Ba anh em

1
40
   

Tạ Duy Anh

14-8-2024

Là Thắng Hói, tức Bùi Minh Thắng, hồi ở quân ngũ gọi “Thắng to”, để phân biệt với chú em Phí Thắng, gọi “Thắng nhỏ” và tôi.

Phí Thắng ít tuổi nhất. Nhờ chữ đẹp, tính tình cẩn thận, nên Phí Thắng sớm được chọn về làm Quân lực tiểu đoàn. Ngoài mỗi tháng 2 lần báo cáo tình trạng biến động quân số (ốm đi viện, chết, đảo ngũ, bổ sung tân binh, ra quân…), nhân viên quân lực phải giúp tiểu đoàn trưởng làm kế hoạch tác chiến, viết trên tờ giấy khổ lớn treo trong phòng chỉ huy.

Nói chung đó là công việc hoàn toàn hình thức, vô bổ, nhưng không được thiếu. Không phải ai cũng viết đẹp được trên giấy khổ to, bằng chữ kích thước lớn. Vì thế, những người có khả năng ấy thường rất có giá dưới mắt chỉ huy.

Phí Thắng làm quân lực một thời gian thì sang làm chính trị, chuyên lo kết nạp đảng viên mới, quản lý danh sách đảng viên của tiểu đoàn, hàng tháng báo cáo tình hình biến động đảng viên.

Trong hồi ký “Dưới bàn tay vô hình“, tôi có nhắc nhiều đến Phí Thắng, trong đó có chuyện tôi tuy không đảng viên, đã kết nạp cho đảng hơn chục chú. Chả là khi ấy tôi đã là nhân viên quân lực, do Phí Thắng đi công tác nên tôi phải làm “công tác đảng” giúp cậu ta đúng một tháng. Lại là tháng cuối năm, phải hoàn thành gấp chỉ tiêu về đảng viên mới. Nhiều người không tin nhưng tôi chưa bao giờ bịa bất cứ chuyện gì khi đưa vào hồi ký. Đời vui đáo để.

Nhưng đấy là chuyện của mãi mấy tháng sau.

“Thắng to” học tài chính, có chuyên môn, nên sau thời gian ở đơn vị, ăn mấy cú tát, đá hoa mắt, vẹo xương của chỉ huy, cuối cùng cũng được về tiểu đoàn làm nhân viên tài vụ, giữ két tiền và quản lý mọi thu chi.

Khi đó, do bằng tuổi tiểu đoàn trưởng nên tôi được ông ưu ái cho làm anh nuôi. Bếp tiểu đoàn bộ có 3 anh nuôi, tôi đứng chân phụ, học việc, nấu cho khoảng 100, đến 130 người ăn, tùy thời điểm. Anh em gọi tôi là Tạ Nhọ, bác Nhọ, lão Nhọ đít…

Khi tôi làm đầu bếp, dù là nuôi lính tuyến một sẵn sàng chiến đấu, nhưng nhiều hôm chỉ nấu một chảo cơm rồi rang 2 đến 3 kg muối, là xong việc (Rất nhiều người sẽ không tin!). Chờ đến giờ chia cơm ra xoong theo mâm sáu, còn muối rang lính cần bao nhiêu tự lấy. Nhiều nhóm tự cải thiện bằng canh rau rừng nấu muối, đủ loại. Khi nào có thịt muối, cá đông lạnh, hoặc đơn vị thịt lợn, thì vất vả hơn một chút nhưng vui như tết.

Cuối cùng, vì khiến lợn của chỉ huy gần chết đói do tôi kiên quyết chỉ chia cơm cho người, lại bị một vài anh em sĩ quan gây sức ép về cách đối xử và trọng dụng trí thức, tiểu đoàn trưởng đành đưa tôi lên làm quân lực, cũng đúng lúc ông ta cần thay cậu Hạnh tuy chữ đẹp nhưng quá “thật thà”, nhiều lần chỉ huy bị bẽ mặt với cấp trên.

Ba anh em cùng từ Thủy điện Hòa Bình vào lính, từ nay cùng về bộ phận Tham mưu (tham ăn và âm mưu!), lính cậu, đều thuộc loại “cao tuổi” nên thương nhau như anh em. Phí Thắng kết nạp đảng rất sớm, chuyển chính thức ngay trong thời gian ở quân ngũ (với thời gian 3 năm, hồi chúng tôi chưa đến 3 năm, rất ít người kịp chuyển đảng chính thức). Vì thế cậu rất “đỏ” khi ăn nói, ứng xử, thể hiện thái độ, lập trường, đặc biệt gương mẫu trong mọi công việc. Thắng to kết nạp đảng khi gần ra quân, nhưng nhờ “có tí chính trị” mà cũng làm một chức quan nhỏ, đủ để có tí bổng lộc. Tôi thì vào ra vẫn nguyên “bạch vệ”.

Ra quân, Phí Thắng và tôi trở lại Hòa Bình, về cơ quan cũ, còn Thắng to quyết bám trụ Hà Nội. Năm 1988, cả Phí Thắng và tôi, do đã đi lính, được ưu tiên xét tuyển đi làm công nhân tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Phí Thắng đi, còn tôi từ chối. Tôi muốn chờ năm sau về học khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du, dù không mấy hy vọng mình trúng tuyển.

Phí Thắng sang Đức làm thợ xây. Được khoảng một năm thì đồng chí đảng viên gương mẫu và hồng nhất tiểu đoàn nhảy tót sang Tây Đức. Từ Tây Đức, Phí Thắng viết cho tôi: “Anh em mình bị lừa lâu quá anh ạ. So với Tây Đức, thì ‘Thiên đường của CNXH’ còn thua xa cả địa ngục. Em vứt luôn thẻ đảng vào sọt rác rồi“.

May cho Phí Thắng là thời gian ngắn sau thì bức tường Berlin sụp đổ, Việt Nam cũng bắt đầu Đổi mới, tư duy thoáng hơn với những người “vượt biên”, vì thế chả ai truy bức cậu nữa. Và cậu em út của chúng tôi nhanh chóng trở thành công dân Đức danh giá.

Còn hai ông anh ở lại một lòng cùng đảng kiên định con đường đi lên CNXH, cho dù phải mất một vạn năm cũng không nản, mặc kệ cả phe sụp đổ như tuyết lở, mặc kệ bọn Đông Âu của ông Trần Quốc Quân thịnh vượng nhanh chóng sau khi thoát ách nô lệ Xô-viết.

Sau gần 40 năm xa cách, hôm nay “Thắng to” mà “Thắng nhỏ” từng muốn gả chị gái cho để được làm em vợ (Phí Thắng có bà chị gái khá xinh, bằng tuổi Bùi MinhThắng), cuối cùng họ cũng đã gặp lại nhau tại Muchen cách đây mấy phút, nơi Phí Thắng gắn bó từ khi liều mình trèo qua bức tường chết chóc.

Ảnh chụp ba anh em: Thắng nhỏ (trái), Thắng to (phải) và Tạ Duy Anh (trên)

Thôi thì, dù cuộc đời trôi dạt do bão tố, do đưa đẩy của số phận, cuối cùng vẫn còn sống để gặp nhau là may mắn lắm rồi.

Chúc hai người anh em say tít mù trời đất, để bõ công mong ngóng ngần ấy năm trời. Nhớ mãi thời khốn khổ đến tận cùng mà đẹp đẽ vô cùng.

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Não tenho certeza de onde você está conseguindo suas informações, mas é um bom tópico. Preciso passar algum tempo aprendendo muito mais ou entendendo mais. Obrigado pelas informações magníficas. Eu estava procurando essas informações para minha missão

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here