BÀI 3. CÓ CĂN CỨ CHO VIỆC HỦY BỎ GIAO DỊCH 74,8 TRIỆU CỔ PHẦN FLC VÀ PHONG TỎA TÀI KHOẢN CHỨNG KHOÁN CỦA ÔNG QUYẾT! UBCKNN SẼ CÓ ĐỘNG THÁI GÌ ĐỂ XỬ LÝ ÔNG QUYẾT VÀ BẢO VỆ CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

0
38
Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC

LS Trần Vũ Hải 

Ngày 10/01/2022, UBCKNN đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và ngày 11/01/2022 SGDCK Tp.HCM đã thông báo thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phần FLC ngày 10/01/2022 của Ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, không thấy trên trang web của SGDCK Tp. HCM và UBCKNN thông tin căn cứ pháp lý nào của Luật chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan để áp dụng các biện pháp nêu trên. Vì vậy, trong bài số 2 của loạt bài này tôi đã đề nghị 2 cơ quan trên công bố về những căn cứ pháp lý, nhưng đến nay chưa thấy họ công bố.

Sau khi tự tìm hiểu, tôi được biết như sau: 

1. Theo nội dung Quyết định số 19/QD-UBCK ngày 10/01/2022 (mà có một bạn đã gửi cho tôi nội dung này), có căn cứ Khoản 4, Điều 306 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định. Cụ thể Điều khoản này quy định như sau:

“Điều 306. Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

4. Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.”

Và theo Điều 308 của Nghị định trên, thẩm quyền ban hành quyết định phong tỏa thuộc quyền của UBCKNN.

Quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết là có căn cứ pháp lý.

Như vậy, Quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết là có căn cứ pháp lý.

2. Theo Khoản 2, Điều 22 Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 về Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 30/06/2021 quy định:

“Điều 22. Xác lập và hủy bỏ giao dịch

2. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.”

Ông Trịnh Văn Quyết là nhà đầu tư có giao dịch chứng khoán trên sàn chứng khoán Tp. HCM, nên phải chấp nhận tuân theo Quy chế giao dịch (luật chơi) của sàn này và do đó việc áp dụng Điều 22.2 của Quy chế giao dịch chứng khoán tại SGDCK Tp. HCM để hủy bỏ giao dịch đối với trường hợp ông bán chui 74,8 triệu cổ phần FLC là có cơ sở pháp lý.

Hiện UBCKNN đang chờ đợi ông Quyết đến ký biên bản vi phạm. Chúng ta đợi xem UBCKNN:

(i) Sẽ xử lý ông Quyết theo thẩm quyền của UBCKNN như thế nào?

(ii) Có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự ông Quyết theo như ý kiến của một số chuyên gia và đông đảo các nhà đầu tư hay không vì ông Quyết đã tái phạm, lần này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán và thiệt hại không kể xiết cho các nhà đầu tư?

(iii) Có ý kiến, biện pháp như thế nào để bảo vệ đối với những người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của ông Trịnh Văn Quyết, ngoài những người được hoàn tiền do hủy giao dịch?