3 điều cần làm rõ về “chủ nghĩa xã hội” trước khi dán nhãn người khác

0
613

ByVõ Văn Quản16/07/2020

Đóng thuế nhiều? Chủ nghĩa xã hội!

Đất nước có an sinh, phúc lợi tốt? Chủ nghĩa xã hội!

Các quốc gia Bắc Âu? Chủ nghĩa xã hội!

Ngày nay, ta dễ dàng bắt gặp những quy chụp giản tiện trên trong các cuộc thảo luận chính trị. Không biết vô tình hay hữu ý, người ta dần có thói quen gán ghép sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, các chương trình phúc lợi tốt đẹp… là biểu hiện, hoặc là thành quả của chủ nghĩa xã hội. Sự ngộ nhận này có cả ở người Việt Nam lẫn các anh “Tây lông” xa xôi; ở cả thường dân lẫn các chính trị gia trên thế giới.

Vậy cách sử dụng này có chính xác hay không? Sau đây là ba điều cần làm rõ về chủ nghĩa xã hội trước khi có bất kỳ một cuộc thảo luận có ý nghĩa nào.

Vấn đề thứ nhất: Chủ nghĩa xã hội có nhiều trường phái

Chủ nghĩa xã hội, trước tiên, là một học thuyết chính trị không do Marx tự tạo ra.

Hiển nhiên nhiều bạn đọc đã biết điều này. Song cũng cần thiết nhắc lại rằng các học thuyết về chủ nghĩa xã hội đã tồn tại và được hoàn thiện trước khi Marx, và kế đến là Lenin, sử dụng nó để giải thích cho chính thể nhà nước cộng sản mà họ theo đuổi.

Một trong những tác phẩm vừa chi tiết nhưng vừa khái quát nhất về xã hội chủ nghĩa là quyển “Nhà nước xã hội chủ nghĩa” (The Socialist State) của giáo sư E. C. K. Gonner, được xuất bản vào năm 1895 tại London. Gonner nhìn nhận chủ nghĩa xã hội có rất nhiều trường phái. Tuy nhiên, tất cả đều tin tưởng vào một tương lai khá giống nhau: mô hình sản xuất kinh tế do tập thể cùng sở hữu và quản lý sẽ thay thế cho mô hình sản xuất kinh tế do cá nhân sở hữu. 

Triết gia Karl Marx (1818 – 1883). Ảnh: ullstein bild Dtl.

Ngược lại với các nhà xã hội chủ nghĩa truyền thống này, Marx và Engel cho rằng sự hình thành của một tương lai xã hội chủ nghĩa không thể chỉ bằng con đường phát triển bình thường, tự thân của xã hội. Trong Tuyên ngôn Cộng sản (The Communist Manifesto), Marx chỉ trích nặng nề các nhà XHCN truyền thống, cho rằng họ đang mong muốn những điều không tưởng. Ông cho rằng:

Họ muốn có một hình thái kinh tế mới, nhưng lại không muốn làm cách mạng xã hội.

Họ muốn xây dựng công bằng, nhưng lại dựa trên cải cách dần dần nền tảng quan hệ sản xuất tư sản.

Họ muốn có sản xuất kinh tế tập thể, song lại tham tiếc mậu dịch tự do và những thành tựu văn hóa xã hội xưa cũ.

Họ muốn cải cách xã hội, nhưng lại không chịu nhìn thấy sự đối kháng giai cấp “biện chứng” sẵn có, mà dám dùng tài lẻ cá nhân để vẽ nên sự phát triển của xã hội trong tương lai. 

Sự hiềm thù của Marx dành cho các trường phái chủ nghĩa xã hội đi trước để lại hệ quả quan trọng. Sau khi cuộc cách mạng bạo động của đảng Bolshevik tại Nga thành công vào năm 1917, các nhà cộng sản Marxist “thắng trận”, phủ nhận hoàn toàn mọi trường phái và những khái niệm XHCN khác biệt.

Kể từ thời điểm đó, khi người ta nhắc đến XHCN, chúng thường được đánh đồng với XHCN phiên bản Marxist. Theo đó, XHCN là bước đệm từ xã hội tư sản sang xã hội cộng sản. Xã hội chủ nghĩa, trong trường hợp này, là nơi mà nhà nước còn tồn tại, do giai cấp vô sản làm cách mạng mà thành và nắm quyền chuyên chính. Cũng từ đó, nhà nước sẽ là tổ chức kiểm soát mọi tư liệu sản xuất (means of production) và vận hành nền kinh tế thông qua mệnh lệnh hành chính của mình. 

Như vậy, điểm rất quan trọng cần ghi nhớ là bản thân khái niệm XHCN không phải độc quyền của Marx. Khi bạn cho rằng một đặc trưng nhà nước nào đó là XHCN, bạn đang nhắm đến phiên bản Marx hay các phiên bản trước đó? Vì mỗi phiên bản đều có những đặc trưng rất riêng biệt.

