ phần FLC vào ngày 11/01/2022 không bị coi là ảnh hưởng do lỗi vi phạm của ông Quyết vì họ đã quyết định theo ý chí của mình kể cả sau khi biết thông tin ông Quyết bán chui và vi phạm về công bố giao dịch.

Trong các ngày giao dịch 12,13 và 14/01, “trắng bên mua”, hầu hết các nhà đầu tư không thể bán được cổ phiếu FLC, giá cổ phiếu FLC đã giảm xuống 16.100 đồng, giảm từ 33% đến 28% so với giá mà các nhà đầu tư mua ngày 07 và 10/01/2022, cũng là thiệt hại của những nhà đầu tư này, có thể quy kết là do lỗi trực tiếp của ông Quyết vi phạm pháp luật. Theo nhận định của cá nhân tôi, các nhà đầu tư này có quyền yêu cầu và kiện buộc ông Quyết phải có trách nhiệm bù đắp những thiệt hại này.

Tất nhiên những nhà đầu tư khác của FLC (không mua cổ phiếu FLC vào các ngày 07 và 10/01/2022) cũng có quyền cho rằng mình bị thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật của ông Quyết (dẫn đến giá cổ phiếu FLC giảm sụt nghiêm trọng), và có quyền yêu cầu và kiện buộc ông Quyết phải có trách nhiệm trong việc này. 

Như tôi đã nêu trong bài 1 của loạt bài về ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC, mặc dù đến nay chưa thấy có vụ kiện tương tự nào ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã có nhiều vụ kiện đã được xét xử theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần để thị trường chứng khoán Việt Nam được minh bạch, theo đúng thông lệ quốc tế.

Người đại diện và bảo vệ chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ . Trần Vũ Hải (Địa chỉ liên hệ để nhận các yêu cầu: Email: baovenhole@protonmail.com)