Vấn đề thứ hai: Marx không phải người đầu tiên và duy nhất nói về một nhà nước công bằng

Nỗi ám ảnh của gần một thế kỷ thống trị của nhà nước Liên Xô và chủ nghĩa Marx khiến cho người ta dần ngộ nhận rằng mọi chính thể can thiệp sâu vào đời sống dân chúng thì chắc chắn phải là nhà nước XHCN.

Thật ra, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội phiên bản Marx cũng chỉ là một nhánh nhỏ trong chủ nghĩa quân bình (egalitarianism) mà thôi. Các biến thể của chủ nghĩa quân bình thì nhiều vô số kể. 

Ví dụ, trong trường hợp của chủ nghĩa Marx, nền tảng mà các nhà Marxist dựa vào là chủ nghĩa quân bình kinh tế (economic egalitarianism). Trọng điểm của lý thuyết Marxist cho rằng một xã hội công bằng là nơi con người có thể làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (“from each according to his ability, to each according to his needs”). Của cải xã hội được chia ngang bằng bất kể năng lực và đóng góp của mỗi người.

Song ngay từ thế kỷ 17, tiền bối của Marx là triết gia John Locke người Anh đã bắt đầu áp dụng chủ nghĩa quân bình để phát triển học thuyết mà ông gọi là chủ nghĩa quân bình pháp lý (legal egalitarianism). Điểm mấu chốt của học thuyết này là loại bỏ các đặc quyền đặc lợi được pháp điển hóa vào trong hệ thống pháp luật. Mong muốn chung của học thuyết là mọi cá nhân, tổ chức, bất kể màu da, sắc tộc, tài sản, địa vị xã hội… đều phải chịu sự điều chỉnh của một đạo luật chung mà không có ngoại lệ. Đây là cơ sở triết học của hầu hết nhà nước pháp quyền hiện đại ngày nay.

Triết gia người Anh John Locke (1632-1704). Ảnh: LearnLiberty.
Triết gia John Rawls. Ảnh: news.harvard.edu.
Triết gia John Rawls (1921 – 2002). Ảnh: news.harvard.edu.

Hay hậu thế sau này, như triết gia Hoa Kỳ lừng danh John Rawls (1921 – 2002), lại đóng góp vào chủ nghĩa quân bình một nhánh khác là chủ nghĩa quân bình may mắn (luck egalitarianism). Cho rằng việc sinh ra và tồn tại của một con người giống như xổ số, Rawls thừa nhận rằng sắc tộc, giới tính, quốc tịch, năng lực và khả năng trời phú khác của các cá nhân khác nhau sẽ dẫn đến sự khác biệt trong quá trình phân bổ tài sản xã hội. Chủ nghĩa bình quân may mắn, vì vậy, nhắm vào điều chỉnh những bất công xã hội mang tính chất ngẫu nhiên này bằng cách khuyến khích nhà nước hỗ trợ cho những người kém may mắn trong xã hội để họ được bình đẳng về cơ hội phát triển so với những người khác. Với trường phái này, những khác biệt và bất bình đẳng có nguyên nhân từ những lựa chọn lý tính của từng cá nhân là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Khái niệm về bình đẳng cơ hội, hệ thống an sinh xã hội, giáo dục – đào tạo công lập, hay cơ chế thu thuế… nhằm tạo nên lưới an toàn cho mọi cá nhân trong xã hội, trong nhiều trường hợp, có thể được xem là kết quả chính sách trực tiếp từ chủ nghĩa quân bình may mắn của John Rawls.

Như vậy, với luận điểm này, chúng ta cần khẳng định rằng một nhà nước tư sản có hệ thống an sinh xã hội, có cơ chế bảo vệ người yếu thế tốt có thể dựa trên hàng loạt các học thuyết nhánh khác nhau của chủ nghĩa quân bình. Họ không cứ phải học hay bắt chước gì từ mô hình nhà nước XHCN. Và thành quả đạt được của các nhà nước tư bản ngày nay lại càng không phải là thực tế “khách quan” của quá trình tiến hóa từ xã hội tư bản sang xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề thứ ba: Cần phân biệt giữa nhà nước tư bản phúc lợi (capitalist welfare state) và nhà nước xã hội chủ nghĩa (socialist state)

Đến đây, chúng ta trở lại với những ví dụ ở đầu bài. 

Các quốc gia Bắc Âu có thật sự đang tiến lên xã hội chủ nghĩa? Chắc chắn là không.

Một góc phố Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: webbgun/Flickr.
Một góc phố ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: webbgun/Flickr.

Chưa cần phân tích sâu xa, cần khẳng định những nhà nước này không hề được dựng nên từ bất kỳ cuộc cách mạng vô sản nào, và lại càng không được giai cấp vô sản “lãnh đạo”. Như vậy, chúng thiếu vắng hai thành tố bắt buộc để có thể được xem là XHCN kiểu Marxist.

Họ cũng chẳng theo đuổi một mô hình XHCN phi Marxist nào. Kinh tế Bắc Âu, cũng như hầu hết các quốc gia tư bản khác, được xây dựng dựa trên kinh tế tư nhân và nền tảng của “bàn tay vô hình”. Đây là nơi tự thân các cá nhân theo đuổi mục tiêu và lợi ích của bản thân, từ đó làm giàu cho xã hội. Có lẽ không có ai diễn giải vấn đề này đơn giản hơn Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen cách đây vài năm:

“Mô hình nhà nước Bắc Âu là một nhà nước phúc lợi, bảo đảm cho người dân mức độ an sinh xã hội rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng là một nền kinh tế tự do nơi người dân tự chọn con đường và tự theo đuổi các ham muốn kinh tế của bản thân”.

Nói cách khác, mô hình nhà nước Bắc Âu không hề dựa trên việc kiểm soát và quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế Bắc Âu vận hành chủ yếu bằng các chủ thể kinh tế cá thể, tư nhân; đặt trọng tâm vào quyền tự do cá nhân và tự do kinh tế. Như vậy, nó không có điểm tương thích gì với cả chủ nghĩa xã hội Marxist lẫn chủ nghĩa xã hội phi Marxist.

Trong các bảng xếp hạng tự do kinh tế của các think tank như The Heritage FoundationFraser Institute, các nước Bắc Âu như Nauy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Đan Mạch, cùng với các nước có phúc lợi xã hội cao như New Zealand, Úc, Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Hà Lan, Canada đều nằm trong nhóm các nước tự do nhất thế giới.

Bản đồ tự do kinh tế thế giới 2020 của The Heritage Foundation. Điểm càng cao thì càng tự do. Ảnh: Chụp màn hình heritage.org.
Bản đồ tự do kinh tế thế giới 2020 của The Heritage Foundation. Điểm càng cao thì càng tự do. Ảnh: Chụp màn hình heritage.org.

Tương tự, khái niệm đóng thuế cao để hưởng phúc lợi lại càng là một khái niệm xa lạ với chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Xã hội mà chủ nghĩa xã hội hướng tới là xã hội làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu, với mục tiêu nhà nước sẽ là cơ quan đứng ra phân phối bình đẳng của cải và vật chất xã hội. Họ cũng chính là nhà tuyển dụng duy nhất của toàn xã hội. Vì vậy, việc “đánh thuế” là hoàn toàn vô nghĩa và không tồn tại trong mô hình này.

Chỉ trong các nhà nước tư bản, nơi họ thừa nhận rằng năng lực và khả năng tạo ra của cải – vật chất của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, đánh thuế trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực để xây dựng các chương trình phúc lợi chung nhằm giới hạn ở mức thấp nhất sự bất bình đẳng xã hội. 

Như vậy, một nhà nước tư bản phúc lợi sẽ can thiệp vào các dịch vụ xã hội thiết yếu để bảo đảm rằng mọi thành viên trong xã hội đều được bảo vệ khỏi những bất thường của thị trường. Các dịch vụ này trải dài từ chăm sóc trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, bảo hiểm thu nhập bắt buộc cho đến trợ cấp giáo dục và y tế. Tuy nhiên, mô hình nhà nước này vẫn bảo vệ và không hề nhắm đến việc loại trừ hoàn toàn những hiện tượng bất bình đẳng xã hội nhưng “hợp lý” (xuất phát từ năng lực cá nhân, các lựa chọn lý tính của chủ thể kinh tế…). Nói cách khác, họ sẽ nhắm đến giải quyết bất bình đẳng về cơ hội (xuất phát điểm), chứ không cào bằng kết quả đầu ra của mỗi cá nhân trong xã hội.

***

Chủ nghĩa xã hội kiểu Marxist là một nhà nước cách mạng, nơi giai cấp vô sản nắm quyền chuyên chính, và là nơi mà tư liệu sản xuất phải do nhà nước kiểm soát. Nhà nước vừa là nhà tuyển dụng, vừa là nhà sản xuất, vừa là người phân phối của cải, vừa là người quản lý xã hội.

Chủ nghĩa xã hội kiểu Marxist là một tương lai nơi sở hữu và sản xuất tập thể thay thế cho tư lợi và sở hữu cá nhân.

Cả hai tương lai nói trên, đều không phải là tương lai mà phương Tây đang hướng tới.

***

Tóm lại:

  • Chủ nghĩa xã hội có nhiều phân nhánh rất khác nhau. Marx không phải người đầu tiên, cũng không phải người duy nhất đóng góp cho chủ nghĩa xã hội.
  • Chủ nghĩa xã hội kiểu Marxist chỉ là một nhánh của chủ nghĩa quân bình – một trường phái triết học theo đuổi các giá trị bình đẳng. Các xã hội theo đuổi các mục tiêu bình đẳng không nhất thiết phải là chủ nghĩa xã hội.
  • Nhà nước tư bản phúc lợi (kiểu Bắc Âu và nhiều nước phương Tây ngày nay) hoàn toàn khác với nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô và Đông Âu ngày xưa.